Câu chuyện Tagalau. Trước & quanh Tagalau

01.

[Lão Tử: Vì ta không tranh với thế gian, nên thế gian không ai tranh nổi với ta.]

1977-SinhvienCham02[Thời sinh viên Vijaya – 1977]

Chắc chắn người có công dắt tay tôi vào hội hè chánh thống chính là Phú Văn Hẳn. Đó là năm 1993, tôi vừa làm dân thành phố đúng một năm. Hẳn mời một lô anh chị em Cham quen biết đang ở Sài Gòn tụ hội trong hội trường Viện Khoa học Xã hội TPHCM, nơi Hẳn làm việc. Đủ thành phần. Có cả cháu gái vào ôn thi, cả ông anh đang làm việc tại công ty kinh doanh. Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số TPHCM, tôi mù tịt về Hội này. Thấy mọi người vào thì vào.

Xướng tên nhận thẻ, một cháu gái dân Chakleng quay sang tôi:

– Sao con lại đứng chung hàng với chú Trạm nhỉ?

– Có sao đâu, cứ nhận đại đi, – tôi đùa.

Chính tại đây, Nông Quốc Chấn biết tôi, và hỏi tôi về thơ. Sau đó, ông mang bản thảo Tháp Nắng ra Hà Nội xin giấy phép in, dù công cuộc không thành, nhưng tôi mang ơn ông qua bài “Lời cảm ơn muộn màng” đăng 5 năm sau đó. Nếu có gì đó gọi là “mang ơn”, thì tôi chịu ơn hai vị này, chứ không ai khác. vào cuộc chữ nghĩa hoàn toàn tự mình lo liệu. Không ai cầm tay dẫn dắt, không ai quen biết để gọi là gửi gắm. Tôi cứ lầm lũi bước đi, cô độc. Ngoảnh lại, không ai cả. Lẽ nào cộng đồng Cham mỗi Inrasara làm văn chương, cô đơn biết bao. Thế đó, tôi cần có bạn đồng hành.

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, trí thức Chăm luôn cố gắng có được tập san của cộng đồng. Trước 1975, sự xuất hiện của nội san Panrang do Thiên Sanh Cảnh chủ bút cùng sự cộng tác đắc lực của Đàng Cải, Nại Thành Viết… tạo dấu ấn lớn; ngay Trường Trung học Pô-Klong cũng ra được tập san Ước vọng (Caung Tagok) của mình. Cham là vậy. Nhiều chữ nghĩa sanh lắm cãi vả, không vấn đề gì cả. Thật tình, lúc đó tôi “không” đọc hai tập san này. Các bài nghiên cứu kia không là gì cả với kẻ đang mê Phạm Công Thiện; và người đã lỡ đọc Sáng Tạo thì không thể thưởng thức nổi thơ tỉnh lẻ với thơ văn học trò, chả có gì sai. Dẫu sao tôi rất trân trọng nó. Trân trọng và cất kĩ, mãi cho đến khi chúng bị hốt trong đợt tịch thu sách báo phản động hồi 75.

Năm 1977, anh em sinh viên Sài Gòn rủ nhau ra đặc san Vijaya. Tôi có bài thơ dài “Jalan tơl Vijaya” rất oách, oách đến nỗi nó được các bạn dùng làm tựa. Tôi chưa nhìn thấy mặt mũi nó, bởi sau đó không lâu tôi bỏ học với nổi hứng cạo đầu ra Nha Trang tu rồi.

Gần hai mươi năm sau, năm 1995, tại nhà Thành Phần ở quận Tư, trước mặt mươi trí thức Cham, tôi đề nghị làm đặc san cho Cham. Thành Phần đứng chủ biên, tôi chạy bài vở.

– Tìm kinh phí hơi khó đấy, – Thành Phần nói.

Tôi bảo: – Không vấn đề.

Mọi người có vẻ nhất trí. Sau đó tôi hai bận nhắc vở, nhưng ý tưởng kia chìm.

 

02.

Năm 1996, dự Trại Sáng tác ở Đại Lải, gặp Đăng Bẩy, tôi nói: Anh cho tôi làm số đặc biệt về Cham trên Văn nghệ Dân tộc & Miền núi nhé. Anh kêu cần báo cáo sếp đã. Lúc đó người phụ trách tạp chí là Nguyễn Khắc Trường, trên nữa là Hữu Thỉnh. Đăng Bẩy bảo, sếp nhắn Trạm cứ gửi trước để xem bài vở đã. Tôi lúc đó vô danh tiểu tốt, có ma mới tin.

– Tôi nhận phát hành ngàn số… – tôi nói.

– Nếu tốt, biếu vài trăm bản cho bà con thôi, – anh Bẩy nói.

Tôi bảo: – Không.

Đúng hẹn, báo ra – ra dáng đáo để. Đăng Bẩy lên tàu lửa vào Phan Rang ghé Ban Biên soạn sách chữ Chăm. Yut Cẩn phân mấy cháu bán hết vèo 800 bản ngay buổi sáng trên tháp! Đăng Bẩy cả tuần sau đó mặc sức “ăn cỗ” mùa Katê.

Thế lũ xuống, tôi làm tiếp. Gợi ý Văn nghệ Ninh Thuận bị từ chối, tôi chuyển qua Văn nghệ Bình Thuận. Họ vâng. Năm 2008, tôi bê nguyên mẫu qua tạp chí Văn hóa Dân tộc. Ba kì liên tù tì như thế Tagalau mới ra số đầu tiên.

Huỡn đã! Năm 1998, Thành Phần nhân chuyến về quê gặp tôi và nói về đặc san nghiên cứu cho Cham. Khởi động với sáu, bảy người thôi – anh nói, nơi sảnh khách sạn Ninh Thuận đầu cầu Ông Cọp. Cẩn không tin lắm, tôi đồng ý không suy tính. Vào Sài Gòn, anh hẹn anh em ở nhà anh. Tôi đến đúng giờ nghĩa là trước tiên, sau đó hai bạn nữa. Ba anh vắng mặt. Rồi là bàn bạc, thêm tiết mục nhãn và đá chanh. Tôi nhớ tiết mục này là do nhà xa đạp xe mệt, tôi đã làm một hơi đá chanh cho đã khát.  Tôi lại là kẻ đầu tiên nộp quỹ 100.000 đồng. Sau đó, sự vụ không nhúc nhích gì thêm. Chả hiểu bởi nỗi gì. Tiền tôi nộp đến hôm nay vẫn còn tồn đọng ở quỹ.

Nhưng lẽ nào cả mớ Chăm không làm nổi đặc san? Tết 2000, lúc đó tôi đang Hà Nội thẩm định sách giáo khoa chữ Cham, nói ý định mình. Quý thầy Bá, thầy Tỷ can ngăn. Cham có mỗi Trạm là hội viên Hội Nhà văn VN, từ từ, không khéo xôi hỏng bỏng không. Có vị còn hù: Thôi đi Trạm ơi, Cham mà, không qua nổi một kì đâu.

Xuống xe đò ở Phan Rang, tôi thử khua chiêng, anh chị em sau mấy thành công ở Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, ra mòi hào hứng. Vào Sài Gòn, tôi đợi. Một, hai, ba tháng vắng hoe. Không xong rồi.Vài bận tôi nhắc Trà Vigia và Trầm Ngọc Lan. Hứa, và hẹn. Thế là tôi hú hai yut vào. Họ chấp hành nghiêm. Lên xe đò, còn xách theo cặp gà vườn nữa. Tôi lệnh:

– Một tuần, mỗi yut phải nộp cho mình 2 truyện ngắn với 5 bài thơ. Xong mới được về. Cơm nước, bia bọt, cà phê cà pháo miễn phí.

Tôi phone thêm cho thầy Tỷ… Chơi vậy mà nên việc. Tagalau 1 oe oe cất tiếng khóc chào đời đúng tuần lễ bà con Cham chuẩn bị lên tháp vui hưởng Katê.

 

03.

Nguyên do nào tôi dám làm Tagalau?

Dù không ít trí thức Cham cảnh giác về nhiều thứ, và không hi vọng về tuổi thọ của đặc san, nhưng qua 3 kì tạp chí ở ba nơi khác nhau, tôi nhìn ra lối đi. Tôi biết Cham có người viết, có người đọc, có cái để viết, và tôi tự tin có thể thu hút các cây bút Cham, lẫn ngoài Cham viết cho Tagalau. Còn tiền bạc ư? – không là vấn đề.

Từ năm 1996, tôi một mình một ngựa, không ai chống lưng, không người dìu dắt mà đã chiến được, vậy Cham có không ít nhân tài, tại sao không? Tôi” đã “thứ sức Cham” trước và quanh Tagalau   ở 3 tạp chí khác nhau. Nơi ấy 14 tác giả Cham đã góp mặt, nhiều bài nhất là Trà Ma Hani, chiếm nhiều trang nhất là Nguyễn Văn Tỷ.

Dẫu sao đi nữa trận đi tưởng xuôi mát ấy đã đụng bao nhiêu hố hang của cuộc người. Qua khỏi biển sâu vướng ao nước cạn, ông bà Cham nói đố có sai.

Giới thiệu tác giả đăng bài hay viết giới thiệu một tác phẩm của tác giả nào đó, tôi không nửa mủng thái độ một đàn anh ban ơn, nên chưa hề đòi hỏi sự chịu ơn dưới hình thức nào bất kì; ngược lại người viết có bài đăng cũng chớ ảo tưởng ban bố cho tôi cái gì đó. Đã có anh bạn Cham nghĩ dại và nói dột như thế. Trong khi cùng kì gian đó, tôi đã viết giới thiệu cho rất nhiều cây bút người Kinh, và không ít lần tổ chức bài vở cho họ, nhưng tôi chưa bao giờ bị lụy kiểu đó. Bài đăng, tác giả nhận được báo biếu và nhuận bút “theo chế độ hiện hành”.

Với tư cách người đi trước, tôi có ngoảnh lại với bạn viết bước sau, không phải ý đồ ươm đồ đệ mà là tìm kẻ đồng hành, là điều cần thiết trong hoàn cảnh cộng đồng Cham hôm nay, cho dù ở tự thân, nhà văn là kẻ CÔ ĐƠN và cần ĐỘC HÀNH hơn ai hết.

Không phải sao?

PHỤ LỤC:

TỔNG KẾT bài viết của cây bút Cham do Inrasara tổ chức (thu thập bài vở, giới thiệu) ở 3 tạp chí ngoài Tagalau:

– Inrasara: 1 truyện ngắn, 10 bài nghiên cứu, 4 bài thơ; Bút danh khác (Chế Trầm Sar, Phú Trạm, Lâm Kha, Xuân Hải…): 8 văn xuôi, 4 bài thơ

– Nghiên cứu: Nguyễn Văn Tỷ 2 bài – 1 bài: Quang Cẩn, Phutra Noroya, Nguyễn Lự

– Truyện ngắn mỗi người 1 bài: Jalau Anưk, Son Putra, Thạch Giáng Hạ, Trà Thy Mưlan,

– Thơ: Trà Ma Hani: 6 bài kể cả song ngữ – Trà Vigia 4 bài thơ – Kahat: 3 bài – 2 bài có: Quảng Ngũ, Bá Minh Trí, – 1 bài: Son Putra, Trầm Ngọc Lan, Đồng Chuông Tử.

CỤ THỂ

I. Trước khi Tagalau ra đời

1. Tạp chí Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, số 14, 1996

– Chế Trầm Sar, truyện ngắn, Bay đi những cơn mưa

– Trần Vũ Khang, bút kí, Trở lại Chakleng

– Thơ Inrasara (3 bài)

– Thơ Lâm Gia Tiến (1), Xuân Hải (1), Lâm Thị Ngân (1)

– Inrasara, Ngôn ngữ – chữ viết Chăm, vài minh định có tính học thuật và thực tiễn

– Chế Vỹ Tân, Ngõ vào plây Cham

– Quang Cẩn, Katê đến hẹn nhớ về

– PV., Những bàn tay vàng trong hội chợ

– Ngạn ngữ Cham

 

2. Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận, số 9, 1997 & Tạp chí Văn hóa Dân tộc, 8-1998

– Inrasara, truyện ngắn, Tàn một giấc mơ

– Inrasara, Tản mạn thơ ca cổ điển Chăm

– Thơ của Inrasara (1), Quảng Ngũ (1), Lâm Gia Tiến (1), Kahat (1), Xuân Hải (1), Lâm Thị Ngân (1).

 

II. Sau khi Tagalau ra đời

1. Tạp chí Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, 2004

– Inrasara, Hành trình Katê

– Phutra Noroya, bút kí, Tôi buồn

– Inrasara, Chuyện chữ

– Truyện ngắn: Jalau Anưk: Mùa hạn; Thạch Giáng Hạ: Nắng

– Trà Ma Hani, thơ song ngữ

– Thơ: Trà Ma Hani (3), Bá Minh Trí (2), Đồng Chuông Tử (1), Phan Kan (Trà Vigia, 1)

– Phú Trạm, Canh bồi Cham

 

2. Tạp chí Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, 2006

– Chế Trầm Sar (Inrasara), truyện ngắn, Một giấc mơ xa

– Son Putra, truyện ngắn, Tiếng gọi từ Palei

– Inrasara, Thơ dân tộc thiểu số vừa đi vừa ngủ

– Trà Chân, Nghĩ về hiện tượng ca-múa-nhạc Cham hôm nay

– Trà Ma Hani, thơ song ngữ (2)

– Thơ: Hamu Tanran (1), Kahat (1), Quảng Ngũ (1), Trà Vigia (1)

 

3. Tạp chí Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, 2006

– Trà Thy Mưlan, truyện ngắn, Nỗi buồn sạm nắng

– Inrasara, Bốn khuôn mặt văn nghệ Cham hôm nay (giới thiệu Trà Vigia, Jalau Anưk, Jaya Hamu Tanran, Chế Kim Trung)

– Nguyễn Văn Tỷ, Những nét tích cực của người Cham hôm nay

– Thơ: Kahat (1), Son Putra (1), Trầm Ngọc Lan (1)

 

4. Tạp chí Tia Sáng, số 19-2006

– Inrasara, Sáng tác văn chương Cham hôm nay

– Inrasara, Sáng tác thơ dân tộc Cham, một chặng đường 5 năm

– Inrasara, Rija Nưgar, một lễ hội dân gian của dân tộc Chăm

– Lâm Kha, Vài nét về Múa Cham

– Phú Trạm, Bàn thêm về họ của người Cham

– Nguyễn Lự, Bàn tay vàng dệt thổ cẩm

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *