Thư giản cuối tuần2: Ngụ ngôn nhai lại

Đây là 2 ngụ ngôn đã đăng của Chay Mala. Do mấy ngày qua Chàm ta quá căng thẳng mấy vụ không đáng, cho nên xin đăng lại để ôn cố tri tân.

1. Vài người hay vài nhóm người xem vụ Akhar thrah là nghiêm trọng. Không biết Chay Mala có như thế không, nhưng đây là ngụ ngôn “giải nghiêm trọng” khá độc đáo.

RinehCham-Jakha1

* Photo Inrajakha.

Chay Mala: Câu chuyện Đát-mờ và Ít-na-xa ở Văn phòng Trụ sở Liên Hiệp quốc

 

Chuyện xảy ra vào mùa thu năm 2052.

Lúc đó Ít-na-xa 95 tuổi, còn Đát-mơ 106 tuổi chẵn (quý ông làm chi mà sống dai thế chứ!).

 

Lúc đó bà con Chăm khắp mặt địa cầu, từ trong ra ngoài nước hình cong chữ S, từ châu Âu đến châu Phi châu Á lo chạy vạy làm ăn buôn bán nói tiếng Chăm độn tiếng Việt tiếng Pháp tiếng Anh tiếng Ma-rốc, Ca-mơ-run mà quên béng hết tiếng Chăm.

Còn mấy nhà nghiên cứu Chăm mãi cãi nhau mấy vụ poh găk với lại chroh ao có hay không có dăr tha, ăn thua đủ đến mức lôi nhau lên tận Bộ Giáo dục rồi quay về  lúi húi ngày đêm nghiên cứu tiếp văn bản Chăm 300 năm 400 năm cho chí bia kí để chứng minh với trên phe ta đúng, đến quên hết trơn trọi tiếng cha đẻ mẹ sinh.

 

Vụ này xảy ra vào năm 2050 khi Liên Hiệp quốc thống kê số ngôn ngữ loài người đang điêu tàn. Chánh văn phòng UNESCO đã hoảng lên khi thấy ở trỏng có cả tiếng Chăm. Dân tộc văn minh siêu là vậy, có phong trào bảo vệ văn hóa nhiệt tình săng sái là thế, sao lại để xảy ra tình trạng thảm thương này. Thế thì làm sao mà nêu gương sáng cho mấy sắc dân châu Phi da đen, châu Mỹ da đỏ kia chứ.

Không thể như thế! Một Ủy ban cấp tốc được thành lập, tản nhau xuống tận hang cùng ngõ hẻm nào có bóng dáng dân Chăm để khảo cứu điều nghiên. Té ra, đó không phải tin đồn thất thiệt mà trăm phần là thật.

– Phải cứu vãn ngôn ngữ dân tộc này! – Một thành viên Liên Hiệp quốc đập bàn la lên.

Theo con số thống kê đáng tin cậy nhất cho biết, cả dân tộc Chăm khắp gầm trời còn hơn hai triệu, có mỗi hai người là còn nói được tiếng Chăm. Là Ít-na-xa và Đát-mờ. Phiền nỗi hai ông này nửa thế kỉ qua hờn nhau đến không dòm mặt đòi chi là nói chuyện.

Ủy ban lại một phen xắn tay áo vào cuộc. Phải mất hai năm ròng bay qua bay lại lui tới hiệp thương, hai sinh linh quý hiếm này mới chấp nhận ngồi vào bàn, tại Trụ sở… Liên Hiệp quốc.

 

Nhưng cả hai vẫn không thèm nói chuyện với nhau. Cả khi ngài Bill Clinton lúc đó đã lụ khụ chống gậy tới dùng tài đàm phán trời cho của mình ra thuyết giáo, hai ông vẫn hạ quyết tâm… không nói. Kéo dài như muốn thách thức sức chịu đựng của mấy trự quen ngồi mát tại Liên Hiệp quốc. Thế rồi một buổi chiều…

Hư laic hư bingi hơn di kau! (Mầy tưởng mầy ngon hơn tao à?) – Bất chợt ông Đát-mờ bật ra, như quát.

Cả hội trường vỡ òa tiếng vỗ tay hoan hô như thể thế giới vừa được cứu vãn. Kéo dài như không muốn dứt, rồi bỗng im bặt. Ô là là, cái ông Ít-na-xa đang nhếch môi kia kìa.

Ai gauk tuk halei jang ô bingi ô! (Ông anh lúc nào mà chả ngon!) – Tiếng Ít-na-xa nhỏ nhẹ, cả hội đồng phải chồm người tới mới nghe được.

Habar hư tuy Ban Biên Soạn bloh ôh pang kau…? (Sao mầy theo BBS mà không nghe tao?).

Ka gêk ô ai gaup pôic prong xap habar đôk urang pang (Chưa chi ông anh chửi to tiếng thế ai mà nghe).

Hư láy hư bingì hơn di kău mưni! (Mầy tưởng mầy ngon hơn tao đấy à?)

Cứ thế. Họ nói từ chuyện lịch sử đến văn chương, từ ngôn ngữ đến xã hội… cả tuần liên tù tì, và còn hứa hẹn nhiều tuần nữa. Tiếng Chăm từ đó mà tuôn ra, tràn ra như mưa dầm tháng Mười. Máy thu âm UNESCO chạy hết cỡ thợ mộc. Cơm hộp với nước đóng chai từ Việt Nam được máy bay trực thăng chở tới tiếp viện…

 

Chay Mala tôi xin nhắc lại: Đó là chuyện xảy ra vào mùa thu năm 2052.

Tiếng Chăm sống lại. Còn sau đó nó có được nhân điển hình tiên tiến hay là chẳng thì ngụ ngôn tới đây đã hết.

2. Ngay cả cái nỗi Điện Hạt nhân cũng thế. Ta thử đọc lại bài ai điếu dành cho 2 tập đoàn khổng lồ có liên can này.

 

Chay Mala: Lời ru buồn cho điện hột nhưn

+ Thơ viết nhân nghe tin một Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Rosatom bị tạm giam vì tham nhũng.

 

Người dưng không vẫy mà về

Chưa trông đã nức, mới nghe đã tình

Ừ, thì như thể tiền duyên

Bà trời đã định thì mình ru nhau

 

Ngủ đi em giấc mộng đầu

Dăm dòng lục bát làm câu đãi đằng

Cho qua cái phận con tằm

Ngủ trăm năm ngủ ngàn năm, miệt mài

 

Ngủ đi em giấc mộng dài

Ngủ cho hết kiếp con người mới thôi

Ru nhau ta quyết ngủ vùi

Quàng tay nhau ngủ cho bùi cõi mơ

 

Ngủ đi em giấc mộng hờ

Rô-xa-tôm với Tép-cô tan hàng

Ru em sẵn tiếng thùy dương

Đôi bờ cát bãi Vĩnh Trường vi vu

 

Tình ta chưa thắm đã… dù

Thôi thì mượn mấy vần thơ bye bye*.

 

______

 

* Đọc theo lối truyền thống là: “bái bài”, còn theo kiểu hậu hiện đại thì cứ y nguyên văn mà đọc.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *