Đồng Chuông Tử: Chế Linh hát ở Hà Nội

Đêm qua là một đêm đầy lo lắng và bung tràn hạnh phúc của tôi ở Hà Nội. Được tận mắt nhìn và nghe Chế Linh hát – Ông Hoàng của dòng nhạc boléro bất tử, một người con Chăm ưu tú trên lĩnh vực ca hát và sáng tác của nền nhạc Việt. Trung tâm Hội nghị Quốc gia là sân khấu hoành tráng và đẹp vào loại bậc nhất của cả nước, đêm qua đông nghịt khán giả.

Nhưng trước khi vào nghe Ông hát, xin hãy lang thang cùng tôi, sống lại cảm giác hồi hộp, lo âu, thất vọng rồi vỡ òa sung sướng khi đã đặt chân vào bên trong nó. Đó đơn giản chỉ là hành trình của chiếc vé.

Tôi làm thơ, thỉnh thoảng có viết báo chơi, cũng đang đi giang hồ thu nhặt “trí khôn của loài người”, vì vừa nổi hứng viết tiểu thuyết vài năm nay. Nhưng để có tiền mua vé vào xem đêm nhạc của Ông, quả là khó thay. Tôi tuy có tiếng bên lĩnh vực thơ, thú thật nhà thơ là nòi hữu danh vô thực, khác xa với nghề ca hát.

Từ khi nghe tin Ông đáp chuyến bay về nước trong đêm ở sân bay Tân Sơn Nhất, từ một người bạn học, tôi cũng hối hả gọi cho anh em sinh viên ra sân bay đón rước Ông, vì tôi đã bay ra Hà Nội tham dự đám ăn hỏi và đám cưới của bạn văn chương, vài ngày trước đó rồi. Cũng qua người bạn học ấy, tôi có số phone của Ông.

Lần trước gặp Ông ở Hà Nội vội vàng, bất ngờ quá, hai chú cháu chỉ ngồi tâm sự với nhau hơn 30 phút ít ỏi. Rồi Ông dẫn lên phòng khách sạn Horizon, chào vợ Ông, bà Vương Nga và nhận bao lì xì, ủng hộ in tập thơ mới của tôi. Nhưng đến bây giờ tập thơ mới của tôi vẫn chưa được ra đời, vì trình độ biên tập của họ giỏi quá, tôi chịu. Với lại, tên tôi lúc bấy giờ cũng đang bị săm soi từ trên nữa. Mà đến nay bao lì xì cũng “bốc khói” lãng mạn theo những chuyến thơ nốt.

Lần gần đây Ông về, lo liveshow ở Sài Gòn mà bất thành, rồi có tạt qua dự lớp khai giảng tiếng Chăm ở Trường Dự bị Đại học, tôi cũng có bài tường thuật. Nhiều lúc nghĩ mãi không ra, ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, rồi lại quay trở ra Hà Nội, thủ đô yêu dấu hát rùm beng ỏm tỏi cả lên, công chúng ai ai cũng nô nức, háo hức đón nhận Ông. Riêng Sài Gòn thì không. Sài Gòn đang làm sao thế nhỉ?! Chắc là Sài Gòn đang vào mùa cảm cúm. Khốn nạn, người ta cứ cố nghĩ và nặn ra những lí do kiểu người trời để trêu ngươi thành phố văn minh hiện đại.

Đêm qua, tôi có nghe nhiều giọng nói Sài Gòn vang lên ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi cổng chính số 1, í ới gọi nhau, hỏi han nhau đã bay ra chưa, bay chuyến mấy giờ, đang chờ trước cổng nè, nhanh nhanh lên em ơi trời đang mưa rồi…

Tôi và Khả Lôi, một thằng em kết nghĩa, có làm thơ, lấy vợ làng Chăm Văn Lâm hẳn hoi, đã có một bé gái kháu khỉnh, đang chờ Ông ở bên ngoài. Khả Lôi rất mê Ông, hát cũng được lắm. Nhưng khổ nỗi, bối rối thế nào, trưa hôm qua em nó đi hớt tóc đinh, cạo mất râu ria, tướng như hộ pháp, tay lăm lăm ống kính, làm cho mấy anh nhân viên an ninh cứ nhầm tưởng phe ta. Thằng em này nó quái, lúc cần hình thức như nghệ sĩ thì em nó lại lúng ta lúng túng thế nào. Ngay cả lúc ở phía sau cánh gà sân khấu, ca sĩ Quang Lê cũng bị  hố hàng, cứ nhè thằng em là an ninh mà hỏi anh làm ở báo nào, em chỉ biết báo 24h, rồi gì gì đó, chớ chưa nghe qua báo nào là báo nhà văn cả he he . Tôi phải nhảy vào diễn giải. Lòng tôi, rộ lên một tràng cười ngộ nghĩnh, trong lúc bụng quá đói vì hai thằng chỉ kịp gặm bánh mì qua loa.

Mưa ngày một nặng hạt. Tôi nép người vào cổng chờ Ông. Khả Lôi bất chấp cơn mưa cứ mê mải chụp hình, làm kỉ niệm.

Ông dặn 7 giờ đứng ở cổng phụ chờ. Nhưng đêm qua tất cả các cổng đều đóng hết, chỉ mở một cổng chính là cổng số 1. Đã quá 19h30, chương trình thì bắt đầu lúc 20 giờ mà vẫn chưa thấy tín hiệu gì, sốt ruột tôi gọi lại cho Ông lần nữa, Ông bảo hãy chờ Cei vài phút nữa, 5 hay 6 phút gì đó.

Vài phút sau, một chiếc xe taxi bạt màu, cũ kĩ đổ trước cổng số 1. Ông ấn nút kính xuống, dáo dác nhìn tôi, vẫy hai chiếc vé ra ngoài. Thấy Ông, tôi vội chạy đến, cầm chắc vé. Đúng hơn đó là hai cái thẻ mang tên Thẻ diễn viên. Trong xe tôi có nhìn thấy vợ Ông, bà Vương Nga, ngồi phía sau, mặc một bộ áo màu hồng mận, chất vải lụa sa – tanh sang trọng mà gần gũi.

Có lẽ không ai ngờ, người nghệ sĩ danh tiếng là thế, nhưng cứ bình dân, thoải mái với phương tiện vật chất cũng thoải mái bình dân, là Ông. Thằng em nó bất ngờ quá, không kịp chụp được cảnh này, cứ tiếc hùi hụi.

Hai thằng vội đeo cái thẻ, bùa hộ mệnh vào cổng. Taxi cũng lăn bánh từ từ vào bên trong.

Trời vẫn còn mưa. Lòng tôi hình như cũng vừa rơi một tràn mưa diễm phúc và tạ ơn Ông, tạ ơn trái đất tròn xoay vần khéo léo mà điệu nghệ làm sao!

(còn nữa)

Đ.C.T.

18 thoughts on “Đồng Chuông Tử: Chế Linh hát ở Hà Nội

  1. Nghe người Chăm kể chuyện về người Chăm cũng vui vui. Đọc người Kinh viết về CL hoài cũng chán. ĐCT kể cũng có duyên chút chút. Nhưng sao lại quá quan trọng hóa mình thế nhỉ:

    “Tôi tuy có tiếng bên lĩnh vực thơ”.
    – Rất nhiều nhà thơ to chưa dám nói thế, chú nó à.
    “ Với lại, tên tôi lúc bấy giờ cũng đang bị săm soi từ trên nữa”.
    – ĐCT là nhân vật gì mà bị săm soi dữ ta?

    Rồi thế này nè: “trưa hôm qua em nó đi hớt tóc đinh,… làm cho mấy anh nhân viên an ninh cứ nhầm tưởng phe ta”, “ca sĩ Quang Lê cũng bị hố hàng, cứ nhè thằng em là an ninh mà hỏi anh làm ở báo nào”
    – Là nhân viên an ninh sao lại hỏi “làm ở báo nào” nhỉ?

    Chú em cứ bị ám ảnh bởi “an ninh” như thế này thì hỏng rồi đó.

  2. Lê Nguyễn Tr. bắt bẻ chi chuyện nhỏ nhỉ.
    Đọc điều chính thôi, còn vài linh tinh kia cho qua đi. ĐCT còn trẻ, nổ chút có sao đâu. Tôi vừa đọc tường thuật trên VnExpress rất hay. Không ai chê Chế linh cả, còn lại nhà báo này chê tất. Cả Kỳ Duyên, Chánh Tín, rồi….

  3. Đọc bài này chỉ thấy ĐCT đang rất đang làm phiền và làm cho một chú Chế Linh giản dị, cực kỳ bận rộn trước đêm diễn quan trong trở nên khó xử. Nếu tớ, chẳng bao giờ tớ làm thế. Tự mình phải hiểu rằng lúc ấy chú ấy sẽ rất bận và nên biết tự lực cánh sinh. CL đưa cả thẻ diễn viên thì thừa biết chú ấy không còn vé để cho. Quá phiền hà.

  4. 1. Không đồng ý với TSL: tôi nghe kể tối diễn đầu tiên ở HN, ca sĩ CL mời 2 bạn ở Canada và Inrasara người Chăm duy nhất, ca sĩ vẫn đưa thẻ “Diễn viên”. Tôi nghĩ đó là khoản dành riêng cho ca sĩ tặng bạn bè. Chính ca sĩ mời họ mà.

    2. Đồng ý với LNT, trong xã hội Chăm nếu bị an ninh săm soi phải là nhà thơ Inrasara chứ đâu phải ĐCT, nhưng tôi đọc kỹ các “Ghi chép” của Inrasara nhà thơ nầy có một lần nào nhắc đến “an ninh” đâu!!! (có lẽ Inrasara cho là đó là công việc của họ, họ làm là bình thường thôi). ĐCT thì bị ám ảnh nặng: bài này 2 lần, 2 tháng trước anh viết bài kể lúc gặp Quang Cẩn, cũng lại nhắc “an ninh”…

    3. Nhắc ĐCT: đọc bài này thấy nào là ĐCT có tiếng về thơ, nào là đang viết tiểu thuyết, nào là có thằng em đâu đinh… nào là an ninh săm soi, mà ít thấy nhân vật chính là Chế Linh.
    Mong vui

  5. Đồng ý với “Lê Nguyễn Tr” và “LV on” và nhất “LV on” đã thống kê chính xác 02 tháng trước ĐCT đã nêu vấn đề An ninh khi gặp Quang Cẩn và mình thấy vấn đề chưa thỏa sáng lắm, cần tiếp tục hội ý.

  6. Tôi không rành chuyện này như các bạn nhưng theo trực giác dựa vào cách ĐCT viết bài này thì chắc chắn 100% cách mà chú CL mời 2 bạn ở Canada và Inrasara.
    Không nên như thế tí nào. Chưa kể đến cái “bao lì xì” để in tập thơ mới gì đó.
    Một vài thiện ý.

  7. Pingback: Tin thứ Hai, 11-06-2012 « BA SÀM

  8. Các bác phê bình ĐCT thì đúng lắm, đúng hết. Thế nhưng có điều qua bài viết này các bác ít chú ý là, ĐCT đã rất thật lòng, vì ngây thơ (hay vì “nổ”) mà viết thật lòng mình. Đó là điều đáng quý ở một người cầm bút tại Việt Nam bây giờ.
    Tôi còn nghe nhiều chuyện vặt không hay về cây bút này, nhưng đó là chuyện khác.
    Tôi quý ĐCT, chi xin nhắn anh hãy BIẾT GIỮ THỂ DIỆN CHO CỘNG ĐỒNG CHĂM.
    Thương Mến

  9. M thấy ĐCT dù vẫn còn “nổ”, nhưng hok còn “nóng nảy” mà phản ứng lại các comment trên web nữa là có tiến triển khá rùi! Ủng hộ!

  10. Đồng Chuông Tử là người biết sử dụng ngôn từ tiếng Việt để diễn đạt sự việc nhưng chưa có tư tưởng riêng của một cây viết, anh ta thực sự chưa trưởng thành trong tư tưởng, chưa biết cái gì cần nói, cái gì không nên nói, đôi khi cũng gây phiền toái một cách vô tình. Anh có khiếu viết nhưng thiếu trải nghiệm thực tế gai góc của cuộc đời để trưởng thành và chưa có một tư tưởng chỉ đạo đường lối minh triết cho riêng mình.
    Hy vọng vào thời gian sẽ làm anh “lớn” thêm. Tuy nhiên, ở anh có sự chân thành đáng quí của người Chăm. Chúc Yut Tử khỏe và vui.

  11. Pingback: Tin thứ Hai, 11-06-2012 | Dahanhkhach's Blog

  12. ĐCT viết vậy là dễ thương rồi, mọi người cũng có cái đọc vui, nên khen bạn ấy mới phải! 😀

  13. Pingback: Tin thứ Ba, 12-06-2012 « BA SÀM

  14. UH! Thì khen ĐCT 1 phát để khích lệ tinh thần của cái gọi là văn chương. Nhưng, văn đàn không phải là nơi để cho băng bọn tụ họp nhau lại để “tự sướng”. Cũng không phải là nơi để cho những thứ “ngớ ngẩn” thường xuyên xuất hiện. Nó đòi hỏi phải có sự trưởng thành từ trong cách nghĩ của người viết. Người viết phải biết chịu trách nhiệm với những bài viết của mình, để từ đó mới có sự “trưởng thành” từ người đọc, họ dần dà loại bỏ những loại tác phẩm “ngớ ngẩn”.
    Việc gọi ông Chế Linh là Ông (viết hoa) là điều làm cho tôi cảm thấy phản cảm, rất khó chịu. Chế Linh có thể làm rất nhiều điều cho Chăm, vd như mới đây là tài trợ cho Sara để in tập Tagalau 13, nhưng liệu như vậy có đủ để gọi bằng Ông? Đây là cái thói bợ đỡ, nịnh bợ.

  15. KHÔNG bàn về ĐCT nữa, nhiều người bàn rồi. Tôi bàn về Chế Linh.
    Báo Tiền Phong ở à Nội phê bình ca sĩ Chế Linh HỨA TRƯỚC QUÊN SAU.
    Còn báo Người Lao Động ở Sài Gòn phê bình ca sĩ đồng lõa với nhà tổ chức nói đây là đêm diễn cuối cùng, để câu khách. Rồi ngay tối ca hát ở Hà Nội đã chối là mình không nói như thế. Tại sao khi báo đăng mấy ngày trước mà ca sĩ KHÔNG ĐÍNH CHÍNH???
    2 chuyện trên tôi không biết ai đúng ai sai, chỉ nhắc ca sĩ Chế Linh về chuyện nội bộ Chăm.
    CL đã hứa với nhà thơ Inrasara hỗ trợ Tagalau 13, ca sĩ nhớ nhé, coi chừng thành hứa… lèo, thì tội lắm?

  16. Xem live show Chế Linh xong ngậm nghĩ lại…. buồn thật! Thôi kệ có còn hơn không! Ước gì ông có đóng góp hay nâng đỡ ai đó trong cộng đồng Chăm trong lĩnh vực của ông!… Một người con ưu tú của Chăm!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *