THAY ĐỔI THÓI QUEN – THAY ĐỔI TRUYỀN THỐNG 4-6

04. Tại sao cứ phải vào Hội Nhà văn?
Vào Hội Nhà văn Việt Nam, để có cơ hội tham quan nước ngoài, tranh thủ tiền đầu tư, đi hội thảo hay dự trại viết văn; vào Hội Nhà văn để cơ hội gặp gỡ bạn bè sinh hoạt với bù khú, thậm chí vào Hội chỉ để làm oai…
Đủ thứ “để”, ngoại trừ cái để quan trọng nhất là: để viết hay, thì không.
Thế, vào Hôi để làm gì?
Vậy mà chúng ta cứ ham vào Hội, còn lo chạy vào Hội nữa, mới lạ.
Trong khi văn chương là hoạt động càng cá thể, càng biệt lập càng tốt. Không bị vướng bận, không phải bị tập thể nhắc nhở, nhà văn không lo họp hành kiểm điểm, bầu bán, vân vân… hắn tự do tìm tòi, khám phá và sáng tạo.
Người viết văn, làm thơ hôm nay từ bỏ ý định vào Hội được không?
[Xin chớ nhạnh Inrasara: thì ông đã chả vào Hội nay nọ là gì. Tại sao? – Bởi hắn là thành phần hơi bị… cá biệt!]

05. Tại sao không thử nhìn ra ngoài?
Tôi có bạn nữ, vào đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, có anh chàng Chàm kiều đến hỏi cưới để đưa sang Mỹ, cô nàng nói tỉnh bơ: Qua Mỹ có giàu thì Cham nào biết mình?
Một bạn đồng môn thì mở quán tạp hóa cầu sao cho quán mình to nhất làng, là được.
Bạn thơ làm thơ Cham chỉ mong thơ mình nổi tiếng trường với bà con quanh làng xã.
Còn cây viết trẻ Cham thì tuyên bố sẽ là Inrasara thứ hai (!).
Mênh mông thứ…

Tại sao bạn không nhìn rộng và xa hơn, xa và cao hơn – nhìn ra bên ngoài.
Xuất hiện trên diễn đàn lớn hơn, đọ sức với Việt Nam, cạnh tranh với thế giới?
Ông bà Cham có câu: Caung glaung piơh laik di gap: Ước vọng thật cao để rớt lại khoảng vừa. Mới ló đầu ra mà bạn đã ước vọng vừa phải, thì còn mong làm được nỗi gì to tát!
Suốt ngay bạn ngó sang lối xóm láng giềng, mà ghen tị; liếc qua anh bạn Cham bên cạnh, mà đố kị. Sinh lực với tài năng trời cho chút đỉnh mà dành hết phần cho mấy cãi vả vụn vặt nơi ao nhà, còn đâu cho quả ngọt ngày mai.

Tại sao bạn không thử đố kị với Dostoievski, ganh đua với Beckham, ghen tị với Bill Gates? Khi bạn biết đặt câu hỏi kiểu đó, đời bạn sẽ khác đi rất nhiều.

06. Tại sao cứ là phe phái?
Với Cham, khi tôi viết biện minh cho luận điểm nào đó, không ít người bảo tôi nói để bênh vực cho phe mình, phản bác phe kia.
Với văn chương Việt, bài viết giải minh cho sự tồn tại của văn chương vỉa hè vừa đăng lên, có người phán ngay: ông Sara có phải người của vỉa hè đâu mà bênh vực văn chương vỉa hè!
Bài “Vụ án Nhã Thuyên: đính chính tư liệu & quan điểm học thuật” đăng Tienve.org, 4-5-2014, ở đó tôi vừa chỉnh Nhã Thuyên (ngoại vi) vừa phê Phan Trọng Thưởng (chính thống), vài người vội eureka: A đây rồi, ông ta thuộc phe giữa!
Tại sao cứ là phe phái? Suy nghĩ theo chiều hướng phi phe phái nào đó, có được không? Để tâm hồn ta được VÔ NHIỄM Ô trước mọi định kiến, bầy đàn?
Nên có thơ rằng:

Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên

Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên

Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới
(2006).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *