Dịch và dịch tác phẩm văn học

bài đã đăng báo Nhân dân cuối tuần, 15-4-2012

Hội sách thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VII kéo dài một tuần, từ 17-3 đến hết ngày 24-3-2012, đã đánh dấu nhiều kỉ lục: lượng khách đông nhất, doanh thu cao nhất, chương trình bị cắt nhiều nhất… Trong đó xảy ra một điểm cộm khiến văn giới và người đọc bất ngờ nhất, đó là quyết định thu hồi tác phẩm Bản đồ và vùng đất (NXB Văn học và Cty Văn hóa Nhã Nam, 2012) ngay trước thềm Hội sách, ngày 15-3-2012. Quyết định thu hồi từ chính Công Ty in và phát hành đã gây quan tâm lớn, vì đó là dịch phẩm do một dịch giả lâu nay được công nhận uy tín là Cao Việt Dũng dịch tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả thời danh người Pháp là Michel Houellebecq. Hà Thúc Lang trên Tienve,org đã thống kê hơn 3.000 lỗi trên 427 trang sách, không là chuyện nhỏ. Nên nó đã tạo xì-căng-đan, đến nỗi có người đã cho đây là “thảm họa dịch thuật năm 2012”!

 

1. Thế giới mở, nhu cầu tiếp nhận thông tin từ bên ngoài là rất lớn. Từ thành tựu về khoa học kĩ thuật cho đến các trào lưu văn học nghệ thuật tiên tiến, từ các trường phái triết học cho đến các học thuyết kinh tế mới nhất, mà trước thời mở cửa, người Việt Nam chưa có cơ may tiếp nhận. Hạn chế về ngoại ngữ, nên dịch thuật là điều tối cần thiết, để đất nước hội nhập với thế giới. Không phải không lí do, khi Ngô Tự Lập đã đề xuất Kế hoạch 500 cuốn sách với mong muốn truyền bá tinh hoa trí tuệ nhân loại vào đất nước, phá bỏ hố ngăn cách Việt Nam và phần nhân loại còn lại. Mươi năm qua, từ nỗ lực cá nhận hay tập thể, cả ngàn tác phẩm trên thế giới được chuyển ngữ sang tiếng Việt, lần lượt ra đời. Trong đó có các tác phẩm văn học, cả cổ điển lẫn hiện đại.

Thế nhưng, theo giới chuyên môn nhìn nhận, chất lượng của không ít sản phẩm kia đáng đặt thành câu hỏi. Ở đó, “sự cố 15-3-2012” như giọt nước tràn li.

 

2. Dịch, chắc chắn thể loại khó nhất và ít làm hài lòng độc giả nhất, chính là tác phẩm triết học và văn chương. Khó đến nỗi nó được quy thành một châm ngôn đinh đóng “Dịch tức là phản”. Nghĩa là không thể. Thế mà người ta vẫn phải dịch, biến cái bất khả kia thành cái khả thể. Ở thời nào và tại bất cứ quốc gia nào, tác phẩm dịch thuật vẫn được mong đợi. Nhưng việc dịch chỉ trở thành một khoa học, cuối cùng nâng lên thành lí thuyết, có lẽ chỉ có ở Tây phương. Ở Đông phương, tiêu chuẩn “tín, đạt, nhã” chỉ như là một kết quả để thẩm định chứ không là một quá trình, hay chính xác hơn, một khởi điểm cho việc dịch. Theo Cao Xuân Hạo, “nhã” thì khá mơ hồ. Bởi nếu văn bản gốc “khiếm nhã”, lẽ nào văn bản dịch phải đạt chuẩn nhã? Nếu thế, thì nó có đủ “tín” không? Không “tín”, làm sao mà “đạt”? Đúng là vòng lẩn quẩn.

Ở Tây phương thì khác. Họ chi li và rốt ráo hơn.

Koller đề nghị người làm công việc dịch thuật nên lưu ý đến “5 tính tương đương” (1992, Dũng Vũ, “Sơ lược về vấn đề dịch thuật”, Talawas,org, 5-2004). Ngoài Tương đương văn bản chuẩn, là loại văn bản được lập thức một cách chuẩn xác để được mọi người hiểu một cách thống nhất, áp dụng cho các tác phẩm khoa học kĩ thuật, 4 tính tương đương còn lại cần được vận dụng tối đa cho văn bản tư tưởng và văn học. Tương đương nghĩa hẹp đòi hỏi ý nghĩa từ vựng của hai văn bản phải tương đương bất kể đó là thứ ngôn ngữ của dân tộc nào; Tương đương nghĩa rộng là ý nghĩa của từ được mở rộng tùy tác giả, tùy văn cảnh và hoàn cảnh đặc biệt; Tương đương ngữ dụng, ở đây do hai ngôn ngữ có lối diễn đạt khác nhau, không thể dịch từ đối từ mà phải nắm tinh thần văn bản gốc để chuyển sang văn bản dịch sao cho uyển chuyển mang tính đặc trưng của ngôn ngữ mục tiêu; cuối cùng là Tương đương mỹ hình có ý nghĩa đặc biệt đối với tác phẩm văn chương; từ lối chấm câu cho đến nhịp điệu, từ lối sử dụng từ cho đến giọng điệu, văn bản dịch cần đạt tới tác dụng thẩm mỹ tương tự văn bản gốc.

 

3. Xét về năm tính tương đương trên, thì chuyện tự thu hồi Bản đồ và vùng đất của Cty Văn hóa Nhã Nam không phải là oan khuất.

Dịch văn chương đòi hỏi người dịch nắm được cả ngôn ngữ nguồn (source language) lẫn ngôn ngữ mục tiêu (target language), tìm ra mối liên hệ qua lại giữa hai ngôn ngữ. Dịch không chỉ thuần túy là chuyển tải ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ mục tiêu mà là – và nhất là – tôn trọng tối đa nét đặc trưng của ngôn ngữ mục tiêu. Nguyễn Hiến Lê đã làm được như thế, khi ông dám lược bỏ đoạn “thừa”, “rườm rà” hay lối diễn tả trái với văn phong tiếng Việt, khi dịch danh tác Chiến tranh và hòa bình. Phạm Công Thiện với Tự do đầu tiên và cuối cùng của J. Krishnamurti thì làm ngược lại: ông thêm vào hai, ba từ tương đương với nghĩa của từ gốc; làm như thế vừa giữ được nhịp điệu của đoạn văn ở văn bản gốc, vừa muốn huy động các “tinh binh” khả dụng khiến chúng “lột” hết ý nghĩa tiềm ẩn của dụng ngữ ở văn bản nguồn. Bùi Giáng làm khác nữa, ông sẵn sàng thêm vào mấy câu thơ hay đôi lúc cả đoạn văn riêng ông vào đuôi đoạn hay chương sách Hoàng tử bé của S. Exupéry, mà không chút ngại ngần.

Lạ, cả ba dịch phẩm kia đều thuyết phục được người đọc trong nhiều thế hệ.

 

Vậy, làm thế nào để dịch phẩm văn chương có thể hấp dẫn người đọc mà vẫn đạt chữ “tín”? Nắm được tinh thần cả hai ngôn ngữ là điều miễn bàn. Trước hết, dịch giả cần tắm mình trong không khí tư tưởng của tác giả, qua đó nắm được thần hồn của tư tưởng tác phẩm, hay rộng hơn – tác giả. Vẫn còn là chưa đủ. Điều tối cần thiết là thái độ làm việc nghiêm cẩn của người dịch. Thế nhưng, lắm lúc “cẩn thận” quá thành thô vụng, dịch phẩm văn chương sẽ khô cứng và thiếu sức sống. Do đó, đòi hỏi cuối cùng là tài năng. Dịch giả đồng thời phải là đồng tác giả, có khả năng sáng tạo trên chính tác phẩm mình đang dịch.

 

One thought on “Dịch và dịch tác phẩm văn học

  1. Bản in trên báo Nhân Dân sao cắt nhiều chỗ quá. Nhất là bản in đó xóa hết các “nguồn” trích dẫn, e rằng anh Inrasara mang tiếng là thuổng của người khác. Hại lắm. Nhà thơ nên xem lại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *