Hồ sơ Biên bản so sánh. Bài 7: HIỆN THỰC ĐI VỀ ĐÂU?

[Từ Đoàn Văn Cừ, Phạm Thiên Thư, Thanh Tâm Tuyền đến Phan Bá Thọ]

1. Từ phong trào Thơ Mới, ta từng biết đến Hiện thực tả chân qua các bài thơ đặc sắc của Đoàn Văn Cừ; từng biết đến Hiện thực phê phán ở đó Tú Mỡ là đại biểu xứng danh; sau nữa là Hiện thực xã hội chủ nghĩa của Tố Hữu:

O du kích nhỏ giương cao súng.
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu.
Ra thế! To gan hơn béo bụng.
Anh hùng đâu cứ phải mày râu
!

Rồi Hiện thực huyền ảo – nếu có thể gọi thế – ở Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư. Trước đó một thập niên, là tính [Hiện thực] siêu thực của Thanh Tâm Tuyền:

Ở cuối đêm
em rũ tóc nói những lời mê sảng
những ám hiệu
của mặt biển đen không tình yêu tuyệt vọng
anh xé tóc em cùng những cánh lá chết
mùa thu
gây thương tích nơi cườm tay
anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
.

Hay sau nữa, khi đất nước thống nhất, ta có Mai Văn Phấn với những thi ảnh chộp bắt bất chợt được lắp ghép đầy ngẫu hứng như thể không cần qua sự can thiệp của ý thức:

Nhưng hình như
mọi con vật trong nhà
vẫn chế tác từ đồ phế thải:
con mèo tam thể được sinh ra từ mớ giẻ rách?
con cá bơi trong bể được gò hàn từ vỏ lon beer?
chim họa mi hót trong lồng là chiếc ấm vỡ?
con chó giụi đầu vào tay mình là cuộn báo cũ?
đàn kiến đang nhẫn nại tha mồi là đống mạt cưa?

Nhưng dẫu có “tự động” tới đâu, tính siêu thực của thơ Thanh Tâm Tuyền, Mai Văn Phấn hay cả Phan Nhiên Hạo tạo cho người đọc cảm giác ít nhiều thơ vẫn chịu sự kiểm soát của lí trí; và dẫu ở đó có sự xáo trộn lớn những ý tưởng, hình ảnh xảy ra trong ý thức và vô thức, giữa thực và mộng tới đâu, bằng liên tưởng người đọc vẫn lờ mờ cảm nhận được hiện thực đời sống xung quanh.
Đến Phan Bá Thọ, thơ cắt đứt hoàn toàn quan hệ quy chiếu giữa thơ và hiện thực.
“Văn học làm hoá thật những gì lịch sử đã bỏ quên. Và bởi lịch sử là cái gì đã là, văn học sẽ cung hiến cái gì lịch sử đã không luôn từng là”(1). Đó là tham vọng chung của các nhà văn tiền-hậu hiện đại. Đến hậu hiện đại thì khác, nhất là ở thể loại thơ.

2. Có thể nói, cái đặc trưng nhất của lối viết hư cấu hậu hiện đại là sự phá vỡ trật tự thời gian, sự phân mảnh, tính lỏng lẻo trong liên kết ý tưởng, sự sáng tạo những cặp vòng tương tác… thể hiện trong rối loạn ngôn từ của kẻ mang chứng bệnh thần kinh phân liệt (schizophrenia). Một rối loạn ngôn từ như thế từng xuất hiện ở Bùi Giáng, nhưng phải đến Phan Bá Thọ – một trong vài tác giả thuộc thế hệ thi sĩ hậu hiện đại đầu tiên ở Việt Nam -, nó mới được đẩy đến tận cùng của mâu thuẫn và rối loạn.

“hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng”

ông ấy là một người [mỹ] trầm lặng – ai cũng bảo vậy – với 60 % tính trầm tĩnh + 30 % tư chất của những con người thông minh linh lợi

từng đoạt chức quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương [từ vịnh con heo đến vịnh bắc bộ] chỉ mất 2 giây 10 %, bơi theo thể thức telephone internet card
về thứ 2 trong cuộc đua năm ấy: phan khôi, mất quãng thời gian [tính từ tình già đến lúc tình thôi xót xa] vị chi 80 năm chẵn lẻ
nguyễn quốc chánh với kinh nghiệm căn cước của ẩn dụ & đinh linh bơi với kỹ thuật của một chiến thắng nhỏ trên sự thả lỏng cán đích đồng hạng 3

thông minh, trầm tĩnh & bởi anh ta là ernest hemingway nên thay vì được phần thưởng là vào lăng viếng bác + bắt tay với fidel dũng cảm, anh ta lại lẻn lên điện biên nhập vào đoàn quân kháng chiến đánh đồn đờ cát, mà chẳng bị một ai phát hiện.

đề cạc thì ai cũng biết rồi [kể cả em bé chăn trâu & chị dậu đều biết. nhưng một điều kỳ lạ, nguyễn đình thi & hải triều thì đéo biết thằng chả là thằng khỉ khô cốc ổi nào]
ông ấy không phải là hạng xoàng nên, sau khi thất trận & hồi cố quốc, vì rảnh rỗi + với lương bổng của 1 thiếu tướng rất ư bảnh choẹ, ông đâm ra nhậu nhẹt & chơi bời đĩ điếm liên tù tì [cho nó hết mẹ thời gian + tiền bạc đi, nhưng cũng đếch xong, nên] thỉnh thoảng để đổi món cho đỡ nhạt mồm miệng, ông lại dắt ngựa đi đua, tiện thể quăng ra vài ba cuốn triết học [làm thế giới đảo điên lộn xộn cùng cực] chơi, đến độ đâu là vịnh con heo đâu là vịnh bắc bộ cũng chẳng có ma nào phân biệt nổi.

lại nói về ernest hemingway, sau khi cắm cờ trên nóc hầm đờ cát thì được tưởng thưởng & tung hô vinh hiển đủ thứ, được về hà nội ăn phở, nghe hẹn hò & bên cầu biên giới, được phạm duy dắt đi hút thuốc phiện & hát ả đào 2 tháng miễn phí đến sình cả bụng, lại được mang họ mới [nguyễn ernest hemingway] & kết nạp vào hội viên hội nhà văn việt nam [sướng nhé]. 2 tháng chỉ đi lòng vòng quanh một cái hồ bé tẹo thì chán, thành thử nhiều hôm đóng cửa nằm nhà ngâm cứu sách vở, những cuốn sách do đỗ kh & nguyễn đăng thường vô tình lượm mót ở vỉa hè saigon gởi ra. nhưng nghiệt nỗi, trong cái mớ hổ lốn ấy lại có cả đề cạc hoa xoan bên thềm cũ & nguyễn ernest ta tất nhiên ngậm phải, nên nhiễm luôn vi trùng lậu giang mai mà lâm trọng bệnh rồi đâm ra tóc tai bạc trắng, da dẻ nhăn nheo nhìn thấy ớn. nhan sắc biến dạng gớm ghê nên cũng không đủ can đảm để đi lại thăm em út ở các động đĩ hà thành. lo các em hoảng sợ mà chết xỉu.

vì ernest chưa hoàn tất cuộc tẩy trần để trở thành nguyễn ernest hemingway chính hiệu nên sau đấy, ông gởi đơn tới tướng nguyễn sơn, xin đầu quân về khu 4, biên chế 50 % ở mặt trận văn nghệ 50 % ở các phòng karaoke máy lạnh hát với nhau. nơi đấy, cứ mỗi 2 chiều một lần ông lại lội ra bãi biển thanh hóa [do đã nhờ kafka hoá trang kỹ lưỡng thành một ông già biển cả hiền từ] vờ, ngồi câu cá thiền định. nhưng cốt chỉ để rình các o du kích mọi nhỏ tắm táp trần truồng cho…monroe…đỡ nhớ.

vì là nhà văn hội viên duy nhất đoạt chức vô địch bơi lội, nguyễn ernest được vinh dự đọc tham luận tại đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2004. thay vì ngậm nước hoa trong mồm, phun vào mặt mũi quan khách & hội viên em nhỏ cho lấm lem cho bớt phần căng thẳng cuộc cấu xé. thì đàng này ernest lại tuyên bố hùng hồn [nước miếng văng tùm lum]: viết vẽ hay làm cái đéo gì thì cũng phải như câu cá vậy mới được. phải như câu cá [câu này hô to 3 lần] dẫu con cá đó có là nguyễn du cô nương – là đức hùng vương em nhỏ – là gì gì gì gì cũng thế

ừ, thì kết quả của cái là gì gì cũng thế: ernest bị ném hơn 4000 viên đạn ghim vào người. [nhưng, thằng họa sỹ a nhìn thằng nhà văn b – thằng phê bình c nhìn thằng d nhà thơ nhìn mỏi cả miệng lưỡi cũng chẳng biết được đứa nào trong cái đám hội ấy thủ phạm]. nguyễn ernest vẫn chưa chết hẳn [là theo cách dàn dựng của đạo diễn thế lữ] ông ta lồm cồm ngồi dậy, cố cười một cái thật duyên rồi sống tiếp thêm 10 năm hì hì. sau đó còn rinh về cho việt nam cái giải nobel văn chương [quá đã] với tác phẩm có tựa đề lạnh gáy: lời của tớ có thể sai & đúng, nhưng stalin – mao thì đừng hòng.
rené descartes tư duy [theo kiểu một cái bóng của thượng đế nhảy múa] còn de castrie thì hiện hữu [như một võ sỹ quyền anh hạng ruồi quanh năm thất nghiệp] – ấy là theo lời bẻm mép của một chị bán cá rỗi hơi.

& hemingway thì ai cũng biết: đích thị là một người mỹ trầm lặng. nhưng hắn ta cũng đồng thời lại là một nhà văn việt nam bi bô & láo toét vào loại bậc nhất.(2)

Lối viết siêu hư cấu sử kí(3) (historiographic metafiction) không những làm méo mó lịch sử một cách có chủ ý, hòa lẫn lịch sử và giả tưởng, xáo trộn trật tự thời gian quá khứ, mà còn làm sai lệch các sự kiện hiện tại nữa.
Hemingway, một người Mỹ trầm lặng, tư chất thông minh linh lợi hay Hemingway quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương, cũng được đi. Nhưng cho ông nhà văn tác giả Ông già và biển cả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam hay cắm cờ trên nóc hầm Đờ-cát, kết bè cùng Phạm Duy đi hút thuốc phiện… thì chỉ đến Phan Bá Thọ chúng mới lòi ra.
Không là dạng độc thoại nội tâm như W. Faulkner từng thể hiện hay hiện thực huyền ảo kiểu G. Márquez nữa, mà là một phá bỏ biên giới giữa sự kiện có thật và hư cấu. Triệt để. Đây là thủ pháp hoán vị (permutation) hậu hiện đại. Các nhân vật xuất hiện ngẫu nhiên, các chi tiết bị tháo rời, chồng lắp, xen kẽ, tù mù thêm, rối rắm hơn nữa!
Không dừng lại tại đó, Phan Bá Thọ cố tình bóp méo sự thật, rồi nặn ra hàng loạt thông tin dư thừa không cần thiết nhét bừa vào bài thơ, làm người đọc quá tải. Qua đó anh đẩy người đọc rơi vào tình thế đối mặt với trạng thái lấp lửng giữa thực và ảo. Văn bản nội tại và thế giới ngoại tai, nghĩa bóng/ đen trộn lộn. Ta không biết đâu là thế giới bên trong/ bên ngoài văn bản, không còn phân biệt đâu là hư cấu đâu là hiện thực nữa.
Mâu thuẫn toàn triệt. Bằng thủ pháp này, Phan Bá Thọ khiến người đọc mỗi lúc mỗi ngưng lại “đối chiếu” để tìm mối liên quan nào đó giữa sự thật và hư cấu. Ít ra họ cũng chờ đợi một khai phá mới về cuộc đời đầy sôi động của nhà văn này. Rốt cục họ nhận ra bài thơ không phản ánh ha tái hiện hiện thực gì cả: ở đó bao nhiêu sai lạc với nghịch lí. Càng đối chiếu càng bị lạc.

Hiện thực, dù là hiện thực phê phán hay hiện thực xã hội chủ nghĩa, hiện thực huyền ảo hay [hiện thực] siêu thực, ít nhiều nhà văn vẫn tham vọng văn chương “phản ánh” hiện thực, sự kiện thực hay [hiện thực] tưởng tượng, bề nổi hay chiều sâu, lồ lộ hay ẩn khuất. Ở đây, Phan Bá Thọ – không. Thi sĩ giải thoát người đọc khỏi sự bị hút đắm vào câu chuyện “như thật” như đã từng xảy ra ở hầu hết lối viết cũ, để họ ý thức rằng mình đang đọc văn bản văn chương. Ngoài ra, không gì khác.
Và thơ không là gì hơn trò chơi của ngôn ngữ, một cut & paste trùng trùng mảnh “thực tại của cuộc sống” rời rạc với bạt ngàn hư cấu ngẫu hứng để thành mớ hỗn độn lôi cuốn và thú vị.

________

(1) Carlos Fuentes, “Ca ngợi tiểu thuyết”, Nguyễn Tiến Văn dịch, Talawas, 3-9-007.
(2) Phan Bá Thọ, “hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng”, Tienve.org.
(3) chữ dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *