Jaya Bahasa: Có cần lập mạng truyền thông xã hội cho người Chăm?

Thời đại khoa học kĩ thuật phát triển không ngừng, vai trò của truyền thông càng quan trọng trong cuộc sống, hàng ngày các phương tiện truyền thông đại chúng cung cấp cho cộng đồng một lượng thông tin đa dạng có tác động đến lối suy nghĩ và hành vi của mọi người. Phương tiện truyền thông mang lại những kinh nghiệm xã hội, giá trị văn hoá chuẩn mực. Mỗi cá nhân chịu sự ảnh hưởng của truyền thông không giống nhau có khi coi trọng, xem nhẹ, đánh giá tích cực hay tiêu cực. Truyền thông cũng có vai trò gắn kết các cộng đồng lại với nhau qua những mối quan tâm chung, giá trị chung như việc đưa tin một cá nhân trong cộng đồng dành được giải thưởng lớn, chiến thắng ở giải thi đấu thể thao, tin buồn về sự ra đi của một nhân vật ưu tú hay tin về một vụ thảm hoạ động đất, núi lửa, bão lớn, hạn hán, đang đe doạ cuộc sống bình yên của người dân. Ngoài ra, truyền thông mang lại nguồn giải trí như là phương tiện hình thành thái độ, niềm tin cho cả cộng đồng.
Không gian sống của làng xã Chăm đã bị phá vỡ, tình trạng di dân vào các đô thị lớn để tìm con đường mưu sinh đang diễn tiến nhanh và phức tạp đến nổi trong giao tiếp theo văn hoá khi gặp nhau ngoài đường người Chăm thường hỏi Yut nao tao nan ? (Where are you going ?). Trong tình huống này, người nghe không cần phải trả lời trực tiếp nội dung câu hỏi mà chỉ cần gật nhẹ đầu đáp lại. Từ lối sống nông nghiệp ở nông thôn, đứng trước môi trường mới nhiều thử thách và đầy cảm bẫy. Họ sẽ tư duy và ứng xử ra sao cho hoà hợp với nếp sống thành thị ? Mặc khác, trình độ còn thấp, lại thiếu chuyên môn, nên nhiều người chấp nhận làm những công việc nặng nhọc, môi trường độc hại, không đảm bảo an toàn lao động trong các phân xưởng, nhà máy, xí nghiệp với mức lương thấp, không ổn định, làm nảy sinh nhiều vấn nạn xã hội đáng quan tâm. Riêng cộng đồng Chăm ở nước ngoài di dân sau năm 1975, đã hoà nhập được cuộc sống mới nơi đất khách, đang sản sinh ra một lớp thế hệ mới nhưng thiếu hiểu biết về cội nguồn văn hoá.
Nhiều chính khách Chăm thành đạt khi về quê thăm thân nhân, muốn đóng góp xây dựng quê hương nhưng họ vẫn bị lạc lõng ngay chính nơi quê nhà mình. Vì không tìm được một cá nhân, tổ chức nào có đủ uy tín để làm đại diện, làm cầu nối với chính quyền để họ có tiếng nói, hành động nâng đỡ cộng đồng có được cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Phải chăng chính việc thiếu thông tin đã khiến cho người Chăm không biết khiếu nại về quyền lợi của mình khi bị xâm phạm, không biết được đại biểu của họ là ai trong cơ quan Quốc hội ? Những đại diện đó có giúp ích được gì cho họ trong cuộc sống ? Chưa nói tới mức độ tín nhiệm của cử tri về đại diện của mình. Hơn thế nữa, nhiều công chức được Nhà nước tuyển chọn làm cán bộ nguồn, đài thọ chi phí đi học chuyên tu, du học để nâng cao trình độ và nghiệp vụ chuyên môn, họ đã đóng góp như thế nào vào sự nghiệp phát triển đội ngũ cán bộ vùng dân tộc thiểu số ? Đây chính nguyên nhân đang làm trì trệ tình trạng phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Chăm. Trong khi đó, người Chăm ở Ninh Thuận có vai trò rất lớn trong việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc, là một bông hoa nhiều sắc hương thơm trong vườn hoa văn hoá Việt Nam. Nhưng vẫn không thấy người Chăm nào làm chủ tịch tỉnh ! Why not ?
Như vậy, có cần lập một mạng truyền thông xã hội (social media) cho người Chăm như một kênh phổ biến văn hoá ? Nhằm giúp gia tăng sự hiểu biết về văn hoá Chăm trong cộng đồng đa tộc người ở Việt Nam, góp phần vào việc đưa chính sách đại đoàn kết dân tộc vào trong hoạt động thực tiễn. Bên cạnh đó, việc đưa tin tức xảy ra liên quan đến cộng đồng Chăm giúp cho các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, tìm biện pháp giải quyết làm cơ sở lí luận để cho các cơ quan, ban ngành có chức trách tham vấn. Từ đó, đề ra được chính sách riêng, phù hợp với đặc thù trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của người Chăm./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *