Tôi không nói nô lệ, mà là tòng thuộc.
Tòng thuộc khởi từ truyền thống “tam tòng tứ đức” thời phong kiến [Tàu]. Tàu sao ta bổn chánh mà copy lại. Thế nên không lạ, khi quan coi dân như con cái cần chăn dắt; con có hư thì quan có thể đóng cửa dạy nhau, đố người ngoài nào can thiệp.
Qua xã hội xã hội chủ nghĩa dẫu có chế biến chút đỉnh, nhưng không khác mấy. Cứ xem phát ngôn của Tôn Nữ Thị Ninh về quan hệ quan-dân cũng đủ biết. Thử nêu mấy điển hình [tiên tiến] tôi chứng thực ở thế giới hiện đại.
Thuở ở quê, buổi họp HTX, ông Chủ tịch Xã đang họp bà con ngon lành bất chợt ông Bí thư Xã xộc tới, bước thẳng lên bục. Ông chủ tịch liền dạ vâng, nhường mi-crô, lầm lụi bước xuống. Rồi khi ông Bí thư thao thao bất tuyệt quá xá là lạc đề, ông chủ tịch cứ thin thít mà nín. Lạ vô cùng lạ.
Hồi làm việc ở Đại học, tôi ngồi ghế đá sân trường nghe giảng viên triết đọc-chép trật lất, vậy mà chả thấy chàng/ nàng sinh viên nào giơ tay ý kiến. Khi ấy tôi nghĩ do không biết [sai]; sau mới vỡ ra: chỉ vì cánh trẻ sợ. Sợ, cả khi ra trường, thầy có trật đố trò nào dám cãi. Còn dự trù vụ lên thạc sĩ, tiến sĩ…
Cánh chính quyền với trường quy là vậy, giới văn nghệ cũng chẳng hơn.
Festival Thơ châu Á – Thái Bình dương nảy ra cả đống sai bậy, vậy mà không có lấy một bài báo phản hồi từ hội viên Hội Nhà văn. Tôi viết bài phản phê bình trên Tiền Phong, xin ý kiến 7 vị thì hết 7 vị “nói riêng Sara thì được chứ đưa lên báo, ngại lắm”. Ngại gì không biết nữa.
Say Tết 2015, ở Đêm giao lưu văn học “Lửa tìm kiếm” tại Hà Nội, có ông tuổi xém 70 ba bận “tôi đại diện cho thế hệ trẻ” phát biểu bát ngát ý lạc hậu, vậy mà có đến 30 khuôn mặt trẻ ngồi “cà phê văn học” chả có nửa mống nào dám đứng lên: “Ông đại diện ông thì được, tôi còn chưa cho phép ông đại diện tôi mà”. Đơn giản vậy thôi mà cũng không phát âm được, là sao? Cái đầu bạc [hay hói] đâu có đảm bảo ISO cho giá trị. Đây là diễn đàn văn học, đâu phải ở nhà mà nề nếp tôn ti trên dưới.
Nhà thơ Dương Thuấn mỗi Đại hội ưa “đại diện nhà văn DTTS” phát biểu, tôi mới nói với bạn thơ: Bạn cứ đại diện cho mọi người, nhưng hãy trừ tôi ra.
Từ “Tử viết” ngàn năm trước đến Chủ nghĩa Theo-ism ở hôm nay, người Việt cứ phép nhà mà tòng thuộc, mà e ấp, mà sợ hãi. Thì làm sao gọi là có được tinh thần Critical Thinking? Lục thập rồi mà nói chuyện với người lớn tuổi xíu vẫn cứ “em em anh anh”. Tình cảm đâu không thấy, chỉ thấy yếu & đuối. “Tôi”, hay xưng tên không đường đường hơn sao? “Em” núp bóng “anh” mãi thế, thì làm sao có tinh thần độc lập, dù là trong học thuật? Không dám cãi thầy/ cha/ quan lớn là phải [tuy thế gặp hồi chưởi nhau thì hoàn toàn khác: ta trở mặt không kịp thở].
Ở cộng đồng Cham, không biết từ đâu mà con cái hai thế hệ qua xưng “anưk” (con) với cha mẹ, chứ thế hệ tôi [và trước nữa] có thế đâu: “dahlak” (tôi) như Tây ấy – mạnh mẽ và đầy tự tin. Học đòi người Việt, mà học cái dở, cái sai mới vô duyên.
Tôi đã có phản ứng cá biệt. Trong nhà tôi dạy con cái xưng tên từ khi bé tập nói, luyện cho bé tinh thần độc lập và tự khẳng định ngay khi biết suy nghĩ.
Còn trên diễn đàn, đại đa số vị diễn rồi xuống, không cho phép ai ý kiến nói chi phản biện; cố lắm mới chế ra kiểu “dân hỏi bộ trưởng trả lời”. Tôi chơi tiếp trò cá biệt: dành một nửa thời gian cho thảo luận, tranh luận trực tiếp. Tạo không khí dân chủ thì đành rồi, làm thế vừa giải tỏa mâu thuẫn, vừa học hỏi nhau được, và nhất là tránh cơn buồn ngủ lê thê của hội nghị đủ loại.
______
PS. Tôi khích lệ con cháu có mục đích sống khác tôi, suy nghĩ và làm khác tôi. Còn khi tôi bị phê bình, tôi không khuyến khích con cái nói bênh vực tôi.