Chuyện Hội Nhà văn Việt Nam & Hội thảo

Trả lời thư sinh viên Tran Van Tuan


* Cùng các nhà thơ Phan Hoàng, Trương Gia Hòa, Nguyệt Phạm giao lưu với sinh viên Đại học Đồng Tháp

Sài Gòn, 24-1-2011
Bạn Tuan thân mến
Qua “phản hồi”, bạn đặt vài câu hỏi về Hội thảo ở Đại học Đồng Tháp. Tôi vội về quê nên chưa kịp trả lời. Vào Sài Gòn, lại nhận email của bạn đặt thêm vài câu hỏi xung quanh quan hệ giữa nhà thơ Inrasara và sinh hoạt Hội Nhà văn Việt Nam.
Nay xin gộp chung và trả lời vắn tắt như sau.

1. Hội Nhà văn Việt Nam
Vào Hội.
Làm thơ từ khá sớm – 14 tuổi, mãi 40 tuổi tôi mới gởi bài thơ đăng báo. Sau đó in tập thơ đầu tay: Tháp nắng (1996). Tập thơ đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (lệ của Hội này chỉ xét Giải cho tập thơ in năm trước). Năm sau, tôi in tập thơ song ngữ Việt – Chăm: Sinh nhật cây xương rồng (1997) và được Giải thưởng Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam. Thật lòng mà nhìn nhận, giải sau chỉ là giải phong trào.
Đủ “điều kiện”, nhà thơ Nông Quốc Chấn giới thiệu tôi vào Hội, năm 1998. Khi đó tôi hoàn toàn không biết gì về cơ chế hay hoạt động của Hội Nhà văn cả.
Lọt được vào cửa Hội Nhà văn Việt Nam thì rất khó. Ví dụ, năm 2010: tỉ lệ 1 chọi 21. Riêng Thơ, 315 đơn xin, chỉ 14 đơn qua ải. Ở tỉnh Ninh Thuận, tôi là Hội viên đầu tiên và duy nhất. Duy nhất từ năm 1998 đến nay. Cũng nên biết, vài người viết khá nổi tiếng nhưng từ chối làm đơn tham gia Hội Nhà văn Việt Nam.
Hai tập thơ in là đủ điều kiện nộp đơn vào Hội; đơn này cần hai nhà văn giới thiệu. Dĩ nhiên, cạnh đó, thêm vài yếu tố khác hỗ trợ, như: người viết được Giải thưởng chuyên ngành ở địa phương hay tổ chức khác, tác phẩm có dư luận tốt; ngoài ra nhà thơ còn tiếp cận với Ủy viên Hội đồng để thơ mình đến tay họ, qua đó họ có cơ sở nhận định.

Chức danh
Tôi được bầu làm Phó Ban Văn học Dân tộc của Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kì 2000-2005 & 2006-2010. Nhiệm kì 2010-2015, tôi nhận chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Các chức danh này là do Ban chấp hành đề cử. Tôi là Hội viên, nên làm nhiệm vụ này là đương nhiên.
Thú thật, mãi hôm nay tôi cũng chưa hiểu chức danh này để làm gì. Chỉ biết mỗi năm một lần tôi được đài thọ ra Hà Nội xét kết nạp Hội viên và xét Giải thưởng hàng năm của Hội.
Riêng vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thì, tôi đã xin các bạn văn được miễn.

Giải thưởng
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thì cực khó. Bởi nhiều nguyên do khác nhau.
4 năm liên tục, từ 2007 đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam bỏ trống Giải thơ, thì đủ biết. Trong khi mỗi năm có cả ngàn tập thơ ra lò. Nghĩa là trên bốn ngàn tác phẩm, Hội chưa chọn được tập nào để trao giải.
Một nhà văn có thể nhiều lần được Giải. Giải trao cho tác phẩm, chứ không cho tác giả. Inrasara hai lần nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam: Tháp nắng (1997) và Lễ Tẩy trần tháng Tư (2003).

Khác
Chuyện “chạy” lobby ở Hội, có hay không? – Tôi không đủ tư cách trả lời bạn câu này, bởi tôi hoàn toàn không chú ý đến chuyện ngoài lề văn chương. Vả lại, hai nhiệm kì qua, chưa ai “chạy” tôi cả, nên tôi không rành lắm. Vận động hành lang thì chắc chắn có, theo nghĩa tiêu cực lẫn tích cực. Tích cực, bởi không ai có thể quán xuyến hết thơ của bạn thơ đương thời, với người chưa vào Hội thì càng. “Tiếp cận” các nhân vật trong các Ban, các Hội đồng để tặng thơ, là điều cần thiết. Và tốt nữa. Chỉ có trong tay tập thơ bạn, Ủy viên Hội đồng mới có cơ sở đánh giá và quyết định bỏ hay không bỏ phiếu cho bạn.

Sự nhếch nhác của nhà văn ở Đại hội vừa qua, và khác…?
– Có. Tập thể hay tổ chức nào bất kì cũng tồn tại mặt trái của nó. Nhà chùa chốn tu hành đã không tránh khỏi huống chi tổ chức thế tục. Nhưng bạn chớ đồng hóa bạn với nó, rằng: Hội ta, Hội của chúng tôi mà… nhân danh.
Bản thân Inrasara không bao giờ phát biểu nhân danh Hội. Hội tốt, tôi không vì thế mà thơm lây, còn nếu bộ phận nào đó của Hội hư nát, tôi cũng không vì thế mà xấu hổ. Tôi sáng tác và phát biểu là nhân danh tôi, dù tôi có ở trong Hội đồng này nọ đi nữa. Hội là để sinh hoạt. Khi tôi hết thú vị, khi tôi thấy nó không cần thiết nữa, tôi xin ra khỏi Hội, là xong. Không vấn đề gì trầm trọng cả.

2. Tương tác tại Hội thảo
Bạn viết:
Nhà thơ đòi hỏi sự tương tác. Nhà thơ bảo sinh viên chớ nghe một chiều mà phải biết học phản biện. Ở buổi giao lưu tôi có giấy hỏi nhà thơ, nhưng ban tổ chức báo hết giờ, vậy tôi xin hỏi nhà thơ tiếp là:
– thường thì giảng viên ít khi muốn sinh viên phản biện, thì sao ạ?
– sinh viên muốn làm thơ, muốn “sáng tạo” như nhà thơ nói, nhưng sáng tạo rồi đăng ở đâu?
Có cuộc thi nào cho sinh viên? Ai hướng dẫn họ làm và sửa?
– đòi hỏi tương tác, nhưng ngay hội thảo này, ban tổ chức không có thời giờ cho sinh viên trao đổi trực tiếp với từng tham luận thì sao?

Tôi xin trả lời nhấn vào hai điểm: Sáng tạo và Tương tác.
Sáng tạo
Sáng tạo thì chớ hỏi sáng tác kia có được đăng hay không, đăng ở đâu hoặc đâu sẽ là phần thưởng dành cho chúng. Sáng tạo là nhu cầu nội tâm, không có không được. Từ chiều sâu tâm thức bạn, bạn bị thôi thúc phải viết. Trong bất kì hoàn cảnh nào, môi trường nào. Dù bạn đang nhà giam hay trên giảng đường, khi bạn nghèo kiết hay lúc đã có của ăn của để, còn tuổi trẻ hay sắp về với ông bà, bạn vẫn viết.
Viết, chỉ biết viết thôi. Còn giải thưởng, sự tán thưởng từ công chúng, vị thế nhà văn nổi tiếng trong con mắt người đời, hay mọi hệ quả tai hại từ sự viết… tất cả đến sau.
Bạn cũng không cần thiết gởi các bài thơ kia đến một ai đó rồi hỏi chúng có được hay không? Chúng còn khuyết điểm chỗ nào? So sánh với thơ của nhà thơ danh giá kia, chúng có là gì không? Bạn học và tập, đọc và suy tư, liên tục viết và xóa bỏ. Bạn hãy dám ném đi tất cả những gì bạn viết mà chưa thỏa mãn được bạn, khi nó còn xanh, chưa chín đầy. Viết đi viết lại, chục lần, trăm lần cho đến khi chính bạn – trong một tâm thái bình tĩnh và sáng trong nhất – bạn có thể nói: được rồi.

Tương tác
Đúng. Đa số giáo sư, giảng viên hôm nay lên giảng đường với tâm thế kẻ rao giảng, sinh viên ngồi dưới kia như thể trẻ con một chiều tiếp nhận. Thụ động và ngoan ngoãn. Đó là chuyện xảy ra cơm bữa trên các giảng đường tại Việt Nam.
Ở phía khác, họ không đủ tự tin phản biện lại sự phản biện, nên rất ngại sinh viên thông minh, sinh viên mang tư tưởng phá rào. Họ sợ bị mất mặt, bị thất thế, bị xem thường… Không ít giáo sư, phó giáo sư sẵn sàng trù dập sinh viên “cứng đầu” dám cãi thầy. Không muốn, không tạo điều kiện để sinh viên suy nghĩ khác mình, viết chệch quỹ đạo hệ tư duy của mình. Từ đó – không muốn mất lòng thầy, không muốn bị lưu bang hay rớt luận văn – đại đa số sinh viên Việt Nam trở thành tín đồ thuần thành của chủ nghĩa Theo-ism (chữ này do tôi bày ra và đã dùng nhiều lần từ năm 2008). Nghe theo, nói theo và làm theo.
Là một Theo-ist thì làm gì có thể nói đến sáng tạo?!
Tôi thì hành xử cách khác. Lên “lớp”, tôi đề nghị sinh viên không gọi tôi bằng “thầy”. Bởi, tôi không đến để rao giảng cái gì cả. Tôi không có gì để rao giảng. Không cần học trò để dạy dỗ, không cần các fan hâm mộ để vỗ tay. Tất cả đến đó để học, như những người bạn cùng học.

Hội thảo hiện nay cũng không khác mấy so với chuyện xảy ra trên giảng đường. Đại biểu bước lên bục cắm cúi đọc tham luận rồi bước xuống, người khác đi lên. Cứ thế. Có đại biểu đọc xong thì cắp cặp ra về, như đã hết phận sự.
Trao đổi – không. Thảo luận – không. Câu hỏi chất vấn càng không.
Đấy là lối làm gần như trở thành truyền thống, rất phản tinh thần hậu hiện đại.
Ở đây cũng vậy, tôi có cách làm khác. Nói chuyện, tôi chỉ đưa ra đề tài mới, hoặc đề tài cũ với cách nhìn mới, từ đó tôi và khách thính cùng thảo luận. Tương tác trong không khí dân chủ, cởi mở mà không thiếu chất chuyên nghiệp. Không sợ sai, không giấu dốt… Tất cả cùng hỗ trợ nhau lật mở vấn đề, nhìn vấn đề từ nhiều hướng, nhiều cách khác nhau. Để vấn đề tự khai mở mọi chiều kích của nó.
Bàn tròn Văn chương là một trong những ví dụ cho cách làm đó.

Chúc bạn vui và tiến bộ.
Inrasara

One thought on “Chuyện Hội Nhà văn Việt Nam & Hội thảo

  1. Tôi đọc được đoạn này trên mạng rất trúng ý với nhà thơ Inrasara

    “Hiếm thầy cô có thể công nhận và khuyến khích khả năng sáng tạo cho học trò của mình, nhất là khi xã hội vẫn chưa hoàn toàn hiểu và đối phó với đặc tính sáng tạo, đặc biệt là xã hội vẫn còn mang tâm lý sợ bất ổn định và quyền kiểm soát, nên đó cũng là vấn đề cần giải quyết. Nhà trường cũng ngăn cản tính sáng tạo nếu không hay thiếu chấp nhận đối với sự thất bại bởi vì như thế sẽ làm cho học sinh không dám mạo hiểm để có những phương cách mới. Học giả Sternberg và Lubart khẳng định rằng, “Một trong những vấn đề đối với văn hoá giáo dục (hay nhà trường)… là rằng sinh viên học sinh không bao giờ học cách để thử nghiệm các mạo hiểm hợp lẽ, một khả năng cần thiết nếu muốn làm những công việc mang tính sáng tạo”.
    http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *