Tiếp nhận & Sáng tạo truyền thống

Truyền thống, cùng với bản sắc có lẽ là khái niệm được sử dụng nhiều hơn cả, khi nhắc tới văn hóa, thời gian qua. Nhưng thế nào là truyền thống, bản sắc?
Bản sắc là cái KHÁC của vùng miền/dân tộc này so với vùng miền/dân tộc kia.

Thế nào là bản sắc? Bản sắc có phải quay nhìn lui về quá khứ hay đi giật lùi về nguồn? Còn phải đi tới đâu mới gặp nguồn như là nguồn? Hỏi ngôi tháp Chàm kia có bao nhiêu phần trăm là Ấn Độ, bao nhiêu là Chăm? Nó được người Ấn mang tới hay do một nghệ sĩ Chăm nào đó nổi hứng khênh về, không là vấn đề. Nhưng muốn được là tháp Chàm, người nghệ sĩ đã hủy phá nhiều, rất nhiều (tiếp thu sáng tạo, như chúng ta dễ dãi nói thế). Trong hành động “phá hủy” này, vô thức (bản sắc cũ) và ý thức (tài năng nghệ sĩ) cùng có mặt. Tài năng cá nhân càng lớn thì phần “phá hủy” càng vượt trội. Một khi có đột biến trong sáng tạo, chúng ta gọi đó là thiên tài.
Như vậy, bản sắc chính/đa phần là cái gì đang chuyển động hình thành chứ không/ít là cái đã đóng băng. Mà muốn làm nên bản sắc, con người sáng tạo phải thật sự dũng cảm. Biết và dám khênh về là dũng cảm, dám và biết “phá” càng dũng cảm trăm lần hơn. Bởi mãi lo khư khư ôm lấy kho bản sắc [cũ], chúng ta đã tự cách li và cô lập mình với thế giới xung quanh. Và, chẳng nhích lên tới đâu cả!

Với văn chương Chăm, có khá nhiều cái khác biệt:
Về hình thức: Ariya / lục bát Chăm chẳng hạn. Đây là thể thơ như lục bát Việt, nhưng nó linh hoạt trong cấu trúc hơn, nên khả năng sáng tạo lớn hơn.
Về nội dung và đề tài: 250 minh văn Champa được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ thứ XV bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ là cái được kể đầu tiên. Năm Sử thi – Akayet Chăm có xuất xứ từ/mang âm hưởng/có quan hệ với Mã Lai/Ấn Độ được viết vào thế kỉ XVI – XVIII, là sáng tác thành văn đặc trưng Chăm, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. Nữa: khác với Êđê hay Bana,… sử thi Chăm đã được văn bản hóa. Ba Trường ca – Ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Hồi giáo – Bàlamôn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết, cũng là một dị biệt khác. Vân vân…
Chúng ta chưa học tập mình, chưa học tập người anh em thì làm sao nói đến học thế giới?!

Và,…
Tại sao không sáng tạo? Nếu chỉ khám phá mình như là mình thì đã đủ chưa? Nếu chỉ biết để bảo tồn, chúng ta sẽ làm kẻ giữ kho của cha ông, không hơn. Tiếp thu và sáng tạo. Tiếp thu mình và thiên hạ để làm ra cái mới. Bởi nếu nhìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc như là cái gì bất di bất dịch thì vẫn chưa đủ.
Vì ngay cái gọi là bản sắc hay truyền thống cũng là một sáng tạo trầm tích qua nhiều thế hệ. Có thể nói đấy là tiếp thu và sáng tạo được ông cha ta chia ở thì quá khứ. Thế hệ đến sau cũng sẽ gọi là bản sắc cái chúng ta đang dốc sức sáng tạo hôm nay. Bản sắc và truyền thống không chịu dừng lại ở những gì đã có, không cứ mãi vuốt ve lòng kiêu hãnh qua những gì cha ông để lại mà phải dám sáng tạo cái mới, có những đóng góp mới.
Theo tôi, khi chúng ta còn giữ được tâm hồn Chăm, suy tư Chăm thì bất kì làm công việc gì, Chăm tính trong ta vẫn biểu hiện. Dù chúng ta lấy vợ Pháp, hát nhạc pop, sáng tác thơ tự do bằng tiếng Việt hay chúng ta phiêu lãng đến cùng trời cuối đất đi nữa.

Văn chương không chủ ở số lượng. Nếu anh góp thêm một Akayet Dewa Mưno hay một Ariya Glơng Anak mới thì văn chương Chăm chẳng vì thế mà mập lên. Cuộc sáng tạo đòi hỏi anh phải làm khác, hôm nay. Chính cái khác này quyết định sinh phận của văn chương và ngôn ngữ Chăm ngày mai.

One thought on “Tiếp nhận & Sáng tạo truyền thống

  1. Neu the thi hay giet chet het nhung nghe si. De no song thi no se pha hoai van hoa dan toc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *