Nhìn văn học dịch Hàn quốc, ngắm về tình hình văn học Việt Nam

báo Đà Nẵng cuối tuần, 7-8-2011

Hội thảo quốc tế Dịch Văn học và Văn học dịch Hàn Quốc ở châu Á vừa diễn ra tại Khách sạn REX thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị do Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc và Bộ môn Hàn Quốc học thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh tổ chức, gói gọn trong hai buổi chiều 20 & 21-7-2011.

Ngoài các yếu nhân Hàn và Việt, Hội nghị thu hút được các giáo sư đầu ngành, học giả, nhà nghiên cứu từ nhiều nước khác nhau: Han Mei và Wang Dan từ Trung Quốc, Lee Anna và Sainbiligt Dashdorj từ Mông Cổ, Lee Ji Eun và Uraiwan Jitpenthom từ Thái Lan, Hsiang-po từ Đài Loan; và nhất là các học giả – dịch giả Việt Nam như: Hoàng Hải Vân, Nguyễn Thị Hiền, cùng gần trăm khách tham dự.

 

Với mục đích “đưa văn học và văn hóa Hàn Quốc đến gần hơn với thế giới”, Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, nên nó có tầm quan trọng đặc biệt. Mặc dù ngay sau thủ tục lễ lạc, các vị khách và phóng viên báo chí đã lục tục ra về bỏ lại một phần ba số ghế trống. Nhưng không vấn đề, Hội thảo có báo cáo, có thảo luận phản biện, có chất vấn và trả lời câu hỏi trực tiếp nên nó vẫn có sức thu hút riêng.

So với các hội thảo trong nước lâu nay, đây là điều lạ, đáng học hỏi.

Đáng học hỏi hơn nữa là cách người Hàn đưa văn học họ ra nước ngoài. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc ảnh hưởng đến châu Á ra sao thì có lẽ ngay giới bình dân cũng nhận thấy, nhất là với nền điện ảnh đa dạng của họ, nhưng với văn học, họ vẫn còn lép so với hai bạn láng giềng bên cạnh là Trung Quốc và Nhật Bản. Thống kê cho biết 9 đầu sách Hàn trên 85 đầu sách của Nhật có mặt tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, là con số làm cho các cơ quan hữu trách Hàn giật mình. Đó là chưa nói đến Trung Quốc, con số lên tới 539 cuốn! Cố gắng lắm, từ năm 2006, mới có 30 đầu sách Hàn được chuyển dịch ra tiếng Việt. Họ không nóng ruột mới lạ. Trong khi số lượng sinh viên Hàn tại Trường Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh là đông nhất so với sinh viên các nước khác.

Thế là có Hội thảo! Cần thiết và cấp thiết nữa.

 

Giáo sư Han Mei mở đầu bằng bài thuyết trình về vai trò văn học dịch trong thời đại toàn cầu hóa, ở đó sự phát triển văn hóa phải là trung tâm. Bên cạnh chuyển dịch tác phẩm văn học tiếng bản địa sang ngôn ngữ phổ thông quốc tế là tiếng Anh, việc các nước trong khu vực dịch lẫn nhau cần được chú ý đặc biệt. Để bản sắc văn học dân tộc các nước được cộng vào chứ không bị nuốt chửng bởi vài nền văn học lớn, nền văn học được cho là trung tâm. Đó là cách thế giải trung tâm của tinh thần hậu hiện đại trong quan niệm về văn học. Mỗi nền văn học lâu nay vốn bị coi là ngoại vi cần khẳng định mình trong khu vực và trên thế giới, để nhân loại có thể học tập và thâu thái lẫn nhau. Trong đó dịch thuật đóng vai trò then chốt. Bởi dịch thuật chính là cầu nối các quốc gia, các nền văn hóa để các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, bên cạnh dịch thuật đóng vai trò vừa bảo lưu tính đa dạng của nhân loại đồng thời làm giàu thêm kho tàng văn hóa loài người.

 

Thế nhưng, “tình hình dạy môn biên dịch và thực trạng của dịch giả hiện nay” ra sao? Sainbiligt Dashdorj từ Đại học Quốc gia Mông Cổ đã đặt câu hỏi trọng tâm đó. Câu hỏi không những cho văn học Hàn Quốc, mà cấp thiết hơn – cho chính đất nước đang diễn ra hội thảo là Việt Nam. Tình hình dịch thuật của chúng ta quá yếu, đó là sự thật mà thông tin đại chúng than phiền nhiều rồi, xin miễn nhắc lại. Hãy nghe Sainbiligt Dashdorj chỉ ra ba yếu kém của thực trạng dịch thuật ở Mông Cổ: – Xã hội vẫn còn thiếu nhận thức về các dịch giả, – Không có cơ quan tài trợ và ủng hộ quyền lợi dịch giả, và – Không có bằng cấp chứng nhận dịch giả. Đó cũng là ba yếu kém của nền dịch thuật tại Việt Nam. Dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là vậy, dịch ngược lại thì càng thảm hại hơn.

 

Nói có sách mách có chứng. Lee Ji Eun từ Thái Lan đã có bài tham luận đi vào cụ thể: “Văn học Hàn Quốc ở châu Á: trường hợp Thái Lan”. Bà liệt kê đầy đủ các tác phẩm văn học Hàn được dịch ra tiếng Thái, kế đó là bảng thống kê kết quả điều tra thiết vấn về tỉ lệ đọc văn học Hàn Quốc của người Thái Lan và kết quả điều tra tỉ lệ đọc tác phẩm văn học Hàn Quốc của sinh viên – học sinh Thái. Thống kê cho thấy mỗi năm là một nỗ lực mới, khác. Từ các nỗ lực đó, văn học Hàn Quốc đã nhận được kết quả rất khả quan. Năm 2004, Hàn Quốc được các độc giả Thái Lan chọn là Đất nước của năm Country of Year.

 

Ở Việt Nam thì sao?

Hàn Quốc đã là con rồng châu Á mấy thập kỉ qua. Nhưng con rồng ở đâu và về lĩnh vực nào thì được chứ về văn học, nó vẫn còn nằm trong trứng. Giao lưu văn hóa – ở bộ phận hẹp hơn là văn học – là giao lưu hai chiều, thế mà giao lưu Hàn – Việt ở cả hai chiều đều yếu. Chỉ có vài đầu sách văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Hàn, bên cạnh “văn bản hợp tác” dịch văn học Việt Nam với dịch giả Hàn quốc Ahn Kyong Hoan chưa được triển khai. Ngoài ra không gì khác.

Thế nhưng dẫu sao, ở đó vẫn có tín hiệu đáng mừng. Hiện nay ở Việt Nam có mươi trường Đại học mở khoa Hàn Quốc học hay bộ môn giáo dục tiếng Hàn. Và từ vài năm qua, tác phẩm văn học Hàn Quốc xuất hiện qua bản dịch tiếng Việt không còn phải quá giang tiếng Anh như xưa nữa.

Còn Việt Nam thì sao?

 

Năm 2004, Trung Quốc nhập khẩu 4.000 đầu sách từ Mỹ, nhưng chỉ xuất khẩu 14 đầu sách sang nước này; nhập 2.000 đầu sách từ Anh, nhưng chỉ xuất sang đây 16 đầu sách.

Từ năm 1999 đến năm 2002, hơn 280 đoàn nghệ thuật Nga biểu diễn ở Trung Quốc, trong khi chỉ có 30 đoàn nghệ thuật Trung Quốc sang biểu diễn tại Nga. Giai đoạn 2000-2004, Trung Quốc nhập khẩu trên 4.000 phim và chương trình truyền hình, nhưng xuất khẩu không đáng kể. Dòng phim “giai điệu chủ” hầu hết chỉ tiêu thụ được ở khu vực Đông Nam Á mà trong đó Việt Nam là “tiền đồn”.

Đã đành Nga, Mỹ và Anh là ba nước lớn nên Trung Quốc không dễ tiến hành bá quyền văn hóa như với Việt Nam. Nhưng ngay cả một quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu là Hungary – diện tích chỉ bằng một phần ba Việt Nam, dân số 10 triệu – thì cũng từng tổ chức Năm Văn hóa Hungary tại Trung Quốc (2007-2008), và dựng tượng đại thi hào dân tộc Petőfi Sándor ở Thượng Hải.

Số liệu lấy từ bài “Trung Quốc tăng cường trao đổi văn hóa” trên “China Daily”. Báo “Người đại biểu nhân dân” dịch và đăng lại, 26-12-2006.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *