THAY ĐỔI THÓI QUEN – THAY ĐỔI TRUYỀN THỐNG 7-8

Sang Tong01-Jaya
[Photo Inrajaya]

07. Khi đàn ông Cham về nhà vợ

Người Cham theo chế độ gia đình mẫu hệ.
Likei di bơng mưsuh, kamei di bơng mưnưk: Đàn ông cho chiến đấu, đàn bà cho sinh nở.
Mà vũ khí để lăn xả vào cuộc chiến kia là TRI THỨC. Hiểu biết về nông ngư nghiệp, về triết học, về kĩ thuật, về văn chương chữ nghĩa… cũng là hiểu biết.
Xưa, người đàn ông Cham lấy vợ, mang tri thức đó theo về nhà vợ. Một thứ tri thức ích dụng, để thực hiện giai đoạn thứ hai của một đạo sĩ Bà-la-môn: Chủ Hộ.
Nay thời thế đã khác, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ như cũ, hay chính xác hơn: hiểu sai lệch tinh thần cũ.
Chú rể Cham tốt nghiệp Đại học [có tri thức], nghề ngỗng chưa [chưa có đất dụng võ], đồng vốn cũng không có [thiếu điều kiện đủ của thời hiện đại], nhưng vẫn có thể hiên ngang đi về nhà vợ. Cuối cùng, chú rể ấy chẳng những không thể làm chủ gia đình, mà vô hình trung trở thành GÁNH NẶNG cho gia đình vợ.
Tại sao bạn không thử thay đổi tư duy, từ đó thay đổi truyền thống đó.

Sang Tong02-Jaya
08. Có Ngôi nhà Cham như thế ở thế kỉ XXI
[Trà Chân: đọc cả bài đã đăng trên báo Bình Thuận cuối tuần, 8-1-2016]

Trong khi mọi người đổ xô vào thành phố, Jaka đã làm ngược lại: từ thành về quê.
Trong khi thanh niên nam nữ Cham chạy theo model mới nhất, Jaka vận lên người áo Ông Mưdôn Cham của thế kỉ XIX
Và…

3. Độc đáo hơn nữa là lối sống của chủ nhân của “Nhà Tông” ấy. Luôn vận trên người áo, chăn với khăn quấn theo đúng phong cách Cham, lối ăn mặc từa tựa y phục của Ông Mưdôn Cham ngày nay.
Jaka – tên khai sinh Phú Tuệ Năng – là con trai lớn của nhà thơ Inrasara. Ngay năm nhất Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, chàng trai lập dị này đã mở trang Website Gilaipraung.com cho sinh viên và thanh niên Cham gặp gỡ và trao đổi thông tin văn hóa xã hội cộng đồng. Nhớ, đó là vào năm 2005, thời văn hóa internet chưa phát triển như bây giờ. Từng đi giao lưu với thanh niên và sinh viên các nước Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Úc… Từng đại diện cho Việt Nam tham dự Hội nghị Quốc tế về Những Sáng kiến thay đổi lần thứ 33 (The 33rd Initiatives of Change (IofC) International Conference) tại Nhật Bản suốt ba tháng.
Ở Sài Gòn, Jaka tham gia dạy tiếng Cham rồi dạy nhạc, dạy tiếng Anh và hướng dẫn kĩ năng sống; thêm nữa, trong khi cả gia đình đang sinh sống ở thành phố với đủ đầy tiện nghi, công ăn việc làm thu nhập khá, đùng cái chàng trai ấy quyết bỏ phố về quê dựng “Nhà Tông”, để sống như là đứa con Cham chính hiệu ở thế kỉ XIX!
“Nhà Tông” ấy sau hơn một năm gầy dựng, nay đã có ao cá, chuồng gà, xe trâu, chái dệt thổ cẩm cùng đủ giàn mướp, giàn bầu với các loại cây bán nhiệt đới xứ nắng Phan Rang. Nó chính thức được chủ nhận cho khai trương vào tháng 9 năm 2014. Sơ sài vậy mà đến nay “Sang Tong Jaka” đã đón bao nhiêu là lượt khách cả trong lẫn ngoài nước. Hơn thế, vài đoàn làm phim còn gợi ý chủ nhân cho thuê làm phim trường nữa là.
Hành động lập dị quá đáng này biết đâu sẽ là mô hình cho những sáng kiến khác, ngày mai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *