Xem người ngoài nhận định về mình thế nào, để mình tự nhìn lại mình, là rất cần thiết. Ở đây tôi không dẫn ý kiến các nhà đương đại, cũng tránh dẫn tác phẩm khó tìm; càng không trích những lời khen vì phép lịch sự ngoại giao, mà là thẳng thừng, của các tác giả uy tín cận đại và hiện đại. Qua đó tôi thử có phân tích sơ khởi và nêu ý kiến ngắn của mình.
Theo tác phẩm Jhinsu (tr. 57, 4b, bản dịch của Paul Pelliot), “các người bản địa này cấu thành từng nhóm biết hỗ trợ lẫn nhau”. Hơn nữa các tài liệu trên gọi họ là dân tộc “man rợ”, vì rằng đối với tác giả Trung Hoa thời đó, tất cả những ai không phải là người Trung Hoa hay không mang sắc thái của nền văn minh Trung Hoa đều bị gán cho cụm từ là “người man rợ” (P. B. Lafont, tr. 48).
Lê Thành Khôi, trong cuốn Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX (NXB Thế giới, 2014) có những nhận định [của ông và từ sách khác]:
Người Cham “hung hãn và gan dạ” (tr. 118). “Nhưng buôn bán lại không phải là hoạt động duy nhất của họ. Những người đi biển gan dạ này lại cũng là những kẻ cướp biển nổi tiếng ở tất cả các biển phía nam” (tr. 123). “Hai châu phía nam Đại Việt là Hoan (Nghệ An) và Diễn, luôn bị các tên cướp biển người Chăm tới quậy phá mặc dù Chămpa nhìn nhận quyền bá chủ của Thăng Long” (tr. 191). “Những người ngoại lai này, người Trung Quốc viết, có tính hiếu chiến và độc ác. Khí giới của họ là cung tên, kiếm, lao và nỏ bằng tre” (tr. 121)
Như vậy, hình dung từ được gán cho Cham xưa: “người đi biển”, “tên cướp biển” “hung hãn và gan dạ”, “hiếu chiến và độc ác”, “quậy phá”. Quậy phá hay “quấy nhiễu” cũng được Trần Trọng Kim dùng nhiều lần trong Việt Nam Sử lược (Bộ Giáo dục, Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1971).
Giải minh.
– “người man rợ” thì đã được Lafont giải thích rồi, không thêm gì nữa.
– “những người đi biển” là đúng. Đó là nghề của Cham và Champa.
– tại sao là “những tên cướp biển”? Có thể một phần nào đó thì đúng, còn cho là người Cham như thế, thì sai. Đất nước có kỉ cương và phép nước, không thể để cho dân mình tùy tiện được. Chắc chắn có chuyện buôn lậu ở đây, hay hàng qua hải phận mà không khai báo, nên triều đình cho tịch thu. Từ tịch thu đến cướp cách nhau chưa đầy bước!
– “gan dạ” thì Cham tiếng phải biết. Không gan dạ thì không thể viễn dương.
– nhưng sao lại có “hung hãn, hiếu chiến và độc ác”? Đây là các tính từ cần xét lại, và đặt đúng vị trí của nó.
– còn “quấy nhiễu” thì rõ rồi. Châu Ô, Lý là đất Champa, tâm lí Champa luôn muốn đòi lại, bằng nhiều cách khác nhau.