Đồng Chuông Tử: Chuỗi lễ hội Katê: những hạt bụi trần gian

Katê là một trong những lễ tục tín ngưỡng dân gian truyền thống lớn và quan trọng bậc nhất của người Chăm, diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch hằng năm. Lễ tục Katê được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra cơ sở nguồn gốc lịch sử của nó, nhưng quan điểm khoa học thuyết phục nhất là lễ hội này xuất phát từ thời vua Po Rome (1627-1651), chứ không phải từ thời Sa Huỳnh. Katê là lễ tục mang ý nghĩa tâm linh, nhằm cầu xin các vị thần thánh, ông bà tổ tiên và người quá cố phù hộ độ trì cho xứ sở, tộc họ và gia đình Chăm dồi dào sức khỏe, công việc làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn, xứ sở được ấm no, bình an và thịnh vượng. Katê là lễ tục tôn vinh Nam thần.

 

Trước năm 1965, thể chế Việt Nam Cộng Hòa, quận trưởng An Phước (huyện Ninh Phước ngày nay) là ông Dương Tấn Sở, đã đề nghị ken thêm yếu tố hội vào, gồm các tiết mục thi văn nghệ, thể thao,…. Mục đích của yếu tố hội là góp phần làm đa dạng, sinh động thêm ngày lễ lạc, mang tính chất giải trí vui tươi là chính. Danh xưng lễ hội thay vì lễ tục, có thể xuất phát và tồn tại đến ngày nay là từ thời điểm này. Lễ hội Katê mang tầm mức ngang bằng với ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Đầu tháng 7 Chăm lịch vừa qua, người Chăm đã đón mừng lễ hội Katê, trong không khí nhộn nhịp, phấn khởi và tràn trề hi vọng, khi Đảng và Nhà nước đứng ra tổ chức Ngày hội Văn hóa-thể thao và du lịch vùng đồng bào Chăm toàn quốc, diễn ra vào ngày 14-16/10 (dương lịch), chính quyền tỉnh Ninh Thuận nhận trách nhiệm đăng cai tổ chức. Đó là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa tốt đẹp và chứa đựng nhiều ẩn ngữ xã hội sâu xa. Song song đó là lễ hội Katê ở cụm tháp Po Sah Inư ở Bình Thuận. Nửa tháng sau, là Lễ hội Katê Po Dam ở Ma Lâm, Lễ hội Katê-Ramưwan lần thứ 8 ở Nhà hát Bến Thành, rồi Lễ hội Katê ở huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy vậy chuỗi lễ hội Katê vừa diễn ra, kết thúc mùa lễ hội năm nay, cũng còn nhiều lắm những hạt bụi gây xốn mắt du khách lẫn cộng đồng chủ nhân của lễ hội.

 

1. Ngày hội Văn hóa-thể thao và du lịch vùng đồng bào Chăm ở Ninh Thuận

Đây là ngày hội được đầu tư quy mô cấp quốc gia, hầu bao căng phồng, nhưng cách thức tổ chức chỉ ở cấp độ tỉnh lẻ, thậm chí còn dưới cơ cả ở cấp độ công ti cổ phần. Trên cơ chăng chỉ là khả năng dồi dào về khoản tài chính do Trung ương rót xuống mà thôi. Đêm nhạc khai mạc ngày hội (14/10) đơn điệu, thiếu sáng tạo, nhiều tiết mục cũ kĩ, khô cứng và gượng ép. Dàn âm thanh chỉ hơn dàn âm thanh phục vụ đám cưới thường thấy ở các làng Chăm. Đêm nhạc chưa thực sự làm nổi bậc nền văn hóa nghệ thuật đặc sắc của người Chăm. Cũng phải biết, đêm nhạc là hạng mục quan trọng, là bộ mặt của cả ngày hội, tiền bạc của nhân dân đổ dồn vào đây, nhưng nếu tâm và tầm cạn, nông và đục như ao hồ trước nhà thì ánh sáng mặt trời hừng lên chỉ làm lộ sắc màu ảm đảm, u buồn.

Tại sao với quy mô ngày hội to lớn như vậy, tâm điểm là kết nối ba làng Chăm danh giá, kịch bản ở mỗi hạng mục được phê duyệt công phu, kĩ lưỡng và hoành tráng, lại để xảy ra tình trạng người Raglai lo lắng, dẫn đến biến cố đáng tiếc là họ bỏ mặc chúng ta với lễ hội Katê, cô đơn và uể oải.

Tại sao ngày hội văn hóa-thể thao và du lịch mà hoạt động ưu tiên đẩy mạnh văn hóa quá ít ỏi, đa phần là hạng mục thể thao. Vấn đề nhiều đoàn Chăm ở các tỉnh thành bị cắt nhiều hạng mục, trước đó đã được cấp phép, giờ chót thì bị cúp với lí do không đủ kinh phí, cũng đáng được đem ra mổ xẻ.

Tại sao tình hình an ninh trật tự ở thôn Hữu Đức lại gây bát nháo và ngao ngán cho du khách đến tham quan lễ hội văn hóa. Ngày hội được tuyên truyền, quảng bá sâu rộng mà cách thức tổ chức gây phản cảm, muối mặt đồng bào đến thế.

Như vậy, có hay không nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước luôn bị chính quyền địa phương bỏ qua, xem thường, thậm chí cố tình đi ngược lại tinh thần của các chủ trương, chính sách hài hòa, tốt đẹp và đậm tính nhân văn sâu sắc ấy đối với đồng bào Chăm.

 

2. Lễ hội Katê ở đền tháp Po Sah Inư, tỉnh Bình Thuận

Lễ hội Katê ở tháp Po Sah Inư được tổ chức cùng thời điểm với Ngày hội Văn hóa-thể thao và du lịch ở Ninh Thuận. Ở lễ hội này người Chăm ở các làng Ma Lâm, Hàm Phú, Hàm Trí, Giang Mâu thuộc huyện Hàm Thuận Bắc đều đến làm lễ.

Đêm văn nghệ là dịp để các làng này thi thố tài năng múa hát, đánh trống, thổi kèn truyền thống của dân tộc mình, nhằm tạo sự đoàn kết, gia cố và kéo gần hơn nữa tình cảm gắn bó, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Đêm văn nghệ thu hút nhiều du khách đến xem, như du khách Nga, Nhật, Mỹ, Pháp,…đặc biệt các bạn người Kinh ở các nơi đổ về đông đúc, nhất là khu dân cư dưới chân tháp.

Có một biến cố gây hoảng loạn trên tháp giữa thanh niên khu dân cư dưới chân tháp và thanh niên người Chăm đến dự lễ hội. Đó là sự xích mích của bia rượu, cái tôi mới lớn và khả năng văn hóa. Ban tổ chức lễ hội cũng như Ban quản lí bảo tồn Khu di tích cũng nên ngồi lại tìm hiểu nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đưa ra phương án mới cho những năm sau, tránh để tình trạng tương tự xảy ra.

Xin nói thêm, trong khi những viên đá bay qua bay lại như mưa trên tháp thiêng, rồi nhiều thanh niên địa phương xông vào trại của người Chăm thôn 3 Ma Lâm đập phá chén bát, bánh trái… Trong lúc, chính những người thanh niên này gây hiềm khích trước mà lực lượng an ninh trật tự thành phố Phan Thiết không thấy tăm hơi, đội cảnh sát cơ động tỉnh ít ỏi và đều bị động, hầu như tập trung dưới chân tháp mải mê xem văn nghệ. Lực lượng tổ dân phố phường thì chỉ làm mỗi nhiệm vụ thu tiền gửi xe vượt quá mức quy định nhà nước cho phép.

Ở đây tác giả bài viết tự hỏi, tại sao ngày lễ hội Katê của đồng bào Chăm, mà nhiều người dân địa phương quanh đồi tháp, lại quá vô tư với quần đùi áo lỗ, tụm năm tụm mười bên chân tháp uống rượu, chửi thề mà không thấy người có trách nhiệm đến nhắc nhở. Nữa, hằng năm khoản thu từ bán vé tham quan, chẵng lẽ không đủ xây bức tường thành bọc quanh, ngăn người địa phương không tự nhiên ra vào quá đỗi, nhất là những dịp lễ hội như thế này.

 

3. Lễ hội Katê ở đền Po Dam

Đền Po Dam nằm ở thôn 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, quê hương của thi sĩ Đồng Chuông Tử.

Lễ hội Katê ở đây, diễn ra vào mùa trăng tròn cùng tháng 7 Chăm lịch, tức là nửa tháng sau lễ hội Katê ở Po Sah Inư và Ngày hội Văn hóa-thể thao và du lịch ở tỉnh Ninh Thuận.

Điều đáng nói là Ban quản lí lễ hội ở đền Po Dam đã tự ý cách tân, làm lệch lạc ý nghĩa lễ hội Katê, một cách trầm trọng mà không đếm xỉa gì đến hệ thống chức sắc Bà-la-môn cũng như trao đổi ý kiến với đồng bào Chăm thôn 3.

Lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm thôn 3 bị biến dạng bởi một đội ngũ yếu kém trình độ, thiếu năng lực văn hóa mẹ đẻ. Đó là:

3.1.Viết sai chính tả bằng chữ Chăm trong câu biểu ngữ “Đón mừng Katê Po Tầm – Un harei Katê Po Tầm”.

3.2. Cải biên giờ rước trang phục Po Dam sớm hơn gần 3 tiếng.

3.3. Rước cờ đỏ sao vàng và cờ búp măng non đi trước kiệu lễ quần áo của Po Dam (lượt đi và về).

3.4. Đánh trống chào cờ đầu tuần của học sinh tiểu học để đưa Po Dam lên đền và đón Po Dam về.

 

4. Katê-Ramưwan lần thứ 8 của Chi hội Dân tộc Chăm

Chi hội Dân tộc Chăm là tổ chức trực thuộc Hội dân tộc học thành phố Hồ Chí Minh, thành lập vào năm 2006.

Chương trình Sắc màu lễ hội Katê-Ramưwan dần dần đã tạo dựng được tiếng vang, nhờ khả năng tự lực cánh sinh, các hoạt động văn hóa phi lợi nhuận và hội tụ mạng lưới mạnh thường quân trong lòng cộng đồng Chăm đông đảo, bền vững. Lễ hội Katê-Ramưwan lần thứ 8 này diễn ra ở nhà hát Bến Thành sang trọng, hoành tráng và đậm đà bản sắc văn hóa Chăm là một minh chứng cụ thể sinh động.

Tuy vậy, theo một nguồn tin đáng tin cậy cho biết để có được giấy phép, là cả một quá trình gian truân, cơ quan cấp phép đã tìm mọi cách để hành cho trầy da tróc vẩy, nhằm làm nản lòng người đi xin phép.

Cuối cùng chỉ còn cận kề chưa đầy 15 tiếng đồng hồ là khai mạc lễ hội, ai đó đã phải nhờ đến một cơ quan đặc biệt, thì vào khoảng thời gian nhá nhem tối, giấy phép mới được đem tới. Không rõ nếu giấy phép không được cấp, cộng với một lịch trình kịch bản đã hoàn thành và đông đảo bà con Chăm khắp mọi nơi đều đã đến tham dự thì chuyện gì sẽ xảy ra. Chắc chắn chỉ có trời mới biết thôi.

 

5. Lễ hội Katê Cần Giờ của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm Việt Nam (TTU.NC&BTVH Chăm)

TTU.NC&BTVH Chăm vừa thành lập vào tháng 9/2012, đã đi vào hoạt động sôi nổi. Việc hồ sơ xin cấp phép tổ chức lễ hội Katê Cần Giờ nộp lên cơ quan hữu quan trước đó nửa tháng, nhưng sắp đến ngày diễn ra lễ hội, người của TTU.NC&BTVH Chăm đến hỏi hồ sơ, người ta mới hạch họe khó dễ từng chân tơ kẽ tóc. Thậm chí có lúc viện cớ vặt vãnh gây bế tắc ở từng chu trình cấp phép không đáng có. Nhà tài trợ chính, Công ti cổ phần Khánh Sơn nhiều lần lấy làm khó hiểu và dâng tràn cảm giác hồi hộp, bất an thường trực.

Cuối cùng lại phải nhờ đến cơ quan đặc biệt can thiệp, giấy phép mới lù lù hiện diện.

Người viết không rõ ở Việt Nam có bao nhiêu cơ quan đặc biệt. Người Chăm có bao nhiêu người tiếp cận được cơ quan đặc biệt đó.

Tóm lại, mặc dù đã đặt chân vào thế kỉ 21 hơn một thập niên, biên độ văn minh và toàn cầu hóa đã rộng mở, nhưng chính quyền ở các tỉnh thành Việt Nam đối xử vô duyên, gây ức chế, thậm chí đi ngược lại tinh thần nhiều chủ trương, chính sách tốt đẹp và nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Chăm. Cụ thể là ở chuỗi lễ hội Katê của người Chăm vừa diễn ra như trên. Nó như những hạt bụi trần gian, nhờ sức mạnh vô hình của gió, liên tục tung đòn vào con ngươi trong sáng và vô ưu của nhân loại tiến bộ, bác ái và đầy vị tha.

 

7 thoughts on “Đồng Chuông Tử: Chuỗi lễ hội Katê: những hạt bụi trần gian

  1. Cảm ơn thi sĩ Đồng đã tường thuật lại tiến trình chuẩn bị cũng như quá trình diễn ra lễ hội Kate từ đền tháp đến đến buôn làng, từ đô thị cho đến vùng sâu vùng xa… Thi sĩ đừng có cái nhìn quá bi quan vào hệ thống chính quyền, mà hãy tìm hiểu cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của bà con chúng ta. Thi sĩ nên cổ vũ và sáng tác thật nhiều về thơ văn ca ngợi tinh thần yêu văn hóa của đồng bào Chăm thì hay hơn nhiều. Tôi thấy trên đất nước thân thương hình chữ S này, chỉ có đồng bào Chăm là dân tộc rất lãng mạn và yêu văn hóa dân tộc mình đến thế. Do đó, việc thi sĩ Đồng đã chỉ ra những khiếm khuyết của việc tổ chức lễ hội Kate chỉ là những hạt sạn, và hầu mong mọi người hãy cùng nhau góp sức và xây dựng lễ hội Kate như đúng bản chất của nó vốn có.

  2. Washington, USA ngày 16 tháng 11 năm 2012

    Bài viết rất hay và rất can đảm. Xin cám ơn nhà thơ Champa Đồng Chuông Tử rất nhiều. Bài này đã phản ánh rất chính xác về các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam luôn luôn gây khó dể cho Cộng đồng dân tộc Chăm nhỏ bé, chỉ khoảng 145 ngàn người, của Chúng ta.
    Mặc dù chủ trương và chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ Trung ương là đúng: ” Là chủ trương đại đoàn kết toàn thể 54 dân tộc anh em trên toàn lảnh thổ nước Việt Nam” hiện nay, nhưng TẠI SAO các chính quyền địa phương LUÔN LUÔN gây khó dể cho Cộng đồng dân tộc Chăm. TẠI SAO?
    Đại diện cho Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa USA, tôi xin yêu cầu Ngài đương kim Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, bỏ chút ít thời gian qúy báo để giải quyết cho thỏa đáng nhửng vụ việc nêu trên.
    Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn trước về sự chiếu cố của Ngài đến dân tộc thiểu số Người Chăm của Chúng tôi.
    Thay Mặt Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa USA,
    Chủ Tịch (nhiệm kỳ IV: 2009-2013)

    Đặng Chánh Linh
    http://www.ilimochampa.org

  3. Đại diện cho Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa USA là to đó. Yêu cầu Ngài đương kim Tổng Bí Thư Đảng làm này nọ càng lớn nữa. Vậy mà không thảo kiến nghị mà lại viết còm nhỉ? Tôi mạo muội hỏi như thế được không nhỉ?
    Mà anh chàng ĐCT này chỉ nghe nói, rồi ghi ra mấy cảm nhận, không có chứng cứ rõ ràng gì cả.

    • Chào Nguyễn, Nguyễn củng thừa biết là Ngài đương kim Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đâu có thời gian rảnh rổi để mà xem kiến nghị của Chúng tôi.
      Chúng tôi lên tiếng ở đây, chủ yếu là để cho các đọc giả biết rằng:
      Mặc dù Chúng tôi đang định cư ở đất khách quê người, Cộng đồng Dân Tộc Champa Hải Ngoại của Chúng tôi rất quan tâm đến: ” Chính sách ưu tiên tới các dân tộc thiểu số của Đảng Cộng Sản ở Việt Nam” đã bị các cấp chính quyền địa phương không thi hành.

  4. Nhà thơ Đồng Chuông Tử viết rất chủ quan và rất cảm tính.
    Anh nói “đơn điệu, thiếu sáng tạo, nhiều tiết mục cũ kĩ, khô cứng và gượng ép”, đó là cảm tính thôi. Nhiều người nói chương trình hay thì sao?
    Anh bảo chuyện xin xỏ khó khăn rồi phải nhờ đến cơ quan đặc biệt mới được, ai nói? Người ta hỏi chứng cớ, thì có ai đưa ra không? Có văn bản nào không? Người ta đặt câu hỏi ngược lại thì ĐCT tắt liền, tôi cam đoan. Và nhiều chi tiết khác nữa trong bài trên.
    Anh ăn nói ngang tàng chứ không có dũng cảm gì đâu.

  5. Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm Việt Nam được thành lập là điều rất tốt phù họp với tinh thần NQTW 5 về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc . Được biết trung tâm này do Tân Ts Trương Văn Món là Giám đốc và Ts Thông Thanh Khánh làm Phó giám đốc. Xin hỏi anh Sara trung tâm này hoạt động bán hay là chuyên trách vậy anh Sara ?

Leave a Reply to Đặng Chánh Linh Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *