URANG CHAM 27. AMƯ NHÂN

Amu Nhan.1998
Về ca nhạc Cham đương đại, tôi yêu Đàng Năng Quạ, cạnh đó – tôi tôn trọng đóng góp của Amư Nhân. Hơn mươi năm trước, tôi dự định tổ chức Đêm nhạc Đàng Năng Quạ; nếu thành công, tiếp theo sẽ là: Đêm nhạc Amư Nhân. Chuyện đã tính đâu vào đấy, cuối cùng, trời không chiều lòng người. Đành chịu…

1. Trước một sự thể ta cho là “sai lầm”, có mấy cách phản ứng sau:
– Kết án, quy chụp và tìm mọi cách đánh gục đối phương, không cho đối phương một nửa đường trở về để có thể gọi là cải tà quy chánh. Đó là lối hành xử của kẻ có xu hướng chính trị.
– Quyết liệt tranh đấu cho cái ta cho là “đúng”, dù quyết liệt đó gây tổn thương cho đối tượng. Nhà khoa học cực đoan hay chọn lối này.
– Nhà minh triết thì khác: Không chạy trốn vấn đề mà điềm tĩnh tìm cách minh giải để có thể hóa giải vấn đề và hòa giải nỗi người. Từ đó mở lối cho đối tượng phục thiện trong chân trời của sự bao dung.

Xin kể ngụ ngôn “Ngày trở về của đứa con hoang” trong Phúc Âm.
Mộ nông dân nọ có hai đứa con trai. Đứa em sau khi được cha chia gia tài, bỏ nhà đi hoang phung phí. Đến khi trắng tay, ân hận, mới quay về.
Từ xa, người cha đã trông thấy chàng. Bối rối vì cảm động, ông chạy ra đón con, ôm chầm lấy cổ con và hôn con luôn mãi. Người con mở đầu: “Thưa cha, con thực đắc tội với Trời, với cha, con không đáng gọi là con của cha nữa.” Song người cha đã kêu bảo tôi tớ: Hãy mau mau đem áo của con ta ra bận cho nó; hãy lấy nhẫn đeo vào tay nó, lấy dép xỏ vào chân nó. Hãy đem một con dê béo ra làm thịt đi! Phải làm một bữa tiệc thật linh đình! Vì con ta đây đã chết, nay lại sống lại, đã lạc nay lại tìm thấy…” Bữa tiệc khoản đãi liền nay lúc ấy…
Bây giờ người con lớn đang ở ngoài đồng. Khi trở về gần tới nhà, người ấy nghe thấy tiếng đàn hát liền gọi một tên đầy tớ lại hỏi cho biết có việc gì. “Em cậu đã trở về rồi! Ông sai mổ bê béo (ăn mừng) vì thấy cậu vẫn được mạnh giỏi!” Người con lớn tức, giận, không chịu vào nhà. Bấy giờ người cha vội ra năn nỉ con. Đứa con ấy nói: “Con vất vả làm việc với cha từ bao nhiêu năm! Không bao giờ con không vâng giữ lời cha. Thế mà chẳng bao giờ cha cho con một con dê nhỏ để đãi bạn bè. Còn đối với đứa con đã xài phí hết cơ nghiệp cho điếm, thì cha đã vội giết bê béo để ăn mừng, khi nó vừa thoạt trở về!”; người cha liền đáp; “Con ơi! Con ở với cha luôn luôn từ trước đến nay. Những gì của cha đều thuộc của con. Nhưng phải làm tiệc ăn mừng vì em con đã chết nay lại sống lại, đã lạc nay lại tìm thấy!
” (bản dịch của H.M.T)
Người cha, hiểu đời và hiểu người, nên đã hành xử đầy tình yêu thương và khôn ngoan.
Hãy vui chơi đi bây
Đứa con ta đã mất và ta đã tìm lại được
Đứa con ta đã đi hoang và đã trở về nhà
Đứa con ta đã mù và bây giờ đây được thấy lại
.
(Augusto Frederico Schmidt, Phạm Công Thiện dịch).

Lỗi lầm là thuộc tính của con người. Lỗi lầm lớn hay nhỏ, mang tính chất cá nhân hay tập thể… Với sinh thể mang tên Cham thì càng. Bởi qua 200 năm li tán, người Cham tạm dung nhiều đất nước khác nhau, sống lẫn với dân tộc khác trên thế giới. Ta không còn dùng tiếng mẹ đẻ, ta lai giống, ta nhớ mang máng hay quên hẳn nguồn cội, thậm chí không ít người chối mình là Cham khi bị nhận diện. Do phiến diện về hiểu biết hay do yếu đuối, do nỗi áo cơm hay để giữ mạng sống, hoặc bởi nhiều nguyên do khác nữa – ta phát ngôn sai lầm, viết sai lầm, hành động sai lầm.
Như “đứa con đi hoang” trên kia.
Người cha “cần” nhớ nhung hắn, ngày đêm – nhớ nhung nhiều hơn mấy đứa con ngoan ngoãn ở lại quê nhà. Như kẻ chăn chiên sẵn sàng gửi cả bầy chiên còn lại, để lên đường tìm một con chiên đi lạc. Rồi khi tìm được, hay khi con chiên đi lạc kia trở về, nếu người cha phê phán hay chửi bới nó, hất hủi hay quay lưng lại với nó, nó sẽ đi đâu? Nó sẽ bỏ đi lang thang vô định. Rồi người cha cũng mất luôn đứa con yêu. Vĩnh viễn.

2. “Đừng phán xét, nếu ta không muốn bị phán xét. Nhận định, mà không phải phán xét; nhận định thì có phân tích, có giải minh, gợi mở.” Phán xét thì không.
Câu chuyện.
Vừa rồi, tôi hỏi một bạn trẻ thuộc dạng xuất sắc của Cham, rằng bạn nghĩ thế nào về Amư Nhân? Bạn trả lời, không biết nhiều về bác ấy nên không có ý kiến. Tôi nói, không. Amư Nhân là một nhân vật đương thời, có thể nói nổi tiếng nhất [trong cộng đồng] Cham và là một nhân vật chịu nhiều lối nhìn khác nhau từ cộng đồng. Anh cần học biết chấp nhận sự nhận định khen chê từ/ bởi/ của cộng đồng đó.
Sau ngày đất nước thống nhất, thừa hưởng truyền thống ca – múa – nhạc dân tộc, cộng với tác động của điều kiện hoàn cảnh xã hội mới, hoạt động văn nghệ Cham thời kì này rộ lên phong trào phục vụ nhân dân lao động và hợp tác hóa nông nghiệp. Đầu những năm tám mươi, Amư Nhân xuất hiện đã khuấy động được bầu không khí khá trầm lặng của xã hội Cham lúc đó. Tiếp thu vốn âm nhạc dân tộc, Amư Nhân đã sáng tác nhiều ca khúc đặc sắc. Sáng tác, và trình bày chính ca khúc của mình.

3. Viết về tiểu sử và thành tích của Amư Nhân không gì thừa hơn. Bởi hiếm Cham nào không biết anh. Dẫu sao cũng cần nhắc sơ qua.
Lộ Minh Nóc sinh năm 1952 tại thôn Phú Nhuận (Boh Dơng), huyện Ninh Phước – Ninh Thuận. Cha là nghệ nhân trống Ginơng, mẹ là Muk Rija, thế nên ngay từ lọt lòng, Amư Nhân chìm đắm trong giai điệu âm nhạc truyền thống không là lạ.
Dẫu sao so với người đường thời, về ca nhạc lúc đó, Amư Nhân không bật nổi hơn ai. Hát không thể bì với Chế Linh; về sáng tác, Cham đã có Đàng Năng Quạ lừng lững; còn nghề đàn thì không đọ nổi Báo Văn Tánh. Được điều, anh chịu đi lên từ con số không. Và từ đó anh trì trì đi tới.
Vài thập niên qua, Amư Nhân đã viết lượng ca khúc khổng lồ, gồm đủ thể loại: trữ tình, nhạc nhẹ, âm hưởng dân gian. Đa phần là các ca khúc về Cham, gợi hứng từ tiết tấu, giai điệu đặc trưng Cham. Và có thể nói, ở đó có không ít sáng tạo. Các ca khúc anh được phổ cập rộng rãi nhất trong cộng đồng Cham hiện nay, điều mà 30 năm qua, chưa có nhạc sĩ thứ hai nào làm được. Đây là sự thật không chối cãi.

Theo người trong giới, Amư Nhân có hai đỉnh cao: “Làng Chăm ơn Bác”, và “Apsara, vũ nữ Chàm”. Chính ca khúc “Làng Chăm ơn Bác” đã đưa anh đến vinh quang, bên cạnh gây tai tiếng [trong một bộ phận cộng đồng của mình].
Về ca khúc này, có hai ý kiến. Nặng thì: nịnh bợ để được cung phụng; ý kiến gia giảm hơn là: Ở giữa lòng chế độ, và ngay thời điểm đó, anh cần làm thế để sống.
Câu hỏi đặt ra, Amư Nhân có hối tiếc về “Làng Chăm ơn Bác” không? Với “người Chăm luôn nhớ ơn của Bác Hồ vĩ đại”, “Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm”.
Theo tôi biết: – Anh không. Và tôi nghĩ, không vấn đề gì cả!
Chứng từ: hai năm trước, trên báo Bình Thuận, 11-7-2014, trong bài “Amư Nhân và Âm vang Dục Thanh”, tác giả Thái Sơn Ngọc kể:
Làng Chăm ơn Bác được viết vào năm 1985. Khi đó, anh là cán bộ văn nghệ quần chúng thuộc Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ninh Phước. Từ trong sâu thẳm tấm lòng của người thanh niên dân tộc Chăm ghi nhớ công lao vĩ đại của Bác Hồ đối với sự nghiệp giải phóng, đưa dân tộc thoát khỏi cuộc đời áp bức lầm than. Trong lần biểu diễn đầu tiên tại Nhà Văn hóa tỉnh Thuận Hải, ca khúc được lãnh đạo Đoàn ca múa tỉnh đánh giá cao và chọn tham dự Hội diễn tiếng hát Làng Sen tổ chức lần thứ nhất tại thành phố Vinh nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh Bác Hồ, tháng 5/1985.”

Và mới nhất, “Đêm tác giả, tác phẩm của nhạc sĩ, NSƯT Amư Nhân”: LÀNG CHĂM ƠN BÁC” tại Ninh Thuận, đã gây không ít dị ứng.
Khía cạnh này, với tôi, cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng cả!
Anh có nhiều công [ca khúc giá trị: “Giếng nước tình yêu”, “Miền đất Pangdurangga”, “Tình làng Gốm”, “Sợi chỉ đủ màu”, “Hò ra khơi”…] mà mới “phạm” có một “tội” [một ca khúc “nịnh bợ”, vụ việc xảy ra hơn 30 năm rồi] mà kết tội anh, hỏi ta có bất công với người anh em không?

Trở lại với câu chuyện “Ngày trở về của đứa con hoang”…
Con dân Cham – khi quê hương tan rã – đã bỏ cố quận mà đi, hay ở lại. Họ sống ẩn danh giữa cộng đồng nhân loại xa lạ nhưng vẫn âm thầm nhận mình là Cham; hay cá nhân nào đó có ít nhiều tiếng tăm khiến thế giới biết đến Cham hơn. Ta tạ ơn họ.
Ở thế giới ngoài kia, họ có đúng, có sai.
Rồi cả các bạn trẻ nữa, nhiệt tình quá cũng đã phạm khối sai lầm trong hành xử, trong chối bỏ hay kiêu hãnh về dân tộc, trong nghiên cứu, trong hôn nhân hay trong thái độ chính trị. Họ không là thánh, họ cũng không là quỷ, mà là con người – với đủ đầy hỉ nộ ai lạc.
Cham là vậy, cả những người ngoài Cham tự nhận mình mang dòng máu Cham, từng có cảm tình với dân tộc Cham hay văn hóa Cham, từng nghiên cứu về Cham, từng lăn xả trong cộng đồng Cham.
Tất cả họ ít nhiều cũng có sai lầm, trong phát ngôn hay viết, trong hành vi hay cách nghĩ; sai lầm với nhau hay với người ngoài, với người thân hay kẻ đối nghịch. Không thể tránh.
Phê phán hay ruồng bỏ họ ư? – Họ sẽ bỏ đi, quay lưng lại với Cham. Mãi mãi.
Còn với người có ít nhiều đóng góp công sức cho cộng đồng, vậy mà chỉ vì sơ suất mà phạm một sai lầm (theo lối hiểu của ta), mà ta muốn loại bỏ họ, hất hủi họ. Hỏi ta có nhân văn không? Có công bằng không? Khi ta không công bằng với người anh em ta, hỏi ta còn có thể đòi hỏi ai công bằng với ta?
Giết người đi thì ta ở với ai… – Nhất Hạnh!
Như vậy, chẳng những không giết, ta còn có thể “chiêu hồi” họ trở về với cộng đồng. Để cùng tồn tại, yêu thương và sáng tạo.

4. Về Amư Nhân, tôi có suy nghĩ khác.
Ca khúc anh dù “nổi tiếng” tới đâu, vẫn chưa vươn ra ngoài cộng đồng Cham. Hiếm có danh ca nào hát nhạc anh. Không biết Amư Nhân có suy nghĩ về điều này? Câu hỏi vô lí chăng? Bởi ai mà chả thích nổi tiếng thế giới!
Câu hỏi mang tính đẩy đưa thôi ư? – Không, nó cực quan yếu. Bởi dấn thêm một cấp, ta có thể hỏi: Khi bước vào thế giới âm nhạc, Amư Nhân có ý định/ nỗ lực/ dám “thách thức thế giới” không?
Tôi cho là, không .
Một nghệ sĩ lớn được đánh giá bởi ba khía cạnh: sáng tác, nghiên cứu (hiểu biết) và [có khả tính] phê bình. Nghiên cứu, bạn có hiểu sâu/ có công trình về âm nhạc dân tộc không? Và bạn có hiểu biết về âm nhạc thế giới, để có khả năng nhận định về chúng chưa? Theo tôi, Amư Nhân chưa. Đó là bề rộng và bề sâu.
Kiềng ba chân, anh thiếu mất hai chân. Vậy là chỉ còn lại sáng tác. Riêng khía cạnh này – nghĩa là chiều cao, tầm nhà sáng tạo của Amư Nhân, người nghe có nghề không khó định giá.
Amư Nhân hạn chế ở môi trường xã hội [Việt Nam vừa qua chiến tranh và đang đóng cửa, Cham quá khó khăn], và cả do hoàn cảnh cá nhân [khởi đầu sáng tác chưa được đào tạo chính quy], vậy mà anh làm được như đã là quá tốt rồi.
Các bạn trẻ hôm nay hội đủ điều kiện: – thế giới mở – đất nước mở hơn – Cham khấm khá hơn – học hành đến nơi đến chốn – và nhất là được hưởng mọi tiện ích khoa học kĩ thuật hiện đại. Vậy ai trong các bạn trẻ có thể?
– viết công trình về Âm nhạc Cham, để Cham cầm lên có thể hãnh diện nói: đây là di sản âm nhạc dân tộc tôi.
– hiểu biết nền âm nhạc thế giới, để có thể nhận định – phê bình nền âm nhạc đương đại nào bất kì, cả âm nhạc Việt Nam hiện đang rất thiếu
– sáng tác ở tầm cao. Tại sao không thể làm như ABBA, nhóm nhạc Thụy Điển hay Modern Talking nhóm nhạc Đức, sáng tác và hát ca khúc bằng stiếng Anh?
Các bạn có nghĩ đến điều đó chưa? Có lên chương trình và vạch kế hoạch hành động cụ thể chưa? Tuyên ngôn muộn này có muộn không?

2 thoughts on “URANG CHAM 27. AMƯ NHÂN

  1. Xin mượn bài viết của anh Sara gửi em Đồng Chuông Tử về tác phẩm Làng Chăm ơn Bác của Nhạc sỹ Amư Nhân.

  2. Tác giả Làng Chăm ơn Bác không trả lời được HCM đang ở chỗ nào trong trái tim người Chăm. Làng Chăm cũng không vinh dự gì để mang ơn cụ Hồ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *