Jaya Bahasa: ĐIỂM LUẬN TAGALAU 17

Hơn 15 năm đã đi qua với 17 số Tagalau được phát hành đến tay độc giả. Đây là một thành công đáng được ghi nhận về sự nghiệp mang nguồn tri thức và giải trí mà Tagalau đã nẩy mầm, đăm chồi và nở hoa. Để đạt được những thành tựu trên là sự nỗ lực miệt mài của các cây viết yêu văn hoá Chăm, sự đồng hành, đồng cảm của mạnh thường quân và quý độc giả ở gần xa. Tagalau 17 là bước đi tiếp theo trên con đường thúc đẩy văn hoá đọc phát triển gắn liền với vai trò chủ biên của nhà thơ Jalau Anưk. Bài điểm luận dưới đây tập trung giới thiệu vào các chủ đề sáng tác văn chương, nghiên cứu và phê bình. Đặc biệt, là những sáng tác thơ-Ariya bằng tiếng Chăm.
1. Sáng tác.
1.1. Sáng tác thơ Tagalau hội tụ các cây viết từ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, có các cây viết ở Phan Rang, quê hương của loài hoa mọc hoang trên ngọn đồi núi thấp có sắc tím nở hoa vào mỗi độ Katê về. Những tên tuổi, gương mặt thân quen như Jalau Anưk, Tuệ Nguyên, Đào Thái Sơn, Dư Thị Hoàn, Trầm Ngọc Lan, Miên Trà liên tục có những sáng tác mới hoà nhập vào sân chơi Tagalau. Các cây viết nhập cuộc chơi lần đầu tiên và các số gần đây như Uyên Nguyên, Đăng Hồng, Amuchandra, Lê Vũ Trường Giang, Trần Nhã My, Inra Jaka và Minh Đan mang đến những làn gió tươi mát làm toả sắc hương Tagalau. Bên cạnh đó, là các cây viết trẻ đang vươn mình, lột xác gieo hạt giống tâm hồn thơ trên mảnh đất nắng cằn cội như Lưu H, Lưu Anh Tặng và Quảng Đại Xuất đang gây được sự chú ý, ấn tượng trong lòng độc giả.
Cũng như các số trước đây, đặc điểm chung của các sáng tác thơ là các tác giả lặn sâu vào bản sắc văn hoá dân tộc khai thác, sử dụng chất liệu, hình ảnh các lễ hội Chăm, các đền tháp ở Nam Trung bộ làm cảm hứng, khơi gợi hồn thơ thúc giấc và lây động.
Thêm một Rija Nưgar nữa
Không thấy mặt người xưa
Tháng Tư chảy vệt nắng thâm trầm
Qua từng đụn cát

(Rija Nưgar- Đào Thái Sơn).
Ta cõng tháp du ca
Như hai kẻ tựa hồn nhau
Rảo bước
Ta mù loà chân đất
Tháp sáng mắt tinh anh

(Cõng tháp-Amuchandra).
Các cây viết Tagalau đa dạng về phong cách, thể loại, vùng miền, vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật để chuyển tải, diễn đạt cảm xúc, nhận định xã hội đương đại qua góc nhìn đa tuyến bằng bút pháp chấm phá.
Em
Ebola
Châu phi
Hãy ưỡn ngực chịu đau
Nỗi đau thần thánh

(Nỗi đau thần thánh-Trầm Ngọc Lan).
Nếu không có chia li
Giấc mơ không đượm mùi thuốc súng
Trái tình đã ngây ngây chín
Thơm như lúa như ngô

(Sài Gòn nhớ-Minh Đan).

1.2. Thể loại truyện ngắn trên Tagalau gắn liền với cây viết Trà Vigia. Ở lần xuất hiện này, tác giả đưa độc giả lên ngọn đồi cao để quan sát, chiệm nghiệm thế thái nhân tình, nhận diện xã hội bằng lối nhìn trực diện nhất. Tác phẩm “Ngọn đồi vĩnh biệt” vẽ ra một bức tranh sống động về một xã hội nông thôn đang trong quá trình đô thị hoá bằng cách xây dựng nhân vật, kết cấu câu chuyện đầy tính hư cấu và mâu thuẫn. Nội dung câu chuyện vạch trần vấn nạn huỷ hoại môi trường sống, chặt cây phá rừng, nạn tham nhũng, quản lý lỏng lẽo của các cơ quan chức năng dẫn đến rừng bị tàn phá nghiệm trọng đe doạ đến mạng sống con người. Đó là thông điệp chính mà tác giả muốn lên án.
Tác giả Nie Thanh Mai với truyện ngắn “Cửa sổ không có chấn song”, Lê Vĩnh Tài với “Hoa sân cỏ”, Đào Thái Sơn với chùm truyện ngắn “ Bạc mệnh, Bên kia bờ, Lão mục” và tác giả Jashaklikei với tác phẩm “Những cây xương rồng nở hoa”. Mỗi một tác phẩm là một câu chuyện về đời sống xung quanh chúng ta, những suy tư theo dòng cảm xúc của tác giả. Cứ ngỡ rằng, nó chẳng thuộc về ai. Nhưng, đó là một phần của giá trị cuộc sống làm tăng thi vị nơi tâm hồn.

1.3. Thơ-Ariya bằng tiếng Chăm có sự nhập cuộc của các tác giả Phú Đạm, Jaya Thuksiam, Lưu Anh Tặng và Sri Thraoh. Cuộc hội ngộ của hai thế hệ khác nhau mang đến những cái nhìn khác nhau về làng quê Chăm. Nếu như Lưu Anh Tặng và Sri Thraoh còn vướng bận tâm hồn nơi tình yêu thì Phú Đạm và Jaya Thuksiam trải nghiệm ý thơ nơi thân phận và cuộc đời. Họ buồn/vui, đau khổ/hạnh phúc, trong một cộng đồng nhỏ đang trở mình thức giấc. Tận sâu trong đáy lòng, những tâm hồn thơ đều dây dứt một nỗi đau không thể cất thành lời, chỉ biết gởi vào thơ.
Trong thể loại sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, Inrasara cũng góp mặt bằng chùm thơ mini song ngữ Chăm-Việt “Quê hương, Con tôi đâu ?”.

2. Nghiên cứu.
Ts. Trương Thông Tuần với bài viết “Vận dụng luật tục trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên hiện nay”. Tác giả trình bày về đặc điểm và nét khái quát về luật tục. Trên cơ sở kiến thức của luật tục có thể vận dụng để giải quyết mâu thuẫn bằng hoà giải, giải quyết các vi phạm hôn nhân, đất đai, tranh chấp tài sản của người khác hay phá hoại công trình công cộng. Theo tác giả, mục đích của việc vận dụng luật tục nhằm giúp nhận thức được sự tương đồng và khác biệt giữa luật tục và luật pháp hiện hành để đồng bào tự nhận ra những yếu tố tích cực của luật tục cần phát huy.
Tác giả Nguyễn Phức Bảo Đàn với bài viết “Nhà sàn Chăm H’roi: suy nghĩ về một loại hình kiến trúc”. Tác giả đã trình bày các quan điểm về nguồn gốc của tộc người Chăm H’roi. Và xem Chăm H’roi là nhóm tộc người-nhóm địa phương của tộc người Chăm. Họ là hậu duệ của cư dân Champa. Dựa vào kết quả khảo sát các nhà sàn, tác giả miêu tả chi tiết về kỹ thuật và các nguyên vật liệu xây dựng nên một cái nhà sàn có kiểu kiến trúc đặc trưng của người Chăm H’roi.
Tác giả Jaya Caraih với bài viết “Bước đầu tìm hiểu về làng của người Chăm H’roi”. Từ những đợt điền dã ở tỉnh Bình Định và Phú Yên, nơi tập trung sinh sống đông của người Chăm H’roi. Tác giả đã đưa ra một quan điểm trong việc chọn đất và vị trí để lập làng, phân tích cấu trúc và các phong tục tập quán của làng.
Ths. Đàng Quãng Hưng Thiện với bài viết “Nhu cầu đọc: Vấn đề quyết định đến sự tồn tại ấn phẩm thông tin của người Chăm”. Tác giả đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 100 bạn đọc quan tâm đến các ấn phẩm do người Chăm phát hành như: Tagalau, Tập nghiên cứu văn hoá Chăm, Đặc san Vijaya, Tạp san Champaka và Bingu Champa. Qua đó, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của các ấn phẩm.
Tác giả Jashaklikei với bài viết “Lễ tấu chức Po Gru (Cả sư) của người Chăm Awal”. Theo tác giả cộng đồng Chăm Awal là một bộ phận quan trọng, bên cạnh những yếu tố dân gian, bản địa, cộng đồng này, ảnh hưởng rất nhiều yếu tố Hồi giáo. Tác giả đã trình bày nét khái quát về nghi lễ tôn chức Po Gru và xem là một nghi lễ tôn giáo tốt đẹp của người Chăm.
Tác giả Nguyễn Quang Thái Quỳnh Truyền với bài viết “Phát triển bền vững làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp”. Dệt thổ cẩm là một nghề góp phần phát triển kinh tế quan trọng của người Chăm. Để đưa sản phẩm dệt thành một mặt hàng có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế cần có những giải pháp phát triển bền vững. Theo tác giả, yếu tố tác động đến phát triển làng dệt là tìm đầu ra cho sản phẩm, vốn đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sự hỗ trợ của nhà nước về mặt chính sách. Đặc biệt cần gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch.

3. Nhận định và phê bình.
Tác giả Inrasara với bài phê bình văn học “Nhập cuộc và hy vọng”. Từ những khái quát về sinh hoạt văn chương ở miền Trung và Tây Nguyên, Inrasara tập trung điểm danh các sáng tác của các nhà thơ gốc Phan Rang như Thục Linh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Lê Tiến Hưng, Lưu Mêlan và Kiều Maily. Có nhà thơ đã phát hành tập thơ riêng, có nhà thờ chỉ đăng thơ ở một số diễn đàn. Nhưng, họ vẫn có được độc giả nhất định. Từ phong cách thơ, nghệ thuật ngôn từ độc đáo các nhà thơ vẫn khẳng định được chỗ đứng, có một vị trí trong làng thơ cả nước.
Bài viết nhận định mang tên “ Những người đàn ông ngoại hạng của tôi”. Inrasara đã đưa độc giả trở về kí ức xa xưa của tuổi thanh niên. Các nhân vật người thầy, người anh em, bạn bè và người ông yêu quý dưới ngòi bút của mình họ hiện ra với nhiều tính cách chân thật, giản dị, kì lạ và đáng yêu. Inrasara nhận thấy họ có cái tài năng xuất chúng qua từng tính cách và việc làm mang đậm bản sắc Chăm.
Tác giả Caramai với bài nhận định về xã hội Chăm trong mối tương quan với người Kinh mang tên “Chăm tính”. Tuy chỉ là một bài viết ngắn nhưng tác giả đã quá chủ quan, nặng về phê phán xã hội Chăm bằng một góc nhìn phiến diện. Cơ sở xuất phát điểm về kinh tế giữa người Chăm và người Kinh rất khác nhau. Tác giả Caramai nhận thức rằng, người Chăm không chịu và không biết làm giàu là một nhận định chưa chuẩn xác. Xã hội Chăm đã rất nỗ lực đầu tư để phát triển lực lượng tri thức, họ có những đóng góp quan trọng tại các cơ quan nhà nước. Tình trạng thất nghiệp và nghèo đói là do sự điều hành yếu kém của chính phủ và nhà nước. Tác giả Camarai không nên đổ lỗi cho dân tộc Chăm một cách vô lý và thiếu cơ sở khoa học.
Tác giả Nguyễn Văn Tỷ với bài viết “ Nạn trộm cắp ở nông thôn-Thực trạng và giải pháp”. Quá trình đô thị hoá làm cho không gian văn hoá làng Chăm bị phá vỡ nền kinh tế tự cung tự cấp cũng biến đổi theo. Thanh niên bỏ làng ra các thành phố lớn tìm mưu sinh ngày càng nhiều. Do đó, văn hoá làng Chăm biến đổi theo là một quy luật tất yếu không thể tránh khỏi. Tác giả Nguyễn Văn Tỷ trình bày về tình trạng trộm cắp đang xảy ra ở các làng Chăm như một nạn dịch lây lan rộng lớn. Hiện tượng xã hội này chỉ mới phát triển trong những thập niên gần đây bởi tác động của đô thị hoá nông thôn. Theo tác giả nguyên nhân của vấn nạn trên là do hệ quả của giáo dục đang làm suy thoái đạo đức lối sống trong bộ phận thanh niên.
Tóm lại, Tagalau là một kênh thông tin, văn hoá, giải trí và khoa học hoạt động phi lợi nhuận được ấn hành thường niên vào các dịp lễ hội lớn của dân tộc Chăm. Sự yêu mến và đón nhận của độc giả trong nước và hải ngoại là động lực lớn cho Tagalau phát triển và ngày càng khoe sắc hương. Thế hệ trẻ Tagalau đang từng bước đi trên con đường xây dựng sự nghiệp phát triển văn hoá đọc nhằm phát triển cộng đồng Chăm đi lên cùng cả nước góp phần hội nhập với khu vực và quốc tế./.

One thought on “Jaya Bahasa: ĐIỂM LUẬN TAGALAU 17

  1. Mua Tagalau ở đâu ? Không có sách để đọc đành đọc bài viết điểm luận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *