Inrasara: HẬU HIỆN ĐẠI VIỆT NAM, TỪ MỞ MIỆNG SANG TRẦN NHẬT QUANG ĐẾN TÂM THƯ GỬI TỔNG THỐNG MỸ

1. Tiểu luận – phê bình được coi là có nghề đầu tiên của tôi là về “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”; tham luận đọc tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, 3-2005; sau đó đăng ở Tienve, 17-3-2005. Còn bài giới thiệu tác phẩm đầu tiên của tôi lại rơi trúng vào Bùi Chát, thành viên chủ chốt của Nhóm Mở Miệng: “Sáo chộn với Bùi Chát”(1) đăng ở tạp chí Thơ (Hoa Kỳ) số mùa Đông năm 2003.
Nó như là một định mệnh.
Ở bài giới thiệu ngắn này, tôi viết:
“Thứ thơ rác [rưởi] đặc hiệu này có lẽ đây là lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Nó mang trong mình làn gió thối thổi vào không khí thơ chúng ta. Nó buộc chúng ta quay lại nhìn nó. Và nhìn lại cả mình nữa! – Lâu nay, mình có quá thơm, quá diêm dúa lắm không!?”

Ngay tức thời, nó bị Phan Nhiên Hạo – một thi sĩ cấp tiến ở hải ngoại, phản ứng: “Tôi không tin như Inrasara, rằng khi có “làn gió thối” thổi đến, người khác sẽ tự xem lại mình “có quá thơm” hay không. Ở chốn đông người, nếu bạn đánh rắm, tôi e rằng phần đông sẽ chỉ bày tỏ thái độ kinh tởm hoặc quay lưng bỏ đi trước khi kịp nghe bạn nói gì.”(2)
Mười năm sau, nhà thơ bảo thủ Triệu Lam Châu qua sự vụ Mở Miệng, đã mạt sát tôi thậm tệ trong bài “Phải chăng hậu hiện đại chấp nhận sự vô văn hóa?” đăng trên blog ông ngày 7-9-2012.
Là hai phản ứng tiêu biểu.
Xin hãy để nỗi “vô văn hóa” kia sang bên, bởi nó không là gì hơn lối chụp mũ văn nghệ quen thuộc từ phía chính thống. Ở đây ta thử xét xem nhận định thiện chí của Phan Nhiên Hạo, rằng có hay không sự “ngoảnh lại” hay “quay lưng bỏ đi” với hiện tượng chữ nghĩa này.
Một sự thực khó chối cãi, rằng từ khi tập thơ đầu tay của Nhóm Mở Miệng in photocopy do nhà xuất bản Giấy Vụn phát hành năm 2003, 12 năm trôi qua, chẳng những nó không bị quay lưng, mà còn nhiều lần, rất nhiều lần nó buộc văn giới Việt Nam ngoảnh lại: nhìn nó và nhìn chính mình. Báo chính thống và phi chính thống, báo giấy và báo mạng, và cả chốn khoa bảng nữa. Hãy nhớ lại vụ luận văn Nhã Thuyên. Cá nhân tôi viết riêng 3 bài về Lý Đợi và Bùi Chát, và có đến 17 tiểu luận đề cập trực tiếp đến hiện tượng này.
Mức độ nào đó, dự cảm của tôi là không sai.
Lâu nay, thơ Việt Nam bị cho là nhảm và nhàm, nhảm và nhàm kéo dài thành thừa mứa đến mức báo động. Các tập thơ tinh tươm bị bỏ lăn lóc nơi góc khách sạn, hay bị cân cho bà bán ve chai để chúng quay về chốn chúng cần đến: máy nghiền giấy vụn; thậm chí khi chúng được trao giải thưởng, hay được đặt trang trọng trong tủ kiếng mà chẳng ai thèm giở ra, chúng cũng là rác – không hơn. Một đống rác thơ khổng lồ chuẩn bị bốc mùi. Mở Miệng xuất hiện, đẩy đến tận cùng nỗi nhảm và nhàm kia, biến thơ thành giấy vụn thực sự. Họ tuyên bố: “không làm thơ”, hoặc nếu gọi đó là thơ, thì là thứ thơ rác, thơ nghĩa địa, và – thơ thối. Đó là “khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, thứ khủng hoảng tôi xem như một tín hiệu tốt lành, và nhất là chúng mang ở tự thân khả tính cách mạng.
Khả tính cách mạng, khi ta chịu nhìn Mở Miệng – in photocopy – nhà xuất bản Giấy Vụn như một thể thống nhất bất khả phân. Thực sự, ngoài hiệu ứng dây chuyền về sự ra đời của các nhà xuất bản ngoài lề với tác phẩm tự in, thơ Mở Miệng tạo ảnh hưởng không ít đến thơ trẻ Việt Nam đương đại.

2. Tháng 10-2014, tôi có một khám phá mới: hiện tượng Trần Nhật Quang.
“Đã thấy Lê Văn Tài qua loạt bài thơ cụ thể concrete poetry đầy sáng tạo của anh, đã thấy Lê Vĩnh Tài làm thơ đùa nghịch trên tấm ảnh sẵn có khiến chúng ta bật cười, và Lê Anh Hoài lấy thân làm “cột điện” độc đáo thế nào rồi, nay bất ngờ ta có thêm một sáng tạo khác của một nghệ sĩ hậu hiện đại mới: Trần Nhật Quang qua một nghệ thuật mới: poetry video, nếu có thể nói thế.
Tôi muốn gọi Trần Nhật Quang là nghệ sĩ hậu hiện đại đích thực.
Hãy xét ngữ liệu “phòng lạnh” vô cùng phong phú được nghệ sĩ này sử dụng: “mô hình xã hội chủ nghĩa”, “nạn người bóc lột người”, “can thiệp thô bạo”… rồi thì “tư bản giẫy chết”, “dân chủ khát máu”…
Bắc Triều Tiên “là mô hình xã hội mà các nước Tư bản phương Tây đang phải hướng tới”. Đọc thêm anh tụng ca thiên đường Bắc Triều Tiên “không có thất học, không có thất nghiệp, không có vô gia cư, không có tình trạng ốm đau chờ chết như các phần còn lại của thế giới…”. Địa đàng ấy chính “là mô hình xã hội mà các nước Tư bản phương Tây đang phải hướng tới”!
Đó không là một giễu nhại đầy hài hước sao!?
Thổi phồng, nhấn mạnh, lặp lại, e hèm, nghiêm trọng hóa, lập luận mâu thuẫn đầy chủ ý, bật cười, khua tay múa chân, tất tần tật. Và hãy ngắm khuôn mặt rất “kịch” của anh: vẻ cố gắng diễn ý đến nổi gân cổ, đôi mắt láo liên liên tục chuyển tới chuyển lui, nhất là ở bề sau, chiều sâu ánh mắt ấy: đầy sự đùa cợt.
Hãy “đọc” Trần Nhật Quang theo một hướng khác, bằng tâm cảm khác, thì tất cả sẽ đổi khác. Tinh thần giễu nhại hậu hiện đại lồ lộ trong hầu hết tác phẩm của nghệ sĩ này.”
Không khác mươi năm trước, ngay tức thời tôi bị nhà dân chủ [bảo thủ] liệt tôi cùng cánh với dư luận viên này. Không dừng lại ở đó, một nhà dân chủ [cấp tiến] khác (theo tôi biết vị này ở trong hội đồng Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh) cũng tỏ ý thất vọng về tôi.
Nguyen Trung Dan: “Khi tôi hiểu Inrasara là ai, và trải qua tranh luận hậu hiện đại, tôi thấy buồn cho những người đã trao giải PCT cho anh ta”.
Tôi nói, mươi năm qua tôi ca ngợi Mở Miệng [bị xem là thành phần phá phách và chống đối], sau đó tôi còn viết rất nhiều bài phê bình “ca tụng” hơn mươi tác giả hải ngoại [phản động] khác, vậy mà hôm nay tôi mới khen ngợi mỗi “người của Nhà nước” mà anh đã “hiểu Inrasara là ai”; nếu cứ quy chụp nhau như thế, Nhà nước này đã thu hồi mấy giải thưởng đã lỡ trao cho tôi từ khuya rồi còn gì! Tôi có giả định vui: nếu các nhà dân chủ này có trong tay quyền lực, họ sẽ đối xử với giới văn nghệ có tư tưởng khác mình thế nào!
Về hai ý kiến trên, tôi không ngạc nhiên lắm: văn giới và độc giả Việt Nam vẫn bị ám nặng bởi chính trị, chưa thoát ra được.
Tôi không ngạc nhiên về vô số cục đá to, nhỏ của công luận “người đọc” ném Trần Nhật Quang. Đáng lắm! Giữa bao nhiêu dư luận viên trung bình và bất tài: Ngô Kỷ, Hoàng Thị Nhật Lệ, và vân vân, anh đã nổi bật lên thành một hiện tượng. Khác đi, anh tự biến mình trở thành một Biểu tượng của phong trào, rồi biến biểu tượng kia thành lố bịch.
Không có tài năng thì khó mà hoàn thành “tác phẩm” độc đáo như thế kia!
Hiểu “tác phẩm” Trần Nhật Quang như mọi hành vi của một dư luận viên bình thường, là hiểu theo dư luận công chúng. Hiểu tác phẩm anh ta như là cách nói ngược, là hiểu kiểu hiện đại. Nhà phê bình hậu hiện đại nhìn ra vấn đề theo hướng khác: đó là cách thế GIỄU NHẠI CAO CẤP. GIỄU NHẠI NÀY BIẾN PHONG TRÀO DƯ LUẬN VIÊN THÀNH TRÒ LỐ BỊCH VÀ NHẾCH NHÁC ĐẾN VÔ PHƯƠNG CỨU CHỮA. Đó là điều không dư luận viên nào làm được, và nhất là – không có một nhà dân chủ nào [qua bao nhiêu phê phán] đánh đổ được.
Điều nữa không phải không cần nói lên, khi có comment cho rằng “ca ngợi” Trần Nhật Quang như thế, nhỡ ông ta tự xưng [và nhỡ thật sự ông ta] là dư luận viên nhận tiền chính quyền làm nhiệm vụ thì sao? Giả thiết trên không liên can đến phê bình. Nhà phê bình chỉ làm việc trên văn bản, về những gì diễn ra trong tác phẩm của tác giả đã xuất bản và phát hành, mà không nhất thiết phải biết tác giả kia là ai, làm gì. Đó là chuyện của người làm ra tác phẩm, chứ không là vấn đề của nhà phê bình. Hệt vậy, Mở Miệng tuyên “không làm thơ”, nhưng tôi vẫn cứ xem sản phẩm của họ là thơ, và bình luận. Trớ trêu là, ở Việt Nam có thứ “hậu hiện đại” không biết mình đang làm gì! Trần Nhật Quang nằm trong số đó, chắc thế.

3. Cuối cùng, là vụ bức tâm thư vừa đăng đầu tháng 5-2015.
Tôi đã phân tích “Thư gửi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro” là bài thơ hậu hiện đại lớn thế nào rồi, ở đây xin miễn nhắc lại.
Dăm năm qua, thời sự Việt Nam làm nảy sinh bao nhiêu là kháng thư, thỉnh nguyện thư. Có thể quy gọn vào bốn phạm vi tiêu biểu: Thư phản đối sự xâm phạm tự do ngôn luận cá nhân như chuyện nhà văn Nguyễn Quang Lập, hay thái độ đàn áp mang tính cục bộ tôn giáo như vụ Tu viện Bát Nhã; kháng thư chống đối hành vi xâm phạm chủ quyền đất nước như sự kiện Hoàng Sa –Trường Sa, hoặc phản kháng dự án tác hại mang tính khu vực như Dự án Điện Hạt nhân Ninh Thuận. Ở đó vụ Nguyễn Quang Lập ảnh hưởng trực tiếp đến sinh phận nhà văn nhất, vậy mà hiếm thấy hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đặt bút kí tên vào kháng thư này.
Không vấn đề! Bởi tôi cho chữ kí của tôi không là gì cả, và nhất là nó không dẫn đến đâu cả. Nhưng tại sao? Một chuyện bá vơ, mà đến non nửa ngàn hội viên kí tên cái rụp trong thời gian ngắn đến kỉ lục?(4)
Các kháng thư, thỉnh nguyện thư ra đời, chung quy là để đòi hỏi hay phản đối một vấn đề nào đó, nhưng đây là lần đầu tiên thỉnh nguyện thư biểu đồng tình bằng “tán thành và khuyến khích”. Thê thảm hơn nữa, biểu đồng tình về sự đã rồi, hai ông Barack Obama và Raúl Castro đã ôm hôn thắm thiết nhau rồi. Bởi chuyện đã rồi – nên nó cực kì vô bổ. Vậy mà nhà văn Việt Nam vẫn cứ cắm cúi viết, chúi vào kí, biết đâu ông Tổng Mỹ [hay thư kí ông ta cũng được] ngó tới nó. Vậy là ta cũng đã đóng góp phần mình vào hòa bình và ổn định thế giới. Không ghê sao?
Sự thể nói lên điều gì, nếu không phải tự phơi bày thái độ cơ hội của đồng tác giả, đính kèm sự xu phụ và cơ hội được những kẻ dự phần đẩy lên đỉnh điểm của trò lố bịch đến thảm thương. Là hiện tượng chưa từng có, để khi bật lên giữa mọi kháng thư trước đó, NÓ TỰ BIẾN MÌNH TRỞ THÀNH MỘT TRÒ LỐ TỰ GIỄU CỢT.
Hiện thực Việt Nam hôm nay, nhóm tác giả tưởng tượng ra tâm thư đó là điều mới lạ, để rồi bằng văn phong nhại diễn văn chánh trị đến buồn cười (“như là một cơ hội để đem lại hòa bình, hiểu biết, và sự tôn trọng lẫn nhau”) được thể hiện qua bức thư đến con nít cũng biết nó vô bổ, nhà phê bình phải định danh nó là gì, nếu không là nghệ thuật hậu hiện đại? Một tác phẩm hậu hiện đại biểu hiện ở một chiều kích quái lạ chưa từng có.

Hậu hiện đại Việt Nam qua ba cảm thức khác nhau thể hiện qua ba cách thức khác nhau: Mở Miệng phản kháng, Trần Nhật Quang công cụ, và Tâm Thư cơ hội. Cả ba đều tạo nên hiệu ứng đặc biệt, theo cách riêng của mình.
Nếu Mở Miệng với nhà xuất bản Giấy Vụn và phong trào in photocopy là một hiện tượng hậu hiện đại mang khả tính [và thực tế đã] đánh thức thơ Việt thức nhận về nỗi sạch sẽ, diêm dúa [và rác rưởi] nhảm nhí của mình; và nếu các vở diễn với đủ đạo cụ của dư luận viên Trần Nhật Quang có khả năng đẩy phong trào dư luận viên đến chỗ phá sản, thì các nhà văn qua tâm thư sẽ tạo nên hiệu ứng nào khác hơn, ngoài tự phơi bày trọn vẹn nỗi kệch cỡm đến không còn cơ may nào vớt vát.
Còn có thể gọi nó là gì nữa, nếu không là siêu phẩm hậu hiện đại rất đặc trưng của nhà văn Việt Nam hôm nay!?

_______

(1) Inrasara giới thiệu tập thơ Xáo Chộn Chong Ngày (nhà xuất bản Giấy Vụn, 2003) của Bùi Chát.
(2) Phan Nhiên Hạo, “Thơ trẻ không nhất thiết phải là “làn gió thối”, Talawas.org, 29-12-2003.
(3) http://inrasara.com/2015/04/29/inrasara-thu-gui-tong-thong-barack-obama-va-chu-tich-raul-castro-la-bai-tho-hau-hien-dai-lon/
(4) Xem thông tin trên website Hội Nhà văn thành phố HCM.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *