Cái TÔI đáng ghét? 22. Thi sĩ & Tiền

Henri Miller: Tôi nghĩ con người thực sự cần rất ít: ăn ít, ngủ ít, sở hữu ít hoặc không có gì cả.

Tôi biết làm tiền từ rất sớm. Gần như đồng thời với tập ráp vần.

Làm tiền bằng sức hẳn hoi, chứ không bằng trí. Từ năm lớp Ba, tôi không còn phải nhờ vả mẹ chuyện giấy bút, mà tự mình vừa chăn trâu vừa mót lúa mang ra quán bà Hai đong lấy tiền mua. Năm cuối Tiểu học, khi tôi đạp xe qua nhiều palei Cham bán cà-rem dành tiền thì khoản mua sắm càng thừa, trong lúc cuối năm ấy tôi đứng nhứt lớp, giấy bút phần thưởng đầy ra. Gói phần thưởng cao quá cổ, tôi không thể quên – cao đến nỗi tôi không thể cúi chào người phát giải, chịu về để mẹ la: – Con cái người ta lễ phép biết chào, con mình nhe răng ra cười như khỉ, xấu hổ không biết trốn vào đâu.

Thi vào Trung học đậu thủ khoa lãnh học bổng rất khẳm (học bổng suốt đến “giải phóng”), tôi gần như không làm phiền đến mẹ. Học bổng mỗi đầu năm nhận một lần. Tôi đợi sáng thứ Bảy mới qua nhà ông thầy người Kinh ở đầu Cầu Nước Đá nhận, để trưa xuất trại về giao cho mẹ. Không thiếu một đồng. Có mỗi lần duy nhất, nhìn cánh bạn xài cây Pilot xịn thèm quá, tôi mới lén ngắt ra một ít để mua. Chưa tới 2% – tôi nhớ. Vậy mà mẹ la tôi đến phik lithei (đắng cơm). Mẹ lôi cơ man tục ngữ hết Cham đến Việt ra dạy tôi: “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cưỡng cha mẹ là trăm đường con hư”. Tôi không hiểu “cưỡng” là gì, phải chạy vào nhà tra từ điển. Hiểu được, khoái quá, quên là mình vừa bị la luôn.

Mẹ hay dạy anh chị em tôi thế. Qua đó có thể nói, tôi đã “sưu tầm” văn học dân gian được rất nhiều, từ mẹ.

Tôi chưa bao giờ ý định làm ra tiền, nhưng khi trong túi rủng rỉnh tiền, ai xin là tôi cho. Tôi cho bạn này xe máy khi bạn không có xe đi, bạn kia cái tivi màu khi con bạn sang nhà hàng xóm xem phim ké, bạn nữa 3 con cừu, bạn thì máy may với lỉnh kỉnh phụ tùng, ông thầy cái chuồng cu… cho sinh viên này tiền ra trường, sinh viên kia nộp học phí, học sinh trường nọ phần thưởng, vân vân.

Cho vậy thôi, không chần chừ, không tính toán. Dù bệnh nghề nghiệp rớt lại từ thuở kế toán, tôi có ghi đầy đủ số tiền với ngày tháng vào sổ lưu. Lưu, nhưng tôi không buồn NHỚ, và cũng không mong ai nhớ. Cá nhân là vậy, còn tập thể thì tôi cho sách.

Từ năm 2002, khi quyết “TÔI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA” tôi cho thưa dần rồi, dứt hẳn. Tôi chỉ lo cho mỗi Tagalau, và mấy chuyện trẻ con Cham. Trẻ con, tương lai thế, mà ta lại quên, mới lạ. Ta mãi lo làm chuyện to tát, viết sách nghiên cứu dày cộm, mà quên đi sách cho con trẻ, bổng cho học sinh, trò chơi cho thiếu nhi.

Có trục trặc gì ở đây không?

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *