THAY ĐỔI THÓI QUEN – THAY ĐỔI TRUYỀN THỐNG

10. Tại sao không dám tự quảng cáo? 02

[Cùng là lúa cao sản, chất lượng như nhau, lúa Thái Lan bán nhiều và bán được giá, Việt Nam thì không. Vậy sao ta không học cách quảng cáo hàng của người Thái, mà cứ khư khư giữ lấy “truyền thống” Việt?]

Ở tiểu luận: “Thơ Việt thời Đổi mới, hành trình chuyển hướng say”, tôi viết:
“Thế hệ thơ Đổi mới cứ là một thế hệ thơ hẫng!
Nếu trước đó, mỗi tập thơ được in gần như trở thành một sự kiện văn học, hay ít ra cũng được báo chí [bao cấp] đặt hàng giới thiệu thì, các tập thơ của thế hệ thơ Đổi mới chịu phận hẩm hiu, như thể bị bỏ quên… họ không còn được cơ chế thông tin bao cấp ưu ái. Họ càng chưa thể giỏi xoay sở, sành tiếp thị như các nhà thơ thế hệ sau đó”.

Tôi thuộc thế hệ ấy, và như mọi nhà khác, tôi vừa không được ưu ái giới thiệu vừa không sành [có khi rất ngại] tiếp thị PR thơ mình. Mà thơ – dù đặc biệt đến đâu cũng chỉ là món hàng như mọi món khác. Ra tập thơ, không ai không muốn bán được nhiều. Nhưng nhà thơ thế hệ Đổi mới ngại.
Ngại này xuất phát từ truyền thống Việt: thơ cứ phải cao sang!

Thế hệ thơ 8x, 9x thì khác. Họ vừa cố gắng làm tốt vừa sẵn sàng PR, quảng bá, quảng cáo bản thân cùng mặt hàng của mình, mà không ngán ngại bất kì cái gì. Miễn sao nó bán được càng nhiều càng tốt.
Nguyễn Phong Việt ở tuổi 30 bán được 3 vạn cuốn tập thơ đầu tay, cũng bởi biết PR (public relations), sành rao hàng trên FB. Đáng ước mơ quá đi chứ! Ngược lại bạn thơ trẻ Cham – Lưu Tặng – do không quan tâm [hay không sành] “tự quảng cáo”, thơ in ra cả năm vẫn còn nằm im trong bọc. Mà thơ hai người, chưa chắc ai đã hay hơn.
Khách hàng có thiệt thòi không?
Còn ai đủ lí do để chống lại “tự quảng cáo” hàng hóa chất lượng?

[Thêm: Tôi đã phân tích với bạn thơ trẻ Lưu Tặng rằng, ngoài người viết giới thiệu tập thơ còn khá vô danh, 3 yếu tố PR bạn chưa triển khai là: 1. Thơ bạn chưa xuất hiện trên báo chí trước đó, 2. Sau khi in, thơ bạn cũng không được ai viết giới thiệu trên báo, tạp chí uy tín, 3. Bạn cũng không tổ chức ra mắt sách ở trung tâm văn hóa lớn. Ở đây có thể so sánh với sự kiện tập thơ Giữa hai khoảng trống của nữ thi sĩ Cham Kiều Maily, để tham khảo. Dĩ nhiên, bạn nhất trí cao].

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *