Ghi chép tháng 12-2011: Ngán ngẩm mùa hội viên Hội Nhà văn – Không muốn đi đâu cả…

* Tại Nhà trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani: Jaka – Kim Đào, chị em Thu Hà – Sara – Cát Tiên, Photo Jaya.

1. World Poetry Festival tại Ấn Độ. Đã nhận lời với Sharma, họ đã in 4 bài thơ kèm ảnh với tiểu sử – rất oách, nhưng rốt cùng tôi đành nói sorry ông và Ban Tổ chức! – Bởi thật sự không thấy hứng. Ông dân trí thức xịn hành xử lịch sự, nhưng thế nào, ông buồn thấy rõ. Tôi buồn không kém. Ra Hà Nội, nhìn ba bạn thơ – thay chỗ tôi – hào hứng thu xếp hành lí lên đường, tôi thấy mình lạ quá. Lạ và quá cá biệt nữa.

Sắp tới là Liên hoan Thơ châu Á do Hội Nhà văn đứng tổ chức tại Việt Nam. Có tên Inrasara trong danh sách đọc thơ, còn tôi thì hoàn toàn chẳng còn chút hứng thú nào. Thực sự không muốn đi đâu cả. Bạn thơ nữ vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam mời tôi qua dự tiệc mừng – 36 cây số có xe đưa đón, tôi hứa, nhưng có lẽ không đi. Vì bận. Ngày đó – thứ Ba 10-1-2012 – Họ Gơp Hamu Bhauk bên bà xã có Lễ Nhập Kut tại Caklaing. 25 năm mới có một lần nên tôi phải về. Rồi có lẽ sẽ không về. Vì không hứng về, – rất sai bậy nữa.

 

Lưỡng lự vậy thôi. Katê Chăm tại Sài Gòn hai lần tôi lên xe đi nửa chừng, bỗng dừng lại, nghĩ, tạt vào quán cà phê, rồi quay về nhà nằm. Không lí do nào gọi là chính đáng cả. Thằng Út nói: – Năm nay Cei ráng đi nhé. Tôi ậm ừ. Không biết ra sao ngày sau.

Ừa, có lẽ tôi chỉ hứng thú với những gì mình thích và mình chủ động thôi.

 

2. Sáng 31-1-2011, bay ra Hà Nội họp tổng kết năm của Hội Nhà văn. Cả đội non chục người miền Trung và Nam ra được bố trí ở khu Bảo tàng Nhà văn mênh mông. Sáng – tối, các ứng viện Hội Nhà văn đến rước vài người đi. Cả rủ rê tôi nữa, tôi ậm ừ, và trốn. Sao ậm ừ mà không dứt khoát? Văn nghệ sĩ khó mà thẳng băng với anh chị em được. Bạn văn gửi gắm, bạn thơ phone xin phiếu, tôi vẫn ậm ừ. Hôm anh em ngồi chuyện gẫu ở phòng giám đốc Sinh, nhà văn TBL kể ứng viên cùng quê anh thiếu hai phiếu kêu than, anh đã nói thẳng với bạn văn kia:

– Một trong hai phiếu không bỏ cho ông là tôi đó!

– Bác giỏi! Tôi thì không dũng cảm thế – tôi nói.

Tôi không dám, nên không đi bù khú với anh em, mà ở lại phòng. Lẽ nào cả ngày ngồi lì một mình một phòng? – Vậy là tôi hú bạn thơ HA đi cà phê. May quá, cô nàng nhận. Vậy là lang thang rét đậm Hà Nội. Trưa, thay vì qua ứng viên thơ cạnh Hồ Gươm mãi phone mời ghé nhà cho biết, tôi chạy xe sang nhà thơ Tuyết Nga dự sinh nhật nàng. Bởi dẫu sao, cả hai Ủy viên Thơ này đang rơi vào tâm trạng “trốn mùa hội viên”.  “Làm lớn” khổ vậy đó, vậy mà thiên hạ cứ ham. Tối, nhà thơ Khuất Bình Nguyên rủ sang Hồ Tây. Trời lạnh, hồ lạnh, bia và kem lạnh, nhưng tình người vẫn ấm áp đây đó.

 

Chiều 2-1 bỏ phiếu bầu. Tôi ghi tên đến số 18 thì – tắt. Tôi xin tập Danh sách để dò tìm tên ứng viên điền vào cho đủ con số 25. Mọi người dường chuẩn bị từ trước, đã xong. Có mỗi tôi còn lật… dò. Thế là tôi ghi bừa tên người thơ nào mình chợt nhớ. Vậy thôi. Vô trách nhiệm. Tôi viết cho báo Tiền phong chủ nhật, 8-1-2011:

“Vậy là lần nữa tôi “cảm tình và cảm tính”. Hi vọng là lần cuối cùng. Bởi ngay từ năm sau, tôi sẽ bỏ phiếu trắng. Dù có phải bị cho là trốn trách nhiệm, nhưng cũng cần phải thế.”

Tôi đã tính bỏ phiếu trắng ngay kì này, rồi xin “từ chức” Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ luôn. Ở Sài Gòn, hỏi Jaka, cháu nói:

– Đúng lắm! Nhưng Cei không thể, vì Cei là Chăm. Nó sẽ tạo xì căng đan, việc đó không có thuận lợi cho cộng đồng mình lắm…

Lúc đọc kết quả bầu, tôi ra khỏi phòng. Sau đó khi các bạn phone hỏi thăm, tôi đã phải quá giang tin tức từ Trương Nam Hương.

Ừ, gì gì thì cũng qua đi một năm…

* Buổi trưa đạm bạc cùng khách Malaysia, photo Jaya.

3. Thu Hà cùng hai nhân viên giữa trưa chạy xe máy sang nhà mời tôi tham gia hỗ trợ bổ sung nội dung Chăm vào khu Resort của chị. Anh bạn văn giới thiệu: – Đây là nhân vật sáng giá nhất của Chăm về văn hóa Chăm, đồng thời là nhà thơ và nhà phê bình nổi tiếng Việt Nam.

Tôi bảo Sara đã đầy tràn kế hoạch rồi, pát qua cho  Jaka với Hani. Thế là sáng 17-12-2011, cả đoàn có cả Cát Tiên và Kim Đào về Mũi Né rồi Caklaing. Ngủ lại đêm “tham quan” để trưa 19-12 vào Sài Gòn…

5-1, Jaka mời hai chị người Mã Lai hoạt động xã hội qua nhà cơm trưa. Bà xã vắng nhà, mỗi 4 cha con tôi toàn giống đực tiếp khách. Bữa cơm thiếu đầu hụt đũa, nhưng họ có vẻ thích thú, nhất là nhập cuộc hát hò và vui vẻ.

 

Lần trước đang Hà Nội, bạn thơ THD nhắn tin có người “tán” Sara trên mạng đó. OK, để mình vào Sài Gòn xem nhé. Tôi đi xa hiếm khi vào mạng, thêm mấy năm qua chỉ đọc dăm mạng cần thiết cho việc làm, nên mù tin tức, dù là tin tức về mình. Nhà thơ Phan Nhiên Hạo hỏi chuyện các nhà thơ về tình hình thơ, chợt quay sang tán Inrasara. Chưa hiểu đầu đuôi mà cứ tán, lạ vậy đó. “Phê bình du kích”, như một dụng ngữ của Nguyễn Hoàng Văn. Tôi ngồi nguyên ngày gõ một hơi đầy 8 trang A4 email đến vài bạn đọc góp ý rồi gửi luôn cho Tienve.org. Bài gửi đi chưa đầy buổi, tôi lại viết cho anh HN-Tuấn: – Thôi miễn đăng, anh à.

Lại lưỡng lự. Chẳng lí do nào chính đáng cả!

 

Chiều 7-1-2012, ML viết thư dài tự nhận hâm mộ Inrasara. Mình nhắn bạn trẻ cà phê chuyện gẫu. Bạn bận, cũng may! Được ngồi cô độc trên sân thương cà phê một mình nhìn vào vùng trăng Sài Gòn rất sáng. Và nhớ quê – quê hương đang chuẩn bị cho Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Đoạn cuối của bài viết không đăng kia:

“Mùa nắng 2011, sau một ngày điền dã vào các palei Chăm, tôi nhờ cô nghiên cứu sinh đèo qua khu đất dự định xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân. Một khoảng trắng im lìm bày ra trước mắt. Bên kia là núi Chà Bang khô khốc, trần trụi đứng câm lặng, bên này là biển thẳm xanh vỗ sóng rì rầm. Vài ngôi nhà còn sót lại của khu cư dân vừa dời đi mỏng manh giữa trời chiều tràn gió.

– Về đi, em à, – Lát sau, tôi nói.

Buổi tối, đứng trên sân thượng nhà em vợ, tôi nhìn về phía “đó” lần nữa. Trời lặng gió đến tiếng rắn nước con lội qua mương cũng nghe được. Tôi nhìn thật lâu và sâu vào vùng trăng sáng vằng vặc. Caklaing cách nó chỉ mươi cây số. Gần nhất là làng Ia Li-u: năm cây. Chục làng Chăm quanh đó cũng không quá ba mươi. Hai năm nữa, Nhà máy đầu tiên sẽ được khởi động thi công. Những cột sắt Fukushima sẽ mọc lên, ở đó.

 

Bạn ở California hay Paris, nghe tin về Nhà Máy điện hạt nhân Ninh Thuận, có thể bạn thấy cảm thương người Chăm. Ở Sài Gòn hay Hà Nội, đọc tin, có thể bạn lo lắng cho sinh phận con dân Chăm. Từ mấy ngàn năm qua, tổ tiên họ trụ nơi đó, cùng đất cằn, nắng, cát và gió. Họ – vỏn vẹn sáu vạn người, là cộng đồng còn truyền lưu đậm bản sắc văn hóa dân tộc xa xưa. Có thể bạn lên tiếng phản đối. Trên báo chí, ở diễn đàn quốc tế. Có thể…

Riêng tôi, tối hôm đó, đứng trên sân thượng đó, tôi đã nhìn thấy định mệnh tôi, và phần nào đó – sinh phận Chăm. Không phải bằng suy niệm siêu hình hay qua phương tiện của thế giới ảo, mà bằng hiện thực trần trụi lồ lộ. Chỉ có giây phút đó của ngày đó trong không gian đó, tôi mới chứng ngộ được nó. Và tôi phần nào hiểu được văn chương – ít ra là của/ cho tôi – để làm gì và không để làm gì”.

 

Sài Gòn, 8-1-2012

 

 

One thought on “Ghi chép tháng 12-2011: Ngán ngẩm mùa hội viên Hội Nhà văn – Không muốn đi đâu cả…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *