Một cách nhìn khác về tâm tính người Việt

Đọc Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng & những thứ khác, tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, Alphabooks & NXB Lao động, 2012

*

Sự quan sát tinh tế, sức liên tưởng mạnh mẽ cùng lối hành văn linh hoạt khiến tản văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên tạo được sự lôi cuốn không thể cưỡng.

Ý định của tác giả rất rõ: nhận diện tâm tính của người Việt đương đại. Thói thường, nhà nghiên cứu có khuynh hướng khảo sát các sự kiện lớn hay các nhân vật quan trọng, để đi đến kết luận; Nguyễn Vĩnh Nguyên thì khác: nhìn tâm tính người Việt qua sinh hoạt thường nhật, những sự kiện nhỏ lẻ, vụn vặt và quen thuộc tưởng không có gì đáng để ý. Và khác với nhiều nhà nghiên cứu trước đó, thường trầm trọng hóa vấn đề với những ngôn từ nặng nề trong phê phán, nặng nề đến gây phản cảm; Nguyên ngược lại – rất nhẹ nhõm và dí dỏm.

Chính điều này kéo độc giả ở lại với trang sách, theo dõi nó đến dòng cuối cùng – tôi tin thế.

 

Ngậm tăm, chẳng hạn. Từ hành vi “ngậm tăm” là chuyện thực tế của sinh hoạt cá nhân cho đến thái độ “ngậm tăm” trong ứng xử xã hội, là một chặng dài của phát triển liên tưởng. Tác giả, sau những dẫn dụ từ cách hành cử sang truy nguyên ngôn ngữ đầy thú vị, đã đi đến nhận định tinh tế:

[Ngậm tăm] “dễ dàng xuê xoa nhắm mắt làm ngơ cho mọi thứ… như một sự thỏa hiệp… ‘Ngậm tăm’ còn dung túng, che đậy cho cái xấu, cái ác, cái phản tiến bộ… ‘Ngậm tăm’ được xem là cách thế đánh đổi và hi sinh cái biết, có khi cả lương tâm liêm khiết để chỉ được tồn tại trong một đám đông ràng buộc theo nguyên tắc thỏa hiệp đề huề. Ở đó, mỗi người tìm đến sự an toàn tình thế, để rồi có thể là nạn nhân của chính mình lúc nào chẳng hay” (tr. 18-20).

 

Chính xác và hay! Thế nhưng, nếu dừng lại ở đó thôi, nhà văn này trở thành ông đồ gàn mất. Nguyên viết tiếp:

“… trở về nghĩa đen trong câu chuyện. Hãy nhìn cô gái trẻ xinh tươi máng trên miệng một chiếc tăm tre tẩm hóa chất hương quế đang tự tin cưỡi chiếc vespa hiện đại sang trọng lướt trên phố… Làn môi gợi cảm ấy đang che giấu điều gì khi mũi nhọn của que tăm lao vun vút về phía trước, ẩn tàng biết bao hiểm nguy trong một buổi trưa lãng mạn chết đi được!” (tr. 20).

 

Lối văn giải nghiêm trọng là vậy. Nguyên tiếp tục đùa nghịch.

Người Việt với tivi: “… trước thiên tai, nhân tai, người Việt không những biết tự bảo vệ mình mà còn… dư sức bảo vệ cả một cái tivi to đùng” (tr. 29).

Người Việt với xe máy, Nguyên dẫn Patti McCraken: “Người Việt ăn, ngủ và mơ trên xe máy” (tr. 96). Người Việt với karaoke: “Một ngày nào đó, khi những phòng karaoke biến mất mà không gì thay thế được, biết đâu bệnh viện tâm thần và bệnh viện chấn thương chỉnh hình sẽ trở nên quá tải” (tr. 145). Người Việt “tư duy theo mặt bằng”. Người Việt với chén nước mắm dùng chung, “một hệ lụy rất xấu của thứ ‘văn hóa chia sẻ’ đó chính là sự chung chạ và thiếu minh bạch” (tr. 122). Người Việt tham gia giao thông đầy phong cách Việt: “mỗi người vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm” (tr. 241). Người Việt làm nhạc chế, sáng tác thành ngữ đương đại, hay cụ thể hơn, người Sài Gòn và cà phê cóc… Tất tần tật, Nguyễn Vĩnh Nguyên đều truy tìm nguyên nhân, mà tìm ra cái để bàn, để nhận diện tâm tính người Việt đương đại, và để… cười. Cười, để giải nghiêm trọng, và cả giải thiêng.

Như anh đã giải thiêng hình ảnh từng là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng: “chày” và “cối”. Chày và cối là vật dụng thường thấy trong sinh hoạt hàng ngày của người Việt. Cũng như nhiều dân tộc khác, hai vật dụng này được biểu tượng hóa, linh thiêng hóa, để thờ cúng, để kiêng kị. Nhưng rồi, người Việt [và Nguyễn Vĩnh Nguyên] biết kéo nó từ bàn thờ xuống để khoác lên nó những “tính cách thô tục, bướng lì, đáng mỉa mai” (tr. 254).

 

Thấy gì, đằng sau các tầm chương trích cú kha hàn lâm ấy, các quan sát đầy soi mói ấy, cùng đằng sau giọng điệu dí dỏm đầy bỡn cợt ấy? Tập tản văn cho ta cái nhìn dẫu phân mảnh nhưng khá nhất quán về cuộc sống của người Việt hôm nay. Vô cảm và im lặng trước tiêu cực và bất công xảy ra khắp xung quanh. Vô cảm và im lặng kéo dài đến thành thông đồng. Từ đó, kẻ thiện chí nhất cũng có cảm giác bất lực, buông xuôi. Ta sao mình vậy, tới đâu hay tới đấy. Dù dân Việt Nam được đánh giá lạc quan thuộc hàng top ten, nhưng đó là thứ lạc quan tự đánh lừa. Nếu không muốn nói là lạc quan… tếu. Bởi, chất lượng sống của người Việt rất thấp.

 

Ai dám khẳng định người Việt có chất lượng sống rất thấp? – Nguyễn Vĩnh Nguyên. Nhà thơ, nhà văn, nhà báo, người nhiều năm người phụ trách trang văn hóa – văn học của báo Sài Gòn Tiếp thị. Ở đây, như một biên tập viên mẫn cán, anh có cơ hội đi nhiều, gặp nhiều, quan sát nhiều, và nhất là đọc nhiều. Người đọc, như anh viết – là kẻ cô đơn, hay có “hành vi hướng đến sự cô đơn”. Cô đơn để chiêm nghiệm. Dám cô đơn, nên không hãi sợ. Không hãi sợ, nên dũng cảm vạch dự án riêng khảo sát tâm tính người Việt hôm nay. Một việc làm đầy thách thức của cái hôm nay nhiều bất trắc, và dễ bị trù úm.

May, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã sở hữu được giọng văn dí dỏm. Sự dí dỏm đã cứu anh, và cứu cả sự đón nhận của độc giả Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng & những thứ khác (tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, Alphabooks & NXB Lao động, 2012) – một tập tản văn rất đáng đọc.

Sài Gòn, 8-1-2013

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *