Hồ sơ Biên bản so sánh. Bài 6: BÀN CHÂN VIỆT: Bài thơ lớn – bài thơ nhỏ

[Biti’s – Chế Lan Viên – Nguyễn Hoàng Nam]

1. “Bước chân Lạc Long Quân xuống biển… Bước chân Âu Cơ lên non… Bước chân Tây Sơn thần tốc…” là những bước chân truyền thồng đầy kiêu hùng của người Việt. Những bước chân lịch sử ấy làm nên một tập đại thành cho… “Bước chân tiến vào thiên niên kỷ mới”. Để…
“Biti”s – Nâng niu bàn chân Việt”.
Qua đó người đại diện Công ty Giày dép tự tin tuyên bố: “Rất nhiều doanh nghiệp đã gọi điện hỏi về tác giả mẩu quảng cáo truyền hình “Nâng niu bàn chân Việt” của công ty Biti’s. Quả thật, ít có trường hợp quảng cáo nào của doanh nghiệp Việt Nam tạo được sự chú ý như vậy”(1).
Banchan-Bitis
2. Khởi từ truyền thống cổ sơ ấy, bàn chân liên tục liên tục dấn tới tạo dựng lịch sử hiện đại. Chính là bàn chân mang đôi dép cao su [hay dép lốp, dép râu, dép Bình Trị Thiên]… “vượt dãy Trường Sơn” làm nên chiến công thiên niên kỉ lẫy lừng. Là bước chân thôi thúc Chế Lan Viên viết nên bài thơ lớn: “Ngày vĩ đại”:

Lịch sử có nhiều thế kỷ nhiều năm nhiều tháng nhiều ngày
Nhưng năm tháng này chói loà, hoá thân, đột biến
Là cấp số nhân, là tổng số thành
Là sức mạnh của trăm ta nhân với triệu mình
Là sự vật cộng vào nhau. Trái chín.
Là lên men. Thời cơ đến trước giờ nó đến
Là rồng bay.
Ta reo vui sao bỗng chốc khóc ròng,
Cái hữu hạn lòng ta oà lên vì gặp cái vô cùng
Tỉnh thức vĩ đại mà cứ ngỡ cơn mơ vĩ đại…

(“Ngày vĩ đại”, trong Hái theo mùa, 1977)

Suy nghĩ lớn qua sự kiện lớn hình thành nên bài thơ lớn. Ở đó mọi hình dung từ đại cồ được tận dụng tối đa: “chói loà, hoá thân, đột biến, lên men, rồng bay, vô cùng…” trước “cơn mơ vĩ đại” và “tỉnh thức vĩ đại”. Trăm bàn chân, triệu bước chân làm thành MỘT đồng bộ “vượt dãy Trường Sơn” tạo dựng “ngày vĩ đại” với niềm kiêu hãnh vĩ đại.

Banchan-Doidep Caosu
3. Lại chính ngày vĩ đại ấy đã đẩy trăm bàn chân, triệu bước chân Việt khác băng rừng vượt biên, lên tàu vượt biển tìm đến những chân trời vô định. Rồi khi đã định chốn tha phương, chúng không còn “cộng vào nhau” nữa, mà tách rời, chia xé, lẻ loi… Nỗi lẻ loi, chia xé, tách rời ngày càng sâu và xa hơn, khi “ngày vĩ đại” ấy lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, “lải nhải quààài” (chữ của Nguyễn Hoàng Nam) không ngớt.

Nguyễn Hoàng Nam
một bàn chưn

Bàn chưn ngồi một mình phơi nắng trên bãi biển,
sung sướng trần truồng sau bao nhiêu năm giày vớ.
Gió biển đỡ ruồi, nhưng thỉnh thoảng cát dính vào
chỗ cắt cũng hơi xốn.

Không biết giờ này những bộ phận kia đang làm gì?
Thanh quản ứ ứ liên tục nhạc nhẹ trong thang máy của một
động đĩ hạng sang. Bàn tay cứ chộp lia chộp lịa theo phản xạ.
Tròng mắt lăn long lóc trên vĩa hè, vị trí ngon hơn thượng đế,
mỗi ngày cho điểm hàng ngàn nhãn hiệu váy và xì líp.
Cái lưỡi uốn éo ngọ nguậy, đầy khêu gợi như đuôi thằn lằn,
tranh đấu trước Quốc Hội đòi quyền lợi cho loài đỉa.
Bộ óc nhảy qua vòng lửa trong một gánh xiệc.

Theo thói quen hành chánh, đã có một cuộc họp
trưng cầu ý kiến. Cho có lệ vậy mà. Tất cả đều nhất trí
xử tử trái tim và bao tử, rồi giải tán đường ai nấy đi.

Bàn chưn ngồi phơi nắng trên bãi biển ngẫm đời mình.
Chán nhứt là ụp lên một bàn chưn khác cạ cạ liên hồi
cả tiếng đồng hồ, sướng cái chỗ nào không biết.
Một cục đá bự trong hẽm tối, miểng chai cạnh bờ tường,
bãi cứt chó ẩn trong thảm cỏ công viên, trái mìn đường làng.
Những gót giày đạp lung tung trong những đám đông.

Một cú vuốt ép phê từ ngoài vùng cấm địa, trái banh
xoáy vòng cung qua hàng rào cong vào góc thượng,
thằng gôn chưng hửng chửi thề. Vẫn chưa sướng bằng
bùn đáy sông nhớp nhớp êm êm, luồn qua kẽ từng ngón
chân mềm mềm nhột nhạt. Ơơơơơưưưưưưưưừ ừ ừ ừa…

Giờ này ước gì có một cái đít để đá chơi đỡ buồn.

9-1999

Bàn chưn thôi còn là bàn chân tập thể lớn nữa, mà là của một sinh linh bị bật khỏi quê nhà, làm tha hương. Chẳng những thế, lắm lúc nản [hay hứng] quá, nó còn tách ra khỏi sinh linh lẻ loi kia để lang thang riêng biệt. Nhỏ bé, càng bé nhỏ hơn.
Tôi gọi đây là loài “thơ phân thân” chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thơ Việt. “Một bàn chưn” tự tách ra khỏi chủ thể con người để làm cuộc hành trình độc lập với cả chuỗi hành động qua cuộc phiêu lưu riêng lẻ, không liên quan đến con người từng “sở hữu” nó. Để được vui riêng và buồn riêng, hứng riêng và chán riêng…
“Giờ này ước gì có một cái đít để đá chơi đỡ buồn”.
Đó vẫn là bàn chân Việt!
________

(1) Vnexpress, 12-6-2001
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/30-giay-nang-niu–ban-chan-viet-2664410.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *