Đồng Chuông Tử: Lễ khai giảng lớp tiếng Chăm, đơn giản và hi vọng

Chủ nhật (26.02) vừa qua, tại Trường Dự bị Đại học Dân tộc TP.Hồ Chí Minh (số 91 Nguyễn Chí Thanh, Quận 5), đã diễn ra buổi lễ khai giảng lớp tiếng Chăm. Buổi lễ tuy đơn sơ nhưng thấm tình đồng tộc. Đây là một hoạt động thường xuyên, liên tục và sớm được chủ trương, ngay từ ngày đầu thành lập Chi hội Chăm.

Chi hội Chăm trực thuộc Hội Dân tộc học T.P. Hồ Chí Minh. Hội này lại thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kĩ thuật TP. Hồ Chí Minh. Hội Liên hiệp lại trực thuộc một hội cao hơn.

Anh Vạn Quang Vỹ, Chi hội trưởng Chi hội Chăm, cho biết: “năm nay, lễ khai giảng rất đơn sơ, vì thiếu kinh phí”.

Tham dự buổi lễ khai giảng, có các ông/ bà: Phó Giáo sư -Tiến sĩ Thành Phần (Chủ tịch Hội Dân tộc học), Tiến sĩ  Trần Thanh Sơn (Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường), Thạc sĩ Sakaya Văn Món (Giảng viên Đại học KHXH&NV), Thạc sĩ Đàng Năng Hòa (Giảng viên Đại học Mở), Nhà thơ Chế Mỹ Lan (Hoa Kì), Nhà thơ Đồng Chuông Tử,… và đông đảo các học viên tham gia khóa học này.

Các học viên, chủ yếu là sinh viên Chăm, hiện đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp Chuyên nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Điều hành buổi lễ: MC Mi Na.

Trong bài phát biểu vừa thể hiện bằng tiếng Chăm lẫn tiếng Việt của mình, thầy Thành Phần nhấn mạnh: “không ai giết ngôn ngữ Chăm mình, ngoài chính bản thân mỗi người Chăm chúng ta”.

Thầy Trần Thanh Sơn, khi được mời lên phát biểu, ông nói ngắn gọn, súc tích về mục đích tên gọi của nhà trường. Trong đó, ông bày tỏ ủng hộ và nhất trí đối với việc mở lớp học tiếng Chăm. Ông cũng không quên nhắc nhở lớp, giữ gìn phòng ốc sạch sẽ, tắt điện, máy quạt sau khi tan học.

Được mời phát biểu, Nhà thơ Chế Mỹ Lan, thổ lộ trong xúc động: “tiếng Chăm còn, là người Chăm còn. Mong các bạn ngày nào cũng đông như hôm nay”.

Buổi lễ còn có phần âm nhạc cây nhà lá vườn. Không khí đầy ngẫu hứng. Gợi cảm xúc tình làng nghĩa xóm, tình cha mẹ con cái, tình thầy trò, tình yêu đôi lứa… hoàn toàn bằng tiếng Chăm. Mở đầu là tiếng hát của Nhạc sĩ, Thạc sĩ Đàng Năng Hòa, thể hiện hai bài hát nổi tiếng của Cố nhạc sĩ Đàng Năng Quạ. Kết thúc phần âm nhạc, là phần hợp tấu của thầy trò lớp học mới này.

Buổi lễ được kéo dài ra, khi Thạc sĩ Sakaya Văn Món, báo tin vui, Ca sĩ-nhạc sĩ Chế  Linh, sẽ ghé thăm.

Trong thời gian chờ đợi, tất cả học viên đã sinh hoạt phân chia đội nhóm, bầu lớp trưởng,… với tinh thần trách nhiệm cao. Sau nhiều cuộc điện thoại, Thạc sĩ Văn Món, đứng ngồi không yên. Vì anh liên tục ra ngoài nghe điện thoại.

Khoảng 10 giờ trưa, Chế Linh đến. Cùng với người nghệ sĩ nhiếp ảnh, bạn ông. Chế Linh đến, đã khuấy động không khí buổi lễ, sau khi thầy Thành Phần giới thiệu sơ lược về lớp học, Chi hội Chăm.

Được mời phát biểu, ông đã tâm sự trong xúc động, kéo dài gần 30 phút. Ông thông báo lần trở lại Việt Nam này, sẽ chính thức hát ở Nhà hát Hòa Bình. Ông hứa sẽ tặng khoảng chục vé mời, cho riêng Chăm. Ông cũng dặn khi đến dự, nhớ chú ý đến trang phục dân tộc mình, và đừng quên vỗ tay khích lệ ông.

Bên cạnh đó, ông cũng cố gắng tổ chức hát miễn phí ở Phan Rang, Ma Lâm, An Giang.

Kết thúc phát biểu của Chế Linh, buổi lễ khai giảng cũng tuyên bố kết thúc.

Như thường lệ đời người nghệ sĩ, trên sân khấu, hay ngoài cánh gà, ca sĩ Chế Linh lại bị vây quanh trong vòng tay các học viên Chăm, Khơmer, Ê đê, …

Khi Chế Linh rời khỏi cổng trường, bác bảo vệ lớn tuổi chia sẻ niềm vui, “gần cuối đời rồi, đây là lầm đầu tiên, bác được thấy Chế Linh bằng xương bằng thịt như thế này”.

 

 

4 thoughts on “Đồng Chuông Tử: Lễ khai giảng lớp tiếng Chăm, đơn giản và hi vọng

  1. Không khí vui tươi đã thể hiện rõ trên đôi vai của thế hệ trẻ Chăm hôm nay, họ là ai, họ làm gì, họ như thế nào…tất cả sẽ hòa quyện vào sức sống Chăm, ngôn ngữ tồn tại thì Chăm trường tồn mãi mãi.

  2. Ở Pajai – Ma lâm, dường như người đàn ông Chăm nào cũng đều “mê muội” tiếng hát Chế Linh. Người ta ngưỡng mộ ông không chỉ là đứa con Chăm biết vượt qua bao cảnh ngộ để đứng lên mà, còn sở hữu cả tư chất giọng hát bất tận, đầy quyến rũ… Ôi! Nếu Chế Linh về hát (như ĐCT “thông báo”) thì chắc (có lẽ) không còn niềm vui nào hơn nữa. Cho dù, chỉ MỘT ĐÊM DUY NHẤT!

  3. Lời kể đơn giản mà ấm cúng. Sao chú Sara không nhắn nhà thơ Đồng Chuông Tử thêm vài tấm ảnh nhỉ? Bây giờ bổ sung cũng chưa muộn đâu.
    Chúc mọi người vui vẻ

  4. Hồi tụi con còn nhỏ ở quê cũng biết tiếng Chăm. Tiếng Chăm và chữ Chăm theo con thì không mất đâu. Cố gắng nói cho đừng bị lộn với tiếng Việt là được. Ở quê người ta dạy, BBS dạy, rồi các thầy ở ĐH cũng dạy…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *