Tuyên ngôn muộn có muộn không? 12: Trường hợp Amư Nhân

2006-VanhoaDT
“Đừng phán xét, nếu ta không muốn bị phán xét
Nhận định, mà không phải phán xét; nhận định thì có phân tích, có giải minh, gợi mở.”

Câu chuyện.
Vừa rồi, tôi hỏi một bạn trẻ thuộc dạng xuất sắc của Cham, bạn nghĩ thế nào về Amư Nhân? Bạn trả lời, không biết nhiều về bác ấy nên không có ý kiến. Tôi nói, không. Amư Nhân là một nhân vật đương thời, có thể nói nổi tiếng nhất [trong cộng đồng] Cham và là một nhân vật có vài lối nhìn đối nghịch từ cộng đồng.
Ở đây là nhận định, chứ không phán xét.

Chớ phán xét, nếu không muốn bị phán xét Do not judge, or you too will be judged – Chúa nói thế. Không “lên án”, “phê phán”, “phỉ báng” – hiểu “phán xét” theo nghĩa trong Kinh Thánh – mà là, nhận định.
Gán cho Amư Nhân chữ “chó săn”, “bưng bô chế độ”, qua đó kết án anh “đầu độc thanh thiếu niên Cham” và hơn thế nữa… là phán xét. Ở xã hội Cham hôm nay, kẻ chuyên phán xét hết người này đến người nọ không thiếu. Xin tạm để yên cả hai ở đấy. Bởi chỉ Chúa mới có quyền phán xét, nhưng Chúa đã không phán xét.

Amư Nhân là một khuôn mặt cộng đồng, anh chấp nhận sự nhận định khen chê từ/ bởi/ của cộng đồng. “Nhận định thì có phân tích, có giải minh, gợi mở.”
Về các ca khúc của Amư Nhân ca ngợi “Bác và Đảng”, có hai ý kiến. Nặng thì: nịnh bợ để được cung phụng; ý kiến gia giảm hơn là, ở giữa lòng chế độ anh cần làm thế để sống. Lần nữa, xin để yên ý kiến trên (sẽ bàn vào dịp khác). Cũng miễn đề cập việc Amư Nhân ít tham gia cộng đồng. Ta xin nói về chuyên môn.
Vài thập niên qua, Amư Nhân đã viết lượng ca khúc khổng lồ, và có thể nói ở đó có không ít sáng tạo. Các ca khúc được phổ cập nhất Cham hiện nay mà 30 năm qua, chưa có nhạc sĩ thứ hai làm được. Đây là điều thật không chối cãi.
Chỉ lạ là, ca khúc anh dù “nổi tiếng” tới đâu, vẫn chưa vươn ra ngoài cộng đồng Cham. Hiếm danh ca nào hát nhạc anh. Không biết Amư Nhân có suy nghĩ về điều này? Câu hỏi vô lí chăng? Bởi ai mà chả thích nổi tiếng thế giới!
Câu hỏi mang tính đẩy đưa thôi ư? – Không, nó cực quan yếu. Bởi dấn thêm một cấp, ta có thể hỏi: Khi bước vào thế giới âm nhạc, Amư Nhân có ý định/ nỗ lực/ dám “thách thức thế giới” không? Tôi cho là, không (sẽ bàn ở 13).
1. Phân tích:
Một nghệ sĩ lớn được đánh giá bởi ba khía cạnh: sáng tác, nghiên cứu (hiểu biết) và [có khả tính] phê bình. Nghiên cứu, bạn có hiểu sâu/ có công trình về âm nhạc dân tộc không? Và bạn có hiểu biết về âm nhạc thế giới, để có khả năng nhận định về chúng chưa? Theo tôi, Amư Nhân chưa. Đó là bề rộng và bề sâu.
Kiềng ba chân, anh thiếu mất hai chân. Vậy là chỉ còn lại sáng tác. Riêng khía cạnh này – nghĩa là chiều cao, tầm nhà sáng tạo của Amư Nhân, người nghe có nghề không khó định giá.
2. Giải minh
Amư Nhân hạn chế ở môi trường xã hội [Việt Nam vừa qua chiến tranh và đang đóng cửa, Cham quá khó khăn], và cả do hoàn cảnh cá nhân [khởi đầu sáng tác chưa được đào tạo chính quy], vậy mà anh làm được như đã là quá tốt rồi.
3. Gợi mở
Các bạn trẻ hôm nay hội đủ điều kiện: – thế giới mở – đất nước mở hơn – Cham khấm khá hơn – học hành đến nơi đến chốn – và nhất là được hưởng mọi tiện ích khoa học kĩ thuật hiện đại. Vậy ai trong các bạn trẻ có thể?
– viết công trình về Âm nhạc Cham, để Cham cầm lên có thể hãnh diện nói: đây là di sản âm nhạc dân tộc tôi.
– hiểu biết nền âm nhạc thế giới, để có thể nhận định – phê bình nền âm nhạc đương đại nào bất kì, cả âm nhạc Việt Nam hiện đang rất thiếu
– sáng tác ở tầm cao. Tại sao không thể làm như ABBA, nhóm nhạc Thụy Điển hay Modern Talking nhóm nhạc Đức, sáng tác và hát ca khúc bằng stiếng Anh?

Các bạn có nghĩ đến điều đó chưa? Có lên chương trình và vạch kế hoạch hành động cụ thể chưa? Tuyên ngôn muộn này có muộn không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *