Jaya Bahasa: Sáng tác ca khúc thiếu nhi Chăm

 Jaya02

 Âm nhạc là một phần quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng-tôn giáo, lễ hội của người Chăm. Trong các lễ hội mang tính cộng đồng đều có  trình diễn âm nhạc như việc hát các bài thánh ca (Daoh da-a yang), hát về tiểu sử các vị vua và thần linh (Daoh Damnây), hát giao duyên (Daoh dam dara).v.v. Cho nên, âm nhạc là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Chăm. Tuy nhiên, hiện nay các ca khúc sáng tác cho thiếu nhi và lực lượng sáng tác âm nhạc vừa thiếu lại vừa mỏng chưa thể đáp ứng được với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng đông đảo của nhân dân. Bài viết “Sáng tác ca khúc thiếu nhi Chăm” đặt ra những vấn đề còn tồn tại và những giải pháp trong việc sáng tác và phổ biến ca khúc cho thiếu nhi.

1. Lực lượng sáng tác ca khúc cho thiếu nhi Chăm trước năm 1975.

Trước năm 1975, sinh hoạt âm nhạc của người Chăm thường được trình diễn phổ biến trong các kỳ lễ hội thường niên qua giọng hát của ông Kadhar, Maduen, các dịp sinh hoạt văn nghệ của làng, hay những chuyến lưu diễn văn nghệ của học sinh Trường Trung học Pô Klong qua các palei Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Các bài hát dành cho thiếu nhi chưa ra đời nhiều, chủ yếu là những bài đồng dao (Kadha rinaih daoh) do dân gian sáng tác. Đó là những bài thơ có vần điệu được trẻ con Chăm hát truyền khẩu nhau qua nhiều thế hệ(1). Trong tác phẩm Văn học Chăm (1994) Inrasara công bố 15 bài đồng dao (2). Đặc điểm của những bài hát đồng dao là có vần có điệu, dễ hát dễ thuộc, không có ghi tên tựa đề và tác giả sáng tác. Cho nên, câu đầu tiên thường được dùng làm tựa đề.

Ví dụ: Pok Jaong, Japluai, Ciim cak cak, Akaok.v.v.

Đến năm 2011, Inrasara sưu tập được khoảng 30 bài đồng dao từ kí ức của những người già (3). Về nội dung, các bài đồng dao phản ánh về hiện tượng tự nhiên và xã hội qua con mắt ngây thơ của trẻ con một cách mộc mạc, bình dị để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện kỹ năng vận động đơn giản.

Sau thể loại đồng dao, là các ca khúc sáng tác. Trong các tác giả nổi tiếng của người Chăm là Đàng Năng Quạ, Châu Văn Kên, Tantu, chỉ có Đàng Năng Quạ là có ưu ái sáng tác dành riêng cho thiếu nhi với 04 ca khúc: Hadar hai, Marat bac, Pan mbut di tangin, Threp gep(4). Những bài hát này, được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1966-1975, khi Đàng Năng Quạ đang giảng dạy tại Trường Trung học Pô Klong. Đây là những ca khúc được sáng tác để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn nghệ và nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật cho thanh thiếu niên và nhi đồng. Nó phổ biến rộng rãi trong các sinh hoạt của học sinh và phụ huynh, được nhiều thế hệ học sinh, thiếu nhi ưa thích và học hát.

Như vậy, trước năm 1975, các ca khúc cho thiếu nhi Chăm là các bài hát đồng dao và một số  ca khúc sáng tác của Đàng Năng Quạ là chủ yếu và phổ biến nhất.

2. Lực lượng sáng tác ca khúc cho thiếu nhi Chăm sau năm 1975.

Sau ngày thống nhất hai miền Nam-Bắc. Đặc biệt, trong thời kỳ Đổi mới của đất nước, không gian sống và sinh hoạt của xã hội Chăm có những thay đổi lớn. Môi trường sinh hoạt văn hóa cổ truyền không còn được lưu truyền nữa cùng với sự xuất hiện của nhiều phương tiện nghe, nhìn và giải trí, game điện tử, dẫn đến hệ quả thể loại hát đồng dao đã biến mất hoàn toàn trong tâm hồn tuổi thơ thiếu nhi. Trẻ con Chăm bây giờ không còn biết đến đồng dao Chăm nữa(5).

Sau năm 1975, lực lượng sáng tác của người Chăm có sự phát triển về mặt số lượng và tác phẩm.  Các tác phẩm âm nhạc của Tantu bắt đầu nổi tiếng. Đặc biệt, là sáng tác của Amư Nhân có nhiều khai phá mới lạ làm nên một sự kì diệu của một hiện tượng tài năng âm nhạc người Chăm.

Kế đến, là các sáng tác lấy chất liệu cảm hứng từ đề tài văn hóa Chăm đăng tải trên tuyển tập Tagalau. Từ năm 2000-2009 qua 10 số phát hành, Tagalau đã đăng 30 ca khúc của 16 tác giả như Đàng Năng Quạ, Tantu, Amư Nhân, Đàng Năng Hòa, Quảng Đại Hội, Phú Mân, Quảng Đậu, Quảng Văn Quỳnh Thư, Quỳnh Lâm, Chế Lan, Chiêm Việt, Anh Huy, Nguyễn Công Minh, Vĩnh Thuận, Khánh Vinh, Hữu Thịnh(6).

Nhưng chỉ có sáng tác của Tantu mới có đề tài dành cho thiếu nhi với 03 ca khúc  Klau thun nao bac, Sang bac raok cang, Ikak tian ka anâk nao bac(7) . Các tác giả khác  đi theo thẩm mỹ giá trị khác nghiêng về tình yêu đôi lứa, quê hương, đất nước, văn hóa, lễ hội hay nhưng cảm xúc, cảm nhận về văn hóa và con người.

Tiếp nữa, là 04 ca khúc của Jaya Hamu Tanran sử dụng nền nhạc nước ngoài viết lời Chăm dành cho thiếu nhi bao gồm các bài: On harei manâk, Amaik mai, Pan tangin daoh buei, Nao bac buei lo, Salam gru (8). Các sáng tác của Jaya Hamu Tanran chỉ giới hạn phổ biến trong các lớp tiếng Chăm bậc tiểu học hay trong  giáo án dạy học, nên chưa có nhiều người biết đến.

Ngoài ra còn có ca khúc dịch từ lời Việt sang lời Chăm như bài: Bingu bhong ka nai gru (Bông hồng tặng cô) của tác giả Trần Quang Huy, Dhur tapung (Bụi phấn) của tác giả Vũ Hoàng và Lê Văn Lộc, được nhạc sỹ Đàng Năng Quạ chuyển sang lời Chăm và phổ nhạc theo yêu cầu của phụ huynh học sinh.

Như vậy, các ca khúc sáng tác dành cho thiếu nhi hay, được trình diễn nhiều và được nhiều thế hệ thiếu nhi ưa thích vẫn chỉ dừng lại ở các nhạc phẩm của Đàng Năng Quạ và Tantu chỉ vọn vẹn chưa đầy 10 bài hát.

Ngược lại, những nghiên cứu về âm nhạc Chăm đã thu hái nhiều thành tựu quan trọng như các công trình Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm Ninh Thuận (9) , Âm nhạc Chăm(10) (Trong: Lễ nghi cuộc đời của người Chăm), Âm nhạc và múa Chăm(11) (Trong: Văn hóa Chăm),  Âm nhạc-múa trong lễ Rija(12) (Trong: Tagalau số 5). Nghĩ về hiện tượng ca múa nhạc Chăm hôm nay (13) , Một số vấn đề về dân ca Chăm (14) (Trong: Văn hóa Chăm: Nghiên cứu và phê bình), Nhạc cụ truyền thống tộc người Chăm (15).v.v.

3. Kết luận và khuyến nghị.

Người Chăm là dân tộc yêu nghệ thuật, sinh hoạt âm nhạc rất quan trọng trong các lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều thể loại đa dạng và phong phú. Hình thức sinh hoạt âm nhạc trong lễ hội là chất liệu vô cùng quý giá để cho người nghệ sĩ làm cảm hứng sáng tác ca khúc mới.

Nhiều thể loại hát nhạc của người Chăm đang bị biến mất và tiếp tục biến mất theo thời gian trước sự cạnh tranh, xâm lấn, lôi cuốn, hấp dẫn của dòng nhạc đương đại.

Lực lượng sáng tác âm nhạc vừa thiếu (Tác giả) lại vừa mỏng (tác phẩm). Riêng đối với sáng tác dành cho thiếu nhi chỉ có Đàng Năng Quạ và Tan tu là đạt thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cả hai tác giả này, đều không nhận bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước để phát triển nghề nghiệp. Kể cả, nhạc sỹ Amư Nhân hiện nay cũng không có việc làm ổn định, không có cơ quan, tổ chức văn hóa nào đứng ra tài trợ cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Đó là những trở lực, hạn chế lớn trong vấn đề phát triển lực lượng sáng tác phục vụ cho cộng đồng Chăm nói chung và thiếu nhi nói riêng.

Để có nhiều ca khúc mới cho thiếu nhi và phát triển lực lượng sáng tác.

Thứ nhất, cần có cuộc vận động sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi.

Thứ hai, tổ chức các tiết học, cuộc thi  hát dân ca, đồng dao từ bậc mầm non và tiểu học để tạo môi trường phát triển tài năng trẻ.

Thứ ba, có chính sách hỗ trợ cho người sáng tác đảm bảo cuộc sống bằng lao động nghệ thuật.

Thứ tư, các Đài Truyền hình và Truyền thanh dành thời lượng phát sóng ca khúc thiếu nhi Chăm. Các Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh, huyện sớm có chương trình  tìm kiếm ca sĩ, phát hành CD, VCD thể hiện ca khúc thiếu nhi./.

Chú thích:

(1),  (3), (5) Inrasara. 2011. Văn học Chăm khái luận. Hà Nội: Nxb. Tri thức. tr.70.

(2) Inrasara. 1994. Văn học Chăm. Hà Nội: Nxb. Văn hóa dân tộc. Tr.284-294.

(4), (7), (8) Jayam Padra-Jakhwa Cauk. 2009. Tuyển tập lời bài hát Chăm. Tp. Hồ Chí Minh: Tài liệu lưu hành nội bộ. Tr.90-105.

(6) Tagalau số 1-10 (năm 2000-2009).

(9) Hải Liên. 1999. Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm Ninh Thuận. Hà Nội: Nxb. Viện âm nhạc.

(10) Sử Văn Ngọc. 2012. Lễ nghi cuộc đời của người Chăm. Hà Nội: Nxb. Văn hóa dân tộc. Tr. 136-150.

(11) Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp. 1992. Văn hóa Chăm. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội. Tr.336-350.

(12) Đàng Năng Hòa. Âm nhạc-múa trong lễ Rija (Trong Tagalau số 5).

(13) Inrasara. Nghĩ về hiện tượng ca múa nhạc Chăm hôm nay. Đăng trên Inrasara.com (Cập nhật ngày 22-03-2013).

(14) Sakaya. 2010. Văn hóa Chăm: Nghiên cứu và phê bình (tập 1). Hà Nội: Nxb. Phụ nữ. Tr. 593-600.

(15) Đình Hy, Trượng Tốn. 1997. Nhạc cụ truyền thống tộc người Chăm. Ninh Thuận: Nxb. Sở văn hóa- thông tin.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *