Tự vấn về kết nạp Hội viên Hội Nhà văn

Bài đã đăng trên Tiền phong chủ nhật, 20-3-2011

“Xét vào Hội Nhà văn: Nên khách quan hơn” là tên bài báo tôi viết đăng trên Tiền phong chủ nhật ngày 13-3-2011

Bản gởi Phongdiep.net ngày 14-3-2011, tôi dùng tên gốc: “Chuẩn ‘khách quan’ xét kết nạp hội viên, tại sao không?”,
như đã đăng trên Inrasara.com cùng ngày.
Ngay hôm sau đó, 15-3-2011, website Trannhuong.com xuất hiện bài viết của Trần Đình Thu với tên là “BCH Hội Nhà văn Việt Nam cần trả lời câu hỏi của nhà thơ Inrasara” với các nhận định riêng.

Để tránh ngộ nhận không đáng có, tôi trình bày thêm vài điều cần thiết.
1. Bài viết trước, tôi muốn làm bật nổi mấy ý chính:
Sau lần đầu tiên ngồi chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam để bỏ lá phiếu xét đơn xin vào Hội của các bạn đồng nghiệp, tôi nhìn lại mình và tự kiểm: “tôi bị đẩy vào một tình thế chủ quan tự mình không thể chấp nhận“.
Tôi tìm nguyên do từ Ban Chấp hành Hội Nhà văn, và đưa nhận định: “bảng lí lịch văn học vừa sơ sài vừa thiếu cập nhật do Ban Chấp hành cung cấp“.
Sau đó tôi xét cách bỏ phiếu của tôi (“có thể” cả các thành viên Hội đồng Thơ): “không thể tránh khỏi dựa vào sự quen biết, xuất phát từ cảm tình và nhất là phó mặc cho cảm tính qua kí ức khá mơ hồ về các sáng tác của ứng viên kia“.
Và mục đích quan trọng nhất của “tự kiểm” kia là nhằm: “không bị lương tâm cắn rứt“, và “vừa đỡ khổ, vừa tránh tiêu cực và điều tiếng“, từ đó tôi thử nêu ra giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng chủ quan kia.

2. Chuyện Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trả lời phỏng vấn rằng BCH “làm theo quy chế” và “công bằng” trong khâu xét duyệt thì không có gì sai cả. Quy chế đã được Đại hội thông qua. Thế nhưng theo tôi, vì chưa cụ thể trong cách triển khai, và nhất là chưa rốt ráo để đạt khách quan tính tối đa, nên công cuộc dễ xảy ra hồ nghi từ phía dư luận. Dư luận, có thể không vấn đề gì cả. Đáng nói hơn là, chính thành viên Hội đồng tự nhận thấy mình chưa làm đầy đủ trách nhiệm.
Thiết nghĩ, việc biết tên tác giả trong Danh sách 300 nhà thơ là không khó. Nhưng đọc họ đến nơi đến chốn là chuyện hoàn toàn khác. Đọc đến nơi đến chốn, nghĩa là có thể nói về thơ họ mà “không cần nhìn giấy”.
Với tôi, trong Danh sách 300 nhà thơ tôi chỉ đọc được 15 người. 5% còn lại tôi có đọc nhưng đã… quên. 270 nhà khác, tôi hoàn toàn chưa đọc. Vì không có cơ hội đọc.
Trong khi, những năm qua, tôi theo dõi khá sát sao tiến trình thơ Việt đương đại. Từ thơ trong nước đến hải ngoại, dân tộc thiểu số hay dân tộc đa số, Bắc hay Nam, đã là hay chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam,… Đến hôm nay, tôi có trong tay “100 nhà thơ của mình” (Thơ Việt đương đại 4 tập đã xong bản thảo 5-2010). Tôi cũng đang “lập biên bản” trăm cây bút nữa, Tiếc là trong số này, chỉ có mươi cây bút xuất hiện trong Danh sách 300 nhà thơ có đơn xin vào Hội. Ngoài ra, hơn tháng sau khi nhận chức danh “Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ”, tôi nhận thêm tác phẩm do mươi bạn thơ khác gửi. Thật sự, người làm thơ và số tập thơ trên đất nước này quá nhiều. Tôi không thể có được trong tay các tác phẩm của họ. Nếu có, tôi cũng không thể đọc hết. Những người xét duyệt có ai đọc được và nhớ hết không?
Về phần mình, tôi vẫn bỏ phiếu, tôi cứ loại người mình chưa đọc ra. Như vậy là không công bằng với đồng nghiệp.
Chưa đọc, vậy tôi đã dựa vào đâu để thẩm định? – Tin hẳn vào tập Danh sách 300 nhà thơ do Ban Tổ chức Hội viên cấp. Danh sách đó như thế nào? Chỉ cần nhìn lướt qua, ai cũng thấy nó “vừa sơ sài vừa thiếu cập nhật“. Cho nên, đòi hỏi cụ thể là rất cấp thiết. Cụ thể, như các chuẩn mà tôi thử nêu ra trong bài báo (các chuẩn có thể bổ sung hay sửa đổi). Đó là: số tập thơ, dư luận báo chí đánh giá, các Giải thưởng… Mỗi ứng viên cần nửa trang A4. Đó là yếu tố cần.

3. Thế nhưng, bao nhiêu trích ngang đó, dẫu cụ thể tới đâu, người ta vẫn còn ngờ ngợ, nếu chưa có cơ hội tiếp xúc với tác phẩm của cây bút này. Tôi có thể không tin vào Hội đồng giải thưởng nào đó, chưa tin lắm vào các bài “phê bình” tán tụng kia…. Do đó, cần đến yếu tố đủ: Tác phẩm. Như tôi đề nghị, ít nhất 10 bài thơ do tác giả tự chọn gởi kèm theo đơn.
Bởi đâu phải tác giả hay tác phẩm sáng giá nào cũng “hợp gu” Hội đồng giải thưởng, hoặc cùng hệ thẩm mĩ với báo chí các loại. Một tác giả nào đó có thể “quá độ” vài chuẩn thuộc yếu tố cần, để được xét “tuyển thẳng”. Yếu tố đủ không thể thiếu, là bởi lẽ đó.

Chỉ khi đó thôi, thành viên Hội đồng Thơ mới có thể đặt bút cất cử lá phiếu, mà không bị ray rứt. Có thể họ sai, nhưng họ đã biết mình chu đáo – không bị cảm tình, cảm tính và mơ hồ chi phối. Qua đó sẵn sàng đứng ra bảo vệ chính kiến của mình.
Khi đã cụ thể như vậy, Hội đồng Thơ, và Hội Nhà văn Việt Nam nói chung tránh được điều tiếng hoàn toàn không đáng có!

Sài Gòn, 18-3-2011

3 thoughts on “Tự vấn về kết nạp Hội viên Hội Nhà văn

  1. Ng Đình Thu viết phê phán Hội Nhà văn
    “chuyện nội bộ lôi lôi lếch thếch”, “thực trạng kết nạp hội viên một cách loạn xà ngầu”, “nghi ngờ sự tiêu cực hoặc vô tổ chức”. Cuối cùng là “Inrasara đã gián tiếp đặt câu hỏi cho quý ban chấp hành rằng ‘Bao giờ thì chấm dứt thực trạng vớ vẩn này'”.

    Nhà thơ Inrasara tế nhị hơn, nhưng hiệu quả. Chắc chắn như vậy.

    Anh nói đúng:
    – Đâu cần in nhiều tác phẩm. Có nhà thơ chỉ cần 2 tập thơ là đã vào ngon lành. Rất xứng đáng.
    – Nhà văn Nguyễn Bình Phương đâu có giải thưởng nào, nhưng HNV gợi ý anh vào Hội đấy chứ.
    – Tôi biết có nhà thơ ở TPHCM in hơn 10 tập thơ, viết phê bình, viết tiểu thuyết, viết cả lịch sử… Tập nào ra cũng rơi vào quên lãng, vì chúng vẫn ở lại TRUNG BÌNH, thì làm gì vào mà vào.

  2. Tự vấn dũng cảm và rất thấu đáo.
    Tâm lý người đời thì hay im lặng khi được cho 1 vị trí nào đó. Ông bà nói câu Ngậm miệng ăn tiền. Nhà thơ Inrasara thì không làm vậy. Anh lên tiếng.
    Tôi cho nhà thơ Inrasara không những chỉ là trí thức Chăm mà còn là trí thức Việt Nam chân chính.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *