NÓI, HAY KHÔNG NÓI? – 03

[HIỆU QUẢ từ DÁM NÓI]

Về Status “Nói hay Không nói”, ông anh Chế Quốc Minh phản hồi: “Nói, hay không nói… và nói ở đâu? Ai là người lắng nghe người nói???”. Bạn FB Vuong Quynh còm: “Có thể nói và có thể nghe nhưng chỉ thế thôi”.
Nghĩa là: “Thôi thì có nói cũng chả tới đâu!”. Nghĩ thế, có tiêu cực quá không? Qua thực tiễn NÓI, tôi nghĩ ngược lại. Sara trả lời Đài RFA: “Nếu trí thức Cham không sợ những điều không đáng sợ, họ sẽ làm được nhiều việc”.

1. Hiệu quả từ NÓI
KHÔNG NÓI đã để lại hậu quả thế nào với cộng đồng Cham, tôi đã dẫn nhiều chứng cứ rồi. Nay xin đưa ra 5 hiệu quả từ NÓI.
– Về cá nhân Sara. Ít nhất hơn 10 lần, tôi NÓI và buộc được báo chí xin lỗi – cảm ơn, ĐÍNH CHÍNH & RÚT BÀI, khi họ viết sai về tôi, hoặc về văn hóa Cham.
– Về bài viết. Ở “Sự cố Văn hóa Nguyễn Thành Thống”, nhà nghiên cứu này viết sai về Cham và “miệt thị” (chữ của Trà Vigia) hầu hết trí thức Cham. Tôi viết bài dài minh giải và phản bác, sau đó có 4 người nữa viết. Cuối cùng ông ta SỬA lại rất nhiều.
– Về tác phẩm nghệ thuật. Thấy phim Tiếng Trống Paranưng có vấn đề, cánh trẻ NÓI, và phim bị cho NHẬP KHO. (Vụ này đạo diễn 2 lần gặp tôi kêu oan, vì chưa làm tới nơi tới chốn, nên vẫn chưa biết đúng sai – tội!).
– Về xã hội. Vụ Ghur Bini, tôi và vài trí thức Cham NÓI, bà con chung tay LÀM. Cuối cùng vấn đề được giải quyết ỔN THỎA.
– Vụ tiêu cực ở Trường Nội trú D.T. Ninh Phước, tôi và anh chị em nói trên mạng, ông Hiệu phó bị đổi đi nơi khác, để giữ chức… lớn hơn.
Hàng trăm điểm sáng như thế, vậy tại sao không nói?

Riêng chuyện đại vĩ mô như Dự án Điện hạt nhân, dù không hi vọng Nhà nước thay đổi, nhưng ta vẫn nói. Tại sao? Nói, thế giới mới biết: 1. Cham là dân bản địa, sống ở đây hơn 2.000 năm; 2. Có đến nửa dân Cham đang sống ở Ninh Thuận; 3. Hơn 100 di tích văn hóa – tín ngưỡng Cham nằm trong vùng ảnh hưởng.

2. AI NÓI?
Câu hỏi này đã được giải đáp vài lần rồi, chỉ xin nhắc lại tóm tắt.
Xã hội Cham nhỏ bé, khi có chuyện, bà con hay nhìn về TRÍ THỨC, nghĩa là các nhân vật nổi tiếng và các vị khoa bảng. Tôi nói: không. Mỗi việc đều có địa chỉ của nó.
– Liên quan đến xã hội, là: Đại biểu Quốc hội, Cơ quan phụ trách vấn đề Dân tộc, chính quyền các cấp; trí thức chỉ được yêu cầu lên tiếng hỗ trợ.
– Liên quan đến học thuật, là: dân khoa bảng chuyên ngành + trí thức. Vân vân…

Nói phải dẫn tới LÀM, nếu không thì vấn đề chìm xuồng. Ví dụ:
+ Chuyện đốt nhang trong tháp, ta đã nói nhiều, nhưng ai làm [đơn thư tới cơ quan trách nhiệm] thì không biết. Hệ quả: Mười năm không gặp tình đà quên lãng…
+ Chuyện Đàng Ngọc Thủy, cánh trẻ BIẾT, cánh trẻ và tôi NÓI, cánh trẻ LÀM. Cuối cùng Thủy được thả ra [có người bảo mấy đứa không làm thì nó cũng được thả, là nghĩ chưa thấu đáo, và hơi bị… vô tình].

3. Nói Ở ĐÂU?
– Thẳng đến người/ cơ quan trách nhiệm làm sai: Đài, báo, nhà xuất bản, cá nhân…
– Nói trên mạng: đây là phương tiện lợi hại nhất ở thế giới hiện tại.
– Không biết nói, thì mách trên FB cho người biết nói NÓI.

4. Nói THẾ NÀO?
Tất cả đều dựa trên chứng cứ, văn bản.
Chuyện cũ. Vụ Kiều Minh Vũ năm 2006 bàn trên Chamyouth [xin nói lời cảm ơn Phú Văn Dũng, người đứng mũi web này], liên quan đến nghi án 1 thanh niên Cham bị người Việt cho xe bò cán qua, tôi hỏi có chứng cứ không, thì bị một bạn phản hồi rất căng: “Chuyện ai cũng biết mà ông Sara đòi chứng cứ, ông ta đi nói theo người Kinh”. Tôi hỏi: Khi ra tòa, các bạn dùng cái gì để minh oan đây?
Đâu là biên bản hiện trường, giấy nằm viện, vân vân?
Vụ thanh niên Phước Nhơn “tự thiêu” cũng vậy. Gia đình 3 lần vào Sài Gòn gặp tôi, tôi hỏi: Cháu có giấy tạm trú không? – không. Cháu nộp tiền ở công ty, có hóa đơn không? – không. Vân vân không, thì làm sao tôi có thể giúp phản biện được?
Cần có ĐỦ CHỨNG CỨ, còn đã đủ rồi mà “họ xử theo họ”, là vấn đề khác nữa.

Trở lại Vụ tiêu cực ở Trường Nội trú D.T. Ninh Phước, báo ĐĐK và tôi đã lên tiếng, tôi cũng đã gợi ý cho 3 giáo viên bị hại [nếu các bạn đúng] cần có đơn thư lên Sở, để Sở giải quyết phục chức và trả lại nhân phẩm cho các bạn, vậy mà các bạn KHÔNG LÀM, thì chứng cớ đâu cho trên giải quyết. Các bạn đã mất hết rồi, sao phải sợ?!
Chuyện liên quan đến văn hóa cũng vậy. Mới nhất, muốn phản bác chuyện trong lịch sử-văn hóa Champa có HỘI KÍN TÀ GIÁO hay không, thì cần đến người rành về lịch sử và văn bi kí Champa. Tôi [nhắc bà con] đòi hỏi dân khoa bảng có trách nhiêm cung cấp chứng từ, là vậy.

Còn nhiều chuyện nhiêu khế nữa, tạm dừng ở đây được rồi.
Kajap karo – thuk siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *