Tôi phê bình. Phê bình Lập biên bản 07. Tôi đã lập biên bản những gì?

Riêng về thơ, cả “3 loài” đều được tôi lập trình để “lập biên bản”, từ loài thơ câu lạc bộ, loài thơ tiếp hiện, cho đến loài thơ khai phá. Hơn trăm tác giả được ghi nhận. Tạm sơ kết: 34 nhà thơ khuynh hướng mới trong đó có 11 nhà thơ hải ngoại, 31 nhà thơ tiếp nối hơi thở truyền thống, 25 nhà thơ nữ, 20 nhà thơ dân tộc thiểu số.

Về tác giả hay tác phẩm, tôi bám sát nguyên tắc: “Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác, qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt”. Tôi đã đứng trên hệ mĩ học cổ điển để đọc thơ Trần Ngọc Tuấn, Văn Trọng Hùng, mĩ học hiện đại để nhận mặt Tuyết Nga, Mai Văn Phấn; đứng trên lập trường bản sắc dân tộc để đọc các tác giả dân tộc thiểu số: Lò Ngân Sủn, Dương Thuấn; tôi đã vận dụng thuyết hiện sinh để xem xét Mắt Giấy của Nguyệt Phạm, thuyết tân hiện thực để soi sáng Đồng Hồ Một Kim của Phan Trung Thành; đứng vào trong trào lưu hậu hiện đại để giải mã hiện tượng thơ Nhóm Mở Miệng, tập thơ 40 km/h của Vũ Thành Sơn; dùng lí thuyết hậu nữ quyền để nhận diện Lê Thị Thấm Vân, hay phê bình nhóm Ngựa Trời. Vân vân…

Nghĩa là không từ hệ mĩ học này phê phán sáng tác thuộc hệ mĩ học khác. Chỉ như vậy, nhà phê bình mới hi vọng đảm bảo sự công bằng cho mọi trào lưu sáng tạo. Các loại thơ thuộc nhiều hệ mĩ học khác nhau không loại trừ nhau mà cùng tồn tại, sòng phẳng và sạch sẽ.

*

Dẫu sao, nếu chỉ biết ghi nhận tác giả – tác phẩm, Phê bình Lập biên bản không làm gì khác hơn các bài điểm sách hay chân dung tác giả như đã. Dẫu có gom tất cả lại, chúng cũng không nói lên được điều gì đáng kể. Phê bình Lập biên bản tự đặt lên vai mình trách vụ khác, “nghiêm trọng” hơn. Tạm khai báo:

1. Biên bản các trào lưu

– Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn; Thơ trẻ Sài Gòn ở đâu?

– Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’

– Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt

– Văn chương mạng

– Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại

– Thơ đổi mới, hành trình ‘chuyển một hướng say’

– Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại

– Thơ Việt sau hậu hiện đại

– Về đâu, tân hình thức Việt?

2. Biên bản văn học khu vực

– Sáng tác văn chương Cham hôm nay

– Văn học Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa

– Sáng tác Cham hiện đại, thơ tiếng Việt và tiếng Cham

– Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động

– Nhập cuộc và hi vọng (về Thơ trẻ Ninh Thuận đương đại)

3. Biên bản hiện trạng văn học và tâm thức nhà văn

– Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo

– Bế tắc trong sáng tạo

– Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần

– Gọi tên căn bệnh của phê bình hôm nay

– Giải Nobel cho Văn chương Việt Nam, tại sao chưa?

–  Khởi động một chiều hướng mới cho phê bình văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *