Jaya Bahasa: LỄ HỘI KATÊ CỦA NGƯỜI CHĂM

Lễ hội Katê là một trong những công lễ lớn và quan trọng của người Chăm ở Panduranga được tổ chức định kỳ hằng năm trên các đền tháp Champa. Mục đích của lễ hội nhằm để tưởng niệm các vị nam thần, anh hùng dân tộc và những người có công lao trong quá trình vận động của lịch sử Champa.

Mỗi khi đến tháng bảy theo lịch của người Chăm (khoảng đầu tháng 10 dương lịch), các vị chức sắc tôn giáo họp dân làng lại, chuẩn bị các lễ vật cần thiết để lên tháp cúng tế. Bởi vậy, hướng dẫn người dân đi cúng lễ ở trên đền tháp bao giờ cũng có giới chức sắc như Po Basaih, Po Adhia, Kadhar, Pajuw và Camanei.

Nhân dịp cúng lễ Katê, người Chăm cũng thông tin cho tộc người Raglai biết và cùng nhau làm lễ chung. Trước đây, công việc cúng lễ Katê do người Raglai đảm nhận, người Chăm chỉ đóng vai trò là người hỗ trợ, phụ giúp. Đến với lễ hội Katê, người Raglai làm vệ sinh trên tháp, dọn dẹp các cây bụi đu bám trên đỉnh tháp, người Raglai cũng thường hay mang theo những bó tranh để lợp căn nhà tạm dùng để che nắng, che mưa khi cúng lễ.

Đặc biệt, không thể thiếu các lễ vật như con dê, gà, gạo nếp để gói bánh tét đòn, bánh tét dẹp, trầu cau, lá chuối và một số rau quả khác. Về sau, đời sống của người Raglai gặp nhiều khó khăn nên người Chăm lo hết các lễ vật để dâng lên thần linh. Người Raglai chỉ tham gia cúng lễ và đánh chiêng vui mừng trong ngày lễ Katê. Đối với người Chăm Awal/ Chăm Bà Ni tuy không có cúng lễ Katê ở làng và gia đình. Nhưng, họ vẫn lên tháp cúng lễ cầu khẩn với thần linh hay để trả nợ thần linh vì những lời hứa tín ước trước đó.

Trung tâm điểm của lễ hội Katê tại tỉnh Ninh Thuận diễn ra tại 3 địa điểm chính là: Đền thờ Po Inâ Nâgar ở Palei Hamu Tanran (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước), đền tháp Po Ramê ở Palei Thuer (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu) và đền tháp Po Klaong Garay (ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm).

Katê ở Palei Hamu Tanran-Hữu Đức.

Hữu Đức là một làng Chăm có tộc người Chăm, Kinh và Hoa cùng sinh sống chan hoà với nhau. Vào mùa lễ Katê dân làng tổ chức vào rừng chặt cây tre, cây có gai mang về làm hàng rào, cổng chào. Học sinh, giáo viên và thanh nam thanh nữ tập trung tại sân bóng đá, xoè từng chiếc quạt như cánh bướm vỗ cánh đón mừng ngày lễ truyền thống, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất trình diễn cho du khách gần xa thưởng thức. Khi đến ngày giờ đã hẹn, cộng đồng người Raglai ở thôn Giá xã Phước Hà tự tổ chức xuống nước núi để tham dự lễ hội Katê. Người Chăm mang kèn, trống và lá cờ, chiếc võng đi đón người anh em Raglai một cách trân trọng như tiếp đón một thượng khách đặc biệt. Trong đoàn người đi đón Y Trang của Po Inâ Nâgar có các giáo phái chức sắc như Po Adhia, Kadhar, Maduen và Pajuw và các bô lão trong làng.

Tại một địa điểm đã hẹn trước, người Raglai sẽ trao lại Y Trang của Pô Inâ Nâgar cho người Chăm. Sau đó, họ cùng nhau uống một ly rượu mừng dịp sum họp cúng lễ Katê. Rồi, người Raglai đánh lên những bản nhạc cồng chiêng và thổi lên tiếng đàn Rakle trong bầu không khí vui nhộn.

Đoàn đón rước Y Trang đi vào làng Chăm, bước qua lễ đài trong sự chào đón nhiệt liệt của dân làng, hàng trăm thiếu nữ múa, mở tung ra những cánh quạt khoe những gam màu sắc thắm, múa các làn điệu chào đón người anh em Raglai từ vùng núi xuống dự lễ hội Katê. Trước ngày lên tháp, người Raglai được bố trí nghỉ ngơi và sinh hoạt trong một ngôi đền ở giữa làng như một trạm trung gian, quá cảnh, để sáng ngày mai tổ chức cúng lễ.

Buổi sáng ngày dâng lễ, đoàn người Raglai và Chăm di chuyển từ ngôi đền ở trong làng ra đền thờ Po Inâ Nâgar ở ngoài cánh đồng hành lễ.

Đầu tiên, là việc thực hiện nghi thức tấu trình (Pathau Hala) để chuyển tải tất cả những lời cầu mong của dân làng cho thần linh biết. Sau đó, chức sắc Kadhar hát lễ, hướng dẫn Po Adhia dâng cơm tại điện thờ Po Bia Apakan ở ngôi đền phía đông. Người Chăm hành lễ xong thì người Raglai mang các lễ vật ra cúng lễ và cầu mong nữ thần ban cho sức khoẻ và mùa mang tươi tốt, cây trồng và vật nuôi sinh trưởng và phát triển.

Kế tiếp, đoàn người hành lễ di chuyển vào chính điện, nơi có tượng thờ các nữ thần Po Bia Tâh, Po Bia Dara Nai Anaih và 1 hòn đá tưởng trưng cho Po Inâ Nâgar. Lần lượt chức sắc Kadhar hát các bài thánh ca về tiểu sử và công đức các vị thần linh, hướng dẫn Po Adhia dâng lễ, Pajuw khấn cầu. Khi hát đến nhân vật Cei Kathun thì Pajuw lên đồng và phán xét công việc trong năm và những năm sau như thế nào, con cháu có làm hài lòng thần linh không ? Lúc này, đội đánh cồng chiêng của người Raglai bước vào chính điện tấu lên những bản nhạc dâng lên thần linh, tiếng đàn Rakle hoà với tiếng cồng chiềng và tiếng đàn Kanhi làm cho tâm hồn con người trở nên mê say như quay về buổi đầu lịch sử dân tộc. Làn điệu Cei Kathun nghe thật hào hùng và oai phong làm sao, tiếng vó ngựa xung trận của một vị tướng trên chiến trường được thể hiện một cách biểu tượng qua việc ông Kadhar kéo cần đàn Kanhi đập vào lưng của mai rùa vang lên dồn dập. Khi vó ngựa của Cei Kathun dừng lại thì buổi lễ dâng lễ vật của ngày lễ hội Katê tại các đền tháp cũng khép lại. Người Chăm và Raglai, cùng ngồi lại với nhau dùng một bữa cơm và uống rượu tâm tình mặn nòng với nhau, trời về chiều người Raglai lại khăn gói trở về với núi rừng cùng những món quà tặng của người Chăm và gùi theo chiết Y Trang của Po Inâ Nâgar.

Katê trên đền tháp Po Ramê và Po Klaong Garay.

Mỗi khi Katê người Raglai ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam cũng xuống núi thăm dự cùng với người Chăm ở thôn Hậu Sanh. Nhưng rồi, vào khoảng thập niên 80 người Raglai không đến dự nữa mà chẳng ai biết vì những lý do gì. Do đó, mọi nghĩa vụ phụng sự thần linh người Chăm chịu trách nhiệm hết.

Trên đền tháp Po Klaong Garay năm nào người Raglai ở thôn Tà Dương xã Phước Thái cũng tham gia cúng lễ. Đây là một truyền thống tốt đẹp về tình đoàn kết gắn bó của hai dân tộc anh em Chăm và Raglai. Nghi lễ Katê được tổ chức chính thức trên các đền tháp Champa diễn ra cùng ngày và cùng giờ với nhau.

Mở đầu cho nghi lễ Katê trên các đền tháp là nghi thức tấu trình với thần linh về việc tổ chức lễ hội. Người dân sẽ chuyển những lời ước nguyện cho thần linh biết và xin sự giúp đỡ của thần linh.

Sau đó, là nghi thức tế nước vào bức phù điêu thần Siva, những giọt nước rơi xuống được người dân hứng thoa, bôi lên thân thể như cầu mong sự thánh linh. Pajuw và Kadhar khấn xin được mở cửa tháp, thực hiện nghi thức tắm cho tượng thần, mặc áo bào. Cuối cùng, ông Kadhar hát kể về sự nghiệp và công trạng của các vị thần linh và anh hùng dân tộc được thần linh hoá, bà Pajuw khấn vái cầu sự bình an, Po Adhia dâng lễ vật và dâng cơm theo lời hát hướng dẫn của ông Kadhar. Kết thúc buổi lễ Katê trên đền tháp, người dân trở lại ngôi làng của mình để tổ chức lễ hội Katê ở làng và cúng cơm trong gia đình.

Ngày nay, các làng Chăm vào mùa Katê trở nên nhộn nhịp thu hút nhiều khách thập phương đến tham dự, vui chơi, xem múa tập thể ở sân vận động. Đoàn Nghệ thuật Dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận lưu diễn những đêm biểu diễn văn nghệ làm cho ngày Katê vui tươi xoá tan đi những nỗi buồn, cực nhọc của cuộc sống giữa đời thường./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *