Inrasara: Thư giãn cuối tuần – Cười

 Rineh.Bal Riya5-2013

* Photo Kiều Maily.

Một tiếng cười bằng mười thang thuốc, ông bà ta nói thế. Vậy mà trời cho ta cả kho mà ta không biết xài. Ta căng thẳng quá hóa đau bao tử. “Chả có gì trầm trọng cả!” – là câu nói cửa miệng của một nhân vật trong Chân dung Cát.

Bài này viết đã lâu, nay xin đăng lại, gọi là thư giãn cuối tuần.

Inrasara

*

Klau Cười. Chăm hôm nay không biết cười, là điều đáng tiếc. Trong lúc ông bà không thiếu truyền thống cười, rất đa dạng. Từ điển Moussay kê ra mấy chữ klau: Klau kapu cười nụ, klau pajwak cười gượng, klau khim cười mỉm, klau đah đah cười nắc nẻ, klau hwah hwah cười to tiếng, cười ha hả, klau đeh đai cười ngặt nghẽo, klau pik mưta cười ngất, klau hik hik cười khúc khích, pathôr klau buồn cười, klau pagrưng cười giả lả, cười gằn, klau di thoh cười lảng, klau bilei cười chê, klau hlôk cười mơn trớn, klau he he cười khì, klau jwa cười thầm.

Tôi sưu tầm được vài thứ cười khác nữa: klau langưk cười muốn xỉu, klau lwơ cười nhạo, klau palwơ cười dụ khỉ, cười nịnh, klau padrưh cười nhả, klau khim khiah cười nhí nhảnh, klau patuh tung cười vỡ bụng, klau hing tagei cười khỉ, klau hih hih cười khúc khích, klau heh cười giòn, klau heh heh cười khanh khách, klau yuw urang galeg cười như bị cù, klau nhim cười duyên, klau hok ia mưta cười ra nước mắt, klau pagloh ia mư-ik cười vãi đái, klau pabak drei jan cười lấp liếm, klau bbôh anưk tarakong cười há họng, klau bbôh amek bbôh amư cười thấy ông vãi bà vãi, pathrôg klau nực cười, pagloh klau tức cười.

RinehCham-Jakha2* Photo Jakha.

Ngoài cái cười do tác động mang tính vật lí, có thể phân loại thành ra mấy thứ cười: cười vui (hẳn nhiên rồi!), cười chê, cười khỏa lấp và mấy thứ khác nữa. Ừ, chữ cười thì vậy. Thử xem ông bà ta đã cười thế nào trong văn chương.

Văn chương trữ tình Chăm hầu như thiếu vắng hẳn tiếng cười. Hàng trăm kadha pađit ca dao chỉ có nỗi buồn, mênh mông buồn cùng niềm thương và tiếng than oán trải dài; thi thoảng có vài tiếng cười, nhưng lại là bị… cười mỉa! Cả ba ariya trường ca trữ tình cũng chẳng hơn. Chuyện tình của Hamlet hay Romeo and Juliet có đẫm máu và nước mắt tới đâu, Shakespeare vẫn cho xen vào câu chuyện vài tiếng cười rất khoái hoạt, dẫu tiếng cười đó chuẩn bị cho tình tiết bi thương hơn. Nhưng ở Chăm thì, không.

Ariya Bini – Cam, ba lần tác giả cho nhân vật cok khóc với hai lần ia mưta nước mắt rơi, nhưng tuyệt đối không có lấy tiếng cười. Chỉ một lần, nhưng đó là tiếng cười mà nhân vật thèm khát đi tìm để chạy trốn cô đơn nội tâm: Dwah pang xap thei đôm klau Tìm nghe tiếng ai nói cười. Nhưng, không có!

Cũng thế, trong Ariya Xah Pakei, hia khóc: một lần, cok hia khóc than: hai lần, ia mưta nước mắt: bốn lần có mặt; riêng klau cười: con số không tròn trĩnh! Còn Ariya Cam – Bini, có klau đấy, nhưng đó là klau bilei cười chê, mới khổ!

Kuw hôic đa gaup gan ra klau

Ta ngại hàng xóm cười chê

Gaup gan ra klau tôk tai

Hàng xóm cười chê thây kệ!

Còn ở đầu bên kia thì đậm đặc: hia cok than khóc: một lần, hia khóc: bảy lần, ia mưta nước mắt: cũng bảy kì xuất hiện! Đó là chưa tính các hạn từ hàm nghĩa tiêu cực tương đương.

 

Văn chương trữ tình đã vậy, văn chương thế sự chẳng khấm khá hơn. Có lẽ cuộc thế đảo điên, bi thảm hay cái khốn khó, cơ cực trong đời sống ngày xưa khiến ông bà ta không thể cười nổi trong văn chương chăng?! Trong khi cả 116 câu ariya lục bát Chăm của Ariya Glang Anak không có lấy nửa tiếng cười, dẫu là cười buồn thì, Ariya Pô Parang thuộc thể loại thơ kí sự ghi lại cuộc hành trình dài dằng dặc tìm chữ của năm nhân vật Chăm tưởng có thể tồn tại đan xen đề huề giữa vui và buồn, cười và khóc; hay ít ra tiếng cười cũng phải chiếm tỉ lệ tối thiểu. Đằng này: không! Năm lần hia khóc với hai lượt rơi ia mưta nước mắt, mà chỉ mỗi bận cười; lại là chẳng buồn cười:

Nhu ngap lingal thong kam ôh yom khing klau!

Họ làm cày với bừa (nhìn) chẳng muốn cười nữa!

Cười nhiều chăng, chúng ta bắt gặp trong Poh Catôi. Thế nhưng ở đây người ta chỉ tìm thấy cái cười đau đớn, chua chát của trí thức ưu thời mẫn thế: cười gằn klau pagrưng hay cười rơi nước mắt klau hok ia mưta trước cuộc thế đảo điên, tình người đen bạc.

– Urang jiông di mik thong wa

Drei mư-om cangwa koh gai patok

Người tìm an ủi nơi bà con

Mình đội cái nia, chặt cây về đỡ.

– Aw juk kadung bai wak

Khan kan ikak hanhah bilai

Dân áo đen mà đeo túi gấm

Vận khăn sang, đánh đàng xa làm dáng.

Bên cạnh các sử thi akayêt, thơ trữ tình – cả thi ca dân gian lẫn tác phẩm viết – và thơ thế sự Chăm là hai mảng văn học quan trọng nhất; chính chúng vẽ những nét thật đậm lên phông nền văn chương cổ điển Chăm.

Như vậy, văn chương Chăm tuyệt đối thiếu tiếng cười? Chưa hẳn! Ngược lại là khác. Tiếng cười có mặt ở chỗ khác, ngỡ khuất lấp nhưng độc đáo, đậm đặc; chúng vang lên sang sảng với giọng điệu khoái hoạt cực kì. Chúng tồn tại, phát triển và biến thiên khôn lường trong ngôn từ hát-nói trong các lễ hội dân gian và tín ngưỡng Chăm. Các danak, damnưy được Ông Mưdôn, Ông Kadhar hát lên trong các cuộc lễ hội. Mà lễ hội dân tộc Chăm thì vô thiên lủng, từ lễ hội nông nghiệp cho đến lễ hội tôn vinh thần linh, lễ có tính cục bộ gia đình, tộc họ cho đến lễ hội mang tầm xóm làng, xứ sở.  Mấy trăm bài tụng ca với các dị bản ở từng palei, từng gru hay khu vực là những áng văn chương nửa truyền khẩu nửa thành văn giàu sang và độc đáo. Chính chúng nuôi dưỡng cái cười Chăm, đưa cái cười ấy đi thẳng vào cuộc sống, tuôn chảy giữa lòng đời.

 

Không thể không nhắc đến Ariya Nau Ikak, bài thơ có vỏn vẹn 25 cặp lục bát nhưng nhà thơ đã diễn tả trọn vẹn quan niệm ở đời của Chăm. Cuộc sống như là chuyến đi buôn nau ikak. Cả bài thơ không có từ klau cười, nhưng cái cười cứ bàng bạc. Đó là nụ cười của kẻ hiểu thấu lẽ đời: đến, ở và đi của con người qua cõi đời. Một con người đã làm xong bổn phận, phủi tay trả lại cõi trần những thành tích/ không thành tích, thong dong trở về nhà. Ariya Nau Ikak là điểm son đậm nổi ghi dấu ấn tiếng cười thâm trầm, siêu thoát trong văn chương cổ điển Chăm. Riêng cái cười vừa đời thường vừa cao cả, vừa sảng khoái vừa thanh thoát cư trú ở đường biên văn chương và cuộc sống, kết hợp nhuần nhị và thâu thái hai thế giới làm một, là cái cười trong các damnưy tụng ca Chăm. Thử đọc Damnưy Cei Xah Bin Bingu.

Damnưy gồm 69 cặp ariya, được hát trong Lễ Rija Nưgar, là lễ hội quan trọng và linh thánh. Bài tụng ca tôn vinh Xah Bin (anh em với Palak Bin), một vị tướng đẹp trai, hào hoa cùng cuộc chơi của Ngài: đi ngựa, săn thú rừng, uống rượu, chọc gái khắp xứ với tiếng nói cười rủng rảng:

Cei nau mư-in Jamuw

Karah di canuw pakrư kamei

Dara Jamuw thiam đei

Karah di tacei pakrư mư-in…

Cei nau mư-in biak tal

Di graup nưgar cei nau mư-in

Cei nau mư-in biak ghơh

Thunit ginrơh Xah Bin Bingu

Chú đi chơi Giang Mâu

Cởi nhẫn trao – chiếc đeo ngón giữa

Gái Giang Mâu xinh lạ

Nhẫn đeo ngón trỏ, chú biếu chơi…

Bàn chân chú đi khắp

Mọi miền đất nước, chú đi chơi

Chú đi chơi thiệt tài

Phong thái tuyệt vời: Xah Bin Bingu…

Cứ thế, các từ klau cười, khim klau mỉm cười, đôm klau nói cười, đôm bui pakrư nói đùa vui, đom pakrư nói đùa… nối đuôi xếp hàng chen chúc. Cùng có mặt với chúng là tiếng chiêng, lục lạc ngựa, tiếng chó săn sủa mồi ăng ẳng, tiếng roi quất vào không khí, nhất là tiếng nói cười của các cô gái; cả tiếng [vô thanh] của những giọt rượu rơi vào cuống họng người nữa! Tất cả đồng loạt reo vui, khoái hoạt! Chúng tạo thành tiếng cười xuyên suốt dòng văn chương-tín ngưỡng-cuộc đời này của Chăm, làm độc đáo văn chương và thăng hoa cuộc đời.

 

Trong sinh hoạt đời thường Chăm cũng tràn đầy tiếng cười. Một lớp học hay nhóm nhỏ nông dân, thậm chí chỉ cần hai bác tiều phu với nhau, luôn có kẻ đầu têu đôm kalak nói tếu hay đôm cakơh nói tếu tục chọc cười thiên hạ. Giờ giải lao hay ca nghỉ ngắn giữa buổi cày hoặc cả lúc đi đường, tiếng cười vang lên rổn rảng. Xong, họ bắt đầu công việc.

Các tụ điểm sinh hoạt cộng đồng, có thể là vài chiếc chiếu xe ciêw ridêh được trải giữa sân nhà hay khoảng trống bên lề đêm lễ Rija prong, giờ rỗi của một đám tang hoặc thời gian chờ đợi cuộc họp họ, nhân vật chính như nam châm thu hút khách thính nghe chuyện, và cười. Bao nhiêu là chuyện cười, cũ hay mới được người kể hứng khởi ứng tác. Chuyện Chàng mù thông minh kén vợ là một. Chàng rớt giếng là để đo giếng nông sâu, gánh cả gánh sách để ra oai với nàng là bụng mình đầy bồ chữ, hay khi cha nàng thử tài cày, chàng ta cho cày băng cả bờ, bị hỏi vặn, anh chàng nhặm lẹ đáp ruộng là để trồng lúa còn bờ dành cho tỉa bắp. Ông già vợ tương lai có nước ngậm cám!

Câu chuyện tuổi thơ tôi theo mẹ đi nghe nghệ nhân Klơng Phaic, người Hữu Đức lấy vợ Mĩ Nghiệp kể, mãi sống lâu lâu chọc tôi cười. Chuyện khiến quý ông cười thầm, quý bà thì cười ha hả! Mà làng đâu phải chỉ có mỗi ông. Thế hệ này sang thế hệ khác, Chăm sản sinh hang lô nghệ sĩ dân gian, nhất là Hữu Đức, bao giờ cũng có những ông Tho, mỗi cuộc lễ cứ mang tiếng cười đến.

Carok palei Hamu Tanran, Dran palei Bblang Katheh

Sáng tác là làng Hữu Đức, bất khuất là làng Mang Thế…

(Đồng dao chăm)

là vậy!

Mới bốn thập kỉ nay thôi, cười luôn là tiết mục thu hút trên sân khấu nhà quê Chăm. Hiện tượng Cei Thổ làng Tuấn Tú trong đợt Lưu diễn văn nghệ quyên góp xây Trường trung học Pô-Klong là nhất. Hơn hai mươi làng Chăm đoàn đi qua, ông đều lưu lại tiếng cười sảng khoái. Bất kể già trẻ lớn bé, ông chọc họ cười cả trong giấc ngủ và tiếng cười theo họ đến tận sáng mai.

Vậy đó, Chăm chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội cười, tạo tiếng cười hay tiếp nhận cái cười. Cái cười tập thể, đặc Chăm. Bởi có cái cười chỉ có thể tồn tại trong cộng đồng văn hóa ấy, hoặc khi chỉ được thể hiện qua ngôn ngữ ấy.

Đó là tiếng cười cố ý. Tác nhân với mục đích khác nhau, gây cho đối tượng thụ nhận: cười. Có cái cười không cố ý, xảy ra ngẫu nhiên giữa cuộc sống, mỗi người tiếp nhận mỗi khác nên nó mang tính cá thể rất cao. Điều quan trọng là chúng ta biết chớp lấy nó để… cười! Dạng cười này vượt thoát khỏi cộng đồng văn hóa hay ngôn ngữ nên, nó là của chung nhân loại. Mùa xuân năm 2000, sau vài lần trao qua đổi lại, bạn thơ nữ rất trẻ V viết một bức thư dài cho tôi. Sau khi tự tán tụng thơ mình đã đời, cô nàng bắt đầu thuyết tôi về kĩ thuật thơ hiện đại. Nào là thơ phải có “quãng tám”, rồi nào là “tiết điệu”, “dấu lặng”… Mô phật! Thật lòng là tôi cười muốn xỉu. Năm năm sau, trong những ngày rỗng hay mấy bận hết chuyện cười, tôi chậm rãi lôi bức thư kia ra đọc. Để… cười!

Bạn thơ này trang trí cho mình thêm cái tật cố hữu của thi sĩ Việt Nam, rằng dưới mỗi bài thơ luôn ghi Hà Nội, 1h23 hay Huế, 2h45 sáng, đại khái thế. Để chứng tỏ với thiên hạ mình đang dằn vặt lao động sáng tạo dữ dội lắm. Và cũng có nghĩa là đó là thời khắc đáng đi vào lịch sử. Làm chi mà hệ trọng để phải khổ thế chứ! Chúng ta cứ muốn tạo cái giai thoại. Tôi nói: sau 9 giờ tối là thần kinh tôi rũ đi, và tôi buồn… ngủ. Như loài gà ấy. Tôi gọi đó là cách giải-nghiêm trọng.

Giải nghiêm trọng để có thể… cười.

 

Chăm hôm nay có vẻ hết biết cười klau?

Ông bà ta cười nhiều, đủ sắc thái, cấp độ. Chỉ cần kê chữ cười ra thôi cũng đủ cho chúng ta cười vỡ bụng rồi (chắc gì tôi đã liệt kê đủ), vậy mà hôm nay chúng ta không chịu cười, mới lạ! Bạn thơ Jaya Hamu Tanran ăn nói duyên ơi là duyên, nghe cứ muốn cười, thơ thì quá ư mô phạm. Trầm Ngọc Lan cũng một giuộc, ngoài đời chọc thiên hạ cười suốt, làm thơ cứ “buổi chiều”, “lũy tre”, “nỗi nhớ” để mà buồn. Chả có lấy một tiếng cười thầm, nói chi cho bạn đọc cười ngất, cười đến chiều mai còn cười! Phê thiên hạ là vậy, thơ tôi có hơn gì đâu. Nghe đồn giới chữ nghĩa và tự soi lại mình, dám nói là hầu như trong thơ Inrasara có đủ cả, chỉ mỗi sự thiếu: cái cười. Mới khổ chứ. Cứ cà vạt vét tông mà nhăn trán, chả kém gì anh giáo làng gàn. Mà Chăm thì rất cần cười, hơn bao giờ hết. Khổ lắm rồi, cực nữa, vậy mà có thứ trời cho không biếu không là tiếng cười, ta lại cứ hè nhau mà tiết kiệm. Ở Việt Nam đã vậy, qua tận Tây, Mĩ chúng ta cứ thế mà không chịu cười. Cười để giải tỏa nỗi niềm, khuây khỏa u buồn, giữ gìn sức khỏe, thanh tẩy tinh thần. Để chúng ta còn sáng tạo nữa chứ.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *