* Múa lễ ở làng.
1. Một hiện tượng xã hội nào bất kì, nảy sinh và phát triển theo quy luật nào đó hay lắm lúc rất “ngẫu nhĩ ra hoa”. Sinh hoạt ca-múa-nhạc Chăm vài thập kỉ qua là một hiện tượng như thế. Ngoài hai đoàn chuyên hay bán chuyên thuộc biên chế Nhà nước, là Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm – Ninh thuận và Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình – Bình Thuận hoạt động có bài bản, còn lại – khá tùy hứng và tùy tiện. Hoặc anh chị em vào các cơ sở hay tổ chức làm thuê (xin hiểu nghĩa tốt) với vài ba người, như trên tháp Po Nưgar, tại các khu Resort hay các Nhà văn hóa Quận ở TP Hồ Chí Minh. Hoặc bà con hát múa (kèm với dệt thổ cẩm) tại các tụ điểm, khu vui chơi giải trí tư nhân, hay phục vụ cho vài Làng ẩm thực… Hoạt động bán thời gian hay theo mùa vụ, tùy.
* Múa tại Mĩ Sơn.
Người nữ Chăm ai cũng biết múa. Múa ăn vào máu thịt người nữ Chăm, ngay khi họ còn trong bụng mẹ. Khi còn con nít theo mẹ đi xem Rija, về – các em lén người lớn, tập múa. Rồi lên cấp Hai, cấp Ba, chúng bắt đầu múa trên sân khấu nhà trường, nhà quê. Múa một mình hay múa theo nhóm. Cho nên khi hữu sự, tụ nhóm 4-5 người, các em vẫn có thể múa mà không phải tốn nhiều thời gian tập dượt.
Nhìn chung, các chương trình âm nhạc Chăm đều thu hút khách xem, nên lương được trả kha khá. Dĩ nhiên ở các khu vực tư nhân tổ chức thiếu ổn định, anh chị em có thể mất việc lúc nào không biết, bởi còn tùy thuộc thu nhập của quán hay tâm tính thiếu chuyên nghiệp của chị em!
Chương trình phục vụ thường là các điệu dân ca quen thuộc, tiết mục biểu diễn trống Ginăng, Baranưng với kèn Xaranai, múa cổ truyền và cả “múa Apsara” nữa. Ngoài hai Đoàn chuyên nghiệp được đào tạo có bài bản, còn lại các tiết mục mà anh chị em ta phục vụ ở các tụ điểm rất tùy hứng và không được đầu tư nâng cao hay biến tấu đúng mức.
Chưa có thống kê đầy đủ có bao nhiêu người đang hành nghề, bởi cũng có vài nhân vật vừa nằm trong biên chế Đoàn vừa tranh thủ thời gian rỗi đi ca múa tại các tụ điểm hay khu vực tư nhân. Đó là chuyện tự nhiên: kiếm thêm chút đỉnh thu nhập. Có bác nông dân, sau một chuyến đi biểu diễn cũng rủng rỉnh tiền xài, giải quyết được ngặt gia đình giai đoạn ngắn, cũng là chuyện đáng khuyến khích.
Anh Bao, một nông dân 60 tuổi quê ở Mỹ Nghiệp có thời gian dài phục vụ thổi kèn Xaranai trên tháp Pô Nưgar ở Nha Trang tâm sự: “Làm nghề của ông bà là niềm vui. Làm mà được nhiều người xem thì càng lớn hơn. Cạnh đó, chúng tôi còn được thu nhập không đến nỗi lắm”.
* Múa lễ trên tháp.
2. Có nên lo lắng về hiện tượng này không? Theo tôi hoàn toàn không. Tốt nữa là đằng khác. Năng khiếu nghệ thuật trời cho, vốn truyền thống sẵn có, tại sao không tận dụng và phát huy. Vừa bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, vừa có thu nhập. Tại sao không biến ca-múa-nhạc thành một nghề? Học tập cha ông mình, tiếp thu và học tập tinh hoa dân tộc anh em, để từng bước nâng cao tay nghề. Biến ca-múa-nhạc thành nghề chuyên nghiệp.
Các nghệ sĩ như Đàng Năng Đức, Thập Ariya, nghệ sĩ múa Bích Trâm, Như Trang (Ninh Thuận)… hay Phi Thúy, Minh Tuyết, Bình Vương, Trường Loan (Bình Thuận)… đều có xuất phát điểm từ phong trào quần chúng. Nhạc sĩ Amư Nhân cũng từ quần chúng mà lên, nay đã là ca sĩ – nhạc sĩ được cả nước biết đến. Tại sao cứ các điệu dân ca như Thei mai, Cek tian, Anit lô, Kathơng Glong lơy… với các dạng hát cối xay, hát chèo thuyền, hát đối đáp, hát giã gạo… dẫu được tiếp thu đầy tính sáng tạo từ kho tàng dân ca Chăm, mà không thể hơn nữa? Tại sao cứ vở ca – nhạc – kịch Ma Hoa – Trà Mứ phóng tác từ tác phẩm cổ điển Trường ca Chăm – Bàni, dù đã được các nghệ nhân Chăm thể hiện linh hoạt, độc đáo, lôi cuốn nhiều tầng lớp khán giá và đoạt nhiều huy chương cấp quốc gia, mà không vở nào khác hơn, sáng tạo hơn?
* Múa trình diễn tại sân bóng đá.
Dân tộc Chăm sở hữu truyền thống ca-múa-nhạc từ ông bà là vốn đáng trân quý, người Chăm có năng khiếu nghệ thuật là điều hay. Khởi đầu từ làng mạc, không ít những đứa con Chăm đã thành công. Có người tay nghề chưa vững mà đã vội “xuất làng” nên bị bật lại không phải là không có. Tại sao không luyện tay nghề cho chín muồi rồi mới xuất lộ? Hoặc theo gương dân Brazil: họ phải đá thật hay, luyện tâm lí thật chín ở quê nhà rồi mới đi ra trời Âu thi thố. Họ sẽ sống!
* Múa biểu diễn trong nhà tại Nhà Trưng bày.