Duy Bằng tìm lại mùa nhau

Đọc tập thơ Tìm lại mùa nhau của Duy Bằng, NXB Thanh niên, H., 2012

 

Giữa đô thị Sài Gòn mà nhịp sống luôn chuyển về phía trước, sôi động, cấp tập như không thể hãm lại được thì có một người “tìm lại mùa nhau”. Tìm lại mùa nhau, với những “khoảng lặng”, “vừng trăng ảo”, “bến thời gian”, với “gió núi”, “hoa sữa”, “nợ tình” chưa trả, “hương lòng” còn vương…

Trong khi thơ hôm nay luôn tìm cách cựa quậy trước thực tại đa chiều, phức tạp khó nắm bắt; cạnh đó, trong lúc nhà thơ đương đại thường trực đối mặt với thời cuộc nhiều biến động, từ biến cố to lớn ảnh hưởng cả khu vực như sự biến ẩn chứa nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột ở Biển Đông, suy thoái kinh tế toàn cầu cho đến vụ việc dường nhỏ bé mang tính cục bộ nhưng tác động ngấm ngầm vào sinh hoạt ngày thường như các tranh chấp đất đai hay leo thang giá vàng, xăng dầu… thì vẫn có nhà thơ quay lại quá khứ xa “tìm lại mùa nhau”.

Tìm lại mùa nhau, để “thức với trăng khuya” mà “đếm tuổi mình”, ngồi lại với “kí ức mùa đông” của chính mình mà “độc thoại” để “hát lời xa xưa”.

Nhớ lại tuổi xưa

Một thời gió cát

Nắm tay nhau

Mở trang sách học trò…

 

Em lấy chồng xa

Quãng đời lưu lạc

Anh ra đi không hẹn ngày sang

Bởi xa cách

Nên dài thêm khoảng nhớ

Lúc thu buồn

Thơ viết dở không trang.

Thời Thơ Mới, có nhà thơ đã đi ngược dòng thời đại như thế. Quách Tấn với Mùa cổ điển gần như một mình đi ngược lại xu hướng thơ thời đoạn ấy. Không hẳn chống lại “thơ mới”, xu hướng văn nghệ của thế hệ mới, mà như muốn níu lại cái gì sắp mất, vĩnh viễn, trong chân trời của dòng “thơ sáng tạo”.

Duy Bằng hôm nay, không phải “cô độc” như Quách Tấn của ngày ấy, bởi cạnh anh có không ít kẻ đồng hành. Trong ba dòng chính thơ đương đại Việt Nam: dòng câu lạc bộ, dòng tiếp hiện và dòng sáng tạo, thơ Duy Bằng đứng vào dòng nào? Hay ở giữa những dòng nào?

Người đọc không khó tìm thấy suốt tập thơ Tìm lại mùa xưa những “tuổi xưa”, “trang sách học trò”, “một thời vụng dại”, “em lấy chồng xa”, “heo may giọt nắng”, “sắc lá vàng phai”, “trăng khuya lẻ bóng”, “thơm nếp hương quê”, “nỗi nhớ sang mùa”,… Ước lệ với thi ảnh và cụm từ kia có mặt đầy trong các tập thơ của nhà thơ hôm nay. Chúng tìm đến [hay Duy Bằng sử dụng lại chúng] ở Tìm lại mùa nhau không là điều lạ.

Tôi đã đề nghị một lần ở tiểu luận “Hóa giải và hòa giải ba loại nhà thơ hôm nay” (tạp chí Sông Hương, 6-2010) rằng, không cần phải phân biệt đối xử giữa ba loại thơ này. Mỗi loại thơ tồn tại có lí do của nó. Và cần thiết. Thơ lục bát không thể chết đi, là chuyện không bàn. Hoặc có khờ mới ý định giải tán các câu lạc bộ thơ Đường luật, thơ mực tím, áo trắng các loại. Thơ trên diễn đàn công cộng hay thơ trong chương trình sách giáo khoa, thơ “tiếp hiện” in tràn mặt báo hay tạp chí hiện tại cũng thế. Không hề gì cả. Càng không vấn đề, khi có cá nhân tách đàn, dũng cảm kia mở một trào lưu mới và quyết tâm theo đuổi đến cùng con đường biệt lập mà chưa hẳn người đọc hôm nay chấp nhận.

Chỉ khi nào ba “loài” nhà thơ này quay lại công kích nhau, mới thành vấn đề.

Thơ Duy Bằng không mới, nhưng nó thật. Lời thật và tình thật.

Thế rồi ta cũng chia tay

Em ở lại với tôi trở về phố cũ

Con đò xưa vắng chiều

Bến rũ

Thương mang một vết loang buồn…

 

Xa cách đợi

Thời gian rộng hư vô

Nhà lẻ bong bữa cơm chiều nhàn nhạt

Ta chờ em đêm dài hoang mạc

Cong queo giấc ngủ chập chờn.

Tình thật với bao nhiêu kỉ niệm từ thuở niên thiếu trải dài đến những ngày chuẩn bị bước sang tuổi thất thập. Mái trường làng yên ả hay mối tình thanh xuân trong xanh, con sông quê với bến đò xưa cũ nay đã nên bãi nên phố, hình bóng mẹ đã xa khuất hay thân phận mình đang phiêu giạt xứ lạ quê người… Tất cả làm nên kỉ niệm vừa êm đềm vừa nhức nhói để tạo ra mạch chảy xuyên suốt tập Tìm lại mùa nhau.

Xen kẽ xưa và nay, quá khứ và hiện tại luôn tồn tại khoảng giữa.

Nhớ lại tuổi thơ một thời gió cát

Nắm tay nhau mở trang sách học trò…

 

Nay trở lại

Rêu phong mái tóc

Chính khoảng giữa chông chênh đó sinh ra loại thơ hồi khứ – Tìm lại mùa nhau. Một tập thơ dù không hề có dấu vết của nỗ lực sáng tạo câu chữ, hình ảnh hay cách nói mà đều đều và chậm rãi ở nhịp điệu, sâu lắng ở suy nghiệm cuộc người, nên không phải không đáng đọc. Nhất là khi thơ Việt đã quá miệt mài với nỗi phiêu lưu sáng tạo không biết đâu là điểm dừng; khi thân ta đã mỏi mệt, rã rời với nhịp sống xô bồ thời hiện đại; và nhất là khi hồn ta đã chán chê với lắm thức ăn tinh thần lạ lẫm của mọi dạng thức trong thế giới toàn cầu hóa,… ta tìm lại mùa nhau.

Để thanh thản trong chân trời yên ả của kỉ niệm, một kỉ niệm của ta và cho riêng ta. Và vài tâm hồn đồng điệu nữa, chắc thế.

 

Sài Gòn, 30-3-2012

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *