Câu chuyện Tagalau 2. Chuyện tên, chủ biên & Akhar thrah

Tagalau01

Xin nói ngay là, toàn bộ bài vở từ Tagalau 1 cho đến Tagalau 14 đều do tôi tổ chức, chọn, biên tập, sắp xếp; sau đó – lắng nghe dư luận bà con, anh chị em mà điều tiết, chớ hoàn toàn không ai can thiệp. Cũng có vài bài của tác giả lạ do Trà Vigia, Nguyễn Văn Tỷ biên tập và gửi đến tôi, nhưng tôi là người quyết tất cả. Do đó, nếu có trắc trở gì, tôi là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Chỉ thời gian gần đây, nhà xuất bản có vài ý kiến, hay cắt bài này bài nọ, rất ít; còn lại 99% bài vở đều OK.

Tôi đã làm tất tần tật: từ thu gom bài vở cho đến lo tiền, từ chạy giấy phép cho chí in ấn và phát hành, từ A đến Z như thiên hạ nói, thế nhưng tại sao tôi lại tránh né cái tên “chủ biên”? – Đơn giản, tôi hiểu cơ chế này, núp bóng danh nghĩa một cơ quan chủ quản, hi vọng nó thọ hơn. Cho nên mới có hàng chữ HỘI VĂN HỌC – NGHỆ THUẬT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM án ngữ trên cùng.

Biết điều là vậy!

1.000 đứa con Tagalau 1 ra đời, thêm buổi ra mắt sách tại quê nhà giản đơn mà ấm áp, bà con nhận và nhìn nó như “người lạ mà ta quen biết”. Vui sướng ngại ngùng trộn lẫn!

Ngon lành thế, nhưng tôi không cho đó là đặc san “của” Cham, “đại diện cho” Cham. Chọn cái tên “Tagalau” thôi cũng đã rất nhỏ con đầy khiêm tốn rồi. Người đứng chịu trách nhiệm lại là ông nhà thơ Tày: Nông Quốc Chấn. Nhớ là Tày, chứ không phải Cham!

Thêm món khiêm tốn nữa. Ngay vào Tagalau 2, tôi mời hai vị uy tín trả lời phỏng vấn: Nông Quốc Chấn và Bùi Khánh Thế, như là cách “đảm bảo chất lượng” ISO-tư tưởng chánh trị. Vậy mà đùng cái: sự cố “Mĩ Sơn đường về” ở Tagalau 2, khiến nó liểng xiểng.

Hội VHNT-DTTS không còn chịu cho đứng tên, nghĩa là từ đây trở đi tui miễn bảo kê. Thế là tôi phải è cổ ra “Chịu trách nhiệm bản thảo: Inrasara”.

Katê Mới (tagalau 3) in cận ngày Katê. Vừa ra lò, buổi sáng tôi chuyển nhanh trăm cuốn về Ninh Thuận, tính chiều tối chuyển hết số còn lại, thì ngay trưa nắng, anh đầu nậu hớt hải chạy qua nhà tôi lúc đó luân lạc ở Quận 1: “Thu lại, thu lại gấp anh ơi. Phải có người chủ biên mới đặng”. Thế là hè nhau xé bỏ tờ đầu tiên, in tờ mới dán vào: “Chủ biên: Inrasara”.

Tagalau02

Tagalau03

Cũng từ đó tên TAGALAU hết uy nghiêm một mình một cõi nữa, mà buộc phải đứng khép nép trong ngoặc đơn dưới một tên mới: Katê Mới (tagalau 3), Núi Trắng (tagalau 4), Nắng Panduranga (tagalau 5), Kraung Dung (tagalau 6). Cả hàng chữ Akhar thrah “tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Cham” cũng bị cho ra rìa.

Mãi đến Tagalau 7, chúng mới được quy hồi cố quận. Quy hồi cả tên TAGALAU lẫn hàng chữ con giun tội nghiệp đó. Còn vụ chúng biến mất ở Tagalau 9 là do tôi lú lẩn bỏ rơi, chớ không ai đả động gì nó cả. Nó cứ kéo dài tuổi thọ đến Tagalau15, thì có chuyện. Nhà xuất bản khi duyệt in cũng có kêu tôi cắt nó đi, và tôi cũng dạ vâng. Dẫu sao tính “mát” tôi không chừa: tôi vẫn giữ nguyên hiện trường.

Cho đến Tagalau 16

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *