[Lai căng là bản chất của sáng tạo, là sinh mệnh của văn hóa]
(3 Status “Truyền thống, bản sắc & sáng tạo 03: Văn chương” được triển khai từ trả lời của tôi cho một bài báo mươi năm trước, nên đã đề cập nhiều về “tôi”: Tôi tìm bản sắc văn chương Cham, tôi phê bình, và tôi làm thơ. “Tôi” ấy xuất hiện không gì hơn để chuẩn bị làm một đối tác so sánh).
*
Suốt quá trình lịch sử, tiếp nhận ảnh hưởng từ Ấn Độ, rồi sau đó – các nước trong khu vực, Cham đã sáng tạo nên 7 phong cách nghệ thuật độc đáo. Chúng làm giàu sang, phong phú văn hóa Cham, để hôm nay ta ưỡn ngực hãnh diện.
Nhưng đó chính là quá trình mất gốc và lai căng của tổ tiên Cham trong thời gian dài.
Không biết xưa thế nào, chứ nếu ông bà Cham có internet, có nickname, có tin nhắn nặc danh như thời hiện đại, thế nào cũng nảy ra “Chiến trường Tháp Cham” cho mà coi!
Tin theo Trần Kỳ Phương, tạm chia kiến trúc tháp Cham phát triển qua 4 giai đoạn sau:
– Ban đầu, người khênh tháp từ Ấn về Champa, thế nào tín ngưỡng bản địa cũng không chịu, xung đột là cái chắc. Rồi khi Bà-la-môn thắng thế: tháp Cham mới hình thành. Đó là kiến trúc Cham thế kỉ VII-VIII thời còn đậm dấu ấn Ấn Độ.
– Qua giai đoạn thứ hai: thế kỉ VIII-IX, ảnh hưởng của nghệ thuật Phù Nam và Chân Lạp/ thời Tiền Angkor xuất hiện, thể hiện qua tháp Po Dam, Hòa Lai.
– Sang giai đoạn thứ ba: giữa thế kỉ IX-cuối thế kỉ X, là giai đoạn tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng rộng từ vài nền nghệ thuật bên ngoài như Khmer, Java, Hoa Nam/ Vân Nam. Giai đoạn này kiến trúc Cham bao gồm cả kiến trúc Phật giáo và Ấn Độ giáo
– Giai đoạn thứ tư: thế kỉ XI-thế kỉ XVI, là giai đoạn bảo lưu và phát triển những kiểu thức cổ.
[Thử nhìn kĩ 3 phong cách tháp Cham với hình hài khác nhau ở 3 giai đoạn khác nhau: ảnh].
Qua phân tích, ta thấy nghệ sĩ Cham có ở yên đâu, toàn học thêm từ ngoài (lai căng), rồi chế biến thành của mình. Và khi tiếp nhận cái mới, cái khác, đâu thể thiếu món cãi nhau. Vậy mà tất cả chúng cứ là bản sắc văn hóa Cham.
Nên mới nói: “Lai căng là bản chất của sáng tạo”; bởi nếu cứ khư khư ôm cái “gốc”, Cham mãi ngồi lỳ một chỗ thôi. Và, “lai căng là sinh mệnh của văn hóa”, vì chính lai căng mới làm cho văn hóa chuyển động, và có sức sống.
So sánh “4 giai đoạn sáng tác của Inrasara”:
– Inrasara của ariya với lục bát ò e ru em, chính là “nguyên gốc” của thơ tôi (tôi viết tiếng Cham & Việt cùng lúc). Sau đó, tôi bắt đầu mất gốc và lai căng.
– Giai đoạn hai: Tháp Nắng, Hành Hương Em: thủ pháp tiền hiện đại
– Giai đoạn ba: Lễ Tẩy Trần Tháng Tư: hiện đại và một phần hậu hiện đại.
– Giai đoạn thứ tư: Ở Nơi Ấy [Thơ Thời Cuộc]: thủ pháp hậu hiện đại toàn phần.
– Giai đoạn cuối: Sầu Ca Trên Đồi Cát Nam Kương, tôi giải thoát tất cả!
Và Inrasara vẫn là Inrasara!
__________
(1) Phong cách Mỹ Sơn E1 (thế kỉ VII) thoát khỏi ảnh hưởng Ấn Độ, bắt đầu sắc thái bản địa trong nghệ thuật. Phong cách này có sự tương tự với nghệ thuật Dvaravati của người Mon (vùng Miến điện và Thái Lan hiện nay) và nghệ thuật Indonesia. Phong cách Hòa Lai (thế kỉ VIII-IX) có dấu ấn Phật giáo Đại thừa từ Java. Phong cách Đồng Dương, đa số các mô típ trang trí có ảnh hưởng từ Indonesia. Phong cách Khương Mỹ, thể hiện sự chuyển tiếp từ Đồng Dương đến phong cách Mỹ Sơn A1 và Trà Kiệu (thế kỉ X). Phong cách Mĩ Sơn A1 và Trà Kiệu mặc dù có chút ảnh hưởng Indonesia nhưng rất đặc thù Cham; đây là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Cham. Phong cách Chánh Lộ (thế kỉ XI) thể hiện thời kỳ biến động trong chiến tranh với Đại Việt khi Champa dời đô về Vijaya. Phong cách Tháp Mắm Bình Định (giữa thế kỉ XII) ảnh hưởng phong cách Bayon của kiến trúc và nghệ thuật Angkor. Và Phong cách muộn qua kiến trúc tháp Po Rome giữa thế kỉ XVII.