* Kagor hình thuyền – Photo tác giả.
Người Raglai là một tộc người thiểu số đã cư trú lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với người Chăm. Hiện nay, người Raglai sinh sống tập trung ở các vùng núi thuộc các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Và mỗi khi nói đến người Raglai người ta thường nghĩ đến cây đàn Chapi, tiếng Mã la. Tuy đời sống của người Raglai còn nhiều khó khăn so với cư dân ở vùng đồng bằng, nhưng không phải vậy mà đời sống tinh thần và tính cộng cảm của người Raglai nhạt nhoà. Trái lại, ở họ có sự gắn kết cộng đồng rất bền chặt thể hiện rõ nhất qua 3 ngày diễn ra lễ tục Padhi – một lễ tục đánh dấu kết thúc vòng đời của một con người.
Ngày đầu tiên, gia đình chuẩn bị những lễ vật đi viếng mộ và rước hồn về. Đoàn người đi rước linh hồn người quá cố là dòng họ hai bên nhà trai, nhà gái của người chết và những người trong làng. Khi vừa đến mộ, những người phụ nữ ngồi khóc buồn thảm để tỏ lòng nhớ thương và luyến tiếc. Sau đó, các Pajau (thày cúng) làm nghi thức rước linh hồn người chết về nhà, họ vẫn tiếp tục ngồi khóc nghe buồn sầu.
Tại khuôn viên sân nhà người ta dựng lên một cái Kajang (Nhà tang lễ) được làm bằng cây rừng, cỏ, mái lợp bằng tranh che kín hai mặt phía Đông và phía Bắc. Gia đình mang ra ché rượu cần, mâm lễ trầu cau, rượu. Đặc biệt, có một vật được trang trí khá đẹp với nhiều màu sắc và họa tiết sống động giống như hình một chiếc thuyền có nhiều tầng gọi là Kagor (hay Ahaok) đặt ở hướng Bắc đầu thuyền quay về hướng Nam. Kagor được trang trí hoạ tiết hình mặt trời, mặt trăng, cây dừa, cây mây, chim bồ câu, chim đại bàng, vịt trời, nhà nhiều tầng, nhà bếp, thanh đao và hình con rồng. Tại Bàn tổ được trùm bằng vải trắng gọi là Cakung trong đó đựng chuối, rượu, gạo và quả trứng. Ở trên Cakung cắm một cây tre dài khoảng 1m gọi là Agai Tuah dùng để làm lễ cúng có chức năng chỉ đường đi, hướng dẫn linh hồn người chết nhận lễ vật dâng cúng.
Sau khi đã rước hồn ma về với gia đình, một đám thanh niên mổ trâu. Họ buộc trâu vào cây me, cột chéo chân, dùng một cây đè, khống chế không cho con trâu cử động được. Ở đây, người ta không có đâm trâu cho đến chết. Mà họ, cắt cổ làm đứt động mạch cho xuất huyết, trâu tắt thở và chết.
Trong ngày đầu tiên của lễ Padhi, các Pajau sẽ trình báo cho linh hồn người chết biết các lễ vật và mục đích của việc dâng cúng. Vào buổi chiều, tiếng Mã la được khua lên do một đội trong ban nhạc tang lễ đánh để chúc mừng linh hồn người chết về ở ngôi nhà mới cho ma. Khi kết thúc tiếng nhạc lễ, các Pajau làm nghi thức ban gạo cho Atuw (Ám chỉ cho ma hay người chết). Tiếp sau đó, gia đình và những người đến dự lễ Padhi cũng ban gạo cho người chết. Sau đó, theo sự hướng dẫn của Pajau, người ta mang ra đầu heo, ché rượu cần, cơm, chuối, gà luộc và bánh tết để cúng cho ma.
Trong lúc các ông Pajau cúng ban gạo cho Atuw, tiếng Mã la được xướng lên liên tục hòa trong những lời Hari (Lời ngâm như tiếng khóc buồn thảm) của những người phụ nữ trong gia đình. Các ông Pajau thì mang áo dài, xẻ tà từ eo lưng xuống đến chân, trên đầu có quấn khăn vải màu, tay múa nhẹ nhàng, chậm rãi theo nhịp Mã la hòa quyện với tiếng hari bi sầu. Ông Pajau ở chính giữa cầm Agai Tuah (Cây tre vuốt nhỏ, dài khoảng 1m có gắn 1 chiếc nhẫn và sáp ong) dùng để chỉ đường, hướng dẫn Atuw dùng những vật lễ cúng. Trong khi đó, những người thân thuộc của Atuw cầm chiếc khăn vái Kagor (Ngôi nhà của ma giống như một chiếc thuyền).
* Lăng mộ Chamaléa Điêu – Photo tác giả.
Ngày thứ hai, trời còn tối, sương rơi lạnh lẽo, chưa nghe một tiếng gà gáy khi các ông Pajau vừa cúng xong, tiếng Mã la chấm dứt hẳn, Kagor đặt trong Kajang được đưa lên dàn khiêng và mang ra đặt ở trên mộ của người chết. Sau khi Kagor đã được đặt lên đỉnh cao nhất của nhà mồ, các Pajau thực hiện nghi thức mời rượu, cơm cho Atuw. Tiếp đó, là nghi thức ban hạt giống, các Pajau ném hạt giống qua nhà mồ, 2 người phụ nữ cầm 2 đầu khăn màu trắng hứng những hạt rơi từ trên chân không xuống. Cuối cùng, là nghi thức trồng cây gây vườn cho nhà mồ. Đến đây, coi như tiến trình xây ngôi nhà mới cho ma đã hoàn tất. Mọi người đi về nhà.
Ngày thứ ba của lễ Padhi cũng là ngày cuối cùng, người ta tiếp tục mang các lễ vật ra để cúng tại Kajang gồm có rượu cần, trầu cau, rượu, chuối.v.v. Kết thúc nghi thức này, coi như vợ chồng, con cái, dòng họ hai bên nhà trai và nhà gái không còn thực hiện bất cứ một lễ tục nào nữa. Đến khoảng 4 giờ chiều, các Pajau cúng làm nghi thức bẻ đôi Agai Tuah và bỏ vào trong giỏ đan bằng tre đựng thực phẩm dành cho Atuw. Sau đó, những thanh niên trong làng khiêng chiếc giỏ đan đựng thức ăn mang ra mồ cho người chết. Đến đây, nghi thức lễ hội Padhi hoàn tất. Mọi sự liên hệ giữa người chết và người sống coi như chấm dứt.
Tóm lại, lễ hội Padhi là một nghi thức đánh dấu sự chấm dứt mối liên hệ giữa người chết và người sống. Đây là nghi thức liêng thiêng và quan trọng trong đời sống tâm linh của người Raglai. Trong 3 ngày diễn ra lễ Padhi không chỉ có người Raglai ở địa phương đến dự mà còn có người Raglai ở các tỉnh lân cận khi nghe được thông tin cũng tự tìm đến. Họ xem văn hoá lễ tục Padhi như một ngày sum họp cộng cảm để chia tay với một thành viên trong cộng đồng của mình. Đồng thời, cũng là dịp để cho các bạn trẻ vui chơi, làm quen với nhau rồi thành vợ thành chồng tái sinh thêm những thành viên mới. Qua lễ Padhi những nét văn hóa của người Raglai được thể hiện đậm nét như văn hóa thưởng thức rượu cần, nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, tính cộng đồng, tính bình đẳng và dân chủ được bọc lộ qua từng cách ứng xử và hành động của người Raglai khi đến tham dự lễ hội Padhi./.