– Khi ta còn đau khổ, mất ăn mất ngủ khi bị phê bình trên mạng, là ta chưa có tâm thế mạng.
– Khi ta còn muốn chủ trang web phải gạt bỏ ý kiến nào phản bác bài viết của ta, là ta chưa có tâm thế mạng.
– Khi ta còn nghi ngờ ai đó đứng đằng sau nick nào đó để phê phán ta, là ta chưa có tâm thế mạng.
– Khi ta còn cho rằng các ý kiến viết vội vã với ngôn từ thô tục, còn sai lỗi chính tả… chỉ có mặt trên web bẩn chứ web nghiêm túc thì không, là ta còn chưa có tâm thế mạng...
***
1. Thời đại toàn cầu hóa, nhưng văn học Việt Nam vẫn đóng, hoặc có mở nhưng chỉ he hé. Sáng tạo văn chương đã mở với trào lưu sáng tác hậu hiện đại, nhưng lối tiếp cận và lối đọc văn chương ta vẫn cứ đóng. Đóng, cả ở phía phê bình. Phê bình nhìn tác phẩm văn chương như là một sản phẩm chết đã đành, nó còn ý đồ loại bỏ thứ văn chương không hợp khẩu vị, khác với hệ mĩ học truyền thống, đi chệch khỏi quan điểm sáng tác của mình ra khỏi đời sống văn học.
Tạm gọi đó là tâm thế [văn học] giấy, hay gọn hơn: “tâm thế giấy”. Tâm thế giấy hướng tâm – một hay nhiều tâm khác nhau; mang trong mình tâm lí độc quyền, và phân biệt đối xử – ít hay nhiều.
Hầu hết sáng tác hậu hiện đại Việt cùng với hàng trăm tác phẩm xuất bản không chính thống chưa được hân hạnh có mặt trong đời sống phê bình văn học thời gian qua, xuất phát từ tinh thần phân biệt đối xử hẹp hòi ấy. Phê bình lập biên bản có mặt để giải quyết vấn đề khúc mắc đó.
“Lập biên bản có nghĩa là chấp nhận mọi hiện tượng văn chương xảy ra trong thời đại ta đang sống. Bày nó ra như nó là thế, tìm hiểu triết lí trên đó thơ văn đó nảy sinh… Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ của tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như nó là thế”.
Thế nhưng, dù đã nỗ lực mở ra các dạng thức “lập biên bản” khác nhau trong tinh thần dân chủ mới, vẫn còn là chưa đủ, với thế hệ văn chương sau hậu hiện đại Việt Nam. Các sáng tác đó cần đến một thái độ và phương thức phê bình khác, thích đáng hơn. Đó là Phê bình mở.
Tôi gọi đó là “tâm thế mạng”: Công khai, dân chủ và không bị biên tập.
2. Một tác giả, một tác phẩm xuất hiện, vấn đề văn học đang nóng… nhận được ý kiến khen chê hay bị bỏ quên ngay khi vừa ra đời. Trên mạng internet! Ở Bàn tròn Văn chương, nó chỉ dừng lại trong không gian hạn định đó. Nhưng nếu bài thơ kia xuất hiện trên website hay blog, sự diễn dịch và tương tác sẽ được mở, rộng và xa hơn rất nhiều. Diễn dịch và tương tác này được phát ra từ những kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của nhiều thành phần độc giả khác nhau qua các lần đọc khác nhau. Của kẻ vô danh hay người nổi tiếng, dân nghiệp dư hay chuyện gia hàng đầu.
Độc giả hôm nay mà trình độ thẩm định văn chương đã được nâng cao đáng kể, hết còn thưởng thức tác phẩm thụ động. Trên diễn đàn internet, không ai cầm cây gậy khuơ khoắng chỉ bảo, đe nạt; tất cả đều bình đẳng trong một không gian mở. Dân chủ và vô phân biệt. Ý kiến nào gởi trước thì được đăng trước, xóa nhòa lằn ranh đại chúng với đặc tuyển, chuyên hay không chuyên. Đại bộ phận các nhận định không bị biên tập hay sửa chữa.
Phê bình mở vừa tương tác với tác giả, với tác phẩm đồng thời tương tác với các tương tác khác. Phê bình mở không sợ sai. Sai thì sửa sai. Không có gì nghiêm trọng cả. Do đó, nó không cần độ lùi để ngoảnh nhìn lại cho chắc ăn. Nó nhanh nhạy đuổi bắt, song hành và có khi đi trước sáng tác.
3. Tôi không biết chắc trước tôi đã có ai dùng chữ “tâm thế mạng” và “tâm thế giấy” chưa, phần mình, tôi sử dụng nó lần đầu trong tham luận ở buổi chủ trì Bàn tròn Văn chương lần 7 tại TPHCM, 2007. Sau đó tôi triển khai trong tiểu luận “Văn chương mạng” đăng trên tạp chí Tia sáng, 5-2007.
Nhưng làm sao có được tâm thế mạng và đáp ứng được diễn biến của thế giới ảo?
Đây là câu hỏi khó. Không ít người “chơi” mạng mà vẫn mang nặng tâm thế giấy. Nghĩa là vẫn muốn độc đoán, độc quyền ý kiến. Nghĩa là vẫn đau đầu về các ý kiến khác mình… Tôi cũng đã từng mang tâm lí ấy.
Lần đầu tiên tôi đọc ý kiến chống tôi của Jadul mạng Chamyouth, 2005 (?, – lâu rồi, tôi không nhớ tên, ngày chính xác). Gần như đêm ấy tôi trằn trọc suốt hai tiếng đổng hồ! Sáng dậy, tôi email đến D, cho QC… Tôi nghĩ ai đó đứng nặc danh để chơi tôi. D, chủ trang web, phân trần: “Đó là người thật, anh à. Cũng cần có ý kiến như thế, anh Sara mới trả lời lại”. Từ đó tôi nhập cuộc Chamyouth: viết bài, còm, phản ứng và giải thích. Tôi cũng xài đến 3-4 nick “nặc danh” nữa. Sau một tháng, tôi sực lại: tại sao mình phải “nặc danh” chứ? Thế là tôi kí tên thật, dù là viết còm.
Điều đó chứng tỏ tôi vẫn còn nặng tâm thế giấy.
Chamyouth kéo dài đâu được một năm, thấy các ý kiến phản hồi loạn xạ lên, D mới đề nghị tôi biên tập. Tôi vui vẻ nhận: cho câu cú suôn sẻ hơn, ý kiến tích cực hơn, ngôn từ bớt chợ búa hơn… Biên tập và cả cắt bỏ. Được hai tháng, tôi khựng lại, tại sao phải thế chứ? Tôi bỏ Chamyouth sang Ilimochampa, 2006. Tôi vẫn nhập nhằng giữa tâm thế mạng và tâm thế giấy suốt 2 năm. Tôi bị dồi tung qua lại giữa những nhập nhằng ấy. Cho đến khi tôi nhập cuộc mạng qua việc lập website riêng Inrasara.com, sau đó là chủ trì Bàn tròn Văn chương về “văn chương mạng”, 2007, tôi mới vỡ lẽ ra.
4. Người Chăm đã có tâm thế mạng chưa? Ta cứ bỏ ngõ câu trả lời ở đó…
– Khi ta còn đau khổ, còn mất ăn mất ngủ khi bị phê bình trên mạng, là ta chưa có tâm thế mạng.
Tôi nhớ hai năm trước, một vị đáng kính trong cộng đồng Chăm đã sai con cháu chạy xuống phố giữa trưa ngày photocopy cho bằng được bài viết phê phán ông từ trên mạng. Ông đọc, và ông dằn vặt mãi… Ông chưa có tâm thế mạng.
– Khi ta còn muốn chủ trang web phải gạt bỏ ý kiến nào phản bác bài viết của ta, là ta chưa có tâm thế mạng.
Người bạn thơ [người Kinh] thân thiết của tôi viết một bài đăng Inrasara.com, 2011, bị bạn đọc tấn công. Ông một mực bảo tôi “phải chịu trách nhiệm” về các ý kiến này. Ý ông cho là tôi đồng lõa với các độc giả đó. Tôi nói, tôi cũng từng bị bạn đọc phê trên Tienve.org, mà chủ web đó toàn là bạn văn của tôi, nhưng tôi có bảo họ “điều tra” những người kia là ai đâu, cũng không quy trách nhiệm các bạn nữa!
– Khi ta còn nghi ngờ ai đó đứng đằng sau nick nào đó để phê phán ta, là ta chưa có tâm thế mạng.
Mới hôm qua, một bạn đọc hỏi về vụ CML, có người cho rằng hơn 20 nick viết còm, chỉ có Hán Dương Phú và YC là thật, còn lại chỉ là giả, có khi chính Inrasara kí nhiều tên khác nhau, viết để bảo vệ ý kiến mình. Các nick: Jaya K, Đàng Trinh, Dang Phan, Janhoh Ka, Người Khách, Jaya Mrai, .daovan, Thông Minh V, Klaikluk, Alibaba, Cobewê, Giang, Java, amaklinh, Jabeh, Klanahok… đều là người giả.
Khi ta còn hồ nghi như thế, là ta chưa có tâm thế mạng. Nhớ năm kia, cuộc thảo luận gay gắt về văn học Việt Nam trên web này, có người nghi ngờ TXB chính là Inrasara kí nick để viết chống vài nhà văn. Thế là TXB đã lên tiếng xác minh lí lịch của mình (đã từng kí nick này trên một mạng khác), khi ấy nhà văn kia mới im. Rất nhiều nhà văn Việt Nam vẫn còn nặng tâm thế giấy.
– Khi ta còn cho rằng các ý kiến viết vội vã với ngôn từ thô tục, viết còn sai lỗi chính tả… chỉ có mặt trên web bẩn, là ta còn chưa có tâm thế mạng.
Vậy là ta còn mang tâm phân biệt đối xử. Trở lại với phần đầu bài viết. Xin trích lại: “Diễn dịch và tương tác này được phát ra từ những kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của nhiều thành phần độc giả khác nhau qua các lần đọc khác nhau. Của kẻ vô danh hay người nổi tiếng, dân nghiệp dư hay chuyện gia hàng đầu.”
Chứng cứ cụ thể hơn, bà con, anh chị em hãy mở các phản hồi về Blog của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc trên VOA tiếng Việt mà xem: “các ý kiến viết vội vã, ngôn từ thô tục, sai lỗi chính tả…” vẫn đầy ra. Các bạn dám cho đó là web bẩn không?
Tạm kê sơ sơ như thế…
Kết luận: Chưa có tâm thế mạng mà liều lĩnh chơi mạng thì rất dễ bỏ… mạng!
Bác Inra viết:
“Mới hôm qua, một bạn đọc hỏi về vụ CML, có người cho rằng hơn 20 nick viết còm, chỉ có Hán Dương Phú và YC là thật, còn lại chỉ là giả, có khi chính Inrasara kí nhiều tên khác nhau, viết để bảo vệ ý kiến mình. Các nick: Jaya K, Đàng Trinh, Dang Phan, Janhoh Ka, Người Khách, Jaya Mrai, .daovan, Thông Minh V, Klaikluk, Alibaba, Cobewê, Giang, Java, amaklinh, Jabeh, Klanahok… đều là người giả.”
Ý kiến kia ở đâu vậy bác? Ai viết NGU thế, bác ơi… trong số người này cháu biết ít nhất cũng 3 người.
NKĐ hỏi: “như vậy, tâm thế mạng chính là cái chúng ta nên tìm thấy để làm chỗ dựa cho mảng tâm hồn thật sự yếu đuối và dễ ngã gục của con người? Hay tâm thế mạng là cái tất yếu sẽ hình thành trên chúng ta khi ta đạt đến một ngưỡng nào đó của trải nghiệm, của vấp ngã trước cuộc đời hả chú Inra Sara?”
Trả lời: Tâm thế mạng: Cá thể nói lên ý kiến của mình, chấp nhận ý kiến khác biệt, để hiểu biết và sống… Tạm cho là như thế. Hay nói khác đi: Giải trung tâm và chấp nhận tinh thần giải trung tâm.
Có mạng internet là tiện cho người Chăm kết nối cộng đồng, vì Chăm mình sống lưu lạc nhiều nơi. Ai dè người Chăm thành làm cho phân tán thêm. Nhà thơ nói đúng lắm, Chăm mình chưa có tâm thế mạng. Người ta lợi dụng mạng để chống cá nhân nhau, khiến cho Chăm ta không có kết nối nữa.
Ví dụ chuyện ông Nguyễn vừa qua, Chăm mình không bàn về đúng sai, mà hay bàn lan qua chuyện khác. Rôi CKP moi đời tư riêng của nhà thơ ra bêu xấu, thái độ rất thiếu văn hóa.
Nói là ai viết cho Tagalau là hót theo nhà thơ là sai thấy rõ. Nhà thơ đã có nói ý này, là Tagalau không phải của nhà thơ mà là của cộng đồng. Mà đúng vậy. Tác giả viết cho tạp chí này gần như hầu hết là người hiểu biết trong xã hội Chăm mình. Nói rất sai bậy vậy mà nói.
Còn tên nick name báo đàng hoàng kí tên đó rất nhiều, báo quốc tế cũng kí tên nick name. Tôi cực chẳng đã phải nói thôi. Mong thông cảm.
Chào bạn Jabeh
Bạn cũng lấy tên Jabeh cũng là bút danh.
Phú Trạm lấy tên inrasara cũng là bút danh
Tôi lấy họ và tên lót Tiếng việt đâu có gì lạ, chẳng qua chưa gặp mặt nhau thôi.
Tôi theo dõi các trang mạng do người Chăm quản lý để theo dõi tình hình xã hội Chăm có bức phá gì không hay nói một đường làm một nẻo?
Bạn có thể liên hệ với Bá lan Hanh hay Hàm Quan Thức hoặc Quãng Đại Thể sẽ biết tôi (nếu bạn là Người Chăm)
Trong Email tôi viết luôn kèm theo sdt và nơi tôi công tác.