THAY ĐỔI THÓI QUEN – THAY ĐỔI TRUYỀN THỐNG

12. Đốt nhang trong tháp, có thể thay đổi truyền thống [mới] phản văn hóa này được không?

Mỗi năm, bà con Cham lên tháp cúng không quá ba lần. Cả sư Po Dhya hành lễ, bên cạnh vài thầy phục vụ. Nến được chủ lễ đốt lên ở đó, xong lễ [không quá tiếng đồng hồ] thì tắt.
Đó là truyền thống Cham. Sau đó cửa tháp được đóng lại cho đến kì lễ sau.
Thế nên không lạ, qua ngàn năm, nóc tháp Chàm vẫn còn nguyên màu gạch.
Nay đã khác. Người Việt tiếp quản tháp [nhất là Tháp Bà Nha Trang], hoặc tin và lên tháp cúng tế. Truyền thống Việt cúng vái thì đốt nhang, xong, nhang vẫn để cháy cho đến lụi tàn. Bộ phận bà con Cham tưởng thế là văn minh lắm, tiếp sức vào cùng đốt… nhang. Ba cây nhang cộng ngàn lượt người thăm viếng mỗi ngày, tượng thần còn không chịu nổi huống chi màu gạch nóc tháp Chàm: đen thui là phải.
Còn đâu màu gạch nung, còn đâu Pô! Hay Ngài đã bỏ đi từ khuya rồi mà ta không hay, cứ vái xin cái trơ trơ tượng đá?!

Có thể thay đổi truyền thống phản văn hóa [mới hình thành] này được không?
Hiện nay Cham không tìm đâu ra trầm hương để đốt. Dùng nến thì người Việt không chịu rồi. Vẫn cho người Việt giữ truyền thống [không cần phải chủ lễ mới đốt như Cham], chỉ cần thay đổi xíu: dùng loại hương cục nhỏ chế biến sẵn, để xong phút khấn vái là nó cháy hết, và tự tắt.
Nhà chức trách hay Ban Quản lí các khu tháp Chàm có thể can thiệp yêu cầu người hành hương làm thao tác đơn giản đó được không?
Cho Ngài trở về. Và trả lại tháp được là tháp Chàm. Để con cháu muôn đời sau vẫn còn cơ hội thưởng lãm công trình kiến trúc hay thờ phụng Ngài.

Thay đổi thái độ tranh luận (nói thêm về vụ Đốt nhang trong tháp)

Tranh luận về một đề tài nào đó, thường người tham gia có mấy thái độ không thích hợp sau:
– Quá khích và hiếu thắng, từ đó hai bên dùng ngôn từ tố cáo lẫn nhau.
– Biết sai nhưng cố cãi bướng, đưa tranh luận vào ngõ cụt.
– Đuối lí, sinh tự ái, từ đó nói sa đà và quay sang tấn công cá nhân
– Cuối cùng là thái độ huề cả làng. Đây là thái độ bề ngoài có vẻ là tốt, nhưng không có lợi trong tìm kiếm sự thật.
Do đó cần thay đổi:
– Tranh luận là tranh biện bằng lí luận, để đi đến kết luận có SAI có ĐÚNG, cho nên không có chuyện khật khừ, lưng chừng.
– Lên diễn đàn tranh luận cũng không có chuyện kiêng dè uy tín [về học vị học hàm, về danh vị nhà thơ, học giả] hay vị thế [đàn anh, bậc chú bác hay cấp này nọ], mà tất cả bình đẳng trước sự thật, để có thể trao đổi công bằng và sòng phẳng.
– Cần tranh biện đến cùng để tìm ra cái ĐÚNG.
– Muốn chứng minh mình đúng, cần có luận cứ rõ ràng, luận chứng cụ thể với lập luận vững chắc để đánh bại người đối thoại và thuyết phục người nghe tin mình.
Cuối cùng, tranh luận xong RỒI THÔI, không mang nó vào đời sống để bị ảnh hưởng quan hệ.

Xin trở lại vụ “Đốt nhang trong tháp”.
TRUYỀN THỐNG CHAM không đốt nhang trong tháp. Vài thập niên qua, người Việt khi qua cúng tháp Chàm, mang truyền thống đốt nhang vào tháp, thành THÓI QUEN.
– Ý kiến TNL: “anh em người Kinh họ dùng nhang truyền thống là tập quán, ta o nên bê cả tập quán của người khác [tức là Cham] vào dị lắm”.
Truyền thống Cham có từ xa xưa, người Việt mới đến, đáng lẽ “nhập gia tùy tục” Cham, nay người Việt cứ theo tục Việt mà làm. Hiện trạng này diễn ra hàng ngày. Người nước ngoài nhìn cũng thấy ngán ngẩm. Nó vừa sai truyền thống Cham, vừa tác hại di tích văn hóa quốc gia [không chỉ của Cham].
Rất nhiều bạn trẻ Cham lên tiếng từ nhiều năm trước và lên tiếng nhiều lần, xem bài Son Putra hay cứ vào Google là thấy.
Tại sao lên tiếng về vụ này mà TNL cho là KHÔNG NÊN, là DỊ? Ai đúng, ai sai?

2. Thờ tự hay đốt nến là “vấn đề tín ngưỡng, tâm linh”, là QUYỀN của bất cứ dân tộc nào. Cham hay Việt cũng thế.
– TNL viết: “Vấn đề tín ngưỡng, tâm linh là quyền của người khác”. Đúng, nhưng QUYỀN đó nếu bộ phận người Việt thực hiện ở chùa chiền thì không thành vấn đề, nay họ mang vào tháp đang gây tổn hại đến di tích quốc gia và ảnh hưởng đến phong tục, tập quán Cham là CHỦ NHÂN chính của di tích đó.
Tại sao lên tiếng để thay đổi mà TNL cho là KHÔNG NÊN, là DỊ? Ai đúng, ai sai?

[Chuyện tương cận: về các gia đình Việt lấn Ghur Bini của Cham Awal, chuyện lấn đã xảy ra 30 năm, và ba năm thành lệ rồi, đã ra nhà ra cửa rồi. Vậy khi tôi lên tiếng để đòi lại đất đã thành lệ kia, là không nên sao? Và người lên tiếng kia có phải vì danh lợi không? Thế mà cuối cùng Cham đã làm được].

3. Đó là 2 luận điểm KHÔNG thể bác bỏ. Không bác bỏ được bằng luận chứng thuyết phục hơn, nhưng “Người Trao Đổi” lại cho tôi “già hàm” để “kiếm bả danh lợi” [ngôn từ mang tính tố cáo], đó là chưa nói đến các cáo buộc nặng lời khác mà tôi xóa đi. Vậy ai ĐÚNG ai SAI?
[Trong tranh luận và trao đổi học thuật, tuyệt đối tôi chưa dùng ngôn từ mang tính tố cáo bất cứ ai bao giờ].

4. Các bạn FB là những người quan tâm đến đề tài, là các bạn trẻ hiểu biết và những người Việt có học. Họ tham gia share, like, còm MỘT CÁCH TỰ NGUYỆN [hơn 100 hits], vậy mà “Người Trao Đổi” cho rằng tôi “tạo bầy đàn”. Tố cáo như thế vừa SAI, vừa có ý XEM THƯỜNG các bạn FB. Họ đâu thiếu hiểu biết để dễ dàng cho tôi “định hướng”.
Không trách, khi [3] và [4] trên bị 3 bạn trẻ phản bác bằng lời lẽ mạnh mẽ, nặng trịch. Tôi cũng xóa đi, vì nó không có lợi cho trao đổi.

5. Không dừng lại ở PHẢN ĐỐI thói quen “đốt nhang trong tháp” của bộ phận người Việt, tôi đề nghị GIẢI PHÁP mang tính dung hòa: “dùng loại hương cục nhỏ chế biến sẵn, để xong phút khấn vái là nó cháy hết, và tự tắt”.
Trách nhiệm của một trí thức là lên tiếng và kiến nghị, còn giới chức có tiếp thu hay không là vấn đề của họ, chứ không còn là vấn đề của trí thức nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *