Inrasara: VĂN CHƯƠNG – TIẾNG NÓI TỪ ĐƯỜNG BIÊN

[Bài phát biểu tại Sàn Art, Sài Gòn, 6-7-2016]
2016-7-San Art-07
Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên

Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên

Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới
.
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài tân hình thức, 2006)

1. Sự chọn lựa của tôi
Tôi vô chính phủ từ trong trứng, có nghĩa tôi là sinh thể không thể bị định hướng.
Ngay từ tuổi tìm học – tuổi 15 – tôi đã ý thức mạnh về tự do và dân chủ. Ý thức và hành động. Tôi tự do và dân chủ trong đời sống thường nhật, được thể hiện ngay cả với con cháu trong nhà.
Dân chủ thì cần đến đối thoại. Khác với nhiều diễn giả, trên các diễn đàn, tôi dành cho khách thính nửa thời gian đối thoại, tranh luận.
Dân chủ, thì không tránh khỏi việc phải lên tiếng phản biện xã hội. Lên tiếng về các vấn đề mình hiểu, từ chuyện nhỏ như báo chí viết sai về văn hóa Cham hay Ban giám hiệu Trường xử bất công với giáo viên, học sinh cho đến vụ lớn như Ghur Bini bị lấn chiếm hay Dự án Điện Hạt nhân nguy cơ hủy hoại nền văn hóa của một dân tộc.
Mang tinh thần ấy, trong sinh hoạt chữ nghĩa, lẽ ra tôi phải là kẻ ngoại vi ngay từ ban đầu; nhưng do LÀ Cham, tôi buộc mình chọn lựa: sống và viết ở đường biên. Chính ở đường biên chông chênh này, tôi đã làm được điều gì đó cho dân tộc mình, đồng thời vẫn nói lên được tiếng nói của dân ngoại vi ở mức độ nhất định.

2. Tôi đã “thiện xảo” thế nào?
Không phải sĩ hay giả vờ khiêm tốn, tôi nghĩ mỗi bài viết, mỗi tác phẩm ra đời cần được đến tay nhiều độc giả càng tốt, đến một cách nguyên vẹn và càng sớm càng hay. Dĩ nhiên, sống trong một đất nước mà việc in ấn cần chui qua cửa xin-cho, tôi đã phải linh hoạt vận dụng các chiêu trò [có khi rất buồn cười] với từng loại sản phẩm đặc thù này.

– Tác phẩm nghiên cứu văn hóa dân tộc, hầu như tôi chưa bị vướng mắc, ngoại trừ đặc san Tagalau do tôi chủ biên và nhiều người viết. Ở đây Nhà xuất bản có thể đề nghị bỏ bài này hay cắt bớt đoạn nọ, sửa câu chữ của bài kia; và vì nó là đặc san, mỗi bài có nội dung biệt lập, nên đã nhiều bận tôi chịu nhân nhượng.
– Về thơ, 6 tập thơ đã in tập nào cũng bị Ban biên tập đề nghị bỏ, cắt. Nếu các bỏ-cắt kia không ảnh hưởng nhiều đến ý tưởng cả tập, tôi vẫn chấp nhận, dù khá tiếc. Riêng tập Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] (2012) đụng đến các vấn đề xã hội chính trị hiện tại, tôi biết chắc không nhà xuất bản dám duyệt in, tôi đưa tất cả lên mạng: Tienve.orgInrasara.com.
– Riêng tiểu thuyết, Chân dung CátHàng mã kí ức được Công ty Sách tài trợ, và cả hai đều chui lọt qua cửa ải xin-cho mà không gặp bất kì trở ngại nào. Còn tiểu thuyết Tcherfunith, vì nội dung động cập trực tiếp đến Dự án Nhà máy Điện Hạt nhân, là dự án lớn của Chính phủ, thế nên dù vài Nhà xuất bản thích, nhưng nó đều kẹt lại. Tôi cất để dành… sửa tiếp.
– Tác phẩm lí luận phê bình có lẽ gay cấn hơn cả.
Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo bị bỏ mất 4 bài đinh. Do đây là tác phẩm “đầu tay” và được Nhà xuất bản tài trợ, nên tôi đồng ý chịu bị thiến. Đồng ý để rồi nhìn lại, thấy nó cứ hẫng sao ấy. Như thể mình vừa cho ra đời một đứa con thiếu tháng vậy.
Song thoại với cái mớiThơ Việt hành trình chuyển hướng say tôi phải đấu tranh mất còn, người biên tập mới OK. Tự bỏ tiền túi ra in, tôi không chấp nhận bất cứ dao kéo kiểm duyệt nào đụng đến, ngoài chữ “nhà xuất bản” trong cụm “Nhà xuất bản Giấy Vụn”..
Tập tiểu luận phê bình Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại, do tác phẩm có nhiều “yếu tố nước ngoài”, họ đề nghị tôi bỏ bớt, tôi không chịu. Cuối cùng tất cả được xuất bản trên mạng Tienve.orgInrasara.com.
– Về các bài báo, nếu bài nào có vấn đề, tôi cho ban biên tập tự ý xử lí, miễn là mấy chỗ bị cắt gọt không ảnh hưởng lớn đến nội dung; sau đó tôi đưa nguyên văn lên mạng. Tôi nghĩ làm như thế vừa được cho tôi vừa không phiền lòng họ. Đồng thời để bố cáo với bàn dân thiên hạ biết cụ thể các chứng từ mà Nhà nước cho là nhạy cảm.
Dễ tính là vậy, nhưng không phải vì thế mà tôi thành ba phải. Nếu bài viết bị sửa trái ý, tôi cương đáo để. Hơn mươi lần tôi buộc báo chí đính chính hay gỡ bài xuống. Còn nếu họ không chịu, thì tôi làm. Bài “Văn chương mạng” trên báo Văn nghệ năm 2008, là ví dụ rất điển hình. Tôi quyết liệt đến một tác giả bình trên Tienve.org rằng “đây là lần đầu tiên nhà văn thuộc biên chế Hội Nhà văn Việt Nam phản bác lại bản báo”.
Còn lại, hàng trăm bài phê bình, tiểu luận tôi biết không thể đăng được trên báo chí chính thống, tôi cho chúng xuất hiện trên tạp chí hay internet ở nước ngoài: Talawas, Tienve, BBC, RFA, tạp chí Thơ, Hợp Lưu… và cả website cá nhân, đương nhiên.

Dĩ nhiên, không phải tất cả tác phẩm được in đều xuôi chèo mát mái, ngược lại là đằng khác. Không ít lần tôi trực tiếp giải trình trước khi nhận được chữ kí “duyệt” của “trên”. Có khi cả sau đó nữa. Như Tagalau 2, Tagalau 8 hay Trường ca Cham, tôi đã phải nhiều bận làm việc với cơ quan công quyền trước nguy cơ chúng bị thu hồi.

3. Tôi đã làm được gì?
Bỏ túi thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ba nhiệm kì giữ vai “phó” Chủ tịch [Hội đồng Văn học Dân tộc, Hội đồng Thơ], tôi vẫn viết và hành động văn chương như một nhà văn tự do.
Chủ trì Bàn tròn Văn chương: 8 kì tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, 4 kì ở Hà Nội. Tại đó, đề tài được đề cử tự do, thảo luận tự do, nhất là người tham dự tự do không phân biệt dân ngoại vi hay chính thống, nhà văn trong hay ngoài nước, đã nổi tiếng hay còn vô danh – là chuyện chưa nhà văn nào làm trước đó.
Tôi săng sái giới thiệu các khuôn mặt thơ văn ngoại biên: các cây bút ngoài luồng, các tác phẩm in photocopy, người viết chưa là [hay không muốn là] hội viên Hội Nhà văn, vân vân trên diễn đàn và báo chí trong nước, cho chúng xuất hiện lồng lộng và sòng phẳng cả trong tác phẩm xuất bản [gọi là] chính thống. Giới thiệu sòng phẳng, nhiều lần và nhất là, không tránh né. Về Mở Miệng, Ngựa Trời, Nhã Thuyên…
Tôi đánh giá thái độ văn chương của họ cao hơn rất nhiều những tài năng “lớn” nhưng tự khuôn định vào khuôn phép, chấp nhận bó thân ở với triều đình.
Văn chương là tự do, nó phá vỡ tất cả mọi giới hạn. Định hướng văn chương, hay hạn định văn chương vào khuôn phép nào bất kì, là giết chết văn chương. Nghĩa là giết chết tự do. Tôi xiển dương tinh thần tự do văn nghệ, và đấu tranh bảo vệ công bằng cho mọi trào lưu nghệ thuật, cho mọi quan điểm nghệ thuật [bị cho là] phi chính thống có mặt, là vậy.

4. Dĩ nhiên, ở đó internet là một phương tiện lợi hại. Nếu không có internet, tôi khó đảm nhận mấy công việc kia. Có các mạng văn chương, tôi hết lo tác phẩm mình bị cắt gọt, hết sợ chúng không được đăng/ in. Qua đó, tôi hết còn phải nhìn trước ngó sau để tự kiểm duyệt – là điều thậm tồi tệ thường trực tạo xung đột nơi tâm thức nhà văn Việt Nam khi ngồi trước trang giấy/ màn hình trắng. Nhập cuộc với email vào năm 2000 rồi chịu chơi cùng các website văn chương từ năm 2002, từ mở blog cá nhân năm 2006 cho đến kết nối facebook năm 2012, tinh thần tự do sáng tạo của tôi ngày càng được củng cố và mở rộng.
Tôi từ đường biên lấn sang ngoại vi, gần như là điều không thể tránh.

Nhưng tôi cứ muốn ở lại với ĐƯỜNG BIÊN.
Tiếng nói đường biên là tiếng nói không phe này, không phe kia, cũng không phe giữa, càng không là hợp lưu – mà là “đường biên”: một tiếng nói giải trung tâm toàn triệt!
Có thể nói, từ cuối thế kỉ XX trở về trước, nhờ đứng ở vị thế đường biên mà tôi được phía chính thống “nể vì” và phần nào – chấp nhận. Thế nhưng sự nể vì nào cũng có giới hạn của nó. Từ khi tôi dần dần sang sân chơi ngoại vi, để rồi khi hai bên không thể chịu đựng nhau nổi nữa, khối ung bọc phải vỡ ra. Và thực tế, nó đã vỡ ra rồi…
Tôi là nhà văn tự do trọn vẹn.

Sài Gòn, 19-6-2016

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *