Chưa bao giờ giới truyền thông quan tâm đưa tin về hạn hán nhiều như hiện nay. Nhưng, nắng hạn đâu phải là chuyện mới mẻ gì ở vùng đất Panduranga. Từ lâu đời, người Chăm đã gắn cuộc sống của mình với vùng đất khát nước. Ai đó còn ban tặng cho danh từ mĩ miều nói rằng Phan Rang là xứ Hoa Nắng. Ngay trong lời mở đầu của Tagalau 18 chưa đầy 4 trang mà các từ vựng chỉ về nóng, nắng, khô hạn liên tục được lập đi lập lại để nói về sự chịu đựng cằn cội kiên cường của một loại cây mọc trên vùng đất nắng vẫn chớm nở hoa đúng hẹn. Đó là loài hoa Tagalau.
Thật vậy, đi qua 16 năm (2000-2016), Tuyển tập Tagalau đã nở hoa làm đẹp cho cuộc đời, hồi sinh các giá trị văn hoá tinh thần, hình thành nên một lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật dồi dào là một thành tựu lớn trên diễn đàn sân chơi Tagalau. Những bài viết khảo tả, bài nghiên cứu, các chuyên mục sưu tầm văn học, văn hoá dân gian đã đưa văn hoá Chăm đến gần gũi hơn với bạn đọc cả nước. Qua đó, tạo dựng được kênh giao lưu, đối thoại văn hoá góp phần bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hoá Chăm.
Từ những ngày đầu cắm rễ, nẩy mầm, đăm chồi và nở hoa Tuyển tập Tagalau đã khẳng định được thế mạnh ở thể loại sáng tác thơ, văn. Và, chính từ những ngòi bút và tâm hồn của người nghệ sĩ đã chuyển tải đến bạn đọc những cảm nhận về văn hoá và đời sống người Chăm một cách chân thật và mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần lãng mạn và trữ tình.
1. Thể loại thơ.
1.1. Thơ tiếng Việt.
Những cây bút đã gắn bó với Tagalau qua nhiều kỳ như Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Khaly Chàm, Trầm Ngọc Lan, Đào Thái Sơn, Amưchandra Lưu và Lưu Anh Tặng đã gây được cảm tình trong lòng bạn đọc. Các tác giả mang đến nhiều đề tài, đa dạng về thể loại, phong cách sáng tác hiện đại. Nhưng, vẫn trung thành với chất liệu khơi nguồn cảm hứng từ văn hoá Chăm, trải mình với thiên nhiên, chan hoà vào giữa cuộc sống đời thường.
Chỉ vầng trăng soi đêm lung linh sóng
Ánh sáng được chăn trập trùng cánh quê
Thỉnh thoảng dắt đi tìm cỏ trên ngọn đồi rang nắng gió
Mỹ Sơn đỏ rực lẻ loi
(Mỹ Sơn-Đồng Chuông Tử)
Nếu như tác giả Đồng Chuông Tử nhìn thấy ánh sáng, vầng trăng và màu sắc của không gian thánh địa Mỹ Sơn thì tác giả Tuệ Nguyên đến với đền tháp bằng những am thanh, tiếng vang khe khẽ bên tai khi mỗi lần bước qua các phế tích một thời hào hùng của dân tộc Champa.
Trong tiếng thì thầm của tháp
Ta nghe tiếng đổ nát của một vương triều
Tiếng xôn xao của phố cổ
Tiếng thở dài của dòng sông đỏ máu
Tiếng bước chạy của đội quân thất trận
Tiếng rên rỉ của những hơi thở hấp hối
Đang quỳ lạy, khấn cầu
(Thời tàn loạn-Tuệ Nguyên)
Tác giả Amưchandra Lưu lại đưa người đọc đến với một cảnh tưởng đầy sợ hãi với hình ảnh đền tháp ẩn hiện bóng ma yêu tinh làm cho ta liên tưởng đến bóng ma trong tập thơ “Điêu Tàn” của Chế Lan Viên.
Rùng mình
rợn gáy
gạch rơi
Chàm ơi
sao nỡ hồn rơi
lạnh lùng
vụt, vụt, vụt
lũ dơi bung
từ trong sâu thẳm
khôn cùng ma than
đời Ma Hời
quá phũ phàng
trần gian địa phủ thiên đàng
(Hồn D[r]Ơi – Amưchandra Lưu)
Nỗi buồn luôn thường trực trong tâm hồn thơ Chăm, hình ảnh bóng chiều tà cứ canh cánh ôm lấy nhà thơ. Để rồi, đẩy cảm xúc thăng hoa đi vào giữa đời thường trên cánh đồng khô hạn, mùa chuyển đàn từng bầy cừu tìm đến bãi cỏ xanh tươi. Nhưng, hiện thực là cánh đồng đang chết cháy, từng gốc rơm rạ đang cố bám vào những thớ đất nứt nẻ.
Người du mục lùa đàn cừu vào hoàng hôn
Nghe tiếng lục lạc buồn rơi vào phận đời thiếu cỏ
…
Em đi tìm vàng son
Hay tìm giấc mơ ngon
Nơi kí ức đã rêu chiều lưu lạc ?
(Buồn lưu dân – Trầm Ngọc Lan)
Bên cạnh những cây viết đã thành danh có tập thơ đầu tay là các cây viết mới xuất hiện như Trượng Văn Chánh, Rama Duong hoà nhịp vào cảm xúc giữa ngày nắng hạn. Trước sự khắc nghiệt của tiết trời người nông dân chỉ biết nhìn cánh đồng khô cháy. Rồi chợt nhắm mắt đi vào mê say mơ về cơn mưa, đợi chờ hạt mưa trong niềm vô vọng phó thác nơi thần linh.
Giữa mùa hoang vắng
Giữa trưa
Đứng bóng
Ngóng cánh đồng mênh mông
Lấp lánh làn sóng nắng tràn về
Chang chang
Hí mắt nhăn vầng trán
Thở sâu dài vào thành tim
Hừng hực đợi mưa
(Giấc mơ hoang – Trượng Văn Chánh)
Mùa Katê cũng là mùa mưa trên vùng đất Phan Rang. Sự biến đổi khí hậu làm cho Katê cũng vắng bóng cơn mưa. Không thấy cơn mưa trên đền tháp, không thấy cơn giữa đường làng, chỉ thấy những dấu chân in trên vùng cát nóng hanh hao của người lữ khách đi du hội Katê.
Katê
Trời còn hạn, đất còn nứt
Nắng cháy da, tóc nhuộm thêm màu
Palei nhộn những bước chân
Bước lạ bước quen
(Kate – Rama Duong)
1.2. Thơ tiếng Chăm.
Sáng tác thơ tiếng Chăm đón nhận ngày một nhiều tác giả góp mặt. Nếu như các số trước đây ở mảnh đất này chỉ có Jaya Thuksiam, Phú Đạm, Inrasara và Jaya Hamu Taran thường xuyên xuất hiện. Gần đây, có Kiều Dung, Ngọc Tảo và Van Ikan. Điểm chung của các sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ thường là lời tâm sự nỗi lòng của tác giả đối với quê hương, thân phận con người và tình yêu lứa đôi.
Tác giả Kiều Dung là trường hợp như vậy, hồn thơ vẫn rơi vào lẩn quẩn, suy tư theo dòng đời cùng với niềm trắc ẩn nơi tình yêu. Chạm vào tình yêu mà lòng đầy lo lắng với những ám ảnh, điềm báo đoạn kết cuộc tình dang dở.
Hatai likei ranem lo min hatai likei ranem lo
Min hu thuw ngap hagait o min hu thuw nao hatuw o
Aia mata deng min aia mata hu laik o
Kayua likei gaok ralo paje ndap paje
Tạm dịch:
Lòng anh yêu yêu nhiều lắm chứ
Nhưng chẳng biết làm sao biết đi về đâu ?
Lệ úa giọt lệ tràn
Bởi đâu anh mang bao nỗi trắc ẩn
(Page o ligaih – Kiều Dung)
Hình ảnh màu nắng trong các sáng tác bằng tiếng Việt có tầng suất xuất hiện khá nhiều,thì ở thể loại sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ các tác giả vẫn lấy chất liệu màu nắng làm nguồn thơ như báo hiểu một cuộc tình rợp bóng hoàng hôn.
Kau nao krâh ber pandiak
Kau wek di hajan bier harei
Hu gaok adei pak kanuai cek
Padrut lo di tian kau
Tạm dịch:
Anh bước đi giữa màu vàng nắng
Anh vẫn bước dưới trời chiều đổ mưa
Trên ngọn đồi ngồi nhớ về em
Lòng anh vương vấn một nỗi buồn
(Adei dahlak – Jaya Thuksiam)
Sinh sống trên vùng đất nhiều nắng ít mưa. Khi nghe tiếng sấm rền vang là điềm lành, xua tan đi sự oi bức của khí trời. Người thi sĩ không giấu nỗi sự phấn khởi đón chào tiếng sấm đầu năm.
Lingik pandiak bingun klem tanâh thu thang
Sua ribuk nagar urang hajan tal Panrang
Sa harei taginum juk brok mâng tathik
Grum katal tanum lingik tiap bal bhang
Tạm dịch:
Nhiều tháng trời nắng đất khô cằn
Bão lũ nơi xứ người Phan Rang trời đổ mưa
Mây đen kéo về từ biển khơi
Tiếng sấm rền vang xô đuổi tan tháng hạn
(Sa harei hajan – Phú Đạm)
2. Thể loại tuỳ bút, văn.
Xuất hiện trên Tagalau ở thể loại thơ. Nhưng, ở Tagalau 18 tác giả Lưu Anh Tặng mang đến một tác phẩm truyện ngắn mang tên “Thánh đường Mini”. Tác giả xây dựng hình ảnh nhân vật Laksa và Kaya với những đặc điểm tính cách đối lập. Thánh đường Mini có cách hành văn mạch lạc, kết cấu cốt truyện thiên về hồi tưởng tự sự theo dòng thời gian giữa quá khứ và hiện thực đan xen lẫn nhau đưa người đọc đến chạm tới tâm tưởng người Chăm nơi miền quê.
Tác giả Trà Vigia vẫn giữ vị trí đặc biệt trong lòng độc giả về thể loại văn xuôi. Truyện ngắn “ Rỉ hồn du mục” là câu chuyện thực giữa đời thường mà ai cũng có thể bắt gặp. Nhưng, qua lối dẫn dắt câu chuyện bằng các đoạn đối thoại giữa các nhân vật giúp cho người đọc nhận diện được chân dung cuộc sống đang đổi thay từng ngày. Sự thành công, thất bại, hạnh phúc và đau khổ vốn dĩ song hành cùng với mỗi cuộc đời của con người. Người may mắn, kẻ bất hạnh là giá trị thông điệp có tính phản biện xã hội mà tác giả lột tả qua từng hình tượng nhân vật.
Tác giả Hoàng Long với các tác phẩm truyện ngắn như “Luân hồi, Điểm cân bằng, Trầm lắng”. Tuy, không lấy chất liệu của văn hoá Chăm làm nền tảng nghệ thuật sáng tạo nhưng các cảm xúc chân thật, bất chợt của tác giả khiến cho bạn đọc bùi ngùi, xúc động.
Tác giả Nguyễn Viễn Sự với chùm ký sự mang tên “ Xứ hoang mạc mùa hạn hán” đã đem đến nhiều câu chuyện cảm động của đời sống du mục nơi cánh đồng mùa khô hạn vùng đất Phan Rang. Từ chính mảnh đất cằn cội đang bị sa mạc hoá tổ tiên của người Chăm cũng đã tích góp nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng các công trình thuỷ lợi đào kênh, mương dẫn nước tưới tiêu. Vẫn còn đó những bí ẩn về kỹ thuật đào giếng của người Chăm. Cho dù, nắng có hanh hao nguồn nước giếng làng Chăm Thành Tín vẫn tuôn trào, trong mát chưa bao giờ cạn kiệt mạch nước ngầm.
“Bức thư gởi con đang học ở nước ngoài” của tác giả Trà La Ding là lời tâm sự chân tình gửi cho tất cả mọi người trẻ tuổi muốn thành công cần có nghị lực và tinh thần rèn luyện kỷ luật cho bản thân. Lá thư được viết đầu năm 2015, nhưng những lời giáo huấn có phần nặng về khuôn khổ và lý thuyết. Đọc xong lá thư, có lẽ độc giả sẽ cảm nhận được tính sư phạm của người cha muốn dành những điều hay lẽ phải dành cho đứa con.
3. Nghiên cứu và phê bình.
Tác giả Chế Vỹ Tân trong bài viết “Những suy nghĩ tản mạn về nếp sống văn hoá xã hội dân tộc Chăm”. Theo tác giả lối sống văn minh cần có 3 trụ cột khái niệm “xin” là: xin lỗi, xin phép và xin cảm ơn. Tác giả đã mạnh mẽ phê phán sự lãng phí của người Chăm trong việc tổ chức lễ Padhi tế 2 con trâu dành cho người chết trong tín ngưỡng người Chăm Awal.
Báo ảnh dân tộc và miền núi của Thông tấn xã Việt Nam là tờ báo duy nhất được viết bằng song ngữ. Trong đó, có ngôn ngữ Việt-Chăm. Tác giả Thập Liên Trưởng trong bài viết mang tên “Nhận định về tiếng Chăm trên báo ảnh trang 27 tháng 11-2014” cho rằng tờ báo đã mắc nhiều lỗi về từ vựng và ngữ pháp tiếng Chăm. Mặt khác, nhiều vốn từ tiếng phổ thông xuất hiện quá nhiều trong văn bản tiếng Chăm là không cần thiết. Vì, ngôn ngữ Chăm có đủ sức phong phú để diễn đạt các ngữ nghĩa tiếng Việt.
Tác giả Vija Nhàn có bài khảo tả ban đầu về tín ngưỡng thờ vị thần Po Sah mang tên “Giới thiệu về đền Po Sah ở palei Caok (làng Hiếu Lễ)”. Tuy, chỉ là bài viết ngắn nhưng tác giả đã cung cấp nhiều tư liệu quan trọng về lịch sử ngôi đền Po Sah ở thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Làng Chăm Tánh Linh quê hương của nhân vật Po Rayak nổi tiếng lừng lẫy được tôn kính và thờ phượng khắp các làng Chăm ven biển Nam Trung bộ. Vùng đất Tánh Linh trong tiếng Chăm gọi là Palei Pacam có nhiều địa danh lịch sử. Bài nhật ký điền dã mang tên “ Làng Chăm Tánh Linh – xa mà gần” của tác giả Isvan giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về người Chăm sống giữa lòng chảo thung lũng huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận.
Tác giả Thập Hồng Luyện với bài viết “Nghi lễ Kabaw jiâ ở tháp Po Klaong Girai”. Tác giả đã giới thiệu nghi lễ tế trâu của các dòng tộc người Chăm trên đền tháp. Nghi lễ tế trâu được diễn ra ở trên đền tháp và dưới chân tháp do các chức sắc Po Adhia, Kadhar, Pajuw và Camanei phối hợp với nhau cùng thực hành nghi lễ.
Tác giả Jashaklikei qua bài viết “Lễ hội Ramawan của cộng đồng người Chăm Awal (Bà ni)” giới thiệu những nét đặc trưng nhất trong tháng chay tịnh của người Chăm Hồi giáo với các nghi lễ đi tảo mộ, cúng gia tiên và thực hành chay tịnh tại thánh đường.
Những hiểu biết về văn hoá lịch sử Champa trong các bộ sử Việt Nam có nhiều chi tiết thú vị. Tuy nhiên, nhận thức của giới sử học Việt Nam so với hiểu biết lưu truyền trong dân gian Chăm có nhiều mâu thuẫn đối lập với nhau. Tác giả Inrasara đã đưa ra một lối đi mới trong việc tiếp cận kho tàng lịch sử bằng bài viết “ Giải huyền thoại & …”. Nội dung chính của giải huyền thoại đưa ra 3 vấn đề lớn trong văn hoá Chăm. Đó là: Giải huyền thoại lục bát, Giải huyền thoại Huyền Trân, Giải huyền thoại Chế Bồng Nga.
Nửa đầu thế kỷ XIX các làng Chăm ven biển xảy ra nhiều biến cố lớn, người Chăm đành rời bỏ các bãi biển xinh đẹp, giàu nguồn hải sản và cơ hội kinh doanh thương mại hàng hải, tìm đến những chân núi khô cằn phía tây dãy Trường Sơn sinh sống để bào toàn nhân mạng. Tác phẩm Paoh Catwai ra đời trong bối cảnh lịch sử đó. Người Chăm khi giao tiếp, ứng xử với nhau thường trích dẫn những câu khuyên răn trong Paoh Catwai. Tuy nhiên, mỗi thế hệ có cách hiểu, cách tư duy khác nhau khi nhận định về Paoh Catwai. Tác giả Guga đã giúp độc giả có phương pháp tiếp cận với tác phẩm kinh điển trong dòng văn học bác học qua bài phân tích “Miền cao tử tưởng (Khảo luận Paoh Catwai)”.
Tagalau 18 lần đầu tiên giới thiệu bài nghiên cứu của học giả Thiên Sanh Cảnh mang tên “ Sự tích Pô Rô Mê”. Ngoài những thông tin về các công trình mới được công bố, Tagalau 18 cũng dành một số trang giới thiệu từ vựng tiếng Chăm chuyên về mục từ chỉ động vật của tác giả Ngọc Tảo.
Qua nhiều năm vươn mình lớn dậy, Tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hoá Chăm đã mang đến nhiều hương sắc hoa thơm. Tagalau đã trở thành kênh giải trí văn hoá tinh thần bổ ích. Sự lớn mạnh của Tagalau là sự nỗ lực của các tác giả tham gia đóng góp bài viết, sự ủng hộ của độc giả và sự chung tay của các mạnh thường quân. Để rồi, cứ độ mùa Katê về hoa Tagalau lại khoe sắc trên ngọn đồi hoang cùng nắng gió./.