Nghĩ về việc làng Bauh Dơng chuyển lên núi ở

Bất cứ hiện tượng nào, dù nhỏ hay lớn, cũng có thể cho chúng ta những bài học đáng giá, nếu chúng ta biết suy tư sâu thẳm về nó. Hiện tượng làng Bauh Dơng là sự kiện lớn, đụng đến rất nhiều vấn đề. Hiện tượng này có thể hiến cho nhà xã hội học đề tài phục vụ một công trình nghiên cứu, đủ cho nghiên cứu sinh làm luận án cao học.
Một người ưu tư về xã hội, không thể bỏ qua các biến chuyển – tiêu cực hay tích cực – của xã hội ta đang sống.

Gợi ý:
Qua vụ KMV vừa qua, vài người ưu tư đến việc an toàn cuộc sống cho bà con, đã có ý đề nghị chính quyền tách hẳn khu vực Kinh/Chăm. Làng cách làng, xã cách xã,…vừa dễ quản li, vừa tiện sinh hoạt.
Kinh nghiệm cho anh em thấy: lâu nay các làng thuần Chăm (không có Kinh sống chung): ví dụ Hậu Sanh – Thon, hay các làng Chăm tách hẳn làng Kinh: như Mỹ Nghiệp – Caklaing chả hạn, ít xảy ra xung đột. Còn nếu sống xen cư như An Nhơn hay quá gần nhau như Thành Tín hoặc Bầu Trúc, thì va chạm khó tránh khỏi. Các va chạm không đáng có. Từ đó vụ việc lây lan lớn hơn.
Nhận xét đó đúng, nhưng chưa đủ. Và nhìn cách tổng thể trong xu hướng mới, nó không được thực tế cho lắm.

Ngày xưa, Chăm An Phước có quận riêng (nhất là thời ông Dương Tấn Phát), nên từ việc hành chính đến phong tục, các ông quan Chăm dễ điều hành hay xét xử. Người Chăm cũng rất ổn định việc hành lễ, nói chi xung đột Chăm/Kinh.
Nhưng nay đã khác rồi. Khác hoàn toàn. Không thể kéo bánh xe lịch sử giật lùi.

– Thế giới đang thành làng toàn cầu qua thông tin liên mạng. Trên thế giới, không nước nào còn “thuần” tộc người nữa cả! Hãy xem đội bóng đá Anh cũng đủ biết. Cả Đức hãnh diện về nòi giống mình là thế, cũng đã có cầu thủ da màu!
– Hoa Kì tập hợp các sắc dân và nền văn hóa dị biệt phong phú nhất toàn cầu. Chính phủ Hoa Kì đau đầu không ít về các làn sóng di dân. Trong đó, dân Mexico rắc rối hơn cả. Có đuổi đi hết được đâu, giải quyết cho họ thôi! Dù muốn hay không, Mỹ phải chấp nhận hiện tượng toàn cầu đó.
Đó là xu hướng chung của cả thế giới, bạn trẻ biết nó và, học cách chấp nhận nó, chuẩn bị các điều kiện tối thiểu để thích ứng với nó.
– Vì là xu hướng chung, nên Việt nam cũng không phải là ngoại lệ.
Có rất nhiều lí do. Ở đây tôi chỉ xin tạm phân tích một lí do. Và, chúng ta cũng dừng lại ở lí do đó để tìm lối thoát khả dĩ cho cuộc sống an ninh và ổn định của chính mình.

I. Về một hiện tượng xã hội:

1. Hơn 10 năm nay, dân làng Phú Nhuận-Bauh Dơng, rủ nhau sống trên vùng “kinh tế mới” cách làng 20km. Lên một cách tự giác, và không tổ chức. Trước tiên chỉ vài gia đình làm chòi tạm canh bắp, khoai,… Nhưng đến lúc này đã có hơn 100 hộ chuyển lên đó ở hẳn. Chính quyền địa phương chiều lòng dân, cũng đang lo trường học, trạm xá… cho con em.
[Lần về quê vừa qua, tôi chưa có điều kiện điều tra kĩ, mà chỉ nghe vài người thân kể lại trong đó có ông chú ruột của Sara. Hi vọng thời gian gần, có nhà xã hội học làm đúng thao tác khoa học hơn, từ đó chúng ta có được tài liệu chính xác và cụ thể hơn]
Lí do họ dời lên như thế đơn giản bởi: làng quá chật, người thì tăng mà ruộng đất thì teo, như câu thơ Sara, hết đất trồng trọt. Trong khi thời Sara còn nhỏ, 35 năm trước, Phú Nhuận là một trong vài làng trù phú của Chăm. Nhưng nay còn đâu cảnh ấy!?
Đó là nguyên nhân gần, có những nguyên nhân sâu xa hơn.

2. Đâu chỉ riêng Phú Nhuận, nhiều lô đất Chung Mỹ-Bal Caung được cấp phát cạnh quốc lộ số Một, cũng được đem bán cho người đằng quê (Kinh); còn mình thì dùng một ít tiền đó mua lô đất rẻ hơn về phía núi để cất nhà ở, và tiện cho thăm rẫy nương hơn.
Mỹ Nghiệp-Caklaing cũng gần như thế: vài hộ người Mỹ Nghiệp cũng bán đất dọc hai bên đường cho người đằng quê ở và sản xuất.

II. Thử đi tìm nguyên nhân:

Tạm nêu vài nguyên nhân dễ thấy:
– Thiếu vốn làm ăn: Chăm nghèo thì ai cũng biết rồi. Dùng tiền bán đất tốt để làm nhà, phần còn lại đầu tư nuôi con học, làm ruông, hay sắm một cặp bò là đẹp lòng rồi.
– Tâm lí Chăm lâu nay: cứ về hướng núi mà sống. Ngay ông bạn thân Sara, không việc gì cả cũng tìm đất làm nhà về hướng núi. Sara nói đùa: từ nhà bạn xuống ga còn xa hơn nhà bạn lên Po Nai!
– Không muốn sống gần người Kinh vì rất ngại có sự va chạm.
– Không quen buôn bán, nên nếu có đất cạnh đường cũng không biết khai thác.
Nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất và lớn nhất: là chúng ta chưa được trang bị TINH THẦN MỚI thích ứng với hoàn cảnh mới của phát triển xã hội. Nói to hơn là chưa sẵn sàng tinh thần và điều kiện cho kinh tế tri thức – Knowledge Economy.

III. Học chấp nhận và tìm hướng giải quyết:

Sara không phải là nhà kinh tế, nhưng qua quan sát thực trạng xã hội, tôi muốn nêu vài điểm thực tế. Từ đó ta có thể rút ra bài học, và tìm hướng giải quyết vấn đề:

1. Bài học:

– Không thể tách Chăm sống vùng hay làng riêng biệt như có vài người yêu cầu. Như đã phân tích ở trên: thời đại toàn cầu, chúng ta phải học sống chung với dân tộc khác và học thích ứng với mọi hoàn cảnh. Ví dụ: cả ngàn thanh niên Thành Tín, Hiếu Lễ,… đã biết vào làm viêc tại các công ty ở Đồng Nai. Cha mẹ Chăm dù khó khăn, cũng đã biết chấp nhận nó.
Nhưng đâu phải chỉ có Chăm nhường cho người Kinh đất tốt hay tiện nghi; ngược lại có vài hiện tượng Chăm cũng đã “xâm canh” vùng người Kinh chứ! Ví dụ nhé: 3 người Caklaing vào Phú Quý làm ăn và đã thành công; 2 dân Thành Tín mở phòng mạch tại Phan Rang,…. Rồi Chăm Phanrang tại Sài Gòn nữa! (xem bài “Chăm Panduranga tại TP Hồ Chí Minh” của Inrasara trong Tagalau4). Như vậy vấn đề chủ yếu là: kiến thức mới.

– Đến lúc nào đó, sự ưu tiên cho dân tộc thiểu số cũng sẽ không còn. Việt Nam còn có vài ưu tiên lâu dài hơn chút ít, nhưng đến ngày nào đó, việc này không còn nữa. Ở nước nào cũng vậy thôi. Hơn chục năm qua, nhiều lãnh vực hoàn toàn không còn chút ưu tiên nào nữa.

– Không thể cứ sống về hướng núi hay lệ thuộc vào đồng được nữa! Ví dụ hồ nước khu rẫy của bạn Sara ở vùng núi Hữu Đức, xưa nay chưa bao giờ biết cạn là gì, nhưng 5 năm nay, nó khô đến không có nước cho cừu uống: Rừng đầu nguồn không còn thì lấy đâu nước chứ! Vậy là đất phì nhiêu mênh mông với cây trái mấy mùa bị thất bát liên tục!

– Còn làng mới Phú Nhuận? Sara nói với ông chú: 10 năm nữa cũng xảy ra tình trạng ấy thôi! Rừng xốp và đất tơi không còn, nguồn nước thì không chủ động như miệt dưới. Chúng ta cũng đâu còn đất rừng nhiều để du canh nữa!

Thật tình, tôi không dám dạy dỗ ai, cũng không đưa ra hướng giải quyết nữa (bạn trẻ tiếp thu thông tin và kiến thức mới, có thể giỏi hơn tôi nhiều lắm) mà chỉ gợi ý.
Các bạn trẻ thấy đó, qua phân tích, chúng ta thấy một hiện tượng mới nhìn tưởng nhỏ nhưng chúng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, tác động rất lớn đến cuộc sống chung.
Do đó, từ bài học không thể đó, bạn trẻ vẫn định được vài hướng đi có thể:

1. Chăm mình yếu nhất là ở VỐN. Chăm nghèo là chuyện xưa rồi, than mãi cũng thừa. Nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa học biết tích vốn. Không ít Chăm làm ăn hay làm việc có rủng rỉnh tiền, nhưng vì không có hướng phát triển nên ta tiêu pha chưa hợp lí. Còn bà con Chăm kiều, nếu gửi tiền giúp vốn cho gia đình mình làm ăn thì hay biết bao. Không phải giúp ăn tiêu hay xây nhà mà rất cụ thể: LÀM ĂN. Đừng nghĩ chuyện xã hội xa xôi: giúp cho gia đình mình thôi là đã giúp xã hội rồi.

2. Thay đổi cơ câu cây trồng vật nuôi, đối với làng nào có đất rộng. Chuyện này nhiều kĩ sư Chăm rành hơn tôi và đã thực hiện tốt: chúng ta đã thấy Chăm nuôi đà điểu, ba ba, trồng cỏ nuôi bò,… khá hiệu quả. Nhưng cái tôi muốn nhấn mạnh là, từ đó có thể đẩy thêm một bước nữa: có vài cây con tưởng rất nhỏ, nhưng lợi không nhỏ tí nào: nuôi dế, cào cào,… phục vụ cho nhà hàng đang mở mênh mông ở Sàigòn.

3. Thay đổi lối nghĩ: đừng ỷ lại vào đất! Ví dụ, làng Phú Nhuận, tại sao chúng ta không khuếch trương kinh doanh, thay đổi lề lối làm ăn. Vì ruộng đâu càng ngày càng bị thu hẹp, lên núi đất cũng không nhiều. Nếu cứ tập trung vào làm nông, chúng ta rất ít cơ may phát triển. Lệ thuộc quá nhiều vào khí hậu khắc nghiệt của Ninh Thuận, đủ ăn là may. Nếu có VỐN, Chăm có thể mở tiệm tạp hóa, xưởng may, tiệm Internet, đại lí phân bón ngay tại Phú Nhuận (đất sân bóng đá cũ), và …. nhiều thứ khác có thể khai thác được. Bớt cơ cực và hạn chế tối đa rủi ro. Phục vụ cho cả Chăm mấy làng (5 làng là ít), và cả người Kinh nữa, nếu mình làm tốt. Từ đó nâng cấp làng mình thành cái thị trấn nhỏ. Có bạn trẻ nào nghĩ chuyện đó chưa nhỉ?!

4. Và điều quan trọng nhất là: không biện biệt Chăm-Kinh hay dân tộc khác nữa. Khi xã hội tiến tới độ nào đó, chúng ta sống theo hiến pháp và luật pháp: Pháp bất vị thân. Tuân thủ nghiêm ngặt. Đã có chục gia đình Chăm vào sống tại Sàigòn, họ có được ưu tiên đâu. Trong kinh tế, họ làm ăn và cạnh tranh như bao dân tộc khác. Họ cũng chịu thuế như ai. Trong việc xin việc làm, sinh viện Chăm cũng bị sát hạch như mọi người, có khi vì không có thân thích, họ còn chịu thiệt thòi nữa! Nhưng họ phấn đấu, từ đó, họ nâng trình độ mình lên.
Trong văn học nghệ thuật, cái tôi ngán ngẩm nhất và thường xuyên nêu lên với báo chí là: tuyệt đối đừng nói đến chuyện ưu tiên, vì nếu thế, là thiếu tôn trọng nhau. Hãy đối xử sòng phẳng và sạch sẽ!

Kết luận:
Nhưng dù gì thì gì, nhìn cách thiết thực dân tộc Chăm lúc này:
– Thiếu vốn.
– Hiểu biết về kinh doanh yếu và thật sự không có truyền thống buôn bán.
– Chăm sống tập trung ở nông thôn, chưa tiếp xúc nhiều với kinh tế tri thức.
Do đó Nhà nước muốn ổn định cuộc sống cho đồng bào, từ đó ổn định đất nước thì bước đầu cần cung cấp 3 điều kiện thiết yếu đó cho người dân tộc.

Về phía người Chăm, cần hiểu rằng:
– Thời đại hôm nay không thể tách sống riêng biệt, là xu hướng chung cả thế giới.
– Khi chính sách không còn ưu tiên, ta sắn sàng biết tự lo liệu. chuẩn bị tất cả cho tương lai đầy bất trắc nhưng cũng rất nhiều cơ hội.
– Không tự ti mặc cảm, mà hãy tin rằng dân tộc ta đủ thông minh để giỏi-giàu-đẹp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *