Đánh giá khách quan tác phẩm văn chương, tại sao không?

Lâu nay cảm nhận chung rằng thẩm định văn chương tùy thuộc gu, mĩ cảm riêng mỗi người, nên việc đánh giá tác phẩm hay/ dở khó tránh khỏi chủ quan. Chủ quan, nên/ và bất cập. Điều đó đúng, nhưng chưa rốt ráo. Cả bài viết mới nhất của một nhà thơ “với tư cách của một ủy viên Hội đồng Thơ” của Hội Nhà văn Việt Nam, dù có nêu phần “khác” thay vì phần “hay” cũng chứa đầy bất cập(1).
Tháng 3-2006, nói chuyện ở Lớp Cử nhân tài năng tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, một sinh viên ngợi ca lục bát Đồng Đức Bốn, bị tôi hỏi vặn:
– Bạn đã đọc lục bát Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư chưa? Câu trả lời là – chưa! Tôi nói:
– Thế thì bạn chưa thể bàn về lục bát được.
Đơn giản, nếu là độc giả phổ thông, có thể khen chê tùy gu, tùy thích, nhưng khi ngồi giảng đường để trở thành người đọc chuyên nghiệp ở thì tương lai (nhà phê bình, giáo viên dạy văn…) thì ta cần đọc hệ thống, nghĩa là phải nhìn thơ lục bát trong tiến trình của nó. Không thể khác.
Còn phát biểu nhân danh “tư cách là một Ủy viên Hội đồng”, đòi hỏi càng cao hơn thế nữa!(1). Nghĩa là ta được ủy nhiệm quyền đưa tay bầu một tác phẩm đoạt Giải thưởng chuyên ngành, thêm hay bớt lá phiếu quyết định cấp hay không cấp thẻ cho đồng nghiệp vào Hội Nhà văn Việt Nam…

Đặt tác phẩm văn chương trong tiến trình phát triển của một nền văn học để nhận diện, vấn đề sẽ rất khác. Bởi, nếu sáng tác thơ văn cứ mãi ở lại với hệ mĩ học cũ, lối viết cũ, thì văn học sẽ đi đến đâu? Giậm chân tại chỗ là cái chắc.
Văn học như là tiến trình – ít ra là với văn chương tiếng Việt trong thời đại toàn cầu hóa – câu hỏi đặt ra là: Tác phẩm kia có nêu được vấn đề đất nước và thời đại không? Có khai phá thủ pháp mới lạ nào không? Dung lượng hiện thực, và… trong đó bao nhiêu? Chưa đề cập việc tác phẩm có biểu hiện một tư tưởng nào mới khả dĩ? Nghĩa là vẫn có tiêu chuẩn khách quan để đánh giá một tác phẩm văn học, chứ không thuần cảm tính với cảm tình đầy chủ quan. Từ chủ quan đến thiên lệch là điều khó tránh.

Hãy bỏ qua bề tối hay vết xước của nó, nhìn lướt Giải Nobel văn chương, tác phẩm của các nhà đoạt giải sáng giá, dù khó phân biệt rạch ròi, luôn hội được một/ một vài hoặc tất cả yếu tố. Có nhà văn nêu lên được tinh thần cốt tủy của con người thời đại họ sống: A. Camus. E. Hemingway, S. Beckett… Họ bắt trúng mạch, tìm lối viết thích hợp, đẩy vấn đề đến cùng và mở rộng nó tối đa. Hoặc họ tiếp nhận, triển khai tư tưởng mới, độc đáo tác động nhiều chiều đến tinh thần con người. Tư tưởng đó được thể hiện qua nhiều thể loại và bằng nhiều cách thức khác nhau. Hoạt động chữ nghĩa của J-P. Sartre là rất điển hình. Hay như những A. Solzhenitsyn, O. Pamuk… nói lên vấn đề lớn của dân tộc, đất nước mình, rộng ra – thời đại mình, không kiêng nể hay hãi sợ. Họ chấp nhận trả giá. Hoặc khám phá lối thể hiện mới ảnh hưởng đến lối viết của người cùng thời hay thế hệ sau: W. Faulkner, G. Márquez…
Đó là chưa kể các nhà văn không đoạt giải nhưng tác phẩm có tác động lớn đến văn học và tư tưởng thời đại: L. Tolstoy, J. Joyce, R.M. Rilke, F. Kafka, M. Proust, E. Pound, V. Nabokov, J.L. Borges, W.H. Auden, S. Rushdie
”(2)

Chỉ khi nào nhà phê bình đặt ra các câu hỏi nền tảng như thế, họ mới tránh sự nhầm lẫn hay bất công không đáng có. Đấy là chưa nói đến các tác phẩm thuộc hệ mĩ học xa lạ, sáng tác mang khả tính mở đường cho nền văn học đi về hướng mới, hướng tương lai.
Nhà phê bình – loại phê bình thẩm định tác phẩm – thể hiện sự sáng tạo tại điểm đó: Khám phá cái đẹp mới của tác phẩm đương thời. Thời Tiền Chiến, khi Thơ Mới đang chập chững, biết bao nhà Nho thủ cựu dè bỉu lẫn khích bác, Hoài Thanh và các nhà khác đã nhìn thấy cái đẹp của nó, nói lên cái đẹp kia đến với công chúng, qua đó thúc đẩy hình thành “một thời đại mới trong thi ca”.
Thơ Sáng Tạo mới ra lò ở miền Nam giữa thập niên 50, Nguyễn Hiến Lê cho rằng các tác giả theo phong trào này chẳng làm gì ra hồn cả, ngoài món lập dị(3). Thế nhưng, ở miền Nam, chính nhóm Sáng Tạo chứ không ai khác đã công lớn trong chuyển hướng và phát triển thơ Việt sau đó. Không thể đánh giá sáng tác thuộc một hệ mĩ học dựa trên cơ sở mĩ học từng hiện hữu trước đó. Chỉ có nhà phê bình tay nghề cao mới khả năng nhận ra cái hay ở nhiều loại thơ khác nhau, nhất là với loại thơ sáng tác theo hệ mĩ học mới.
Thơ Nguyễn Quang Thiều – qua Sự mất ngủ của lửa (1992) và Những người đàn bà gánh nước sông (1995) – đã công lớn trong việc làm đa dạng giọng điệu thơ tiếng Việt. Nó khác với dòng chảy của thơ người cùng thời. Sông Đáy trong khí mạch đất Hà Tây văn vật vang vọng suốt sáng tác của Nguyễn Quang Thiều là một sự khác. Anh khai quật và tìm thấy những báu vật bị bỏ quên hay còn ẩn giấu, ở các tầng sâu thẳm, sâu thẳm hơn nữa nơi quê anh. Anh nhìn thấy những gì người khác không nhìn thấy hoặc, nhìn thấy khác người khác(4). Khác từ hình ảnh, ngôn từ cho đến nhịp điệu. Cái mới đó có người nhận ra, có người không. Nỗ lực kia có người chê bai, có người ủng hộ. Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho Sự mất ngủ của lửa cũng là một cách. Nhưng thế nào đi nữa, thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đã tạo nên dư hưởng không khó nhận ra ở thế hệ thơ miền Bắc theo sau đó.

Như vậy, ngoài sự “khác” còn có sự “hay”, cạnh “hay” vẫn có cả sự “hơn”(5). Có nhà văn độc đáo, có nhà văn lớn, bên cạnh cũng có nhà văn vĩ đại. Thơ Nguyễn Xuân Sanh “khác”, khi giữa dòng chảy của thơ lãng mạn và hiện thực thời thượng, ông đã đặt lại câu hỏi về thơ và cách làm/ đọc thơ. Dù ông chưa có thành tựu, nhưng trong tiến trình thơ Việt, không thể dẹp sang một bên đóng góp của Xuân Thu Nhã tập. Dẫu vậy, qua thẩm định của thời gian, ta có thể nói: Thơ ông không “hay” bằng Bích Khê và tầm vóc nhà thơ của ông không “lớn” bằng Hàn Mặc Tử. E. Dickinson hay và độc đáo, còn “lớn” thì W. Whitman hẳn là hơn. Schekhov lớn là điều đã được khẳng định, nhưng Dostoievski mới vĩ đại. Vĩ đại ở dung lượng khổng lồ đã đành, nó còn ở tư tưởng của ông ảnh hưởng nhiều lãnh vực văn hóa đời sống của nhân loại sau đó.
Nhà phê bình nhạy cảm và tài năng đủ nhận ra cái độc đáo, cái hay, và cái lớn đó ngay khi tác phẩm vừa xuất hiện. Nhận diện, gọi tên và diễn giải chúng bằng cách thức độc đáo nhất có thể.

Sài Gòn, 16-11-2010
_________

Chú thích
(1) Đặng Huy Giang, Hy vọng không có sự “tháo khoán”, Báo Văn nghệ Công An, 15-11-2010:
“… năm 2009, Hội đồng thơ còn xin BCH Hội Nhà văn để khuyết giải thưởng thơ năm nay vì… chất lượng không bằng các năm trước. Là người làm thơ, tôi không hiểu Hội đồng thơ đã dựa vào đâu để đưa ra kết luận kiểu ấy? Đơn giản nếu đem thơ của tác giải A đặt cạnh thơ với tác giả B (cùng là hai tài năng, đã được định giá qua thời gian chẳng hạn), thì cũng nên lấy phần “khác”, không nên lấy phần “hơn” ra so sánh. Thơ Trần Tế Xương là một kiểu hay… Cũng khó mà kết luận thơ ai toàn bích hơn thơ ai và ai được người đọc yêu thích hơn ai. Nên có ai đó nói: Thơ Nguyễn Khuyến hay hơn thơ Trần Tế Xương,… thì cũng là võ đoán và không hoàn toàn thuyết phục. Nhưng nếu nói: Tôi thích thơ Chế Lan Viên hơn thơ Nguyễn Khuyến hoặc ngược, thì dễ nghe và dễ chấp nhận hơn nhiều. Bởi vì “tiêu chí” thích là một cái gì rất vô cùng, không thể tranh luận và không nên đưa ra tranh luận. Tất nhiên, đôi khi trong sự “khác”, có khi cũng đã bao hàm sự “hơn” rồi”.
(2) Inrasara, “Giải Nobel văn chương Việt Nam, tại sao chưa?”, Vietnamnet, 10-10-2008.
(3) “Thời đó có một nhóm nhà văn trẻ ở Bắc di cư vào lập nhóm Sáng Tạo muốn làm một cuộc cải cách, nhưng họ không đủ kiến thức, tài năng… mà cũng không sâu sắc, vì họ ít đọc sách báo ngoại quốc; và đả đảo lối viết của nhóm Tự lực trước kia, mà người cầm đầu Sáng Tạo – Mai Thảo – lại có bút pháp cầu kì, “làm duyên làm dáng”, không hợp thời chút nào, chính bọn họ cũng không theo. Rốt cuộc chẳng gây được tiếng vang nào cả” (Nguyễn Hiến Lê, Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, chương XXVII, vnthuquan.net).
(4) Inrasara, “Thơ đổi mới, một khởi đầu mới”, báo Văn nghệ, 21-2-2009; tạp chí Sông Hương, tháng 7&8-2009.
(5) Tôi đã đặt vấn đề “hay” và “khác” trong tiểu luận: “Vấn đề thơ tuyển”, Tạp chí Văn nghệ Vũng Tàu, số 6, 2005; Tạp chí Nhà văn, số 11, 2005.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *