Văn chương, Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương

VĂN CHƯƠNG – SUY NGHĨ TOÀN CẦU, HÀNH ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG
Bài tham luận tại Hội thảo:
Lí luận-phê bình và sáng tạo văn học-nghệ thuật các dân tộc thiểu số
5 năm 2001-2006
, tại Hà Nội, ngày 11.12.2006.

I. Từ tư duy…
Chiếc Lexus và cây Ô liu.
Sau Chiến tranh lạnh, trong khi một nửa thế giới nỗ lực không ngưng nghỉ cho hiện đại hóa về mọi mặt trong thời đại toàn cầu; thì nửa kia vẫn tiếp tục đổ máu để xem ai là chủ của cái cây Ô liu mỏng manh nào đó. Đây là khám phá độc đáo sau thời gian dài quan sát biến động trên thế giới của Th. Friedman, trong cuốn sách thời danh: The Lexus and the Olive tree (2000).
Chiếc Lexus tượng trưng cho động lực làm giàu và hiện đại hóa; cây Ô liu: cho bảo tồn bản sắc truyền thống của một cộng đồng. Cuộc chiến giữa Lexus và Ô liu đang xảy ra trên phạm vi toàn thế giới, trong khu vực, một đất nước, một cộng đồng và thậm chí, trong tâm hồn của một cá nhân.
Đó là bi kịch của nhân loại. Ngày xưa, bản sắc này tìm mọi cách loại bỏ bản sắc khác; hay nói cách hình tượng: cây Ô liu này luôn muốn nhổ bỏ cây Ô liu kia thì nay, cây Ô liu còn phải ra sức chống lại sức mạnh ghê gớm đến từ chiếc Lexus – cái Lexus có mặt quanh nó và, trong nó!
Vậy, làm sao cho Ô liu sống cạnh/chung/với Lexus mà không bị èo uột hay khô héo? Hay, làm sao một cộng đồng, dân tộc, cá nhân,… có thể giữ được bản sắc mà vẫn có thể hiện đại hóa xã hội, có thể dung hòa truyền thống với tiến bộ khoa học kĩ thuật siêu hiện đại?
Đó là câu hỏi của hôm nay, đặt ra cho mỗi thành viên cộng đồng, nhất là cho mỗi trí thức của cộng đồng ấy – không thể chạy trốn. Chúng ta đã từng sợ hãi: sợ mất bản sắc, mất cái tinh túy nhất do cha ông để lại. Đứng trước thách thức quá lớn đến từ các nền văn hóa lớn hơn, các nước có nền kinh tế mạnh hơn, nền khoa học tiên tiến hơn, chúng ta thấy chúng ta quá lép vế. Chúng ta nhìn các cuồng phong ấy thổi tới với con mắt đầy mặc cảm: vừa khư khư ôm truyền thống vừa lắm lét học đòi hiện đại; vừa ra sức bảo tồn bản sắc vừa thầm hiểu rằng bản sắc kia sẽ bị tiêu vong, không chóng thì chày.
Nhưng sợ hãi, đâu phải chỉ tồn tại nơi tâm hồn Ô liu mà, sợ hãi còn hiện hữu ngay chính tinh thần của Lexus nữa.

Nhìn từ trung tâm…
Trong cuốn Nationalist Postnationalism (1998), Frederick Buell bàn về văn hóa của các nhóm di dân vào Hoa Kì, rất đáng đọc. Tạm tóm tắt cái ý chính:
– Quen với thái độ sống “độc văn hóa” (monoculturalism) đầy óc bảo thủ địa phương, thiển cận và thậm chí lỗi thời, Hoa Kì luôn nhìn bằng con mắt kì thị các nền văn hóa khác.
– Tính chất đa văn hóa của nhóm di dân được du nhập vào Hoa Kì đã làm Hoa Kì giật mình tỉnh thức.
– Các nhóm di dân mặc dù chấp nhận các nghề dưới đáy xã hội, nhưng chính họ đã làm phong phú nền văn hóa đa chủng của Hoa Kì, tránh cho Hoa Kì mặc cảm tự ti văn hóa hậu thuộc địa cũ kĩ (old postcolonial cultural inferiotity complex). Từ đó Hoa Kì biết rời bỏ đại tự sự (grand narrative) lạc hậu, và học chấp nhận tiểu tự sự của nền văn hóa khác.
– Các nền văn hóa của các nhóm di dân này, chẳng những không tác hại Hoa Kì mà còn mang đến cho nó một vị thế và một sức mạnh văn hóa mới phù hợp với tiến trình toàn cần hóa (globalization).

Và ngoại vi…
Về nền văn hóa Champa, nếu người Chăm biết duy trì truyền thống văn hóa dân tộc “bhap ilimo” (từ dùng của Pauh Catwai), chẳng những Chăm không tự đồng hóa để mất hút vào nền văn hóa lớn là văn hóa Việt Nam [và thế giới] mà còn thêm vào đó một sắc thái mới, dòng chảy mới, rất đáng trân trọng. Hậu hiện đại từ chối tinh thần dân tộc chủ nghĩa bài ngoại (xenophobic nationalism), dẹp bỏ bệnh sợ ngoại nhân (xenophobia), thay thế chủ nghĩa dân tộc bằng chủ nghĩa dân tộc mở (open nationalism).
Điều này rất thích hợp với tất cả dân tộc thiểu số khác. Và, rất thiết yếu với mọi nền văn hóa/dân tộc đa số khác. Nó rất nhân bản.

Một thế hệ sinh viên mới
Gia nhập APEC, WTO,… hệ thống đại học chúng ta buộc phải mở, để bằng cấp Đại học Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khi đó, sinh viên không còn thụ động lắng nghe giáo sư và ghi chép – đúng bài, đúng theo sách mà, là: hỏi, hỏi và hỏi. Các câu hỏi buộc giáo sư, giảng viên phải trả lời. Ví dù nhà bác không trả lời được lúc này, thì nhà bác phải “học” để có khả năng trả lời. Còn nhà bác không thể đáp ứng được thì nhà bác… thôi việc hoặc, tự ghi danh vào danh sách giáo sư thất nghiệp. Sinh viên sẽ tìm tới giáo sư khác, hay đi tìm trường khác. Ở đó, có giáo sư khác trả lời cho đòi hỏi ngày càng cao của họ. Nhà nước không mất công tổ chức thi lại bằng giáo sư, tiến sĩ cho các giảng viên.

Nguyên nhận nào tháp Chàm hiện hữu trên khắp miền Trung? Tại sao Mĩ Sơn là di sản văn hóa-lịch sử nhân loại? Đâu là vương quốc đã làm nên các công trình kiến trúc độc đáo đó? Tên Champa phải được nhắc đến. Như thế sự thể quốc gia này hình thành, phát triển và tàn lụi ra sao? Cuối cùng, dân tộc sở hữu nền văn minh ấy đã hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc trên đất nước Việt Nam như thế nào? Các câu hỏi đặt ra buộc nhà viết sử viết lại lich sử để đảm bảo tính toàn vẹn của lịch sử đất nước Việt Nam. Nữa: một dân tộc đã sáng tạo nên nền kiến trúc và điêu khắc lớn như thế, lẽ nào họ trống vắng văn học? Vậy đâu là văn học Chăm? Tại sao mãi đến hôm nay nền văn học của dân tộc đó không có mặt trong văn học sử Việt Nam? Các nhà viết văn học sử lần nữa lại làm việc: tính toàn vẹn của văn học Việt Nam cần được đảm bảo.
Gần hơn, học văn chương thế giới, sinh viên có quyền được biết về các trào lưu văn học đương đại, từ Hoa Kì cho đến Hàn quốc, từ Châu Mỹ La tinh cho đến Nga. Khi đó, nếu giảng viên đứng giảng đường ú ớ hoặc tán hươu vượn, mất ghế là cái chắc.

II. Qua hiện thực
Hiện thực văn học Dân tộc thiểu số thế nào? Cụ thể hơn: thơ dân tộc thiểu số?
Tôi đã bàn về thơ hiện đại Chăm trong bài: “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay” và “Sáng tác thơ Chăm, chặng đường năm năm”; về thơ Dân tộc thiểu số: “Thơ Dân tộc thiểu số Việt Nam – từ một hướng nhìn động”. Tôi xin miễn nhắc lại. chỉ biết rằng, thơ ca chúng ta đang “ngủ”: ở đề tài, ngôn ngữ thể hiện lẫn thi pháp. Đó là chưa nói đến thơ được viết bằng tiếng mẹ đẻ. Khía cạnh này chưa ai đánh giá được.
Trong khi thử làm cuộc đối sánh với thơ người Việt hiện đang sinh sống tại Hoa Kì; cũng hoàn cảnh tương tự chúng ta nhưng họ đang rất khác. Họ hòa nhập khá nhanh, tự tin sáng tác, từ đó nổi lên vài khuôn mặt sáng giá. Sáng tác bằng tiếng Việt có: Phan Nhiên Hạo, Khế Iêm, Lê Thị Thấm Vân,… Bằng tiếng Anh, Pháp có: Mộng Lan, Linda Lê,… Vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt có: Đinh Linh, Lưu Diệu Vân,… Mới đây họ còn lập ra cả Website văn chương: damau.org, tập hợp một cả lực lượng hùng hậu. Còn ta? Chưa có gì cả: Chăm mới có tuyển tập Tagalau mỗi năm một số. Các dân tộc khác: trống vắng!

III. Cho đến ý hướng
Chúng ta giải quyết thực trạng lép vế và kém thế này như thế nào?
Hậu hiện đại & tinh thần nhập cuộc chịu chơi
Chủ nghĩa hậu hiện đại quyết đánh đổ những đại tự sự (grands récits, từ dùng của Lyotard), để thay vào đó bằng tiểu tự sự (petits récits). Cá nhân/cộng đồng kể chuyện về mình, suy tư, phản ứng hay hành động một cách riêng tư trước vấn đề rất cụ thể mà thế giới đặt ra cho mình/cộng đồng mình.
Nó không lo lắng cho cả thế giới, nó chỉ lo lắng cho nó thôi, bởi nó cũng là một thế giới. Khi nó lo lắng cho nó cách rốt ráo, nghĩa là nó đã lo lắng cho thế giới rồi. Ví dụ: khi ta trồng cây trong khuôn viên nhà ta, nhắc anh em ta đừng phá rừng là ta đã giúp nhân loại bảo vệ phần nào môi trường thế giới rồi.
Nó bày ra trò chơi cho nó, vì nó, nó chơi trò chơi đó, chơi hết mình. Nhưng nó biết thế giới không phải chỉ có mỗi nó: nó với trò chơi duy nhất. Vì, bên cạnh nó và cùng tham gia trò chơi thế giới (chữ dùng của Heidegger) với nó còn có những “nó” khác. Những “nó” này đang chơi trò chơi của họ.
Nhưng chúng không hề tin tất cả trò chơi nhỏ ấy là mảnh vụn của trò chơi vĩ đại nào đó, trò chơi của Chúa chẳng hạn, hay của quy luật Biện chứng nào đó con người nghĩ ra, manh tâm áp đặt nó cho nhân loại hay, mơ tưởng rằng thế giới đã/phải như thế.

Văn chương không phân biệt ngoại vi hay trung tâm, dân tộc thiểu số hay đa số, giàu hay nghèo, nam/nữ, trung ương/địa phương, chính lưu/ngoài luồng, trong nước/hải ngoại,… Đã có nhiều phân biệt, nhưng đó là sự phân biệt giả tạo xuất phát từ mặc cảm giả tạo. Vượt qua mặc cảm đó, người nghệ sĩ của dân tộc ngôn ngữ thiểu số (tiếng Chăm so với tiếng Việt, văn chương tiếng Việt đặt cạnh văn chương Anh ngữ), khi sáng tác phẩm của anh/chị ta đạt tiêu chí nghệ thuật cao, tác phẩm đó khả năng đạp đổ vách tường ngăn trung tâm/ngoại vi đầy tệ hại. Nhiều văn nghệ sĩ di dân thành danh ở Hoa Kì chứng minh sáng giá cho chân lí đó.
Ở trong nước, xung quanh ta từ nửa thế kỉ qua, các sáng tác của hàng chục nhà văn dân tộc thỉểu số một lần nữa khẳng định sự thật đó. Vậy, tại sao chúng ta không tự tin nhập cuộc?

One thought on “Văn chương, Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương

  1. ^^!blog cua chi dep lam`!!! neu chi muon noi chuyen voi em thi hay~ ep nick em nhe!!……..nick cua em la` :emyeuanh_lakho!!!….byeeeee!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *