URANG CHAM 9. AMƯ J’KLỦN

Amư Klủn-00
Ông vô danh, vô danh đúng theo tính cách Cham.
Ghé thăm ông năm trước, đúng tám tháng sau ông mất. Tết năm 2014, tiện đường lên đồi cát Nam Kương, tôi lần nữa tạt qua nhà ông nằm sát cạnh Sang Mưgik palei Katuh Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận), hỏi thăm để viết về ông.
Vợ ông không biết tên khai sinh ông, còn năm sinh ông, bà càng không. Bà không biết hay không nhớ? Hỏi về học vấn hay quá trình hoạt động của ông, bà cũng kể rất lơ mơ. Nghĩa là với bà, ông là một sinh linh không có gì đáng để lưu lại cả. Không vấn đề! Thế lại là hay, để ông được vô danh giữa cộng đồng Urang Cham, hôm qua và mai sau.
Ông đến, ở lại, rồi đi – không lưu dấu vết. Nhưng dấu ấn ông để lại trong tâm khảm thế hệ ông, và cả thế hệ chúng tôi là rất đáng kể. Có con người ở đời cái gì cũng trung bình, nhợt nhạt; học hành tốt nghiệp ra trường làm công chức “sáng cắp ô đi tối xách về”, lấy vợ sinh con đẻ cháu… Thế thôi, không gì khác.
Ông Thổ, ngược lại.

Hè niên khóa 1970-1971, Trường Trung học An Phước vừa dời xuống thị xã Phan Rang và đổi tên thành Trường Trung học Pô-Klong với bao nhiêu khó khăn và thiếu thốn. Chúng tôi dùng tấm phản cũ ngăn khu nhà ăn tập thể làm lớp học, hay qua nhờ phòng trống của Ty Phát triển Sắc tộc cạnh đó; ngủ thì nhà tập thể lợp tôn nền cát đầy bụi; uống là nước giếng “chờ”. Vân vân…
Ban Giám hiệu nhà trường và Hội phụ huynh cần tiền để xây trường lớp cho đám học sinh chúng tôi. Xin mạnh thường quân? Nhưng người giàu Cham đâu nhiều để mà xin. Sáng kiến được đưa ra: Một đoàn văn nghệ nghiệp dư được thành lập, tập hợp các nghệ sĩ nghiệp dư từ khắp làng thôn về trường, tập dượt, và đi các palei Cham lưu diễn.
Ông Thổ là cây cười trong đoàn đó với biệt danh Amư J’Klủn. Và chính ông đã góp phần lớn lôi kéo khán giả nhà quê đến với các đêm diễn.
Sắm vai ông chồng không nên thân bị vợ rầy, rầy miết khiến ông hết chịu nổi, một sáng nọ Amư J’Klủn quyết làm cuộc dứt áo ra đi.
– Tui đi chết đây, mẹ nó ơi…
Ông hai, ba bận lặp lại. Bà vợ chẳng nói chẳng rằng, thế là ông đùng đùng bỏ đi. Đến góc ruộng nhà, ông đứng lại, ông nhác thấy nửa đám ruộng chưa được nhổ cổ, trong khi mùa khô sắp tới. Ông đến ngồi dưới gốc cây keo, và suy nghĩ. Ông quay về thì cổng nhà đang đóng. Ông kêu lên:
– Mẹ J’Klủn ơi… mở cửa cho tui…
Bà vợ đủng đỉnh đi ra.
– Amư J’Klủn quên mang theo thẻ căn cước rồi…
– Ông đi chết mà… cần gì thẻ căn cước ấy… – bà vợ nói.
[khán giả cười…]
Bà vợ không mở cổng cho ông, mà quay vào rồi đủng đỉnh đi ra. Bà đưa cho ông cái thẻ. Ông ngần ngừ giây lát, rồi rầu rĩ quay đi. Ông tạt qua nhà ông bạn láng giềng, gọi to:
– Amư J’Klai ơi, tôi đi đây…
– Ừ, đi sớm… kẻo trưa nắng…
Amư J’Klủn khựng lại. Ông lẩm bẩm: “Mẹ nó chứ, nó cầu mình đi sớm để qua léng phéng với vợ mình… dại gì…”. Thế là ông quay trở lại.
[khán giả cười]

Thế thôi, Amư J’Klủn đã gây cười cho bao lứa tuổi. Ông không biến sân khấu thành lớp học luân lí đạo đức như bấy lâu sân khấu nhà quê hay phạm và bị khán giả quay lưng. Ông không dạy ai, không răn ai phải thế này thế nọ. Màn kịch của ông luôn được xếp ở mục cuối chương trình. Bà con cười, cái cười theo họ vào giấc ngủ, “cười đến sáng hôm sau vẫn còn cười”.
Hôm nay có ai còn nhớ đến Amư J’Klủn, và cười thầm không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *