THAY ĐỔI THÓI QUEN – THAY ĐỔI TRUYỀN THỐNG

11. Dừng lại để suy nghĩ, hay: Thay đổi lối nghĩ cục bộ

1. Dừng lại này do cái còm của Thuy Huong Nguyen Pham. Bạn FB viết: “Tại sao Inrasara là người Cham [sống trên đất Việt] lại viết phê bình văn thơ Việt?”
Đó là lối nghĩ cục bộ, nó đi ngược tinh thần hậu hiện đại qua châm ngôn: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động cục bộ”.
Cùng cách thế ấy, khi tôi nhắc đến vụ “phó Tiến sĩ hữu nghị”, anh chị em Cham cho tôi ám chỉ một nhân vật Cham. Có thế đâu! Phó TS hữu nghị là đại nạn quốc gia, trong khi Cham có mỗi một mà ăn nhằm nỗi gì.
Phê bình văn chương, tôi là Cham – tôi phê bình thơ văn Cham, cạnh đó tôi thuộc dân tộc thiểu số – tôi nghiên cứu văn học dtts, là đương nhiên. Rồi tôi công dân Việt Nam – là nhà phê bình, tôi không thể không đề cập văn học Việt. Dấn thêm một bước, tôi là thành phần của nhân loại, phê bình của tôi mở rộng đến: Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kì), Vương Tiểu Ba (Trung Quốc), Kobo Abe và Masatsugu Ono (Nhật), Márquez (Columbia)… thì có chi sai trật.
Suy nghĩ cục bộ, hạn hẹp quy định tâm thế chúng ta, là vậy.

2. Liên khúc [có thể lên đến 50 khúc] “Thay đổi thói quen – thay đổi truyền thống” là phê bình hậu hiện đại. Nó như thể khâu làm đất chuẩn bị cho một mảng phê bình khác của tôi. Thế nên nó không tự bó hẹp vấn đề của một dân tộc [Cham chẳng hạn], không hạn định một phạm vi hay đề tài, mà liên quan đến mọi bình diện đời sống hiện đại.
Nhà phê bình không được quyền né tránh nó.
Nhà phê bình không được phép ám chỉ nữa [tôi có bài viết: Phê bình ám chỉ], mà phải nói có sách, mách có chứng – cả khen lẫn chê, sẵn sàng va quẹt trực diện với tư duy, con người lạc hậu. Chỉ khi gặp trường hợp mang tính phổ quát, nó mới không cụ thể.

3. Tôi có tự khen mình, và “phe cánh” mình không? Làm thao tác đó không gì vô ích hơn, ở đây.
Ông Nguyễn Văn Tỷ với thú vui trồng hoa trong khuôn viên nhà của ông, là trường hợp rất đặc biệt không thể không nêu lên. Nhiều nhà Cham khác cũng có, nhưng không đáng kể. Jaka với Nhà Tông của chàng thanh niên Cham ấy cũng thế. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt qua việc quảng bá và bán thơ là một hiện tượng văn học Việt Nam không thể bỏ qua.
Cá nhân tôi, thay truyền thống “tủ buffet và tivi” bằng “tủ sách và guitare” cũng cực kì cá biệt.

“Thay đổi thói quen – thay đổi truyền thống” sẽ còn tiếp tục đầy hứng thú, với tôi. Bạn FB nào có hứng, xin mời nhập cuộc chịu chơi…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *