Bích Dương nhận xét ngắn về văn học/ văn học viết về dân tộc thiểu số và miền núi

Báo Sức khỏe & Đời sống, 2009

 

Điều dễ nhận thấy là văn học viết về các dân tộc thiểu số luôn có một sức hút khó cưỡng. Bắt đúng tâm lý ưa “của lạ”, thích khám phá những vùng miền còn nhiều bí ẩn của độc giả, những nhà văn viết về các dân tộc thiểu số đã cống hiến cho nền văn học nước nhà những tác phẩm văn học có giá trị.

Gặp gỡ ở La Pan Tẩn (1999), Móng vuốt thời gian (2003) của  Ma Văn Kháng khiến nhiều người đọc cứ ngỡ ông là người dân tộc “chính hiệu”. Những truyện ngắn về đề tài dân tộc, miền núi của Nguyễn Huy Thiệp như Những người thợ xẻThổ cẩm, Những ngọn gió Hua Tát, Muối của rừng… làm say mê nhiều thế hệ độc giả. Nhiều người thú nhận đã đọc đi đọc lại những trang viết này của Nguyễn Huy Thiệp mà vẫn tấm tắc khen hay, phục tài một nhà văn có lối viết linh hoạt và hậu hiện đại một cách rất đại chúng. Đỗ Bích Thúy với Bóng của cây sồi(2005), Tôi đã trở về trên núi cao, Sau những mùa trăng và đặc biệt, tập truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (2005) đã đưa chị lên hàng những nhà văn viết về dân tộc miền núi xuất sắc nhất hiện nay. Truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy sau khi được đạo diễn Ngô Quang Hải dựng thành phim Chuyện của Pao và đạt những giải thưởng danh giá đã đưa tên tuổi Đỗ Bích Thúy đến với độc giả gần hơn nữa. Inrasara được coi như kỳ nhân của làng văn, một Tháp nắng của cộng đồng người Chăm với những công trình nghiên cứu và tác phẩm thơ ca để đời.

Mới đây, nhà văn Dương Thuấn đã thẳng thắn “Đội ngũ nhà văn dân tộc thiểu số hiện nay đang bị lão hóa…Văn học thiểu số chưa bật lên được”. Rõ ràng không cứ phải là người dân tộc thiểu số thì mới viết hay về đề tài này. Tuy nhiên, nhìn lại hành trình đã qua, nói văn học thiểu số đang chững lại cũng không sai. Nhìn lại những thành công đã đạt được về mảng đề tài nhiều tiềm năng này, nhiều độc giả không khỏi ngậm ngùi khi ngày càng ít đi những tác phẩm, tác giả viết về dân tộc thiểu số thực sự xuất sắc và có sức hút lớn. Những kịch bản về các dân tộc thiểu số cũng ngày càng ít đi.

 

 

2 thoughts on “Bích Dương nhận xét ngắn về văn học/ văn học viết về dân tộc thiểu số và miền núi

  1. Đúng rồi, những tác phẩm lớn của chúng ta phần nhiều ở trong rừng trong núi mà ra. Cái câu “hiền tài là khí thiêng sông núi” thì cũng là rừng là núi. ở những vùng rừng sâu núi cao nếu có được những tài năng văn chương tôi nghĩ nó sẽ bổ sung một nửa thiếu hụt cho vh… Đọc một bài văn, một bài thơ của một học sinh miền núi tôi thấy nó khác hẳn.
    Trước đây ở một khách sạn Buôn Ma Thuột người ta cho tôi mượn một tạp chí, tôi đọc lướt qua có một bài thơ tôi thuộc ngay như sau:

    Tôi lớn lên tưng bừng đường phố
    Nay lần đầu xa mẹ, xa cha
    Đến buôn nhỏ lòng đầy bỡ ngỡ
    Trăn trở hoài bao nỗi gần xa.

    Những vần thơ kì diệu:

    Tôi thiếp ngủ, có ai gọi nhỏ
    Cô giáo a, trời đã sáng rồi
    A Mí già ngồi bên bếp lửa
    Quả bầu khô bên miệng chiếc nồi.

    Có thể nói không phải tài năng làm ra văn chương mà là khí thiêng sông núi làm ra.
    Mong sao có được nhiều nữa những cây bút miền núi.

    Hồ Cảnh Hưng

  2. Cái cửa sổ lửng đề các chữ Inrasara, Tác Giả A-Q, tác giả P-Z ở trên nó cứ cà chạy cà chạy theo che kín cái màn hình đọc không được gì hết hà. Nhà thơ quan tâm tới văn học miền núi mà xài màn LCD to, không quan tâm tới mấy người đọc xài màn hình độ phân giải thấp gì hết trơn. Nhà thơ thử tìm một cái máy tính màn hình độ phân giải thấp mở web mình lên thì biết.

Leave a Reply to Hồ Cảnh Hưng Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *