Thế nào là phê bình lập biên bản?

“Phê bình như là lập biên bản” đăng ở tạp chí Văn hóa dân tộc, số 7, 2008, thuộc nhóm non trăm bài Viết ngắn của tôi về các hiện tượng văn chương/ xã hội đương đại. Nó ý hướng nêu vài khía cạnh nhỏ của mỗi vấn đề đang nổi cộm, mang tính gợi mở và gợi ý. Do đó các đặc tính của vấn đề – ở đây là phê bình lập biên bản – chưa được lộ diện đủ đầy, bên cạnh sự thiếu dẫn chứng, là đương nhiên.
Chưa đọc tôi hệ thống mà vội vã đưa ra nhận định, nhận định đó chắc chắn vừa phiến diện vừa sai. Phiến diện nên, sai. Theo dõi hệ thống, người làm phê bình mới cơ hội nắm bắt vấn đề, từ đó hi vọng mở ra một khả tính trao đổi, học tập. Một cách tích cực… Ngược lại, nó chỉ là những ý kiến tùy tiện và nhảm nhí.

1. Dẫu sao, ngay ở Viết ngắn này, tôi cũng đã tóm tinh thần của phê bình lập biên bản, khá là nền tảng:
“Điều tôi muốn làm là “lập biên bản” các sự biến văn chương đang xảy ra trong thời đại tôi sống, những con người đang làm việc và sáng tạo cùng thời với tôi”.
Nghĩa là nhà phê bình tránh bỏ sót, không đối xử phân biệt bất kì vùng miền nào, hệ mĩ học sáng tác, trào lưu hay trường phải văn chương nào. Từ sáng tác theo truyền thống đến hậu hiện đại, từ nhóm Ngựa Trời cho đến tân hình thức.
Tôi đã không từ chối [lập biên bản] thơ Nguyệt Phạm (thành viên nhóm Ngựa Trời), thơ Bùi Chát (nhóm Mở Miệng), Dương Thuấn, Mai Liễu,… (dân tộc thiểu số), văn xuôi hậu hiện đại của Lê Anh Hoài, Phạm Lưu Vũ,… các sáng tác hiện đại của Trần Anh Thái, Trần Đức Tiến, Trần Nhã Thụy…, dòng truyền thống như Trần Ngọc Tuấn, Văn Trọng Hùng,… lập biên bản cả văn chương mạng hay các sáng tác của người Việt ở hải ngoại nữa.
Có khi bởi chưa nắm được phương pháp sáng tác mới, nhà phê bình đã bỏ rơi hay lẩn tránh nhiều tác phẩm sáng giá. Đó là điều đáng tiếc.

“Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì,… giữ nguyên hiện trường… Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác, qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa”.
Nghĩa là nó không định kiến, phê bình không nhân danh, không từ hệ mĩ học này phê phán sáng tác thuộc hệ mĩ học khác,… Chẳng hạn, không thể đứng trên nền tảng hệ mĩ học lãng mạn để phê bình đánh giá thơ siêu thực.

“Lập biên bản có nghĩa là chấp nhận mọi hiện tượng văn chương xảy ra trong thời đại ta đang sống. Bày nó ra như nó là thế, tìm hiểu triết lí trên đó thơ văn đó nảy sinh… Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ của tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là nó”.

Trong một bài báo ngắn, tôi đã nêu ba ý, rất rành mạch!
Nhưng lập biên bản có phải chỉ là lập biên bản? Không!

2. Các bài liên quan nằm trong hệ thống (như minh chứng cần thiết). Tôi đã theo đuổi lối phê bình này dăm năm qua, tiếp cận nó bằng nhiều phương cách khác nhau. “Nói là lập biên bản, nhưng đôi lúc tôi cũng có đưa ra nhận định.” (“Khai mở bế tắc sáng tạo”, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, 2008, tr. 288). Nhận định trên cơ sở biên bản đầy đủ và chính xác.

“Sau mỗi hội thảo, báo chí đều đưa tin, bình luận. Lạ! Mỗi nơi mỗi khác, thậm chí ngược hẳn nhau. Người đọc do đó, tiếp nhận và hiểu nó mỗi khác. Bình luận trên thông tin thiếu và [lắm lúc] sai. Như thể nhà phê bình đánh giá tác phẩm dựa trên văn bản sai vậy. Chủ quan và phiến diện là khó tránh khỏi. Theo tôi, tốt hơn cả là ta cứ ghi biên bản: cụ thể, chính xác, đầy đủ. Sự việc sẽ nói lên tất cả. Biên bản trước/ trong/ sau và cả ngoài hành lang hội thảo. Để biên bản không rơi vào chủ quan hay thiếu sót, tôi có tham khảo trí nhớ của vài người tham gia” (“Cần phải gọi đúng tên sự thể”, Phong Điệp trò chuyện với nhà thơ Inrasara, báo Văn nghệ, 24-5-2008).
Tôi đã làm đúng như thế, với “Biên bản lập chậm” – Cafe Văn học tháng 7 của Hội đồng Anh về ‘Phê bình văn học trên báo chí – Lý tính và cảm tính?’ tại TP Hồ Chí Minh, ngày 6-7-2007, đăng Vanchuongviet, 10-7-2007.
Cuối biên bản ghi: “Biên bản” có tham khảo trí nhớ của đạo diễn Song Chi và nhà thơ Lý Đợi; sau đó nó được gởi cho Nguyễn Thanh Sơn và Ngô Thị Kim Cúc (là hai diễn giả cùng Inrasara thuyết trình buổi tối ấy) xem lại.
Sau non 4.000 chữ “biên bản lập chậm”, tôi có đưa nhận xét riêng 280 chữ.

Thêm, từ “lập biên bản” một tác giả hay tác phẩm, tôi dấn thêm một bước: phê bình một trào lưu, một dòng văn học. Ví dụ tiểu luận “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’” (Tạp chí Nhà văn, tháng 3-2007), “Hậu hiện đại và Thơ hậu hiện đại Viêt” (Vanchuongviet.org, 12-2007) và nhất là tham luận “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” đọc tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tháng 3-2005, tôi cũng đã có thao tác tương tự. Khủng hoảng thơ trẻ là có thực, khủng hoảng đó biểu hiện qua nhiều hình thái, cấp độ, lắm lúc thái quá. Nhưng tôi “xem nó như một tín hiệu tốt lành” cho phát triển văn chương Việt Nam. Tôi lập biên bản (ghi nhận) nó. Sau đó tôi nhân định:
“Nhưng gì thì gì, một thái độ quá khích bất kì đến lúc nào đó, cũng cần tự đặt giới hạn cho mình, nếu không muốn đi vào ngõ cụt mới và, tắc tị! Phản kháng tốt lành phần đầu của thi sĩ thành phản tác dụng nơi khúc đuôi… Và, điều cốt tủy là, khủng hoảng vẫn hoàn khủng hoảng, vì nếu mãi ở lại với giải quyết ức chế xã hội, tuổi trẻ phản ứng và chỉ biết phản ứng, sức sáng tạo sẽ trì trệ, từ đó thơ mất khả năng khai phá và thăng hoa. Khủng hoảng lẩn quẩn mãi trong vòng bế tắc nghề nghiệp với phản kháng mang tính cục bộ, nhất thời, chưa một lần được chúng ta đẩy tới cấp độ cao hơn. Thì làm thế nào tư tưởng chúng ta có thể lớn? Nền thơ tiếng Việt có thể lớn?” (“Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, 2008, tr. 88-89).

7 kì Bàn tròn văn chương (Ban sáng tác trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam) do tôi chủ trì cũng thế. Đề tài có thể là một tập thơ: Rơi ngược của Ngô Thị Hạnh và Lửa sâu cõi đá của Vương Huy, một tập truyện ngắn: Người ăn gió và quả chuông bay đi của Nhật Chiêu, hay thậm chí một bài thơ: “Kết, hay bài thơ làm mục lục” của Lê Vĩnh Tài; về một tác giả: Cát Du hay một dòng văn chương: “Văn học hậu hiện đại” hoặc một hình thức/ phương tiện thể hiện: “Văn chương mạng”. Chúng được nhìn từ nhiều chiều qua vài đại diện các xu hướng sáng tác khác nhau, lứa tuổi khác nhau. Biên bản được tốc kí ngay tại chỗ, sau đó, để tránh thiếu sót hay nhầm lẫn nhỏ trong phát biểu tự do đầy ngẫu hứng, nó được gởi đến tất cả thành viên xem lại, sửa chữa (nhưng tránh thay đổi ý kiến) mới thành “Biên bản Bàn tròn”.

Đây là lối phê bình tôi chưa thấy nhà phê bình nào ở Việt Nam làm (họ có thể làm chuyện khác, bằng lối khác), nó càng không dính líu tí ti nào với phê bình của Taine hơn thế kỉ trước. Người ta cứ mãi nói theo nghe nói từ nghe nói, nên mãi cứ bất cập và tùy tiện.

Tóm lại, chỉ dựa trên thông tin cụ thể, đầy đủ và chính xác, các nhận định hay phê bình mới mang tính tích cực như là tích cực. Qua đó, nó khả năng đẩy nền văn học dấn tới. Đó là lối phê bình văn học tuân thủ các thao tác rất khoa học. Phê bình như thế “xét bối cảnh văn chương tại Việt Nam, là vấn đề cốt lõi nhất, quan trọng nhất của người viết. Vấn đề mà từ trước đến nay, ít ai đề cập đến nó một cách thẳng thắn, chân thành và mạnh mẽ như Inrasara. [Nó] rất cần cho đời sống văn học Việt Nam” – như Evan nhận xét (21-4-2006).

Sài Gòn, 17-10-2008.

*
Tạp chí Văn hóa Dân tộc, tháng 11-2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *