Nghiên cứu sớm nhất về người Chăm vẫn là các học giả phương Tây. Từ thế kỉ XIX-XX, người Pháp đã công bố hàng loạt các công trình nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc đền tháp, văn khắc, lịch sử và ngôn ngữ Champa. Đặc biệt, là việc biên soạn từ điển và ngữ pháp tiếng Chăm. Kế thừa những thành tựu nghiên cứu về lịch sử và nền văn minh Champa, tác giả Gérard Moussay là một linh mục người Pháp từng sinh sống và làm việc ở Việt Nam trước năm 1975 đã có những đóp góp quan trọng trong việc nghiên cứu văn hoá Chăm.
Sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông gắn liền với Trung tâm văn hoá Chàm Phan Rang. Với mục đích sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn văn hoá Chăm, ông Gérard Moussay đã vận động được nhiều tri thức Chăm đương thời cộng tác, xuất bản nhiều công trình khoa học có giá trị. Ngoài những ấn phẩm nghiên cứu văn học, văn hoá, lễ hội, ông và cộng sự đã công bố quyển từ điển Chàm-Việt-Pháp (Năm 1971). Đây là thành quả đầu tiên nghiên cứu về ngôn ngữ và chữ viết người Chăm.
Đến năm 2006, Gérard Moussay tiếp tục công bố công trình chuyên khảo về ngữ pháp tiếng Chăm viết bằng tiếng Pháp mang tên “Gramaire de la langue Cam” do giáo sư Pierre-Bernard Lafont viết lời tựa. Quyển Ngữ pháp tiếng Chăm được dịch sang tiếng Việt và phát hành bởi Nhà xuất bản Văn hoá-Văn nghệ vào năm 2015 do nhà giáo Lưu Quang Sang, Ths. Nguỵ Văn Nhuận và Ths. Lưu Quang Sáng chuyển ngữ, Inrasara sửa bản in.
Trong bản in bằng tiếng Pháp có 1 bản đồ địa lí vương quốc Champa ở trang 8 sau phần viết lời tựa. Tuy nhiên, ở bản dịch tiếng Việt không có bản đồ. Ngữ pháp tiếng Chăm là một công trình khoa học có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn cao để học tập và nghiên cứu ngôn ngữ người Chăm. Để hoàn thành công trình này, Gérard Moussay đã dựa trên 20 tác phẩm Ariya, Akayét, Dalikal kết hợp với các công trình nghiên cứu ngữ pháp của É.Aymonier, A.Cabaton, Bùi Khánh Thế và cộng sự.
Nội dung chính của Ngữ pháp tiếng Chăm đề cập đến hệ thống âm vị học, hình thái học, cú pháp câu, từ loại và các biến đổi của loại từ.v.v. Tác giả xây dựng tác phẩm từ căn bản đến nâng cao. Do đó, quyển sách Ngữ pháp tiếng Chăm phù hợp với nhiều đối tượng độc giả, kể cả những người mới bắt đầu học tiếng Chăm và những người nước ngoài tự học tiếng Chăm
Trong những năm gần đây, nhu cầu học tiếng mẹ đẻ để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc đang phát triển, xuất hiện các lớp dạy tiếng Chăm do học sinh, sinh viên tự tổ chức. Tuy nhiên, để tìm một quyển giáo trình học tiếng Chăm hiệu quả thì thật là không dễ dàng. Quyển sách Ngữ pháp tiếng Chăm của tác giả Gérard Moussay là một sự lựa chọn tốt nhất cho những ai có nhu cầu tự học tiếng Chăm./.