Inrasara: HẬU KÌ MÙA HỘI VIÊN

bài đăng báo Tiền Phong Chủ nhật, 18-1-2015

LeHungTien-2013* Sau Inrasara ,vào Hội Nhà văn năm 1997, 17 năm sau, Ninh Thuận mới có hội viên mới: nhà thơ Lê Hưng Tiến.

Hà Nội có bốn mùa. Sau mùa Thu là mùa Hội viên. Chính xác hơn: mùa Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Người ta đồn, không sai. Trước mùa là cấp tập, nhộn nhịp, còn sau đó? Luôn có sự cố, nhỏ lớn theo năm, tuỳ mùa. Mùa này không là ngoại lệ. Chuyện lùm xùm “không làm đơn mà được kết nạp”, hay “tôi tài năng thế mà bị loại” là điển hình nổi bật. Thử điểm qua hành trình vào cửa Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Vận động. Khi mùa thu lá rụng nhiều, là khởi động mùa vận động hành lang. Không kể các ứng viên mang tâm lí được chăng hay chớ, hoặc các ứng viên vùng sâu vùng xa nhận phận và yêu mệnh, hay các nhà văn tâm thế “sĩ” cao, còn lại là vận động. Bằng nhiều phương thức và nỗi niềm khác nhau. Vận động để các Ủy viên Hội đồng chuyên môn biết đến mình, biết đến tác phẩm mình thì không có gì sai quấy cả. Cần nữa là khác. Bởi không ai có thể quán xuyến được hết tác phẩm ứng viên ra trong năm, cả trước đó nữa. Không quán xuyến thì không biết tuổi tên, không biết đến chất lượng tác phẩm để cất cử lá phiếu. Cửa Hội Nhà văn Việt Nam hẹp, quá hẹp, vận động là điều cần thiết.

 

Đơn xin. Muốn vào Hội thì phải làm đơn, để thành ứng viên. Ai gợi ý làm đơn? Ban công tác hội viên, ở đó nhà thơ Nguyễn Hoa luôn tháo vác. Nhà thơ này ở dịp nào đó gặp người viết văn, làm thơ đủ điều kiện (hai tác phẩm đã xuất bản) thì gợi ý làm đơn. Cả thành viên Ban chấp hành cũng có thể gợi ý. Hay đôi khi ủy viên Hội đồng chuyên môn hứng lên, cũng có thao tác này. Gợi ý thôi mà. Bạn thích thì làm. Chứ “gợi ý” thì không đảm bảo là người ấy bỏ phiếu cho bạn. Vài ứng viên ngộ nhận thế. Từ đó chắc mẩm kì lọt “lọt”. Do ngộ nhận, mà sau đó xảy ra vài sự cố.

 

Kí giới thiệu. Đơn xin vào Hội hội đủ hai chữ kí của Hội viên chính thức mới hợp lệ. Ở đây có Hội viên dễ dãi, có người khó tính. Bản thân tôi thì khi bạn thơ đã xuất bản đủ hai tác phẩm, tôi kí ngay không suy nghĩ. Ai làm thơ mà chẳng tự tin thơ mình đáng đồng tiền hạt gạo? Nhưng chớ lầm tưởng là người kí đơn chắc chắn bỏ phiếu cho mình. Ứng thí, bạn phải chấp nhận 1 chọi 12-15 ứng viên khác cũng ngang cơ bạn. Lầm tưởng này đã bao phen khiến tình bạn đôi ngả chia li.

 

Hội đồng chuyên môn. Tôi chỉ xin đề cập đến chuyên môn của tôi: Thơ. Đây là Hội đồng phải làm việc và thảo luận cam go và gay cấn nhất, chắc chắc thế. Giải thưởng hay xét kết nạp hội viên cũng vậy. Việt Nam là “nước thơ”. Người làm thơ nhiều, tập thơ in ra cũng nhiều, cho nên ứng viên thơ luôn có con số vượt trội. Văn chương lại vô bằng, nên việc đưa lên đặt xuống là rất mất thì giờ, và mất… lòng. Nhưng thế nào rồi cũng nhắm mắt, nén lòng để chọn cho được đủ số đề cử lên Ban chấp hành.

 

Ban chấp hành. Là cấp quan cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu bên Hội đồng chỉ trách nhiệm về chuyện môn, thì ở đây là cấp trách nhiệm… lớn hơn, toàn diện hơn. Thì hẳn! Ban chấp hành nhiệm kì này 15 vị, có văn xuôi, có thơ, có cả lí luận phê bình vân vân. Ở đây, lại xin nói về thơ. Có ứng viên thơ đã qua cửa Hội đồng với số phiếu rất oách, tin chắc thế nào kì này bỏ túi thẻ Hội Nhà văn. Ai dè, qua Ban chấp hành bị đánh trượt! Lí do? Ít người biết thi sĩ này quá. Nhưng họ đã vượt qua ải chuyên môn rồi mà? Vậy là ủy viên Ban chấp hành phải đọc. Có thì giờ đọc duyệt hết không? Sức mấy! Đó là chưa đề cập đến khía cạnh: có đến hai phần ba Ban chấp hành không chuyên ngành thơ. Không dám nói anh chị không hiểu về thơ, mà sẽ khó khăn hơn. Khó về chính ứng viên đó với tác phẩm đó, càng khó hơn nữa trong đối sánh với các ứng viên khác, thi tập khác. Kẹt là thế! Vậy, không tin Hội đồng chuyên môn do mình đề cử thì còn tin ai?

 

Hậu kì mùa Hội viên. Người không được, hoặc phó mặc, hoặc giận lẩy, còn đại đa số nuôi hi vọng vào kì tới. Ở đó không ít trường hợp nóng vội nên phát ngôn mất phiếu là chính. Cá biệt có ông ngạo mạn đến la om sòm trên thông tin liên mạng coi Hội Nhà văn Việt Nam bằng… vung, còn phát đơn thư khiếu nại lên cơ quan cấp Trung ương thưa kiện hội nghề nghiệp này dám loại bỏ một tài năng kiệt xuất của văn học nước nhà. Không biết vụ này có tác động đến Ban chấp hành không, mà mãi một tháng sau kết quả, báo chính thống Hội Nhà văn vẫn còn chưa công bố chính thức danh sách nửa trăm tân hội viên! Kẻ được thì mở tiệc ăn mừng. Có nơi im ắng như chưa hề có gì xảy ra, có tỉnh thì tổ chức lễ mừng tân Hội viên, giản đơn hay rình rang – tùy. Cũng vui. Lạ, là có vị làm cao. Hoặc, tôi có làm đơn đâu, họ “mời” tôi vào đấy chứ. Ra vẻ biết điều hơn xíu thì làm giá theo kiểu, tôi chẳng mặn mà lắm, ông [gì gì đó, càng cao càng có giá] nói quá, mình mới làm đơn. Đủ cả…

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *