Palei Chakleng, làng văn vật Cham có mặt trên ngàn năm, làng dệt nổi tiếng, một thời có tiếng về học, về bong đá.. có cái gì đó xêm xêm làng Hành Thiện. Tôi xin trích đăng đoạn viết này để các bạn trẻ Chakleng cùng suy nghĩ.
Nhà báo Quốc Phong:
“Làng Hành Thiện quê tôi là một mảnh đất nghèo thuộc Đồng bằng Bắc bộ…
Làng tôi nổi tiếng là mảnh đất khoa bảng với truyền thống “Giai học hành, gái cửi canh”. Dù nghèo đến mấy, thì người phụ nữ làng tôi vẫn miệt mài trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải lấy tiền nuôi chồng, nuôi con học hành, thi cử để đỗ đạt.
Những câu ca dao như:
“Mong anh đi học cho ngoan
Để em dệt vải kiếm quan tiền dài
Quan tiền dài em ngắt làm hai
Nửa lo giấy bút, nửa nuôi mẹ chồng”
như thể là tả về chính làng tôi xưa kia vậy.
Vào thời Nho học, nơi này năm nào cũng khá nhiều sĩ tử đỗ đạt cao. Chả vậy mà nghe kể, mỗi khi xướng tên người đỗ ở chốn khoa trường, nhiều thí sinh hay ồ lên: “Lại Hành Thiện!”. Nếu tính từ lúc làng Hành Thiện có người phát Khoa (năm 1522 – triều Lê cho đến triều Nguyễn, đời Vua Duy Tân, năm 1915 – kết thúc thi cử Nho học), làng này đã có 338 tiến sĩ, phó bảng, cử nhân và tú tài. Tính ra, người có hàm Thượng thư cũng đã có 4 vị.
Nói ngay chuyện như bây giờ (tính từ sau 1945, không tính thời Tây học), người Hành Thiện có đến gần 200 tiến sĩ, trong đó có 37 giáo sư và 26 phó giáo sư. Chỉ riêng số GS và PGS Y khoa, Hành Thiện đã có 20 người. Số GS, PGS, TS, nhà giáo ưu tú… là nữ, nếu tính sơ sơ cũng đã có vài chục người.
Và người phụ nữ làng tôi vẫn như xưa, tần tảo, âm thầm hy sinh để chồng, con được thành công, dựng được sự nghiệp. Làng tôi bây giờ, khá nhiều gia đình vợ chồng phải tạm xa nhau. Những người mẹ cùng con ra Hà Nội, làm nghề mua bán ve chai, lau dọn nhà cửa thuê, tối tìm chỗ trọ tại những nơi úi xùi với bạn hàng cùng cảnh ngộ, khoảng mươi ngàn/đêm. Tất cả chỉ để dành dụm tiền cho các con ăn, học đại học cho bằng chúng bạn…”