– Lúc này ông đang viết gì?
Không phải Vang hay anh bạn chủ nhà mà là Thụy hỏi. Có lẽ do tọc mạch.
– Tiểu thuyết: Chân dung cát.
– Để đem vài nhân vật ra chế giiễu cho tiện chứ gì.
Hà Vân sâu sắc là thế mà đã khuyên tôi anh sớm kết thúc tiểu thuyết đi để em nhờ cô bạn chuyển thể sang kịch bản phim. Tôi bảo nàng tiểu thuyết anh không phải để mang ra làm phim, anh muốn viết nó sao cho đạo diễn dù thiện chí tới đâu cũng không làm gì được. Bởi tiểu thuyết là tiểu thuyết, dừng lại ở thể loại đó thôi chớ nên biến nó thành gì khác (ý này Kundera nói rồi). Tôi làm thơ cũng chả ý đồ được tuyển vào sách giáo khoa cho học sinh học thuộc hay nhạc sĩ nào đó nổi hứng hoặc chiếu cố mang ra phổ nhạc. Tôi nói ý này cho đồng chí cán bộ Bá Thụy nghe và thêm: văn chương không cúi xuống làm chuyện đó, không tự cho phép mình làm trò lếu láo ba bốn lăng nhăng đó.
Còn nó sẽ làm gì? Ông thật nghiêm túc muốn hiểu?
Tôi nhìn thẳng vào mắt ngài cán bộ Bá Thụy, đầy cải lương nghiêm trọng. Tôi nói: văn chương không ưa nổi trò nghiêm nghị. Nhưng loài người thì nghiêm trang nghiêm trọng hơi bị nhiều. Nghiêm nghị trúng vụ bắp, nghiêm trọng tuổi tên chàng hảng trên trang báo, nghiêm nghị học vị học hàm hay nghiêm trọng trò đọc diễn văn, nghiêm nghị nghiên cứu hay nghiêm trọng một thành tích bé con mới giật được, nghiêm nghị tri kiến tha lâu lưng tổ hay nghiêm trọng trương mục ngân hàng, nghiêm nghị cá tính lẻ loi hoặc nghiêm trọng bản sắc tập thể cộng đồng, nghiêm nghị tôi với nghiêm trọng bác vân vân. Bác cứ tiếp tục kê biên, nếu cảm thấy khoái. Mấy trò nghiêm nghị đó, văn chương cười vào mũi. Cười nhạo thôi. Không mỉa mai sâu cay cũng chả chua chát căng thẳng bật máu mà làm gì cho nhọc cái tâm linh. Nó khoái hoạt. Nghĩa là chính văn chương cũng phải học không tự biến mình thành trầm trọng. Nó có khả năng tự cười mình. Cười mình to hơn cả.
Cái thằng tôi ấy yêu em yêu cả cuộc đời nhưng luôn biết tự nhạo cái tình yêu buồn cười ấy, dù mất em rồi xa em rồi hoa đã tàn tôi về đứng bờ sông Seine đêm nay định nhảy xuống cầu Mirabeau (ôi, ví có thêm đời sống thứ hai hay ba thì tôi đã nhảy cái cho đã đời rồi) nhưng chính cái cười níu tôi lại bên đời quạnh hiu sung ôi S-Ư-Ớ-N-G… Cái thằng tôi ấy dù từng nai vai (trâu) ra cày thuê sắm cho được tủ sách mỏng dày, mỏi gối chồn chân đi gõ tìm từng mảnh tư liệu rơi rớt dọc con đường điền dã hay còng lưng (cụ non) ra viết dúm công trình nặng bao tải chở đầy nguy cơ đẩy tuổi trẻ tôi chìm không đáy vào hố nghiêm nghị; lại cái cười lần nữa thòng cọng hành xuống cứu vớt tâm hồn dại dột tôi sống sót. Cái thằng tôi ấy từng buổi sáng nhấm nháp trà Bắc với nhâm nhi từng giọt lời khen tặng nhiều cố gắng đầy sáng tạo để được bay lâng lâng trên đôi cánh thiên thần của hội viên Hội hội viên Hội của nhà, sĩ, của trân trọng kính ngài lên phát biểu dạ thưa cám ơn, sẵn sàng dồi tung ngài như con rối; cái cười vội túm lấy chòm tóc em ôi sợi ngắn sợi dài giữ lại, vuốt vuốt nó và xoa đầu thôi đủ rồi em ạ chỉ là trò đùa trong điệp điệp muôn trùng trò đùa không hơn thua phân tấc ôi em!
– Văn chương đẩy ta ra xa bãi bờ buộc ta học nhìn mình từ bên ngoài, châm chọc ta cho ta biết mở trí xem nhẹ mình. Chức tước hay tên tuổi. Ria mép hay mụn nhọt. Mái tranh với lâu đài. Cốc bia ngoại hay chén rượu nội, như cái bác đang cầm ấy mà! Văn chương dạy bác xem thường nó, nhẹ hều một kiếp…
– Cái cười giải phóng con người khỏi mọi mê tín. Thình lình tôi ưỡn ngực nghiêm giọng.
(Trích Chân dung Cát, chương 6: Vô danh và vinh quang)
Với kẻ thất tình hay bị tình phụ, người này người nọ khuyên đủ thứ điều cao vời, còn nhà văn Inrasara viết đoạn rất ngắn mà vui vẻ đáo để:
“Cái thằng tôi ấy yêu em yêu cả cuộc đời nhưng luôn biết tự nhạo cái tình yêu buồn cười ấy, dù mất em rồi xa em rồi hoa đã tàn tôi về đứng bờ sông Seine đêm nay định nhảy xuống cầu Mirabeau (ôi, ví có thêm đời sống thứ hai hay ba thì tôi đã nhảy cái cho đã đời rồi) nhưng chính cái cười níu tôi lại bên đời quạnh hiu sung ôi S-Ư-Ớ-N-G…”
tôi cho rằng đoạn văn này có khả năng cứu anh kia khỏi đi tìm cái chết còn cao gấp ngàn lần lời khuyên của triết gia, nhà giáo hay cha đạo nào đó. Văn chương đáo để thế chứ!